Việt Nam: Đằng sau làn sóng dân ồ ạt đem tiền gửi ngân hàng
© iStock.com / PoppyPixelsĐồng Việt Nam
© iStock.com / PoppyPixels
Đăng ký
Năm 2023, Việt Nam đón dòng tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng cao kỷ lục hơn 13,5 triệu tỷ đồng trên cả nước và riêng tại TPHCM đạt trên 1,34 triệu tỷ đồng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận, con số kỷ lục cao nhất từ trước tới nay này cho thấy thu nhập được cải thiện cũng như niềm tin của người dân.
Đánh giá về dòng tiền nhàn rỗi trong dân ồ ạt đổ vào hệ thống ngân hàng, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho rằng, kênh tiền gửi ngân hàng không chỉ mang lại lợi ích từ tiền lãi mà còn là nơi người dân giữ của để dành, tích lũy tiện lợi và an toàn.
Tiền gửi dân cư tăng mạnh vào hệ thống ngân hàng
Ngày 22/1, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM thông tin cho biết,tính đến cuối năm 2023, tổng tiền gửi tiết kiệm dân cư của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn TP.HCM đạt hơn 1,34 triệu tỷ đồng.
Mức này đã tăng 7,8% so với năm 2022, chiếm 38% so với tổng tiền gửi trên địa bàn thành phố.
“Đây là bộ phận tiền gửi luôn chiếm tỷ trọng cao trong tổng tiền gửi”, - Diễn đàn doanh nghiệp dẫn lời ông Lệnh cho biết.
Nhìn nhận về tốc độ tăng trưởng tiền gửi tại địa bàn thành phố, ông Lệnh cho biết, so với 10 năm trước đây, cơ cấu tiền gửi có sự thay đổi theo xu hướng tiền gửi của tổ chức kinh tế và cá nhân tăng, chiếm tỷ trọng cao nhất.
Thực tế cho thấy, cơ chế chính sách về tiền tệ, tín dụng và lãi suất của ngân hàng nhà nước trong suốt thời gian qua đã và đang phát huy hiệu quả, củng cố vững chắc ổn định kinh tế vĩ mô và kìm giữ lạm phát, ổn định giá trị tiền đồng, chống đô la hóa nền kinh tế.
Những kết quả quan trọng này là niềm tin, là sự thu hút người dân tiếp tục gửi tiền tiết kiệm vào hệ thống ngân hàng.
“Sự duy trì tốc độ tăng trưởng của bộ phận tiền gửi này ở mức bình quân 10%/năm trong suốt 10 năm qua không chỉ phản ánh đây là nguồn tiền gửi quan trọng mà còn cho thấy niềm tin, sự tín nhiệm cao của người dân đối với kênh tiền gửi ngân hàng, hiệu quả và tiện ích”, - ông Nguyễn Đức Lệnh bày tỏ.
Xu hướng này là do các sản phẩm dịch vụ huy động vốn của các tổ chức tín dụng không chỉ ngày càng đa dạng mà còn đem lại sự thuận lợi cho người gửi tiền (cả về lợi ích, kết hợp khả năng thanh toán, tín dụng).
Trong đó, xu hướng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đã tác động tích cực đến tiền gửi thanh toán, tiền gửi không kỳ hạn tại các tổ chức tín dụng trong những năm gần đây theo xu hướng ngày càng tăng, mang lại nhiều lợi ích cho ngân hàng, khách hàng và nền kinh tế.
Về nghiệp vụ, huy động vốn của các tổ chức tín dụng thông qua hình thức tiền gửi và hình thức tiết kiệm dân cư không có nhiều khác nhau. Ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết, bản chất là tiền gửi với các kỳ hạn khác nhau và được chi trả lãi suất tương ứng với từng loại kỳ hạn cũng như sử dụng linh hoạt theo nhu cầu người gửi tiền với những cam kết và thỏa thuận cụ thể giữa tổ chức tín dụng và người gửi tiền.
“Tuy nhiên vẫn có sự khác biệt gắn với bản chất của tiền gửi tiết kiệm dân cư, các tổ chức tín dụng cần đặc biệt quan tâm, phát huy để duy trì hình thức tiền gửi này trong điều kiện của nền kinh tế đất nước và truyền thống tốt đẹp của người dân”, - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM nêu rõ.
Vì sao người dân vẫn đem tiền gửi ngân hàng dù lãi suất giảm?
Đáng chú ý, mặc dù lãi suất huy động đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, nhưng dòng tiền nhàn rỗi trong dân vẫn đổ mạnh về hệ thống ngân hàng.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, đầu tiên, tiền gửi tiết kiệm dân cư, với bản chất là tiền tiết kiệm, tích lũy của người dân, gửi vào ngân hàng để giành và hưởng lãi suất.
“Đây là khoản tiền gửi vào ngân hàng vừa để dự phòng, vừa để hưởng lãi và vừa là tích lũy, đúng với tâm lý, suy nghĩ và thói quen của đại bộ phận người dân”, - chuyên gia cho biết.
Đến nay, dù trong nền kinh tế hiện đại, thị trường tài chính phát triển, có nhiều hình thức đầu tư, kênh đầu tư mang lại lợi ích song tiền gửi tiết kiệm dân cư vẫn được người dân lựa chọn.
“Ngoài yếu tố bản chất như phân tích ở phần trên, thì kênh tiền gửi ngân hàng không chỉ mang lại lợi ích từ tiền lãi mà còn là nơi gửi gắm niềm tin, nơi giữ “của đề giành” cho người dân tích lũy, tiết kiệm cho nhu cầu cuộc sống an toàn nhất, tiện lợi nhất và rất hiệu quả”, - ông Nguyễn Đức Lệnh nói.
Theo Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, khi nhận thức được như vậy, các tổ chức tín dụngcần tiếp tục đặc biệt quan tâm đến hình thức tiền gửi này, phát triển đa dạng, phong phú sản phẩm.
Đồng thời, cần làm tốt công tác chăm sóc khách hàng, công tác tư vấn, hướng dẫn để người dân tiếp tục yên tâm “chọn mặt gửi vàng” trong điều kiện thị trường tài chính ngày càng phát triển, nền kinh tế phát triển và có nhiều kênh đầu tư kinh doanh.
Vấn đề thứ hai, cần khai thác tốt lợi thế và sự khác biệt của hình thức tiền gửi dân cư. Ông Nguyễn Đức Lệnh nhắc lại, do đây là tiền gửi tiết kiệm dân cư nên nguồn vốn này ổn định hơn rất nhiều so với nguồn vốn tiền gửi khác.
Do đó, các tổ chức tín dụng rất thuận lợi trong hoạt động khai thác và sử dụng vốn, chủ động trong việc sử dụng nguồn vốn này để cho vay, nhờ đó hạn chế rủi ro tín dụng, nhất là rủi ro kỳ hạn và rủi ro lãi suất. Mặc dù khả năng tối đa hóa lợi ích không cao so với nguồn tiền gửi khác nhất là tiền gửi không kỳ hạn.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng ổn định và bền vững của tiền gửi tiết kiệm dân cư sẽ phát huy tốt vai trò và bản chất hoạt động ngân hàng và có tác động tích cực, hiệu quả đối với quá trình mở rộng và tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng hiện nay.
Tiếp đó, cần làm tốt công tác truyền thông, chăm sóc và tư vấn khách hàng. Làm được điều này, các TCTD không chỉ thu hút nguồn tiền gửi, mà còn tạo điều kiện cho khách hàng, người dân hiểu rõ về dịch vụ, hiểu rõ về quy định của pháp luật, nắm bắt rõ dịch vụ.
Từ đó người dân thực hiện tốt quy định của pháp luật, sử dụng dịch vụ ngân hàng hiệu quả, đồng thời hạn chế được các rủi ro do yếu tố tin đồn, yếu tố lừa đảo, gây tác động ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng.
Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM lưu ý, hoạt động này, cần phải được làm liên tục và thường xuyên, gắn với hoạt động thông tin, tư vấn và chăm sóc khách hàng; hoạt động bảo đảm an ninh an toàn trong công tác thanh toán và phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm công nghệ cao.
Mức tiền gửi cao kỷ lục cho thấy thu nhập và niềm tin của người dân tăng cao
Số liệu trước đó được Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, lượng tiền gửi của người dân và tổ chức kinh tế vào các ngân hàng trong năm 2023 đã đạt mức cao kỷ lục với hơn 13,5 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2023, tăng 14% so với năm 2022 bất chấp lãi suất được điều chỉnh giảm.
Thống kê cho thấy, riêng trong năm 2023, tiền gửi của của cư dân và các tổ chức kinh tế đã tăng thêm 1,68 triệu tỷ đồng – mức tăng cao nhất trong hàng chục năm trở lại đây, trong đó riêng quý IV tăng trên 800.000 tỷ đồng.
Nếu so với năm 2022, lượng tiền gửi tăng thêm trong năm 2023 cao gần gấp đôi. Các ngân hàng lớn trên thị trường, đặc biệt nhóm Big 3 trong số 4 nhà băng quốc doanh niêm yết đã ghi nhận tăng mạnh huy động vốn.
Cụ thể, huy động vốn của BIDV đến cuối năm 2023 đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,5%; tăng trưởng huy động vốn của VietinBank đạt 13,7%, Vietcombank tăng 12,1%.
Phát biểu tại diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thuỵ Sĩ mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, Việt Nam tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi trong kiểm soát.
Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá phù hợp và thực tế thời gian qua, đồng tiền Việt Nam vẫn tương đối ổn định so với các đồng tiền khác.
“Cũng trong năm 2023, người dân và các tổ chức kinh tế gửi vào ngân hàng khoảng 13,5 triệu tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay, cho thấy thu nhập được cải thiện và niềm tin của người dân”, - Thủ tướng cho biết.