Vì sao số doanh nghiệp phá sản, rút lui cao bất thường?
© Ảnh : Công ty TNHH Minh TríDoanh nghiệp dệt may Việt Nam
© Ảnh : Công ty TNHH Minh Trí
Đăng ký
Số lượng doanh nghiệp Việt Nam đóng cửa, rút khỏi thị trường cao kỷ lục. Trước đó, số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, có hàng trăm doanh nghiệp dự kiến sẽ rời bỏ thị trường năm 2024.
Chuyên gia cho rằng, tình trạng doanh nghiệp kiệt sức, nội lực bị bào mòn là sự thật. Có rất nhiều khó khăn cần phải gỡ và đa phần đều là các vấn đề không mới.
Số doanh nghiệp rút lui cao bất thường
Tổng cục Thống kê công bố dữ liệu cho thấy, trong hai tháng đầu năm, Việt Nam ghi nhận tới hơn 63.000 doanh nghiệp, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, chỉ có 41.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, năm 2024 này, dự kiến số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường sẽ tăng khoảng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương hơn 178.000 doanh nghiệp. Trong đó, khoảng 10% số doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể, thực sự chấm dứt hoạt động và rời khỏi thị trường.
Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực Cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) nói với Doanh nghiệp và Kinh doanh, đây là “xu hướng đi ngược”.
Chuyên gia lý giải, thông thường, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động thời điểm đầu năm thường thấp hơn so với các tháng giữa năm và cuối năm do rơi vào các tháng Tết có số ngày nghỉ dài. Tuy nhiên, dù thấp hơn các giai đoạn khác song số doanh nghiệp gia nhập thị trường luôn nhiều hơn số doanh nghiệp rút lui.
“Vì vậy, hiện tượng doanh nghiệp rút lui cao đột biến, hơn cả doanh nghiệp gia nhập thị trường xu hướng đi ngược so với trước đây. Điều này cho thấy, doanh nghiệp đang ngày càng trở nên suy kiệt sau hơn hai năm phải cố gắng bươn chải duy trì hoạt động sau COVID-19 và ứng phó với các yếu tố khó khăn bên ngoài”, bà Nguyễn Minh Thảo chia sẻ.
Đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng phân tích, kể từ sau COVID-19, những khó khăn của doanh nghiệp chưa bao giờ hết như đầu ra gặp khó, giá nguyên phụ liệu tăng cao, lãi suất cao.
Đáng nói, sang năm 2024, những khó khăn này không chỉ tác động đến các doanh nghiệp nhỏ, mà còn tác động đến ngay cả doanh nghiệp có quy mô lớn, theo bà Thảo.
Thực tế, đúng là đã có những tín hiệu tiêu cực cũng được dự báo từ trước. Cụ thể, khảo sát từ cuối năm 2023 của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đã cho thấy, có tới 82,4% doanh nghiệp đánh giá “tiêu cực/rất tiêu cực về tình hình kinh tế”.
Trong đó, có11,8% doanh nghiệp cho biết dự kiến ngừng kinh doanh, chờ giải thể; 12,2% doanh nghiệp dự kiến tạm ngừng kinh doanh; 28,2% doanh nghiệp dự kiến giảm mạnh quy mô và 20,6% doanh nghiệp dự kiến giảm nhẹ quy mô.
Trong số các doanh nghiệp dự kiến còn hoạt động năm 2024, có 58,9% có thể giảm quy mô lao động trên 5%, trong đó có 16,6% giảm trên 50%. Có 60,2% doanh nghiệp dự kiến giảm doanh thu, trong đó tỷ lệ giảm trên 50% doanh thu là 17,3%.
Doanh nghiệp kiệt quệ
Thậm chí, theo báo cáo của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) vừa gửi tới Thủ tướng hồi tháng 1/2024 cũng nêu nhiều vấn đề:
“Đơn hàng có vẻ tăng lên, nhưng doanh nghiệp đã cạn nguồn vốn, hết tài sản thế chấp để vay thêm, khó khăn lại lặp lại: Không có tiền để sản xuất”, báo cáo của Ban IV cho thấy tình trạng doanh nghiệp đang kiệt sức là sự thật.
Theo Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV, nội lực của doanh nghiệp đã bị bào mòn.
Chuyên gia chỉ rõ 5 khó khăn chính cần tháo gỡ cho doanh nghiệp: Khó khăn về đơn hàng; Khó khăn về dòng tiền; Khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật; Nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế và khó khăn về tiếp cận vốn vay.
“Đây là những khó khăn không mới, đã được phản ánh và nêu ra trong khảo sát trước đây, giờ tiếp tục được doanh nghiệp đề cập lại”, bà Thủy lưu ý.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, qua theo dõi hàng năm, số doanh nghiệp rời bỏ khỏi thị trường trong quý I thường cao hơn các quý còn lại.
Điều này, theo ông Tuấn, do là thời điểm kết thúc năm tài chính - doanh nghiệp xem xét còn đủ khả năng tài chính để tiếp tục duy trì hoạt động hay không.
Tuy vậy, so với các tháng cuối năm 2023 (mỗi tháng có khoảng 11.000 - 12.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường) số doanh nghiệp rút lui trong hai tháng đầu năm nay lên tới 31.500 doanh nghiệp, gấp hơn hai lần.
Điều này cho thấy những khó khăn của nền kinh tế trong năm 2023 chưa giảm bớt mà vẫn kéo dài sang năm 2024.
Ngoài ra, theo đại diện VCCI, những xung đột giữa các nước, những trục trặc trong quan hệ giữa các quốc gia đã và đang tác động đến kinh tế Việt Nam nói chung và cộng động doanh nghiệp nói riêng.
“Hiện nhiều ngành hàng của Việt Nam gặp khó do vận tải qua Biển Đỏ bị rủi ro, nhiều chuyến tàu hàng bị đổi hướng cho nên thời gian giao hàng kéo dài chi phí tăng cao”, ông Tuấn bày tỏ.
Chính sách hỗ trợ được hoan nghênh
Để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều bất định của thế giới, theo ông Đậu Anh Tuấn, Quốc hội và Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đặc biệt các chính chính này cần phải ổn định và thuận lợi khi tiếp cận.
Theo Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, một trong những chính sách cần tiếp tục thực hiện trong năm nay, đó là kéo dài chính sách hỗ trợ thuế, phí như tiếp tục gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng 2% đến hết năm.
Ông Tuấn đánh giá, đây là chính sách quan trọng và hiệu quả cao không chỉ hỗ trợ người tiêu dùng qua giảm thuế mà còn giúp sản xuất kinh doanh sôi động.
Ông cũng khẳng định, những chính sách hỗ trợ về giảm thuế phí thì doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được ngay, còn những chính sách hỗ trợ về vốn nếu không thực chất thì mức độ ảnh hưởng lan tỏa ít.
“Đây là bài học để chúng ta thiết kế chính sách cho doanh nghiệp trong năm 2024”, ông Tuấn thẳng thắn.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV cho rằng, nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã nhận được một tỷ lệ nhất định doanh nghiệp đánh giá hiệu quả.
Ngoài ra,hoạt động điều hành của chính quyền địa phương cũng đã nhận được sự đánh giá tích cực hơn so với trước.
Theo bà Thuỷ, trong số các chính sách hỗ trợ thì có ba chính sách được đánh giá cao gồm giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất và giảm thuế giá trị gia tăng từ 10 xuống 2%.
“Đây là những chính sách có tính hỗ trợ trực diện vào chi phí của doanh nghiệp, giúp cho họ áp lực về chi phí thì họ rất hoan nghênh”, Giám đốc Văn phòng Ban IV cho biết.