Doanh nhân Việt Nam thế hệ mới phải ngang tầm thế giới
19:27 11.10.2023 (Đã cập nhật: 19:30 11.10.2023)
© TTXVN - Lê Trí DũngTổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII
© TTXVN - Lê Trí Dũng
Đăng ký
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam thời kỳ mới, trong đó, mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam sẽ có nhiều doanh nhân năng lực tầm khu vực, thế giới và làm chủ một số chuỗi giá trị toàn cầu.
Nghị quyết 41 cũng tái khẳng định quan điểm không hình sự hóa quan hệ kinh tế, đồng thời, nhấn mạnh yêu cầu xây dựng đội ngũ doanh nhân "làm giàu chính đáng", đề cao đạo đức kinh doanh, không cấu kết với cán bộ suy thoái, gây thiệt hại cho Nhà nước, làm mất niềm tin của nhân dân.
Phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ
Ngày 10/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết 41 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Như vậy, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị khóa Xi về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Việt Nam mới ban hành thêm nghị quyết mới theo đúng hơi thở của thời đại.
Bộ Chính trị nêu, vai trò của doanh nhân và tổ chức đại diện cho đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp được củng cố, phát huy.
Bộ Chính trị đánh giá, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Đồng thời, ngày càng khẳng định được vai trò, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
"Một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế", - Bộ Chính trị đánh giá.
Cùng với đó, việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân được đẩy mạnh. Môi trường sản xuất, kinh doanh được cải thiện, ngày càng bình đẳng, thuận lợi.
Tuy nhiên, Bộ Chính trị cũng nhìn nhận, sự phát triển của đội ngũ doanh nhân chưa đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ mới.
"Phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, năng lực kinh doanh, kỹ năng quản trị còn hạn chế", - Bộ Chính trị nhìn nhận.
Bên cạnh đó, số doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn sắt các chuỗi cung ứng còn ít. Đặc biệt, tính liên kết, hợp tác, khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn yếu.
"Một bộ phận doanh nhân, đạo đức, văn hóa kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc chưa cao, còn vi phạm pháp luật, cấu kết với cán bộ suy thoái, chạy theo lợi ích cá nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước, làm giảm sút niềm tin của nhân dân", - Bộ Chính trị thừa nhận.
Nghị quyết cũng nêu, một số cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chậm được triển khai, hiệu quả chưa cao.
Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cho doanh nhân.
Bộ Chính trị cho rằng, những hạn chế, yếu kém này chủ yếu do nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền chưa đầy đủ, sâu sắc, công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có lúc, có nơi còn hình thức.
"Công tác quản lý nhà nước, sự phối hợp giữa các cơ quan trong xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật chưa chặt chẽ, thường xuyên", - Nghị quyết lưu ý.
Ngang tầm thế giới
Từ bối cảnh này, Nghị quyết nêu mục tiêu tổng quát, theo đó, Việt Nam sẽ phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh.
Bộ Chính trị đề cập 4 chữ "làm giàu chính đáng" trong Nghị quyết và cho rằng, doanh nhân thế hệ mới ngoài năng động sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, còn phải có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc, có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước.
Đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu, phát triển đội ngũ doanh nhân có quy mô, năng lực, trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
"Phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt", - Bộ Chính trị nêu rõ.
Đến năm 2030, Việt Nam cũng đặt mục tiêu có một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn.
Tầm nhìn đến năm 2045, đội ngũ doanh nhân Việt Nam được kỳ vọng sẽ có quy mô, năng lực, trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia, phát triển, thu nhập cao, có uy tín, vị thế trong khu vực và quốc tế.
Đặc biệt, Việt Nam mong muốn một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Không hình sự hóa quan hệ kinh tế
Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Chính trị nêu ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp, từ nâng cao nhận thức về vai trò đội ngũ doanh nhân cho tới hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến.
Bộ Chính trị đề nghị khẩn trương rà soát, thể chế hóa kịp thời, đầy đủ đồng bộ, đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp, tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, pháp luật về sở hữu, quyền tự do kinh doanh, bảo hộ quyền tài sản hợp pháp, khởi nghiệp bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm và "không hình sự hóa quan hệ kinh tế".
Bộ Chính trị cũng yêu cầu từng bước mở rộng, hoàn thiện cơ chế đối thoại, tham vấn của cơ quan dân cử, cơ quan quản lý nhà nước với đội ngũ doanh nhân trong quá trình xây dựng, hoạch định, tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách pháp luật, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát, bảo đảm công khai minh bạch trong quan hệ giữa các cơ quan nhà nước, công chức viên chức với doanh nhân, doanh nghiệp.
"Có cơ chế ngăn ngừa, xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu, cản trở, tham nhũng, tiêu cực đối với doanh nhân, doanh nghiệp", - Bộ Chính trị nêu quyết tâm.
Nghị quyết mới ban hành của Bộ Chính trị cũng yêu cầu cần có chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân quốc gia, ngành, địa phương gắn với mục tiêu tổng quát, mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới.
Bộ Chính trị khuyến khích khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong toàn xã hội, nhất là trong các lĩnh vực mới, trong thế hệ trẻ, tạo điều kiện để đội ngũ doanh nhân có đại diện tham gia vào các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức hợp pháp khác.
Đặc biệt, Bộ Chính trị yêu cầu xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy vai trò của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức đại diện đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp.
Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước trong xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân.