Việt Nam có gì khiến Hàn Quốc đổ hàng chục tỷ USD vào đầu tư?

© Ảnh : Press service of Samsung Việt Nam Nhà máy Samsung Electronics Việt Nam (SEV) tại Bắc Ninh
Nhà máy Samsung Electronics Việt Nam (SEV) tại Bắc Ninh - Sputnik Việt Nam, 1920, 17.07.2024
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Dòng chảy chuỗi cung ứng đầu tư đang dịch chuyển mạnh mẽ. Sau một thời gian chững lại, sắp tới Hàn Quốc sẽ đầu tư hàng chục tỷ USD vào Việt Nam. Tại sao là Việt Nam mà không phải nước nào khác? Cùng xem nhận định của TS. Vũ Tiến Lộc – Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khi trả lời phỏng vấn Sputnik.

Dòng vốn từ Hàn Quốc tăng mạnh

Sau chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc đến Việt Nam vào giữa năm 2023 và chuyến thăm đến Hàn Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính đầu tháng 7 vừa qua, dòng vốn đầu tư mạnh mẽ từ Hàn Quốc đổ vào Việt Nam có thể lên đến hàng chục tỷ USD.
Theo đó, Samsung có kế hoạch sẽ đầu tư 3 tỷ USD vào Việt Nam trong ba năm tới, mỗi năm đầu tư khoảng 1 tỷ USD, để đưa nhà máy Việt Nam trở thành cơ sở sản xuất mô-đun điện tử lớn nhất thế giới.
Samsung hiện nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam, với 4 nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP HCM có tổng vốn hơn 22 tỷ USD. Điện thoại di động sản xuất tại Việt Nam chiếm trên 50% sản lượng sản xuất của hãng trên toàn cầu. Dự kiến, năm nay xuất khẩu mặt hàng này của họ sẽ tăng hơn 10%, so với gần 56 tỷ USD năm 2023.
Ngoài Samsung, đại diện 13 tập đoàn hàng đầu khác của Hàn Quốc (Posco, CJ, LG, Lotte, Daewoo E&C…) đã thể hiện mong muốn đầu tư, trung bình 1 tỷ USD mỗi tập đoàn.
Giới thiệu sản phẩm Samsung Galaxy Fold tại San Francisco - Sputnik Việt Nam, 1920, 02.07.2024
Kế hoạch mới của Samsung ở Việt Nam
Các nhóm ngành được ưu tiên thu hút như điện tử, bán dẫn, năng lượng tái tạo, kinh tế số - chuyển đổi số, nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm tài chính, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển…
Điều này càng củng cố, làm sâu sắc quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Đây là nhận định của TS. Vũ Tiến Lộc – Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khi trả lời phỏng vấn Sputnik.
“Nền kinh tế Việt Nam đang cho thấy những tín hiệu tích cực. Đây là nền kinh tế với nhiều cơ hội kinh doanh đang mở ra, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, phân phối, bán lẻ hay các ngành thân thiện với môi trường. Việc nâng cấp quan hệ thành Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2022, hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Hàn Quốc hiện nay đang bước vào giai đoạn mới với sự phát triển mạnh mẽ của các dự án trong lĩnh vực chuỗi cung ứng và công nghệ cao, góp phần đẩy mạnh tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam. Cơ cấu kinh tế của Hàn Quốc và Việt Nam đang bổ trợ rất tốt cho nhau. Hàn Quốc là một trong những nước có công nghệ cao hàng đầu, điều mà Việt Nam đang hướng đến. Việt Nam cũng ưu tiên đầu tư nước ngoài có liên kết với các doanh nghiệp trong nước để tạo sự bổ trợ lẫn nhau. Việc liên kết này phù hợp với sức đi lên của các doanh nghiệp Việt Nam”.
So với cách đây 10 năm, vốn đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam tăng gấp 21 lần. Trong hơn 5 năm qua, Hàn Quốc đã trở thành một trong những quốc gia hàng đầu đầu tư vào Việt Nam, cả về tổng vốn đầu tư đăng ký và số lượng dự án. Đến tháng 6 năm nay, tổng đầu tư trực tiếp từ Hàn Quốc vào Việt Nam đã đạt gần 87,5 tỷ USD với hơn 10.000 dự án đầu tư. Trong đó, đầu tư vào công nghiệp chế biến chế tạo chiếm gần 75% tổng vốn đăng ký. Vốn FDI từ Hàn Quốc đang cho thấy sự phù hợp với định hướng chiến lược của Việt Nam.
“Việt Nam đang trở thành điểm đến quan trọng cho việc đầu tư cả trong trung và dài hạn, đặc biệt trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang trải qua quá trình tái cấu trúc. Vai trò của Việt Nam ngày càng được củng cố trong chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất đa quốc gia, đồng thời tăng trưởng kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn và vĩ mô ổn định”, Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Việt Nam có gì?

Hiện có khoảng 200.000 người Hàn Quốc đang sinh sống ở Việt Nam. Đây cũng là quy mô cộng đồng Hàn Quốc lớn nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á. TS. Lộc cho rằng, nếu quan hệ chính trị ngoại giao đóng vai trò mở đường; thì “sâu rễ bền gốc” chính là hợp tác giữa tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, văn hóa doanh nghiệp, ứng xử kinh doanh của hai nước có sự tương đồng.
Máy in tiền đang in tờ 100 đô la. - Sputnik Việt Nam, 1920, 16.07.2024
Vốn FDI vào Việt Nam đạt kết quả ấn tượng
Nhằm thu hút nguồn FDI chất lượng, Việt Nam đang nghiên cứu các cơ chế, chính sách mới trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu, dự kiến được áp dụng tại một số quốc gia từ đầu năm 2024.

“Dựa trên cơ sở bình đẳng, Việt Nam đang có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư theo lĩnh vực, điển hình như công nghệ cao, đổi mới sáng tạo…, mà Hàn Quốc có thế mạnh và có tiềm năng đầu tư”, ông nói thêm.

Chủ trương hiện nay của Việt Nam là tạo mọi điều kiện để tập đoàn triển khai các hoạt động đầu tư kinh doanh bền vững tại đây. Chính phủ vẫn đang nỗ lực duy trì sự ổn định và phát triển kinh tế vĩ mô để thu hút vốn FDI trong nhiều năm qua.
Bên cạnh đó, thể chế và môi trường đầu tư liên tục được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh và cam kết với các đối tác nước ngoài.
Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam với chủ đề Kết nối Việt Nam với hệ sinh thái bán dẫn Đông Nam Á vừa diễn ra vào ngày 29/9, tại Hà Nội. Tại sự kiện, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi.  - Sputnik Việt Nam, 1920, 03.10.2023
Vì sao tập đoàn chip bán dẫn nước ngoài thích Việt Nam?
Về hạ tầng đầu tư, Quốc hội quyết định phát triển đường Vành đai 4, tạo ra giao thông kết nối, mở rộng không gian. Từ đó, hình thành chuỗi khu đô thị công nghiệp, liên kết nền kinh tế trọng điểm miền Bắc (Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng...) với trung tâm Thủ đô và các vùng lân cận, tạo lợi thế trở thành trung tâm thu hút đầu tư của cả nước.
Về hạ tầng liên quan đến phục vụ sản xuất như điện, Việt Nam đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định và cam kết, không để Việt Nam thiếu điện trong tương lai.

Làm gì để “giữ chân” dòng vốn?

Đã có nhiều chương trình hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam phát triển công nghệ cao cho thanh niên Việt. Trong đó, phải kể đến Chương trình Phát triển nhân tài công nghệ – Samsung Innovation Campus (SIC) năm học 2023-2024. Dự án hợp tác đầu tiên, đào tạo 50.000 kỹ sư công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam vẫn đang triển khai. Dự án sẽ trở thành một mô hình mẫu cho việc đào tạo những tài năng trẻ Việt Nam trở thành những chuyên gia công nghệ.

“Việt Nam cần phát triển không chỉ là nơi gia công mà còn là điểm nối quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất hàng hóa của các DN Việt -Hàn. Việt Nam khuyến khích các DN Hàn Quốc chia sẻ cơ hội đầu tư với DN Việt Nam. Việc đồng hành và học hỏi kinh nghiệm từ các DN Hàn Quốc phù hợp với ý chí tinh thần của DN Việt Nam và ý chí đổi mới sáng tạo của người Việt. Đây có thể coi là mô hình có tính lan tỏa giữa nền kinh tế công nghệ cao và nền kinh tế đang phát triển”, TS. Lộc nêu định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam đối với các DN Hàn Quốc.

Theo Đại biểu Quốc hội, trong bối cảnh Việt Nam đang cần xây dựng các tập đoàn lớn của Nhà nước và tư nhân, Việt Nam cần thúc đẩy hợp tác giáo dục - đào tạo đội ngũ quản trị DN, hỗ trợ quản trị DN vừa và nhỏ.
Các tập đoàn Hàn Quốc khi đến Việt Nam cũng mang theo kỹ năng quản trị tốt, lan tỏa tới các DN nội địa. Từ đó, cải thiện quản trị, tăng cường sáng tạo và đổi mới, sẵn sàng chấp nhận đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, từ đó tạo ra chuỗi giá trị hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала