Việt Nam: Ngân hàng Nhà nước sắp họp, sẽ có thêm đợt giảm lãi suất cho vay
© AFP 2023 / Hoang Dinh Nam Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
© AFP 2023 / Hoang Dinh Nam
Đăng ký
Theo lời Phó Thống đốc Đào Minh Tú, chưa bao giờ Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh “rất đặc biệt” như thời gian qua.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang chuẩn bị họp với các ngân hàng thương mại, vận động các ngân hàng tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi vay để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục làm việc với các ngân hàng về giảm lãi suất.
NHNN “lăn lộn” và “quần quật” trong giai đoạn đặc biệt chưa từng có
Cách mà Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú miêu tả quá trình Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ phải vật lộn, điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua cho thấy những khó khăn chưa từng có.
Trước đó, báo cáo tại Hội nghị giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và hấp thụ vốn của nền kinh tế diễn ra vào ngày 19/6, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thừa nhận:
“Chưa bao giờ Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh "rất đặc biệt" như thời gian giữa năm 2022 đến nay, nhất là những tháng đầu năm. Chịu tác động rất nhiều từ tình hình nội tại cũng như bối cảnh kinh tế thế giới”.
Theo ông Tú, Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ, NHNN "quần quật" điều hành trong những tháng vừa qua, rồi "lăn lộn", đồng hành cùng doanh nghiệp, kết hợp hài hòa cả lý luận và thực tiễn để điều hành kinh tế vĩ mô, trong đó có chính sách tiền tệ. Kết quả nổi bật là giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát.
Ông bộc bạch, vẫn cơ chế điều hành tiền tệ như thời gian qua, vẫn con người, bộ máy làm tín dụng như thế, việc huy động vốn vẫn đặt ra thường xuyên các điều kiện về phía chủ quan ngành ngân hàng cơ bản không có thay đổi gây khó khăn cho việc tiếp cận tín dụng. Do đó cần phải nhìn nhận rất rõ các yếu tố chủ quan cả về phía ngân hàng, doanh nghiệp để có giải pháp khắc phục.
Đại diện lãnh đạo NHNN cũng thừa nhận nhà điều hành như các ngân hàng thương mại còn hạn chế trong việc tổ chức công tác truyền thông chưa tốt về công tác tín dụng.
Báo cáo của NHNN đã nêu chi tiết về công tác điều hành và các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, người dân. Trong đó nhấn mạnh, về điều hành cung ứng tiền và thanh khoản, NHNN điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, điều kiện thanh khoản nhằm ổn định thị trường tiền tệ, sẵn sàng cung ứng vốn cho phục hồi và phát triển kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước sắp họp với các ngân hàng thương mại
Theo thông tin trên báo Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang chuẩn bị họp với các ngân hàng thương mại, vận động các ngân hàng tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi vay để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Sau 4 đợt cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN từ đầu năm đến nay, mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường đã giảm rất mạnh. Từ giữa tuần này, lãi suất huy động tại nhóm ngân hàng Big 4 kỳ hạn 1 - 2 tháng thấp nhất chỉ còn 3,4%/năm, lãi suất kỳ hạn 6 tháng chỉ từ 5%/năm và kỳ hạn cao nhất chỉ còn 6,3%/năm (kỳ hạn 12 - 18 tháng).
Trong đó, lãi suất huy động thấp nhất thuộc về VietinBank. Theo ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, ngân hàng này lần đầu tiên tăng trưởng tín dụng âm trong tháng 5/2023 và phải “hãm” huy động vốn.
Điều này chứng tỏ điều Phó Thống đốc chia sẻ rằng, có nhân viên ngân hàng nói với ông rằng, nhiều doanh nghiệp không những không có nhu cầu vay mà còn "đòi" trả lại tiền mới vay là đúng và thực tế ngân hàng đã thừa tiền. Trong khi đó, nhóm ngân hàng TMCP tư nhân cũng công bố giảm lãi suất 0,1-0,3%/năm tùy từng kỳ hạn. Lãi suất tiết kiệm 8%/năm hầu như không còn.
Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân VND ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1,0%/năm so với cuối năm 2022).
Thêm nữa, thanh khoản các tổ chức tín dụng đều đang rất dồi dào, kể cả các ngân hàng nhỏ. Đây cũng là một trong những lý do khiến lãi suất giảm sâu. Thế nhưng, dù lãi suất giảm nhanh, nhưng tín dụng vẫn tăng trưởng rất chậm.
Tháng 2/2023, NHNN đã giao room tín dụng cho ngân hàng thương mại cả nước là 11%, theo định hướng cả năm 14-15%. Dù vậy, đến ngày 15/6, tín dụng mới chỉ tăng 3,36% so với cuối năm 2022, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước.
“Hạn mức không thiếu, huy động vốn không thấp, khả năng cung ứng vốn của các ngân hàng đầy đủ sẵn sàng. Doanh nghiệp, lĩnh vực kinh tế cần vốn và đảm bảo khả năng trả nợ chắc chắn sẽ được vay vốn”, - Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.
Lý giải vì sao tín dụng tăng chậm, NHNN cho biết, là do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế rất yếu, bởi nhiều nguyên nhân, có từ ngân hàng, từ những lý do khách quan của nền kinh tế trong nước và ảnh hưởng bởi kinh tế thế giới. Doanh nghiệp khó khăn, dòng tiền đứt đoạn, hàng tồn kho nhiều, thậm chí một số doanh nghiệp phải giảm bớt người lao động. Trong khi đó, giá cả nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao dẫn tới giá cả hàng hoá tăng. Sức mua cũng suy yếu dẫn tới nhu cầu vay vốn thấp.
Theo ông Tú, từ góc độ doanh nghiệp, ai cũng mong lãi suất cho vay giảm. Bản thân các ngân hàng cũng rất mong muốn điều này.
Nhưng, để giải quyết một cách hài hoà, tạo sự cân bằng giữa cung và cầu về vốn cho nền kinh tế, tạo sự cân bằng giữa khả năng cho vay của ngân hàng và khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, cần phải có những điểm cân bằng.
Cần giảm lãi suất cho vay
Có thể thấy, hiện nay, lãi suất huy động đang giảm nhanh hơn lãi suất cho vay.
Lãi suất các khoản vay mới xoay quanh 10%/năm, song lãi suất với các khoản vay hiện hữu vẫn ở mức 12-13,5%/năm, do giá vốn các ngân hàng huy động cao đầu năm nay vẫn còn tồn kho. Tuy vậy, mặt bằng lãi suất cho vay được dự báo sẽ giảm mạnh hơn và rộng hơn vào quý tới.
Chuyên gia kinh tế - TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam phân tích, giảm lãi suất cho vay là mong muốn của người dân, doanh nghiệp.
Theo quy luật cung cầu, giảm lãi suất sẽ phần nào kích thích nhu cầu về tín dụng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, giảm lãi suất không phải là tất cả, mà cầu của doanh nghiệp mới là yếu tố quyết định.
“Hiện nay, khó khăn đang bủa vây doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, thậm chí Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết, khoảng 50-60% hội viên đang phải thu hẹp sản xuất, nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, vốn lưu động không thể tốt như trước đây”, - ông Bình cho biết.
Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, NHNN sắp làm việc với ngân hàng thương mại, vận động giảm lãi suất huy động, tiết giảm chi phí để giảm lãi vay.
“Lãi suất điều hành đã giảm thì các ngân hàng thương mại phải chia sẻ bằng việc chia sẻ lợi nhuận và giảm chi phí điều hành để giảm lãi suất cho vay”, - Phó Thống đốc nói thẳng.
Cùng với đó, NHNN cũng cho biết sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng để cho vay các chương trình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.
Ông khẳng định, NHNN sẽ điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Ngân hàng đang thừa tiền
Theo ông Trần Đức Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta cho rằng, mặt bằng lãi vay chắc chắn sẽ giảm xuống, giúp doanh nghiệp, người dân hưởng lợi.
Theo ông Nghĩa, hiện nay, tất cả doanh nghiệp có phương án kinh doanh hiệu quả đều tiếp cận được vốn. Vì vậy, đây là lúc doanh nghiệp nên tận dụng cơ hội lãi suất rẻ để vượt qua khó khăn, tìm thị trường, bạn hàng tiềm năng mới.
Thiếu phương án kinh doanh khả thi, thiếu tài sản thế chấp, doanh nghiệp muốn ngành ngân hàng nới lỏng điều kiện, hạ chuẩn vay để có thể dễ bề tiếp cận vốn. Tuy vậy, các ngân hàng cho rằng, bản thân các ngân hàng thương mại cũng không hoàn toàn muốn dùng tài sản thế chấp để làm điều kiện vay, nhưng phần lớn doanh nghiệp không minh bạch về tài chính, nên khó thẩm định và nếu xảy ra nợ xấu thì ngân hàng đứng trước rủi ro lớn.
Về vấn đề này, thông tin với báo Đầu tư, đại diện Ngân hàng Quân đội MB cho rằng, ngân hàng và doanh nghiệp phải hiểu và chấp nhận nhau. Ngân hàng thương mại đang cố gắng giảm tối đa lãi suất, còn doanh nghiệp cần cố gắng cung cấp thông tin cho ngân hàng để cải thiện vấn đề tiếp cận vốn vay.
“Ai cũng mong muốn lãi suất cho vay thấp, nguồn cho vay nhiều. Chúng tôi cũng muốn tăng trưởng tín dụng, nhưng không phải bằng cách hạ chuẩn để “ném” tín dụng ra một cách vô lối. Tăng trưởng tín dụng phải đảm bảo chất lượng tín dụng, hiệu quả tín dụng. Đó là bài toán khó”, - Phó thống đốc Đào Minh Tú nêu thẳng vấn đề.
Hiện tại, NHNN chỉ kiểm soát tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Với khoảng 12,32 triệu tỷ đồng cho vay toàn nền kinh tế 6 tháng qua, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP cả nước.