Làm cho Campuchia ghét Việt Nam là âm mưu thâm độc
© Ảnh : Long An International PortHợp long 7 cầu cảng và khai trương dịch vụ khai thác container tại Cảng Quốc tế Long An.
© Ảnh : Long An International Port
Đăng ký
Làm cho Campuchia ghét Việt Nam và Trung Quốc là cách dễ nhất và ảo tưởng nhất được các thế lực thù địch sử dụng để cản đường phát triển và thịnh vượng của Phnom Penh.
“Những năm 1980, Campuchia bị cáo buộc là bù nhìn của Việt Nam. Những năm 2000, Campuchia lại bị cho là con rối của Trung Quốc” – những kẻ ủng hộ chế độ Khmer Đỏ hay muốn cản đường Campuchia, phá hoại quan hệ láng giềng của nước này với Việt Nam hay Trung Quốc vẫn rêu rao, xuyên tạc như thế.
Âm mưu phá hoại thứ nhất: Làm Campuchia ghét Việt Nam
Khmer Times có bài phân tích “Làm sao để chặn Campuchia phát triển và thịnh vượng” đầy ẩn ý nhưng rất đáng suy ngẫm.
Bài bình luận không chỉ nêu về tam giác quan hệ Việt Nam – Campuchia – Trung Quốc mà còn chỉ ra cách nham hiểm mà những thế lực thù địch như chế độ diệt chủng Pol Pot Khmer Đỏ xưa dùng để phá huỷ đất nước Campuchia, gây ảnh hưởng đến quan hệ bang giao giữa Phnom Penh và Hà Nội.
Khmer Times nói thẳng rằng, có hai cách để ngăn cản Campuchia phát triển, tiến bộ và thịnh phượng. Thứ nhất, là làm cho Campuchia ghét Việt Nam và thứ hai là gán Campuchia với Trung Quốc bằng mọi giá.
Nói về cách đầu tiên chặn đường tương lai của Campuchia là làm cho Campuchia ghét Việt Nam – Khmer Times chỉ rõ rằng, âm mưu này đã được hệ tư tưởng chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Pol Pot sử dụng một cách hiệu quả.
Chế độ Khmer Đỏ rêu rao quan điểm lịch sử rằng Campuchia là nạn nhân của cuộc xâm lược trong quá khứ của Việt Nam và thuyết xuyên tạc nhắm đến cái gọi là “tham vọng của Việt Nam thiết lập liên bang Đông Dương dưới sự kiểm soát của Việt Nam” không có thật.
“Người Campuchia có thể giết chính người Campuchia bằng cách tố nhau là bù nhìn của Việt Nam”, Khmer Times nói thẳng.
Tờ báo cũng chỉ ra rằng, chiến thuật này gần như vẫn hữu ích cho đảng đối lập Campuchia nhằm gây phản ứng chống chính phủ của Thủ tướng Hun Manet.
Phe đối lập vẫn cáo buộc Chính phủ Hun Sen trước kia hay Manet bây giờ nhượng lại lãnh thổ cho Việt Nam, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) là đảng cộng sản do Việt Nam thành lập, và việc Việt Nam giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot là một hình thức xâm lược quá tinh vi thông qua thành lập chính phủ bù nhìn Campuchia do Hun Sen đứng đầu.
Tệ hơn, trò thêu dệt này lại được một số quốc gia thành viên ASEAN ủng hộ và còn lớn tiếng cho rằng, cần ngăn chặn hiệu ứng domino của chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa bá quyền của Việt Nam ở Đông Dương. Thế rồi, hệ quả tất yếu của câu chuyện vớ vẩn này là nhiều quốc gia thành viên ASEAN sau cùng lại quay sang có cảm tình với Khmer Đỏ, trừng phạt những người cố giữ lấy nền độc lập chính đáng của Campuchia.
Âm mưu thứ hai: Biến Campuchia thành con rối của Trung Quốc
Âm mưu đê hèn thứ hai – trò bẩn thỉu phe đối lập dùng để cản đường phát triển của Campuchia là gán ghép Campuchia với Trung Quốc bằng mọi giá theo mục đích xấu nhất.
Chiến thuật xấu xa nằm ở việc các thế lực chống lại chính quyền Campuchia tìm mọi cách có thể để gắn Campuchia với Trung Quốc nhằm tranh thủ sự kích động và tham vọng của phương Tây nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.
“Nhiều kiểu gán ghép gần như không thể tưởng tượng được”, Khmer Times nhấn mạnh tất cả liên hệ đều nhắm vào vu cáo các hoạt động quân sự mà Trung Quốc có thể tận dụng từ Campuchia để chống lại Việt Nam và tranh chấp ở Biển Đông.
Ban đầu, người ta làm um sùm về sân bay ở Darasakor, tỉnh Koh Kong có thể được quân đội Trung Quốc sử dụng.
“Câu chuyện chết yểu. Sau đó họ chuyển sang gây rối về Căn cứ Hải quân Ream, một căn cứ quân sự nhỏ với vùng nước nông. Rằng những nỗ lực hiện đại hóa hải quân Campuchia - lực lượng có lẽ là yếu nhất ở Đông Nam Á – lại bị coi là các hoạt động hỗ trợ hải quân Trung Quốc”, Khmer Times nhấn mạnh.
Khmer Times nêu rõ, giống như bất kỳ quốc gia nào khác, Campuchia luôn mong muốn bảo vệ vùng biển của mình. Do vậy, xây dựng lực lượng hải quân mạnh là cần thiết, nhưng không phải nhằm mục đích xâm lược nước khác.
Những cáo buộc liên quan căn cứ hải quân Ream vẫn được giới chuyên gia và nhà nghiên cứu ưa chuộng, bất chấp các nhà lãnh đạo Campuchia có cố gắng giải thích bao nhiêu lần đi nữa.
“Lãnh đạo Campuchia đã quá mệt mỏi phải đi giải thích về độc lập, chủ quyền của nước mình. Thế nhưng, đối với các chuyên gia và nhà nghiên cứu nước ngoài, thật dễ để gán cho Campuchia thành con rối của Trung Quốc để khiến câu chuyện chống Trung Quốc trở nên thuyết phục hơn”, tờ báo nhấn mạnh.
Nay, lại có câu chuyện mới đang nổi lên liên quan mong muốn của Campuchia xây dựng Kênh đào Funan Techo.
Kế hoạch được kỳ vọng sẽ làm giảm sự phụ thuộc của Campuchia vào Việt Nam trong việc kết nối vận tải từ sông Mê Kông đến tuyến đường biển quốc tế.
Có người hoài nghi cho rằng dự án này quá lớn, một bẫy nợ với Campuchia hay ảnh hưởng môi trường đối với dòng chảy của sông Me Kong hoặc thể có tác động tới đời sống xã hội của người dân sống dọc theo kênh đào.
Hay thậm chí còn có cả “thuyết âm mưu” cho rằng, con kênh đào có thể được quân đội Trung Quốc sử dụng để tấn công Việt Nam từ đất liền.
“Trí tưởng tượng thật siêu thực. Một âm mưu châm chọc và xúi giục Campuchia gây hấn với Việt Nam”, Khmer Times lưu ý rằng, về chi phí đầu tư dự án có quá cao hay sẽ gây hại cho môi trường hay không thì đều phải được nghiên cứu chi tiết, kỹ lưỡng.
Trên thực tế, ở Campuchia đã có nhiều công trình hạ tầng lớn như đường cao tốc và sân bay, với mức giá đầu tư trên một tỷ USD cho mỗi dự án. Và Campuchia vẫn đang quản lý tốt những dự án này mà không chịu áp lực đáng kể về tài chính công hoặc các tác động xã hội và môi trường. Do đó, Khmer Times cho rằng, đây là những chiến thuật phổ biến để tấn công phá hoại chính quyền và sự ổn định ở Campuchia.
Ở lập trường của Campuchia, những âm mưu, chiến thuật hèn hạ này chính là công cụ thiết thực để các cường quốc bên ngoài ngăn cản Campuchia phát triển.
Mọi việc Campuchia làm để tự vươn lên hoàn thiện, phát triển đất nước, đều được coi là bàn đạp cho một cường quốc bên ngoài mà Campuchia bị cáo buộc là bù nhìn cho đất nước ấy – giống như cách phe đối lập vẫn chỉ trích Campuchia là bù nhìn cho Việt Nam hay Trung Quốc.
“Campuchia vẫn đang tự hỏi lời buộc tội có thể đi xa đến đâu và trí tưởng tượng của những kẻ tâm địa xấu xa có thể siêu thực cỡ nào. Có lẽ những người ủng hộ những lý thuyết như vậy muốn thấy một cuộc chiến tranh Việt Nam tiếp theo xảy ra”, Khmer Times chỉ trích và cho rằng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Campuchia không bao giờ được hưởng lợi từ một cuộc chiến như vậy.
Kim ngạch xuất khẩu Campuchia sang Việt Nam tăng đột biến
Trong một hướng khác, bất chấp những nỗ lực nhằm gây ảnh hưởng đến quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia, thương mại và xuất khẩu của Campuchia sang Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh mẽ.
Báo cáo mới nhất của Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia, trong quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu của Campuchia sang Việt Nam đạt 1,39 tỷ USD, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của Campuchia trên thị trường quốc tế sau Mỹ.
Trong quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu của Campuchia sang Việt Nam đạt 1,39 tỷ USD, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Việt Nam của Campuchia đạt 0,933 tỷ USD, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Với đà tăng trưởng quy mô thương mại khả quan trong những tháng đầu năm nay, Việt Nam không chỉ là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia trong ASEAN mà còn là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Campuchia trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Thành công này là nhờ lợi thế về điều kiện địa lý, mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa nhân dân hai nước, cũng như sự tương đồng về sản phẩm hàng hóa, giao thương giữa Việt Nam và Campuchia đang có mức tăng trưởng nhanh trong thời gian vừa qua.
Báo Điện tử Đài tiếng nói Việt Nam dẫn lời Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng cho hay, trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác toàn diện với Campuchia.
Việt Nam và Campuchia sẽ đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch, vốn là những lĩnh vực trọng tâm được lãnh đạo hai nước hết sức quan tâm.
Đồng thời, Việt Nam và Campuchia sẽ tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện các hiệp định, biên bản ghi nhớ mà hai bên đã ký kết như: Hiệp định Thương mại biên giới giữa hai nước, thỏa thuận Thúc đẩy thương mại song phương giai đoạn 2023 – 2024, Bản ghi nhớ về hợp tác du lịch giai đoạn 2023 - 2028.
Giới đầu tư và kinh doanh của hai nước sẽ xúc tiến tìm kiếm những cơ hội tốt để đầu tư, trao đổi thương mại trong năm 2024 và những năm tiếp theo.