Việt Nam vươn lên vị trí xuất khẩu điện thoại thông minh lớn thứ 2 thế giới
© iStock.com / GorodenkoffSản xuất điện thoại ở công xưởng
© iStock.com / Gorodenkoff
Đăng ký
Tháng 7 thực sự là cao điểm nghỉ hè, đời sống chính trị và kinh tế chậm lại, điều này được thể hiện qua số lượng bài viết, phóng sự về Việt Nam trên báo chí nước ngoài. Nhưng, truyền thông Nga, sau chuyến thăm Việt Nam của Vladimir Putin, lại khai thác tích cực đề tài Việt Nam, phản ánh sự hồi sinh trong quan hệ giữa hai nước chúng ta.
Nền kinh tế và quan hệ Nga-Việt – chúng tôi sẽ đề cập đến hai chủ đề này trong bài tổng quan truyền thống “Việt Nam trên báo chí nước ngoài”.
Thương mại điện tử tại Việt Nam: Những bước tiến nhảy vọt
Việt Nam vượt Ấn Độ và trở thành nước xuất khẩu điện thoại thông minh lớn thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc, Mobile Review viết. Trong 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu điện thoại di động và linh kiện đạt 22,4 tỷ USD, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu máy tính. Năm 2023, xuất khẩu nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện chiếm 16,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Reuters đưa tin rằng, tập đoàn Foxconn của Đài Loan, nhà sản xuất và lắp ráp thiết bị điện tử lớn nhất thế giới, sẽ đầu tư khoảng 551 triệu USD vào hai dự án mới sản xuất các sản phẩm giải trí thông minh và thiết bị hệ thống thông minh tại tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam. Theo giấy chứng nhận đầu tư thì dự án sẽ được hoàn thành xây dựng các hạng mục trong tháng 7/2026. Sau thời gian lắp đặt máy móc và vận hành thử nghiệm sẽ đi vào sản xuất kinh doanh chính thức từ tháng 5/2027. Telecom Review Asia đã nghiên cứu sâu về thị trường thương mại điện tử của Việt Nam và lưu ý rằng, thị trường này đang có mức tăng trưởng chưa từng có nhờ sự kết hợp giữa chuyển đổi kỹ thuật số, cơ sở hạ tầng viễn thông mạnh mẽ và kết cấu dân số trẻ, năng động. Năm 2023, Việt Nam đã vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, trở thành quốc gia nằm trong top có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á về mua sắm trực tuyến. Một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử ở Việt Nam là sự hiện diện của cơ sở hạ tầng viễn thông đáng tin cậy, cũng như các chính sách tích cực của chính phủ nhằm hỗ trợ lĩnh vực này của nền kinh tế. Vietnam Briefing giải thích nghị định của Chính phủ về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn. Nghị định này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo và góp phần thực hiện cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Theo nghị định này, việc mua bán điện được thực hiện theo hai hình thức là qua đường dây kết nối riêng và qua lưới điện quốc gia. Chính phủ quy định, đơn vị phát điện năng lượng tái tạo bán toàn bộ điện năng sản xuất vào thị trường điện giao ngay của thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Điều này phục vụ một số mục đích, bao gồm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường về năng lượng sạch, kích thích đầu tư vào tiềm năng tài nguyên tái tạo và tạo ra thị trường phát điện cạnh tranh tại Việt Nam.
Kinh doanh, pháp luật và văn hóa
Các phương tiện truyền thông trung ương và khu vực của LB Nga dành nhiều bài viết và đưa tin về những bước tiến mới trong việc phát triển quan hệ Nga-Việt. Russkiy mir cho biết về phiên họp lần thứ nhất Tổ Công tác hợp tác văn hóa Việt Nam-Nga do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Hùng và Bộ trưởng Bộ Văn hóa Nga Olga Liubimova chủ trì. Hai bên nhất trí triển khai một số dự án chung lớn trong lĩnh vực văn hóa, trong đó có tổ chức các chuyến tham quan giao lưu, cùng phối hợp thúc đẩy hợp tác sản xuất phim cũng như mở rộng các chương trình Những ngày văn hóa Việt Nam tại Nga và Những ngày văn hóa Nga tại Việt Nam. Ấn phẩm Ysia viết về phiên họp bên lề Diễn đàn Kinh tế Phương Đông tại Thành phố Hồ Chí Minh, tại đó đại diện của Nga và Việt Nam đã thảo luận về các lĩnh vực quan trọng trong quan hệ thương mại, kinh tế và kinh doanh giữa hai nước. Sự kiện có sự tham gia của hơn 100 đại diện cấp cao từ các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong những ngành có tiềm năng hợp tác với Nga, như đóng tàu, sản xuất dệt may, nông nghiệp, sản xuất đồ nội thất và những lĩnh vực khác. Tại phiên họp này hai bên đã thảo luận về nhiều lĩnh vực hợp tác tiềm năng, bao gồm các ngành hydrocarbon, giao thông vận tải, công nghiệp xây dựng, du lịch, thời trang và công nghệ thông tin. Sự kiện còn cung cấp thông tin toàn diện về những cơ hội cho doanh nghiệp qua các dự án như Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg, Diễn đàn Kinh tế Phương Đông, Tuần lễ Năng lượng Nga, Diễn đàn Du lịch Nga “Let’s Travel!” và Diễn đàn Công nghiệp Thiết kế Nga. Trang web pháp luật Pravo và RAPSI đưa tin về cuộc hội đàm của Đoàn đại biểu Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam do Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình dẫn đầu với Chánh án Tòa án Tối cao LB Nga Irina Podnosova. Ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, hệ thống tòa án Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với hệ thống tòa án Liên Xô trước kia và mong muốn học hỏi tiếp thu các kinh nghiệm phát triển và hoàn thiện hệ thống tư pháp của LB Nga trong việc giải quyết một số vấn đề mà hệ thống tư pháp đang phải đối mặt. Theo đoàn Việt Nam, kinh nghiệm của Nga về việc xây dựng tòa án cấp sơ thẩm và luật phá sản sẽ có ích với Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam. Chánh án Irina Podnosova đề xuất với phía Việt Nam cân nhắc tổ chức các chương trình thường xuyên để làm quen với công việc của tòa án, các tiêu chuẩn chống tham nhũng và các khía cạnh khác của hệ thống pháp luật. Tờ Far Eastern News viết rằng, chuyến thăm của Tổng thống Liên bang Nga tới Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tái khởi động chính sách đối ngoại của Nga đối với đất nước này và cho biết rằng, vùng Khabarovsk sẵn sàng xuất khẩu sang Việt Nam các loại sản phẩm của ngành công nghiệp chế biến gỗ và hóa chất, chế tạo máy và... xưởng phim hoạt hình. Cổng thông tin chính quyền tỉnh Ulyanovsk đưa tin, tại Ulyanovsk đã khai mạc Triển lãm tranh cổ động về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn khổ “Những ngày văn hóa Việt Nam tại Liên bang Nga”. Với gần 60 bức tranh cổ động, triển lãm giới thiệu với công chúng Nga những hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nghệ thuật đồ họa, được các họa sĩ Việt Nam sáng tác sau khi Người qua đời. Nội dung trưng bày gồm 4 phần: "Hồ Chí Minh - Linh hồn dân tộc Việt Nam"; "Hồ Chí Minh - Nhà quân sự, nhà thơ"; "Bác Hồ - Một tình yêu bao la"; "Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta". Khu lưu niệm Lenin ở Ulyanovsk và Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác khoa học và văn hóa giữa hai bên. Theo thỏa thuận, hai bên thống nhất hợp tác trong các dự án chung mới.