Chủ tịch TP.HCM: Bộ KH-ĐT trả lời không rõ, căn cứ vào câu trả lời cũng không biết sao mà làm
© Ảnh : Bùi Thị Xuân Anh - TTXVNTp. Hồ Chí Minh công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở/ ngành, địa phương năm 2022
© Ảnh : Bùi Thị Xuân Anh - TTXVN
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Sáng 11/5, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị công bố chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành, địa phương TP.HCM (DDCI) năm 2022 và triển khai các giải pháp nâng cao chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2023.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã có chia sẻ về thông tin Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng nhắc đến việc năm 2022 TP.HCM gửi, hỏi bộ 584 văn bản và bộ đã trả lời 604 văn bản tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 9/5.
Theo ông Phan Văn Mãi, ngày 16/4 vừa qua, khi đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với TP.HCM, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng có phát biểu về việc địa phương gửi 584 văn bản hỏi ý kiến, và Bộ KH-ĐT đã có 604 văn bản trả lời. Từ đây liên hệ tới vấn đề tình trạng các cơ quan hành chính, công chức, viên chức của TP.HCM không dám làm dẫn đến đình trệ.
"Thực tế vấn đề này thế nào?", ông Mãi nói và cho biết những vấn đề này cơ bản nằm ở 4 nhóm.
Nhóm 1 là các vấn đề thực tiễn của TP.HCM phát sinh, quy định pháp luật chưa có nên phải hỏi ý kiến về hướng xử lý.
Nhóm 2 là có những vấn đề đã có quy định nhưng còn sự khác nhau giữa luật này và luật kia nên phải hỏi để thống nhất hướng giải quyết.
Nhóm 3 là đã có quy định nhưng cách hiểu còn khác nhau.
Nhóm 4 là đã có quy định nhưng việc nghiên cứu còn nhiều điểm chưa chắc chắn nên phải hỏi.
Theo ông Phan Văn Mãi, nếu quy các trường hợp thuộc nhóm 4 là sợ, không dám làm thì có thể đúng, nhưng các nhóm còn lại là cần phải hỏi.
Thực tế trong hơn 600 văn bản Bộ KH-ĐT trả lời cũng có rất nhiều nội dung trả lời không rõ, căn cứ vào câu trả lời cũng không biết sao mà làm cho đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
“Từ đây có vấn đề là hỏi chuyện không cần hỏi hay không là có, tuy nhiên vấn đề là tỷ lệ chiếm bao nhiêu, chứ không phải là tất cả. Về việc này, qua đây thành phố cũng nhận rõ là nếu mình có thì sẽ sửa để tốt hơn, không có ý tránh trách nhiệm hay đổ lỗi. Cũng nhân đây, thành phố mong các chuyên gia, tổ chức, các kênh thông tin truyền thông có cái nhìn khách quan và phân tích trên tinh thần chỉ ra để thành phố tiếp thu, làm tốt hơn, đóng góp cho việc chung tốt hơn”, ông Phan Văn Mãi bày tỏ.
Phê bình Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Du lịch
Tại lễ công bố kết quả đánh giá, ông Mãi cũng cho biết việc thực hiện đánh giá DDCI cấp sở, ngành, quận, huyện thể hiện quyết tâm "vượt qua chính mình" của thành phố để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Người đứng đầu chính quyền thành phố nhấn mạnh, bên cạnh sự tích cực của các cơ quan thực hiện, vẫn còn các đơn vị chưa gửi danh sách khảo sát. Ông Mãi đề nghị thủ trưởng các đơn vị này phải nghiêm túc rút kinh nghiệm.
"Tôi nghiêm túc phê bình các cơ quan, đơn vị chưa "tham gia nghiêm túc" như Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Du lịch", Chủ tịch UBND TPHCM thẳng thắn chỉ rõ.
Liên quan đến chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) mà TP.HCM tụt hạng, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết cần phải tập trung rà soát lại, làm đồng bộ hơn và phải vào cuộc một cách mạnh mẽ hơn nữa ngay từ thời điểm này.