WHO cho biết đang thiếu vắc xin chống dịch tả lây lan chưa từng có trên thế giới
06:15 21.03.2024 (Đã cập nhật: 14:23 21.03.2024)
© Ảnh : PixabayỐng nghiệm có máu.
© Ảnh : Pixabay
Đăng ký
MOSKVA (Sputnik) - Năng lực sản xuất vắc xin dịch tả toàn cầu không đủ để chống lại sự gia tăng chưa từng thấy về số ca mắc bệnh trên toàn thế giới, cần phải có hành động khẩn cấp, tuyên bố đăng trên trang web của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết.
"Vào tháng 10/2022 tình trạng thiếu vắc xin (bệnh tả) liên tục buộc WHO phải khuyến nghị sử dụng vắc xin một liều thay vì chế độ hai liều vẫn được áp dụng từ lâu. Khoảng 36 triệu liều đã được sản xuất vào năm ngoái, trong khi 14 quốc gia ghi nhận cần 72 triệu liều cho chiến lược ứng phó tiêm một liều. Những yêu cầu này còn thấp so với nhu cầu thực sự. Các chiến dịch tiêm phòng đã phải trì hoãn để dành thuốc cho các nỗ lực kiểm soát ổ dịch khẩn cấp, tạo ra một vòng luẩn quẩn", - tài liệu cho biết.
WHO dự báo năng lực sản xuất vắc xin toàn cầu sẽ đạt từ 37 triệu đến 50 triệu liều vào năm 2024, nhưng "có thể vẫn không đủ" để đáp ứng nhu cầu của hàng triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bệnh tả, vì hiện nay chỉ có một nhà sản xuất vắc xin là EuBiologics.
"Các nhà sản xuất mới dự kiến sẽ không kịp tham gia thị trường cho đến năm 2025. Họ cần phải có mặt nhanh hơn. Sự cấp bách và đổi mới sáng tạo tương tự mà chúng ta đã thấy trong thời kỳ đại dịch COVID-19 phải được áp dụng để chống lại bệnh tả. Các nhà sản xuất khác dự định tham gia thị trường cần phải tăng cường nỗ lực và cung cấp liều lượng với giá cả phải chăng”, - tổ chức này kêu gọi.
Tài liệu nhấn mạnh kể từ năm 2021, thế giới đã chứng kiến một đợt bùng phát dịch tả “chưa từng có”. Năm 2022, WHO báo cáo có 473 nghìn trường hợp nhiễm bệnh, cao hơn gấp đôi so với con số năm 2021. Các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi căn bệnh này là Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Haiti, Somalia, Sudan, Syria, Zambia và Zimbabwe.
"Dữ liệu sơ bộ năm 2023 cho thấy tình trạng nói trên đang tiếp tục gia tăng, với hơn 700.000 ca bệnh được báo cáo. Nhiều đợt bùng phát có tỷ lệ tử vong cao, vượt quá ngưỡng 1% được áp dụng làm chỉ số để điều trị bệnh nhân mắc bệnh tả", - WHO cho biết thêm.
Bệnh tả là một bệnh cực kỳ dễ lây lan qua việc ăn uống gặp phải thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm. Bệnh tả có thể gây tiêu chảy nặng cấp tính, còn ở dạng bệnh nặng có thể gây tử vong trong vòng vài giờ nếu không được điều trị.