Việt Nam đang ở đâu trong ngành công nghiệp vũ trụ?
08:06 08.02.2024 (Đã cập nhật: 17:00 08.02.2024)
© Ảnh : Trung tâm vũ trụ quốc gia Việt Nam (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam)Vệ tinh radar đầu tiên của Việt Nam LOTUSat-1 dự kiến được phóng vào đầu năm 2025
© Ảnh : Trung tâm vũ trụ quốc gia Việt Nam (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam)
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Việt Nam đang đẩy nhanh tiến độ hiện thực hóa giấc mơ làm chủ công nghệ vệ tinh. 2025 sẽ là dấu mốc quan trọng tiếp theo đối với ngành công nghiệp vũ trụ Việt Nam. Sputnik đã phỏng vấn Phó Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) TS. Lê Xuân Huy để hiểu rõ hơn về nội dung này.
Từ chủ trương đến thực tế
Công nghệ vệ tinh là một lĩnh vực còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Ngoài việc mua và tiếp nhận các vệ tinh, Việt Nam đang đề ra mục tiêu tự chế tạo vệ tinh trong tương lai để có thể tiếp cận và chuyển giao công nghệ tiên tiến cho Việt Nam. Điều này sẽ giúp tối đa hóa lợi ích và phát triển trong lĩnh vực vệ tinh của quốc gia.
Thực tế nhiều năm gần đây cho thấy, Việt Nam đang mong muốn đẩy nhanh tiến độ hiện thực hóa giấc mơ làm chủ công nghệ vệ tinh. Từ năm 2006, Chiến lược Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, định hướng cho quá trình phát triển công nghệ vũ trụ trong nước.
Sự kiện vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam VNREDSat-1 được phóng thành công lên quỹ đạo vào ngày 7/5/2013 là dấu mốc quan trọng trong quá trình thực hiện Chiến lược phát triển công nghệ vũ trụ ở Việt Nam. Vệ tinh này có khả năng chụp ảnh toàn bộ các khu vực trên bề mặt Trái Đất. Đến nay, đã hoạt động trên quỹ đạo được 11 năm. Đây là kết quả hợp tác giữa Chính phủ Pháp và Việt Nam.
© Ảnh : Trung tâm vũ trụ quốc gia Việt Nam (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam)Vệ tinh VNREDSat-1
Vệ tinh VNREDSat-1
© Ảnh : Trung tâm vũ trụ quốc gia Việt Nam (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam)
Tuy nhiên, với mục tiêu làm chủ công nghệ vệ tinh quan sát Trái đất, Việt Nam vẫn còn giới hạn về trình độ và công nghệ, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện Việt Nam vẫn đang mua các vệ tinh này nhằm đảm bảo nhu cầu quốc gia. Thông qua các dự án mua vệ tinh này, mục tiêu tương lai của quốc gia là tự chế tạo vệ tinh và tối đa hóa việc chuyển giao công nghệ tiên tiến cho Việt Nam .
© Ảnh : Trung tâm vũ trụ quốc gia Việt Nam (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam)Vệ tinh Việt Nam qua từng thời kỳ
Vệ tinh Việt Nam qua từng thời kỳ
© Ảnh : Trung tâm vũ trụ quốc gia Việt Nam (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam)
Ngoài các dự án mua vệ tinh như đã nêu trên, những thành tựu nổi bật phải kể đến việc các kỹ sư Việt Nam đã nghiên cứu, chế tạo ba vệ tinh siêu nhỏ "Make in Viet Nam" gồm PicoDragon (2013), MicroDragon (2019).
Năm 2021 có thêm bước tiến mới với vệ tinh NanoDragon. Vệ tinh được thiết kế, tích hợp hoàn toàn ở Việt Nam với nền công nghiệp phụ trợ của Việt Nam, khác biệt so với hai vệ tinh trước đó. Đây là vệ tinh mới nhất do các kỹ sư Việt phát triển.
© Ảnh : Trung tâm vũ trụ quốc gia Việt Nam (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam)Kỹ sư Việt Nam thiết kế, chế tạo cho vệ tinh NanoDragon
Kỹ sư Việt Nam thiết kế, chế tạo cho vệ tinh NanoDragon
© Ảnh : Trung tâm vũ trụ quốc gia Việt Nam (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam)
Cũng chính trong năm 2021 này, Chính phủ tiếp tục định hướng chiến lược phát triển về khoa học công nghệ vũ trụ trong giai đoạn mới, tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược này vẫn tiếp tục định hướng làm chủ công nghệ vệ tinh quang học và radar & quan sát Trái đất. Đồng thời, xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh thu hút quan tâm và đầu tư từ doanh nghiệp (DN).
Gần đây, thông tin Vệ tinh radar đầu tiên của Việt Nam sẽ phóng lên quỹ đạo đầu năm 2025, thu hút sự quan tâm của dư luận. Như Sputnik đã đưa tin trước đó, việc chế tạo vệ tinh LOTUSat-1 dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 3/2024 và sẽ được phóng lên quỹ đạo trong khoảng thời gian từ tháng 12/2024 đến tháng 2/2025. Khi đó, toàn bộ hệ thống sẽ được đưa vào hoạt động để nhận tín hiệu từ vệ tinh.
Phó Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) TS. Lê Xuân Huy cho biết, khác với các vệ tinh quang học, vệ tinh radar có khả năng chụp ảnh trong mọi điều kiện thời tiết, đặc biệt là khi có mây, sương mù và thiếu ánh sáng.
“Vệ tinh này sẽ đem lại nhiều ý nghĩa cho Việt Nam, góp phần thực hiện chiến lược của Chính phủ đề ra. Nguyên lý hoạt động của vệ tinh radar LOTUSat-1 phù hợp với điều kiện thời tiết khí hậu tại Việt Nam. Chúng tôi hy vọng rằng, dữ liệu cung cấp từ vệ tinh radar này sẽ đóng góp quan trọng cho phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu của đất nước”, ông Huy chia sẻ khi trao đổi với Sputnik.
Được biết, vệ tinh LOTUSat-1 là một sản phẩm của tập đoàn NEC (Nhật Bản) và được thiết kế và chế tạo để phục vụ cho dự án "Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát Trái Đất".
Dự án được khởi công tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội từ tháng 9/2012, sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng của Việt Nam. Đến tháng 11/2023, dự án đã hoàn thành 99% công việc xây dựng hạ tầng và dự kiến sẽ hoàn thành việc lắp đặt toàn bộ hệ thống thiết bị mặt đất vận hành vệ tinh vào tháng 9/2024 tại Trung tâm vũ trụ Việt Nam, cơ sở Hòa Lạc.
Chặng đường còn dài
Giai đoạn này, Việt Nam đang “chập chững” trên con đường tự chủ. Các thiết bị công nghệ phát triển vệ tinh còn khiêm tốn. Công nghiệp phụ trợ cho ngành vũ trụ ở Việt Nam cũng còn hạn chế. Việc mua sắm một số thiết bị công nghệ cao từ Việt Nam cũng gặp khó khăn, thậm chí có những thiết bị không thể mua được.
“Thực tế, Việt Nam mới chỉ có những nhóm nghiên cứu nhỏ và hoạt động ở những bước đầu sơ khai, như thiết kế hay tích hợp hệ thống. Về phát triển linh kiện của vệ tinh, tôi nghĩ không chỉ Trung tâm vũ trụ Việt Nam tham gia, mà cần sự chung tay của các DN, những tập đoàn lớn”, Phó TGĐ Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đưa ra quan điểm.
© Ảnh : Trung tâm vũ trụ quốc gia Việt Nam (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam)Kỹ sư Việt Nam thiết kế, chế tạo vệ tinh NanoDragon
Kỹ sư Việt Nam thiết kế, chế tạo vệ tinh NanoDragon
© Ảnh : Trung tâm vũ trụ quốc gia Việt Nam (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam)
Có thể nói công nghệ vũ trụ là lĩnh vực phức tạp và có chi phí đầu tư lớn kể cả về tài chính, công nghệ lẫn nguồn nhân lực. Nhìn nhận ở khía cạnh đầu tư tài chính, mà không tính đến các yếu tố tác động khác liên quan đến nền kinh tế - xã hội quốc gia, có thể coi là kém hiệu quả. Bởi trung bình mỗi vệ tinh mất 5-7 năm để thiết kế và phát triển, chưa kể đến chi phí sản xuất, đầu tư hạ tầng, công nghệ, con người,...Hơn nữa, đây là sản phẩm đặc thù, đơn chiếc nên khó tiếp cận thị trường trong thời gian đầu.
Việt Nam hiện đang sở hữu các vệ tinh thương mại VINASAT-1, VINASAT-2 và VNREDSat-1 trên quỹ đạo. Tuy nhiên, với trình độ, công nghệ, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao hiện tại, việc mua các vệ tinh này vẫn rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu quốc gia trong thời gian tới.
Điều này một phần dẫn đến tiến độ làm chủ vẫn chưa đạt như mong đợi. Là thành viên trong nhóm nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vệ tinh “rồng” make in Vietnam, TS. Lê Xuân Huy hiểu rõ tầm quan trọng của DN, startup công nghệ trong việc chung tay xây dựng nền công nghệ vũ trụ tự chủ.
Trong những hoàn cảnh xảy ra xung đột, tranh chấp, nếu có vệ tinh cho riêng mình, Việt Nam sẽ rất chủ động có được hình ảnh dữ liệu từ vệ tinh để phục vụ những nhiệm vụ phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng. Ngoài ra, nếu hệ thống vệ tinh do đất nước tự phát triển, khả năng vệ tinh bị can thiệp trong quá trình điều khiển, vận hành sẽ thấp hơn.
“Theo tôi, để phát triển ngành công nghiệp vũ trụ bền vững và lâu dài, cần mở thêm cơ chế nhằm thu hút, tạo sự hấp dẫn để DN tham gia. Phải làm sao để các DN nhận ra ý nghĩa, sức mạnh của công nghệ vũ trụ đối với quốc gia hoặc làm sao để những DN đã có nền tảng phát triển mạng lưới viễn thông quan tâm đến công nghệ vũ trụ. Tôi nghĩ điều này cần thêm thời gian và định hướng Chiến lược từ Chính phủ để hỗ trợ các DN. Ví dụ, nếu DN nào có đóng góp cho ngành vũ trụ quốc gia có thể xem xét cho họ các ưu đãi về thuế, đặc quyền nhất định...”, ông Huy nhấn mạnh.
Chuẩn bị nhân lực
Việt Nam đã tiến hành nhiều khóa đào tạo nhân lực công nghệ vũ trụ. Có hàng trăm chuyên gia đã được đào tạo về xử lý dữ liệu và ứng dụng ảnh vệ tinh, đặc biệt là vệ tinh radar, thông qua các khóa học được tổ chức tại Dự án Trung tâm Vũ Trụ Việt Nam cũng như tại Nhật Bản.
© Ảnh : Trung tâm vũ trụ quốc gia Việt Nam (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam)Vệ tinh MicroDragon trong lần thử rung cuối trước khi phóng
Vệ tinh MicroDragon trong lần thử rung cuối trước khi phóng
© Ảnh : Trung tâm vũ trụ quốc gia Việt Nam (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam)
Về công nghệ thiết kế, tích hợp và thử nghiệm vệ tinh, đã có hàng chục kỹ sư được đào tạo từ cơ bản đến nâng cao tại Nhật Bản.
“Hiện nay chúng tôi tổ chức nhiều hội thảo, seminar, cung cấp dữ liệu ảnh tương tự để cộng đồng khai thác ảnh đó, họ làm quen dần với công cụ và dữ liệu. Đối với nhân lực vận hành, chúng tôi cũng đã có đội ngũ theo suốt từ khi vận hành 3 vệ tinh nhỏ dòng Dragon. Hiện dự án này đã chạy được hơn 3 năm. Bên cạnh đó, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ từ nhà thầu. Cụ thể, trong 6 tháng đầu nhà thầu cũng sẽ song song vận hành cùng Việt Nam”, đại diện Trung tâm vũ trụ Việt Nam thông tin thêm.
Để bắt kịp với mục tiêu tự chủ công nghệ vũ trụ, cùng với chính sách thu hút DN đầu tư, Chính phủ Việt Nam cũng cần có chính sách nuôi dưỡng nguồn nhân lực hiện có bằng môi trường làm việc, chính sách đãi ngộ tốt, thu hút và chuẩn bị nguồn nhân lực kế cận.