Sầu riêng Việt Nam: Doanh nghiệp đang ‘đánh nhau’ và tự thua trên sân nhà
© Ảnh : TTXVN - Tống Thị Hoài ThuDiễn đàn “Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam”
© Ảnh : TTXVN - Tống Thị Hoài Thu
Đăng ký
Từ khi vừa ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã lường trước được những khó khăn sẽ xảy đến.
Thực tế cho thấy, giá sầu riêng tăng mất kiểm soát, hiện tượng tranh mua, tranh bán, bẻ cọc sầu riêng đang ảnh hưởng lớn đến chất lượng, uy tín và thương hiệu sầu riêng Việt Nam.
Theo Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk, việc tranh nhau mua bán sầu riêng, các doanh nghiệp Việt đang “đánh nhau” và “tự thua ngay trên sân nhà”.
Những vấn đề của trái sầu riêng Việt Nam
Ngày 11/9, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị tỉnh Đắk Lắk và các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT tổ chức diễn đàn “Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam”.
Theo đó, diện tích trồng sầu riêng tại Việt Nam đã tăng nhanh trong những năm gần đây, bình quân mỗi năm tăng gần 25%. Đến nay, Việt Nam có khoảng hơn 112.000 ha sầu riêng. Tổng sản lượng hiện đạt khoảng 900.000 tấn.
Sau khi Trung Quốc chính thức chấp thuận nhập khẩu chính ngạch sầu riêng Việt Nam, ngành hàng này đã có bước phát triển mạnh mẽ với kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt trên 1,5 tỷ USD trong năm 2023.
Tuy nhiên, thời gian qua, đã xuất hiện hiện tượng tranh mua, tranh bán, loạn giá, bẻ cọc, bỏ hợp đồng, phá vỡ chuỗi liên kết… tại các vùng trồng sầu riêng, nhất là khu vực Tây Nguyên.
Điều này dẫn đến việc vi phạm các quy định của nhà nước về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn xuất khẩu, qua đó gây ra nguy cơ làm suy giảm uy tín, chất lượng, thương hiệu sản phẩm sầu riêng Việt Nam trên thị trường thế giới.
Doanh nghiệp ‘đánh nhau và tự thua ngay trên sân nhà’
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk, đã có những chia sẻ hết sức đáng chú ý.
Ở đây, điều mà ông Chiến cảm thấy chưa an tâm nhất chính là về tính bền vững trong công tác cấp, quản lý mã số vùng trồng.
Theo Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông, một số đơn vị đứng chủ mã số vùng trồng nhưng chưa mua được sản phẩm từ mã số. Tuy nhiên, từ các mã vùng trồng này, một số đơn vị vẫn làm thủ tục xuất khẩu bình thường.
Vấn đề thứ hai là những mã số vùng trồng được làm chuẩn như nhật ký ghi chép, theo dõi, giám sát sinh vật gây hại có giá bán ngang bằng, thậm chí thấp hơn những đơn vị khác.
Vấn đề thứ ba, theo ông Chiến, việc tranh mua, tranh bán sầu riêng diễn ra thường xuyên.
“Các doanh nghiệp trong nước đang "đánh nhau" và tự thua trên sân nhà”, - ông Chiến thẳng thắn.
Theo chuyên gia, vì các vấn đề trên, nên các thành viên HTX Tân Lập Đông mới chỉ đồng ý bán khoảng 20% sản lượng trong tổng số 1.400 tấn. Cùng với đó, HTX vấp phải tình trạng rất nhiều thương lái đến hỏi mua sầu riêng mà không quan tâm đến mã số vùng trồng.
“Tôi hỏi tại sao sản phẩm đi xuất khẩu mà không quan tâm đến mã số, họ vỗ vai nói là việc mua bán mã số vùng trồng giờ quá đơn giản”, - báo Người lao động dẫn lời ông Chiến thể hiện thái độ rất bức xúc trước hiện tượng mua bán sầu riêng bát nháo hiện nay.
Cũng thông qua diễn đàn lần này, ông Chiến đề nghị các cơ quan quản lý kiểm soát, giám sát chặt chẽ hơn nữa việc cấp, quản lý mã số vùng trồng, bởi có những đơn vị "không cần làm gì" vẫn tham gia vào chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp trả giá nào, họ sẵn sàng trả cao thêm 2 giá (2.000 đồng/kg) để mua từ người dân.
Ông Lê Anh Trung, Giám đốc đối ngoại của Tập đoàn Vạn Hòa Holding (TP HCM) chia sẻ về việc liên kết sản xuất với người dân, tập huấn, nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng mã số vùng trồng, hỗ trợ vốn cho dân nhưng từ các vùng miền Tây, miền Đông lên Tây Nguyên đều thất bại hoàn toàn.
Ông Trung cho biết, tập đoàn Vạn Hòa Holding có hợp đồng bao tiêu liên kết với nông dân trước khi thu hoạch 15-20 ngày, nhưng trước đó 2 tháng các thương lái, "cò" đất ồ ạt xuống các vườn để chốt, cọc gây phân tâm cho người nông dân.
Nếu giá thuận tự nhiên, việc mua bán vẫn diễn ra bình thường, nhưng khi giá xuống, thương lái, “cò” đất sẽ đề nghị xuống giá.
“Cuối cùng nông dân vẫn là người chịu thiệt thòi”, - ông Trung bày tỏ.
Đại diện doanh nghiệp cũng bày tỏ, trong quá trình doanh nghiệp thu hồi vốn, 40% người nông dân hiểu vấn đề, mong công ty tiếp tục hợp tác, nhưng chính sách liên kết thất bại sẽ rất khó khăn trong việc tiếp tục đầu tư.
Trăn trở của Bộ trưởng Lê Minh Hoan với trái sầu riêng Việt Nam
Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, bức xúc của ngành nông nghiệp nói chung và sầu riêng nói riêng.
Theo Bộ trưởng, ngay khi vừa ký nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, ông đã hình dung được câu chuyện sau đó, lường trước được những khó khăn. Thực tế đã cho thấy, ngành sầu riêng, chanh dây… hiện đã bước vào giai đoạn khó khăn.
“Câu chuyện sầu riêng không phải là câu chuyện lạ đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Trước đó, có rất nhiều ngành hàng tiềm năng như vú sữa Lò Rèn… xuất khẩu sang Mỹ rất háo hức nhưng đã rơi vào bi kịch vì chúng ta nghĩ thời cơ nhiều hơn là nhận diện thách thức”, - người đứng đầu ngành nông nghiệp chia sẻ.
Theo ông, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn thể hiện qua việc "hợp tác - liên kết - thị trường".
Vì thế, điều quan trọng là phải tổ chức lại cấu trúc ngành hàng bền vững. Trong đó, phải có sự hiện diện của cả sản xuất và tiêu thụ, tức là có nông dân và doanh nghiệp. Nó không đơn thuần chỉ là cải tiến kỹ thuật gieo trồng mà là tạo ra không gian để nông dân, doanh nghiệp ngồi lại với nhau.
Đồng thời, đã đến lúc siết chặt quản lý nhà nước. Theo ông Hoan, siết chặt ở địa phương không có nghĩa là Bộ NN-PTNT thoái thác trách nhiệm, vì ngành hàng sầu riêng là hình ảnh của nền nông nghiệp Việt Nam.
“Các doanh nghiệp cũng cần thấm nhuần tư tưởng kinh doanh, buôn bán sầu riêng không chỉ vì lợi nhuận mà còn là trách nhiệm với nền nông nghiệp quốc gia. Từ đó, chuyển từ quan hệ thuận mua vừa bán sang quan hệ hợp tác. Phải tạo được sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất với nhau. Phải quyết tâm giải quyết cho được vấn đề "nông dân tư duy mùa vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ, chính quyền tư duy nhiệm kỳ", - Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý.
Tại diễn đàn, nhiều đại diện các ban ngành, doanh nghiệp đã chia sẻ về bất cập, khó khăn, thách thức trong tổ chức sản xuất, chế biến, thương mại, xuất khẩu ngành hàng sầu riêng Việt Nam.
Để giúp ngành sầu riêng Việt Nam phát triển bền vững, đại diện các Cục, Vụ, Trung tâm tham dự diễn đàn sẽ phổ biến rộng rãi các quy định về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm, các quy định về hợp đồng kinh tế, thương mại nông sản, liên kết sản xuất cũng như các quy định về việc xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm sẽ được đưa ra trong Nghị định Bộ NN-PTNT trình Chính phủ ban hành tới đây.
Từ đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và có những giải pháp cụ thể, quyết liệt để bảo vệ, phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng đến đông đảo quần chúng nhân dân, các cấp chính quyền, hệ thống chính trị, hợp tác xã, doanh nghiệp và bà con nông dân trồng sầu riêng.