Việt Nam sẽ tham gia liên kết visa “Schengen châu Á”?
© Ảnh : CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CÔNG AN TỈNH HÀ TĨNH/Hoàng LaCó tất cả 54 điểm đến mà công dân Việt Nam không cần xin visa trước.
© Ảnh : CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CÔNG AN TỈNH HÀ TĨNH/Hoàng La
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Trước đề xuất thành lập khu vực thị thực (visa) chung để khách quốc tế đến được 6 nước Đông Nam Á. Có thể thấy tác động tích cực của visa với ngành du lịch. Tuy nhiên, thách thức vẫn tồn tại khi mỗi quốc gia có quan điểm an ninh chính trị riêng.
Đã rõ lợi ích
"Thị thực một lần" là sáng kiến tham vọng nhất trong số các sáng kiến thúc đẩy du lịch của Thủ tướng Thái Lan nhắm đến mục tiêu lâu dài. 6 quốc gia Đông Nam Á đã đón 70 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023, trong đó, Thái Lan và Malaysia chiếm hơn 50% về lượng khách và doanh thu (48 tỷ USD).
Thông tin đáng chú ý gần đây là Thái Lan muốn cùng Việt Nam, Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar thành lập khu vực thị thực chung để khách quốc tế xin visa một lần nhưng đến được 6 nước. Chính sách này được nhiều chuyên gia ví như “visa Schengen của châu Á”. Thái Lan muốn tận dụng chính sách thị thực chung này để mang đi đàm phán với các nước trong liên minh châu Âu, tiến tới đạt thỏa thuận miễn visa giữa Schengen và nhóm ASEAN này.
Trước sáng kiến này, trao đổi với Sputnik, ông Nguyễn Công Hoan – Trưởng ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, đề xuất này của Thái Lan rất hay.
“Việc liên kết visa sẽ giúp thủ tục các hành khách đơn giản hơn nhiều. Nếu liên kết các bên khác nhau, Việt Nam có thể tranh thủ được tệp khách hàng từ các nước khác. Ví dụ, chúng ta biết Thái Lan là đất nước rất phát triển về du lịch. Tệp khách hàng của họ phát triển rất tốt và công tác quảng bá của họ cũng rất tốt. Khi 6 quốc gia thành một điểm đến, Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất lớn, từ việc truyền thông quảng bá của các nước này. Tôi nghĩ đây sẽ trở thành xu hướng khi thế giới mở, nhu cầu du khách ngày càng cao”, đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhìn nhận.
Thực tế, Việt Nam đã có nhiều đề xuất trong việc liên kết trong phát triển du lịch, trong đó có liên kết tỉnh, vùng và liên kết quốc gia và trong khu vực ASEAN. Rõ ràng, nếu mở rộng không gian liên kết nhiều quốc gia thì sẽ tăng tính hấp dẫn của sản phẩm. Bởi mỗi quốc gia sẽ có những thế mạnh và tiềm năng khác nhau. Đặc biệt, với các thị trường xa như khách châu Âu, châu Úc…
Yếu tố khác biệt, mới mẻ đang được các bên quan tâm. Việt Nam cũng đang trăn trở tìm cách để khách du lịch quay trở lại, việc liên kết các quốc gia cũng đem đến nhiều lợi ích cho du lịch Việt. Đây cũng là nhận định của đại diện công ty du lịch Vietravel.
Bày tỏ quan điểm với Sputnik, ông Phạm Văn Bảy - Giám đốc Vietravel chi nhánh Hà Nội cho rằng, việc có visa chung cho Việt Nam, Lào và Campuchia sẽ giúp du khách di chuyển dễ dàng hơn, tiết kiệm chi phí và thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch.
“Cả 6 nước sẽ được hưởng lợi. Bởi trước đây Việt Nam xây dựng sản phẩm đi ba nước Đông Dương, đều phải sử dụng visa nhiều lần khi vào Việt Nam. Khi có visa thông thương 6 nước như thế này sẽ tạo điều kiện cho các sản phẩm du lịch các nước. Khách quốc tế đến với Việt Nam nói chung và các nước Đông Nam Á nói riêng đều rất thích sản phẩm như vậy. Rõ ràng, đây là sáng kiến và theo tôi nên đẩy nhanh để Việt Nam sớm tham gia vào tiến trình này”, ông Phạm Văn Bảy nhấn mạnh.
Theo ông Bảy, nếu như trước đây, Việt Nam chỉ chăm chút sản phẩm nội địa. Giờ đây, đã đến lúc phải quan tâm hơn sản phẩm của các nước láng giềng. Để với một lần đi, du khách có thể trải nghiệm được 6 nước. Cùng lúc, Việt Nam sẽ phải tăng tính cạnh tranh, làm sao du khách quan tâm đến Việt Nam nhiều hơn.
“Việt Nam cần phải chuẩn bị chất lượng, nhân viên, cơ sở hạ tầng để đáp ứng đủ nhu cầu du khách. Từ đó, sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam, mà trước đây Việt Nam chưa nghĩ tới. Đó là Việt Nam cần chuyển đổi nhanh hơn nữa”, Giám đốc Vietravel chi nhánh Hà Nội chỉ ra.
Nhưng đường còn dài
Tuy nhiên, ông Bảy cũng cho rằng, với sáng kiến này Việt Nam nên có bước đi cẩn trọng và bài bản. Thoả thuận thị thực chung sẽ là "khó khăn và thách thức" vì các nước phải đạt được tiêu chuẩn chung trong chính sách nhập cảnh. Mặt khác, giữa các quốc gia trong khối vẫn còn nhiều sự khác biệt về thời gian lưu trú, chuyến bay quá cảnh.
Trong khối Schengen, các quốc gia sẽ áp dụng quy định khách xin visa vào quốc gia nào phải lưu trú tại quốc gia đó lâu hơn, hoặc phải có chuyến bay trực tiếp đến quốc gia đó. Tại Đông Nam Á vẫn chưa có sự đồng thuận về việc khách xin visa vào Thái Lan có bắt buộc phải nhập cảnh vào Thái Lan trước hay không? Hoặc du khách xin visa Thái Lan nhưng chỉ sử dụng để vào Việt Nam có được không. Vấn đề phí cấp visa cho du khách xin visa ở quốc gia nào thì quốc gia đó sẽ hưởng hay các quốc gia thu phí rồi chia đều sau này? Vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
Có thể sự không đồng thuận này dễ dẫn đến tình trạng một số quốc gia giảm phí visa để cạnh tranh thu hút khách du lịch. Du khách sẽ chọn quá cảnh ở quốc gia có phí visa thấp rồi đi đến các quốc gia khác trong khối. Nhiều quốc gia chào đón du khách nhưng không thu được phí visa.
Việc có một loại visa chung sẽ giúp thu hút những du khách từ các nước khác và tăng doanh thu cho ngành du lịch - đây là điều đã thấy rõ. Tuy nhiên, với những thách thức hiện hữu, sẽ còn nhiều việc cần tính toán trước khi triển khai visa chung giữa 6 nước Đông Nam Á.