Mỹ, EU, Trung Quốc bất ngờ "quay xe", ngành mũi nhọn của Việt Nam gặp khó
© TTXVN - Nguyễn Vũ Thành ĐạtThành phố Hồ Chí Minh: Cần nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển ngành công nghiệp thực phẩm
© TTXVN - Nguyễn Vũ Thành Đạt
Đăng ký
Mỹ, EU, Trung Quốc- những đối tác thương mại lớn nhất của ngành thuỷ sản Việt Nam - bất ngờ giảm nhập khẩu mặt hàng chủ lực quan trọng này do lạm phát, thắt chặt chi tiêu và nhu cầu tiêu dùng giảm.
Theo Chủ tịch VASEP Nguyễn Thị Thu Sắc, ngành thủy sản Việt Nam năm 2023 sẽ vô cùng khó khăn.
Mỹ, EU, Trung Quốc bất ngờ giảm nhập khẩu thuỷ sản
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, sau khi lập đỉnh xuất khẩu 11 tỷ USD trong năm ngoái, từ cuối năm 2022 đến nay kim ngạch xuất khẩu thủy sản liên tục giảm, dự báo sẽ tiếp tục khó khăn trong quý 3/2023.
Theo VASEP, 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt hơn 3,2 tỷ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước và giảm sâu từ 10 -50% tại các thị trường chính.
Trong đó, hàng thủy sản xuất sang Mỹ giảm mạnh nhất với hơn 50% về trị giá, EU giảm gần 32% và Trung Quốc giảm hơn 25%. Đặc biệt, các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chính đều giảm 2 con số, bao gồm tôm giảm gần 36%, cá tra giảm gần 40% và cá ngừ giảm hơn 30%.
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan thể hiện, tháng 5/2023, xuất khẩu thủy sản đạt 809,5 triệu USD, tăng 8,9% so với tháng 4/2023 nhưng vẫn giảm mạnh so với mức 1,06 tỷ USD của tháng 5/2022.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản chỉ đạt gần 3,38 tỷ USD, giảm 27,9% - tức hụt thu hơn 1,3 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thể hiện, các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều ghi nhận mức sụt giảm mạnh trong 5 tháng đầu năm nay. Trong đó, xuất khẩu cá tra chỉ thu về 690 triệu USD, giảm 40,7%; tôm đạt 1,22 tỷ USD, giảm 34,4% so với cùng kỳ năm 2022.
"Năm 2023 ngành thủy sản sẽ cực kỳ khó khăn"
Phát biểu tại Hội nghị toàn thể hội viên năm 2023 và kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) ngày 12/6, Chủ tịch VASEP Nguyễn Thị Thu Sắc cho biết, từ cuối năm 2022, hiệp hội và các doanh nghiệp đã xác định năm 2023 ngành thủy sản sẽ cực kỳ khó khăn.
Dự báo này được đưa ra trên cơ sở tình hình lạm phát thế giới ngày càng trầm trọng, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường chính giảm rõ rệt, hàng tồn kho còn nhiều.
"Hiện tại, tại các thị trường xuất khẩu, do ảnh hưởng của tình hình lạm phát cao, lãi suất tăng, nhiều ngân hàng tuyên bố phá sản, Mỹ suýt rơi vào tình trạng vỡ nợ đã tác động rất lớn đến sức cầu của nền kinh tế Mỹ và có ảnh hưởng đến mức tiêu thụ thủy sản của Việt Nam", - đại diện VASEP cho biết.
Bên cạnh đó, xung đột Nga và Ukraina chưa có dấu hiệu kết thúc, khủng hoảng khí hậu, lạm phát tăng cao và các chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ tiếp tục tác động đến kinh tế thế giới trong thời gian tới. Điều này cũng gây ra nhiều rủi ro cho chuỗi cung ứng toàn cầu và những biến động về giá lương thực – thực phẩm.
Theo Chủ tịch VASEP Nguyễn Thị Thu Sắc, nhiều dự báo cho rằng nhu cầu thủy sản của các thị trường có thể sẽ còn tiếp tục giảm trong quý 3/2023 thay vì phục hồi từ quý 2 như những dự báo trước đây.
Ngoài ra, ngành tôm Việt còn đối mặt với khả năng cạnh tranh giá thành nuôi tôm với Ecuador, Ấn Độ. Ngành cá tra đối diện với thách thức về chi phí tăng cao, nguồn giống chất lượng thiếu ổn định. Thẻ vàng IUU cũng đang là một hạn chế lớn cho sự tăng trưởng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Với ngành cá tra, xuất khẩu giảm mạnh tại nhiều thị trường được lý giải là do hậu quả của lạm phát kéo dài và lượng hàng tồn kho của các nhà bán lẻ tại thị trường nhập khẩu. Người nuôi và doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức do chi phí nguyên liệu và các đầu vào khác tăng cao, lợi nhuận giảm mạnh, thiếu vốn đề quay vòng sản xuất kinh doanh.
Bà Sắc trăn trở: "Câu hỏi là chúng ta có nên suy nghĩ bằng lòng với kết quả xuất khẩu năm 2023 bằng năm 2019 không? Tôi nghĩ là chúng ta có thể làm được hơn thế khi cùng đồng lòng, tích cực tìm các giải pháp để vượt qua những khó khăn hiện nay và phát triển".
Trông chờ vào Mỹ khi dân Trung Quốc tiêu dùng thận trọng
Nêu trong báo cáo phân tích ngành thủy sản mới đây, Công ty chứng khoán VNDirect kỳ vọng xuất khẩu thủy sản nửa cuối năm 2023 sẽ hồi phục khi nhu cầu tiêu thụ của 3 thị trường chính gồm Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc có dấu hiệu tăng.
Theo VNDirect, tại thị trường Hoa Kỳ, sẽ phục hồi từ nửa cuối năm 2023 do lạm phát hạ nhiệt, mức tồn kho giảm và nhu cầu cao phục vụ dịp lễ cuối năm. Điều này giúp kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong nửa cuối năm 2023 sẽ tăng 40 - 50% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, tại thị trường EU, tiêu thụ cá tra tiếp tục cải thiện và ổn định trong nửa cuối năm nay. Lạm phát ở EU vẫn ở mức cao trong khi nguồn cung các loại cá thịt trắng khác, như cá minh thái, bị ảnh hưởng bởi căng thẳng giữa Nga và Ukraina, cá tra Việt Nam vẫn rộng cửa ở thị trường này.
Riêng thị trường Trung Quốc, VNDirect dự báo xuất khẩu thủy sản sang thị trường 1,4 tỷ dân này sẽ không tăng trưởng mạnh so với nửa đầu năm nay.
Theo nhóm phân tích: "Người dân Trung Quốc đang có tâm lý tiêu dùng thận trọng hơn trong nửa cuối năm 2023 khi các hộ gia đình có thể phải thắt chặt chi tiêu để trả nợ trong khi tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 4/2023 đã đạt mức kỷ lục".
Nhóm nghiên cứu của VNDirect nêu rằng, chi tiêu hộ gia đình Trung Quốc tăng nhanh hơn thu nhập trong đại dịch do thu nhập của họ bị ảnh hưởng. Mức nợ hộ gia đình đã tăng khoảng 7%, từ mức 56% lên 63% trong 3 năm qua. Nợ gia tăng là một trong những lý do khiến các hộ gia đình Trung Quốc không vay thêm nữa bất chấp lãi suất thấp kỷ lục và các chính sách nới lỏng tiền tệ của nước này.
"Do nền tảng kinh tế vĩ mô của nền kinh tế Trung Quốc khó đoán định và sự cạnh tranh gay gắt từ các nước khác, dự báo xuất khẩu thuỷ sản từ Việt Nam sang Trung Quốc trong nửa cuối 2023 sẽ không tăng trưởng mạnh so với nửa đầu năm", - VNDirect nhấn mạnh.
Tiếp tục đưa thủy sản Việt Nam ra quốc tế
Trước tình hình khó khăn này, theo đại diện VASEP, sự đồng lòng, chia sẻ và đoàn kết giữa các doanh nghiệp thủy sản đã làm nên những cột mốc quan trọng cho ngành, từ doanh số 1 tỷ USD cho đến 11 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 thế giới và hướng đến mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD.
Chủ tịch VASEP cũng cho rằng, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp và hiệp hội, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ NN&PTNT và các cơ quan Bộ ngành cũng sẽ giúp ngành thủy sản của Việt Nam vượt qua khó khăn và ngày càng phát triển lớn mạnh, bền vững hơn.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định, VASEP là tổ chức đại diện cho gần 200 hội viên là các doanh nghiệp đứng đầu về chế biến, xuất khẩu thủy sản tại Việt Nam, đóng góp hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Thứ trưởng đề nghị VASEP tiếp tục hoàn thành tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và Chính phủ, cộng đồng ngư dân và các thị trường quốc tế.
"Từ đó, góp phần tiếp tục đưa thủy sản Việt Nam ra quốc tế, giữ vị thế là quốc gia đứng thứ 3 thế giới về cung cấp thủy sản", - ông Tiến nhấn mạnh.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, Bộ NN&PTNT cam kết luôn đồng hành cùng hiệp hội để VASEP có thể thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ đề ra tại hội nghị.
Thứ trưởng Tiến yêu cầu, từ nay đến cuối năm 2023, VASEP cần thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất các giải pháp, kịp thời thông tin, tuyên truyền để người dân biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp.
Hiệp hội cần tăng cường sự hợp tác, đoàn kết giữa các doanh nghiệp trong việc duy trì và đa dạng hóa thị trường, tuân thủ các quy định của Việt Nam và thị trường nhập khẩu, bài trừ việc cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm pháp luật, phát triển thiếu bền vững.
Đồng thời, cần thông báo kịp thời tới Bộ, ngành liên quan về các vướng mắc trong quá trình xuất khẩu để có biện pháp xử lý kịp thời, tiếp tục chủ động đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các chính sách để tạo điều kiện tối đa cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý và tăng trưởng bền vững.
VASEP cũng cần tiếp tục vận động, tuyên truyền các hội viên áp dụng công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất, đẩy mạnh liên kết sản xuất, giữ vững và phát triển thị trường đầu ra, đấu tranh với các rào cản kỹ thuật.