Hành trình xuyên Việt bằng xe lăn
© Ảnh : Phan Vu MinhPhan Vũ Minh trong hành trình xuyên Việt bằng xe lăn
© Ảnh : Phan Vu Minh
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Nhiều người khuyết tật tại Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc hòa nhập cộng đồng. Rào cản về hạ tầng, phương tiện giao thông là một trong những nguyên nhân. Thế nhưng, câu chuyện về chàng thanh niên Phan Vũ Minh dưới đây cho thấy thêm góc nhìn mới đầy nghị lực.
12 tuổi bị dị dạng tủy sống, 18 tuổi ngồi xe lăn, 19 tuổi tự kinh doanh, 26 tuổi thực hiện chuyến đi du lịch đầu tiên bằng xe máy 3 bánh. Đây là một phần hành trình đặc biệt của Phan Vũ Minh (1991, Vĩnh Long). Sau mỗi hành trình là nhiều câu chuyện, nhiều mảnh ghép, khiến ai nghe xong đều thốt lên hai từ “Nể phục”.
Cuộc sống của anh rẽ sang một hướng mới khi chuyển về sinh sống tại tỉnh Vĩnh Long. Chính tại nơi này, không gian thoáng đãng, trong lành và thoải mái đã giúp Minh lấy lại được tinh thần. Để không phải phụ thuộc vào bố mẹ, anh tự chủ trong sinh hoạt cá nhân, Minh quyết định tự kinh doanh, nhập giống hồng leo Thái Lan về bán. Công việc kinh doanh thuận lợi và dần ổn định. Khao khát được đi khắp nơi, khám phá những vùng đất chưa đặt chân tới. Ý tưởng đi “phượt” xuyên Việt bằng xe lăn dần hình thành.
Chinh phục gần 30 tỉnh thành bằng xe lăn
Từ người khỏe mạnh bỗng thành khuyết tật, chàng thanh niên này cần thời gian để thích nghi. Năm 2017, Minh nhờ một người bạn học cơ khí cùng chế tạo chiếc xe 3 bánh từ xe lăn, theo ý tưởng mà anh mong muốn.
© Ảnh : Phan Vu MinhPhan Vũ Minh trong hành trình xuyên Việt bằng xe lăn
Phan Vũ Minh trong hành trình xuyên Việt bằng xe lăn
© Ảnh : Phan Vu Minh
Hôm nay là con hẻm nhỏ, ngày mai ra xa ngoài đường. Mỗi ngày đi nhiều hơn một chút. Minh trở nên mạnh dạn, tự tin hơn. Dần dần hòa nhập cuộc sống.
“Trong quá khứ, tôi đã trải qua một thời gian dài của sự trầm cảm, tự tin với bạn bè đồng trang lứa, không giao tiếp với những người xung quanh. Nhưng một ngày nọ, tôi nhận ra rằng tôi đã tự mất đi chính bản thân mình. Cần phải làm gì đó cho cuộc sống vui vẻ, lạc quan. Từ đây, mình lên ý tưởng đi du lịch dài ngày, đi “bù” cho quãng thời gian trên giường bệnh, không tiếp xúc với ai. Quan sát một thời gian, tôi thấy ánh mắt mọi người dành cho mình là sự đồng cảm, quan tâm, chia sẻ. Thậm chí, còn cổ vũ động viên. Tôi vẫn nhớ, khi lái xe ra miền Bắc, mọi người đều ngạc nhiên, không ai nghĩ một người khuyết tật, vốn đi lại khó khăn, có thể tự lái xe đi du lịch như vậy”, Phan Vũ Minh chia sẻ với Sputnik.
© Ảnh : Phan Vu MinhPhan Vũ Minh trong hành trình xuyên Việt bằng xe lăn
Phan Vũ Minh trong hành trình xuyên Việt bằng xe lăn
© Ảnh : Phan Vu Minh
Đối với Minh, du lịch cũng là một cách để giải tỏa tâm lý và cân bằng lại cuộc sống. Mỗi chuyến đi, một câu chuyện. Đi đến đâu, được mọi người giúp đỡ đến đó. Tất cả đọng lại thành kỷ niệm đẹp trong hành trình khám phá.
Chuyến đi gần nhất của Minh là từ Vĩnh Long đến Hà Giang. Từ điểm đầu xuất phát đến Hà Nội mất khoảng 7 ngày. Trung bình mỗi ngày, Minh chạy được 300km. Đối với một người khuyết tật như anh, thời gian ngồi lái lâu, quãng đường dài di chuyển là một trong những trở ngại.
© Ảnh : Phan Vu MinhPhan Vũ Minh trong hành trình xuyên Việt bằng xe lăn
Phan Vũ Minh trong hành trình xuyên Việt bằng xe lăn
© Ảnh : Phan Vu Minh
“Chạy trong thời tiết mưa gió khiến tôi cảm thấy khó khăn nhất. Tầm nhìn vừa bị che khuất, vừa khiến bản thân buồn ngủ hơn. Đôi khi, vừa rồi giật mình tỉnh lại, mồ hôi lạnh toát sống lưng. Từ đó, mình cẩn thận hơn, dừng lại khi nghỉ ngơi. Ngồi quá lâu, tôi cũng sợ cơ thể bị loét. Nên tôi tính toán thời gian để vừa đi vừa có thể nghỉ trên lồng xe. Đặc biệt, khi đổ đèo, tôi cần dùng nhiều lực của đôi tay. Kết thúc hành trình, hai tay cơ cứng lại”.
Tự đi “phượt” trên chiếc xe ba bánh, trên những cung đường quốc lộ ven biển, đường bằng phẳng, rộng và thoáng không làm khó được thanh niên 33 tuổi này.
© Ảnh : Phan Vu MinhPhan Vũ Minh trong hành trình xuyên Việt bằng xe lăn
Phan Vũ Minh trong hành trình xuyên Việt bằng xe lăn
© Ảnh : Phan Vu Minh
Chỉ riêng tại Hà Giang, đặc thù đồi núi là một thử thách khá thú vị. Vốn dĩ người bình thường đi “phượt” đã là thách thức. Đối với riêng Minh, di chuyển bằng xe lăn là trải nghiệm và kinh nghiệm khó quên trong đời.
“Từ đồng bằng lên Thị trấn Hà Giang, tôi thấy vẫn khá ổn. Cho đến khi lên Đồng Văn, tưởng chừng như bỏ cuộc. Số lần bóp thắng từ TP. Hà Giang lên Đồng Văn, có lẽ bằng số lần từ Vĩnh Long lên Hà Giang. Phanh nhiều đến nỗi, xe mình mất thắng. May mắn, người đi đường giúp tôi “chế” thùng nước mát cho hệ thống phanh. Hỏng xe là nỗi sợ lớn nhất đối với tôi, bởi không phải ai cũng có thể sửa được chiếc xe lăn đặc thù này”, chàng trai trẻ vừa cười vừa kể lại.
Tuy nhiên, cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ như thành quả xứng đáng cho nỗ lực chinh phục của Minh bằng xe lăn tự chế. Những câu chuyện, những bài học, con người, cảnh vật là món quà vô giá.
© Ảnh : Phan Vu MinhPhan Vũ Minh trong hành trình xuyên Việt bằng xe lăn
Phan Vũ Minh trong hành trình xuyên Việt bằng xe lăn
© Ảnh : Phan Vu Minh
Cơ sở hạ tầng cho người khuyết tật cần nhiều cải thiện
Minh cũng chia sẻ thêm, bản thân anh đi nhiều nơi và nhận ra, thực tế người khuyết tật tại Việt Nam đi du lịch không nhiều. Có thể nhiều người vì tự ti nên chưa mở lòng với thế giới xung quanh. Anh Phan Vũ Minh cho rằng, cơ sở hạ tầng chưa được chú trọng, có thể là một trong những nguyên nhân khiến đa số người khuyết tật chưa tự tin khi ra ngoài.
Thực tế, dù hạ tầng giao thông tiếp cận tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP..HCM đã có nhiều cải thiện. Song vẫn chưa thực sự thân thiện với người khuyết tật.
“Tại Việt Nam, cơ sở hạ tầng dành cho người khuyết tật vẫn chưa được chú trọng nhiều. Có những điểm tham quan chỉ có thể đứng một chỗ quan sát, chứ không thể tự lên. Ví dụ, khi đến thăm cố đô Huế, các lăng tẩm đều được xây cao, khi di chuyển đều nhờ mọi người nâng lên nâng xuống, bản thân tôi thấy hơi ngại. Đó là những công trình di tích lịch sử lâu năm, có thể vì lý do nào đó mà chưa thể nâng cấp”, Minh nhớ lại hành trình và băn khoăn.
© Ảnh : Phan Vu MinhPhan Vũ Minh trong hành trình xuyên Việt bằng xe lăn
Phan Vũ Minh trong hành trình xuyên Việt bằng xe lăn
© Ảnh : Phan Vu Minh
Người khuyết tật gặp vô vàn khó khăn trong việc hòa nhập cộng đồng hay mưu sinh do cơ sở hạ tầng giao thông chưa chú trọng tới những tiện ích, công trình hỗ trợ người khuyết tật.
Bên cạnh cơ sở hạ tầng, việc tìm phòng nghỉ đối với Minh cũng gặp một số hạn chế. Ví dụ, tìm phòng nào sao cho xe lăn di chuyển thuận tiện trong phòng. Hay các địa danh tham quan tâm linh như đền, chùa, nhiều nơi Minh chưa có cơ hội đến cũng vì một phần không có lối đi cho người khuyết tật.
© Ảnh : Phan Vu MinhPhan Vũ Minh trong hành trình xuyên Việt bằng xe lăn
Phan Vũ Minh trong hành trình xuyên Việt bằng xe lăn
© Ảnh : Phan Vu Minh
“Tôi nghĩ những công trình cổ lâu đời khó có thể cải tạo để người khuyết tật tiếp cận được. Song với cơ sở hạ tầng mới, tôi nghĩ nên thiết kế nhiều dốc, lối đi riêng để người khuyết tật lên xuống. Đi nhiều nơi, nhưng tôi rất ấn tượng và bất ngờ với cách Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội quan tâm tới người khuyết tật. Tất cả lối đi đều có chỉ dẫn, người khuyết tật có lối đi riêng, hoàn toàn có thể tự tin di chuyển mà không cần nhờ tới sự trợ giúp”, Phan Vũ Minh bày tỏ quan điểm.
© Ảnh : Phan Vu MinhPhan Vũ Minh trong hành trình xuyên Việt bằng xe lăn
Phan Vũ Minh trong hành trình xuyên Việt bằng xe lăn
© Ảnh : Phan Vu Minh
Đôi chân có thể không bình thường trở lại, nhưng các chuyến đi vẫn tiếp tục. Chỉ cần đủ hành trang, đủ nghị lực và sự tự tin là lên đường. Phan Vũ Minh chính là minh chứng sống cho câu nói “tàn nhưng không phế”. Cũng là động lực cho cộng đồng người khuyết tật thêm tự tin bước ra ngoài thế giới.