Nhà đầu tư Trung Quốc ồ ạt đem tiền sang Việt Nam
© Ảnh : Công ty TNHH Minh TríDoanh nghiệp dệt may Việt Nam
© Ảnh : Công ty TNHH Minh Trí
Đăng ký
Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang “xếp hàng” chờ cơ hội chuyển dịch nhà máy sản xuất sang Việt Nam.
Từ khi thương chiến Mỹ - Trung bắt đầu, Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến thu hút của các nhà đầu tư Trung Quốc muốn tránh thuế nhập khẩu của Mỹ.
Doanh nghiệp Trung Quốc xếp hàng chờ tham vấn
Theo SCMP, sau khi Hội chợ Trung Quốc – ASEAN bế mạc, vẫn còn hơn 10 đại diện doanh nghiệp Trung Quốc chờ bà Nguyễn Thị Nga, giám đốc kinh doanh tại Khu công nghiệp Deep C Việt Nam giải đáp thắc mắc.
“Kể từ năm ngoái, doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến việc dời nhà máy sang Việt Nam. Nhu cầu đặc biệt bùng nổ trong năm nay, sau hai năm đại dịch”, bà Nga nói với SCMP.
Theo bà, một nửa trong số những khách hàng Trung Quốc, bao gồm các nhà sản xuất hóa chất, điện tử và tấm pin mặt trời, đều đang quan tâm đến Deep C.
"Chúng tôi đang mong đợi sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư tham gia", bà Nga nói, cho biết sẽ có thêm 7 đến 8 nhà đầu tư Trung Quốc chuyển sang Việt Nam vào cuối năm nay.
Kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra năm 2018, Việt Nam đã trở thành điểm đến ưa thích của các doanh nghiệp muốn di dời chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc nhằm tránh thuế nhập khẩu của Mỹ. Tuy nhiên, sự cạnh tranh trong khu vực dự kiến sẽ còn gay gắt hơn trong việc thu hút đầu tư từ Trung Quốc.
Môi trường chính trị ổn định và lực lượng lao động trẻ, chi phí thấp thứ ba ở châu Á là những lợi thế để Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu trong khu vực.
Dù vậy, các các chuyên gia đã dự báo về việc các nhà nhập khẩu phương Tây, nhất là Mỹ, có thể sẽ thắt chặt quy tắc xuất xứ. Điều này có nghĩa là, các công ty nhập linh kiện, nguyên phụ liệu sản xuất từ Trung Quốc nhưng lắp ráp tại các nước như Việt Nam để tránh thuế sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn.
Chi phí vẫn là nhân tố quan trọng số 1
Dù việc thắt chặt quy tắc xuất xứ có thể áp dụng ở bất kỳ nước nào chứ không chỉ Việt Nam, nhưng theo một giám đốc kinh doanh khu công nghiệp của Malaysia, các nước khác trong khu vực đang có thêm cơ hội để thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc.
“Theo chúng tôi được biết, các doanh nghiệp Trung Quốc đang tìm những địa điểm khác ngoài Việt Nam vì quy tắc xuất xứ hàng hóa đang bị giám sát ngày càng chặt chẽ, trong khi các nước Đông Nam Á khác chưa bị áp các quy định này”, vị này nói.
Theo vị này, dù khu công nghiệp Malaysia đến nay mới chỉ thu hút một vài khách hàng Trung Quốc, ông vẫn đều đặn đến Trung Quốc ít nhất mỗi tháng một lần kể từ đầu năm nhằm thu hút đầu tư.
“Thực tế là chúng tôi có cơ sở hạ tầng tương đối phát triển và quan trọng nhất là lượng người nói tiếng Trung đông đảo giúp chúng tôi trở thành một điểm đến hấp dẫn”, vị này cho biết thêm.
Song, với nhiều công ty Trung Quốc có nhu cầu chuyển dịch sản xuất sang Đông Nam Á, chi phí vẫn là mối quan tâm hàng đầu.
Pan Junxian, chủ một doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng ở Giang Tô, đã đến hội chợ để tìm kiếm địa điểm tiềm năng nhằm chuyển ít nhất 1/3 chuỗi sản xuất của mình ra khỏi Trung Quốc.
Thế nhưng, ông đã sốc khi biết rằng chỉ có thể tiết kiệm được khoảng 20% chi phí nhân công khi chuyển đến Việt Nam. Trong khi đó, Thái Lan cũng là một lựa chọn hấp dẫn với nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên tương đối rẻ.
“Nhà máy của tôi sẽ sử dụng nhiều điện nên tôi cần tính toán kỹ vị trí nào giúp tiết giảm chi phí”, ông Pan nói.
Do dịch bệnh Covid-19, ông Pan đã sa thải một nửa số công nhân trong nhà máy. Hiện ông này đang tìm cách mở rộng quy mô kinh doanh trở lại nhưng ưu tiên vẫn là cắt giảm chi phí và tìm thị trường xuất khẩu mới.
“Tôi không tự tin vào việc mở rộng hoạt động kinh doanh của mình trong vài năm tới khi xét đến tình trạng kinh tế trì trệ cả trong nước và quốc tế, nhưng nếu các công ty mua sản phẩm của chúng tôi để sản xuất chuyển ra khỏi Trung Quốc, chúng tôi cũng phải di chuyển theo”, ông Pan chia sẻ.
Trung Quốc tăng đầu tư vào Việt Nam
Theo ghi nhận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng đầu năm, Trung Quốc đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam gần 2,69 tỷ USD; vượt cả Nhật Bản và Hàn Quốc để xếp thứ 2 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư lớn vào Việt Nam.
Thậm chí, nếu xét về số lượng dự án thì Trung Quốc còn là quốc gia dẫn đầu về số dự án mới, với tỉ lệ 20,7%.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước liên tiếp đạt kỷ lục mới. Trong nhiều năm liền, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN, lớn thứ 6 trên thế giới của Trung Quốc.
GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, cho biết không chỉ trong năm 2023 mà còn từ nay đến năm 2025 và dài hơn, Việt Nam sẽ là điểm đến của nhà đầu tư Trung Quốc.
"Trung Quốc không thể bỏ lỡ các cơ hội đầu tư sang Việt Nam thông qua tận dụng các đối tác xuất khẩu thuận lợi để giao thương hàng hoá", ông Mại nhận định.