Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng xử lý trách nhiệm lãnh đạo Gia Lai
15:01 15.08.2024 (Đã cập nhật: 15:23 15.08.2024)
© Ảnh : Hồng Điệp/TTXVNTrụ sở Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
© Ảnh : Hồng Điệp/TTXVN
Đăng ký
Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận về việc thanh tra trách nhiệm của UBND tỉnh Gia Lai trong quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; hoạt động khai thác cát, đất, đá, sỏi và quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh này.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, tại TP. Pleiku, thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa và các huyện: Chư Prông, Đak Đoa, Đức Cơ, K'bang, Ia Grai, Chư Sê hầu hết các dự án đấu giá quyền sử dụng đất có hiện tượng một số người trúng đấu giá hàng chục đến hàng trăm lô đất.
Sau khi trúng đấu giá, đất để hoang hóa, mất mỹ quan, hạ tầng cơ sở xuống cấp, lãng phí nguồn tài nguyên đất. Điển hình có 373 trường hợp trúng đấu giá sau đó kê khai giá trị chuyển nhượng thấp hơn giá trúng đấu giá. Tuy nhiên, cơ quan thuế đã căn cứ vào giá ghi trong hợp đồng hoặc giá của bảng giá đất UBND tỉnh để tính lệ phí và thuế mà không áp dụng giá trúng đấu giá đã được phê duyệt để làm căn cứ tính thuế, phí là chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý thu thuế.
Hành vi kê khai giá trị chuyển nhượng thấp hơn giá trúng đấu giá có dấu hiệu kê khai không trung thực, nhưng các cơ quan chuyên môn, cơ quan Thuế không kịp thời xử lý, nguy cơ làm giảm thu ngân sách nhà nước số tiền thuế, phí do kê khai giá trị chuyển nhượng thấp hơn giá trúng đấu giá của 373 lô đất chênh lệch giảm là 98 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan thuế và các đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát đối với 373 trường hợp trên. Nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xử lý theo quy định. Trách nhiệm sai sót thuộc người sử dụng đất, Chi cục Thuế quản lý các huyện, thị xã, thành phố Pleiku, Cục Thuế tỉnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Qua thanh tra điểm đối với 11 hồ sơ dự án (2 dự án khu dân cư; 1 dự án tổ hợp khách sạn và nhà phố thương mại; 5 dự án điện gió; 1 dự án trường học; 1 dự án hạ tầng công ích; 1 dự án trồng rừng) và việc quản lý sử dụng đất trước, trong và sau cổ phần hóa của 3 Công ty (Công trình đô thị Gia Lai, Cấp thoát nước Gia Lai, Chè Bàu Cạn), Thanh tra Chính phủ phát hiện Gia Lai giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, có vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư… Đó là, thực hiện không đúng, không đầy đủ trình tự, thủ tục trong việc giao đất, cho thuê đất, bàn giao đất trên thực địa; cho thuê đất để thực hiện dự án không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; ban hành quyết định tạm giao đất không đúng thẩm quyền, không thu hồi đất bàn giao địa phương quản theo quy định, không kiểm tra, rà soát, xử lý, làm rõ diện tích đất công ty quản lý, sử dụng trước khi phê duyệt phương án cổ phần hóa…, không yêu cầu các đơn vị nộp số tiền bằng 20% giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; dự án chậm tiến độ nhưng không thu hồi tiền ký quỹ, chấm dứt thực hiện dự án, thu hồi đất theo quy định; thực hiện không đúng trình tự trong việc xác định, phê duyệt giá đất cụ thể; cho thuê đất thực hiện dự án nhưng không tổ chức thẩm định năng lực tài chính, nhu cầu sử dụng đất của chủ đầu tư; khởi công xây dựng dự án khi chưa được cho thuê đất (dự án điện gió);...
Ngoài việc chỉ ra hàng loạt vi phạm, Tổng Thanh tra Chính phủ còn kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai giao Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra việc quản lý sử dụng đất, tập trung đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Kon Chro. Trong đó làm rõ hành vi phá rừng (nếu có) của Công ty cổ phần Phong điện Chơ Long, Công ty cổ phần Phong điện Yang Trung và báo cáo kết quả về Thanh tra Chính phủ.
"Trường hợp phát hiện hành vi phá rừng thì chuyển cơ quan chức năng điều tra, xử lý theo quy định", Thanh tra Chính phủ yêu cầu.
Tổng Thanh tra yêu cầu Gia Lai thanh tra toàn diện 7 công ty TNHH MTV lâm nghiệp (Trạm Lập, Đăk Rông, Sơ Lai, Krông Pa, Hà Rừng, Kông Chiêng, Ia Pa) để có đánh giá tổng thể về công tác quản lý đất đai có nguồn gốc nông lâm trường trên địa bàn.
Đặc biệt, Gia Lai phải chỉ đạo đơn vị liên quan kiểm tra, xem xét, xử lý theo quy định, khắc phục hậu quả các sai phạm - nếu phát hiện vi phạm hình sự hoặc sai phạm không thể khắc phục thì chuyển hồ sơ cơ quan thẩm quyền xử lý - đối với 8 vụ việc mà Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.
1.
Vi phạm trong việc Cục Thuế tỉnh Gia Lai miễn tiền thuê đất cho Công ty thủy điện An Khê - KaNak.2.
Vi phạm trong việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng Trường phổ thông Hoàng Diệu Asean.3.
Vi phạm trong cấp phép khai thác khoáng sản không thông qua đấu giá đã được Thanh tra Chính phủ phát hiện.4.
Số tiền tạm ứng quá hạn chưa thu hồi, nguy cơ thất thoát ngân sách nhà nước hơn 23 tỷ đồng (Công ty CP Xây dựng thương mại Bình An hơn 20 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Trung Đạt gần 3 tỷ đồng) của 5 dự án liên quan đến các vụ án kinh tế do tòa án thụ lý, giải quyết.5.
Vi phạm trong hoạt động đấu thầu của các đơn vị đã được nêu tại Văn bản số 1673/2018 của Sở Kế hoạch và Đầu tư.6.
Hành vi kê khai giá chuyển nhượng thấp hơn giá trúng đấu giá của những trường hợp chuyển nhượng từ 3 lô đất trở lên.7.
Các trường hợp vi phạm quy chế đấu giá, cho phép chậm nộp tiền trúng đấu giá tại dự án Khu quy hoạch Trung tâm hành chính và khu đô thị sinh thái phía Đông thị trấn Chư Sê.8.
Các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP Pleiku.Chịu trách nhiệm toàn diện về các quyết định của mình
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn có liên quan về những thiếu sót, tồn tại, vi phạm liên quan đến trách nhiệm quản lý, điều hành.
"UBND tỉnh Gia Lai chịu trách nhiệm toàn diện về các quyết định của mình", cơ quan thanh tra nêu.
Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai căn cứ vào nội dung thanh tra tiến hành giao các cơ quan chức năng xử lý số tiền vi phạm bị phát hiện qua thanh tra là hơn 409 tỷ đồng. Đồng thời, rà soát lại việc xây dựng và ban hành bảng giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn.
Khẩn trương khắc phục tình trạng buông lỏng quản lý đất của doanh nghiệp cổ phần hóa, việc sử dụng đất có nguồn gốc nông lâm trường; trong đó tập trung xử lý triệt để người dân lấn chiếm đất đai nông lâm trường trái pháp luật.
Hủy bỏ và thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp cho Công ty TNHH MTV Trang Đức và Công ty kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức (2 mỏ cát và 1 mỏ đá), đưa khu vực mỏ này vào danh mục đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Chấm dứt hoạt động với dự án trồng cao su trên đất rừng do Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư do không thực hiện nghĩa vụ tài chính, không thực hiện dự án và 18 dự án không đầu tư, chậm tiến độ kéo dài nhiều năm, hết thời hạn đầu tư theo quy định.
Đối với 5 dự án điện gió, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra, rà soát việc dự án chuyển nhượng cổ phần khi chưa hoàn tất thủ tục đất đai; chủ đầu tư sử dụng lao động nước ngoài nhưng không báo cơ quan chức năng…; quá trình xử lý nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì UBND tỉnh chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng xử lý…