Cuộc họp của lãnh đạo và nguyên lãnh đạo cấp cao Việt Nam
22:53 06.11.2024 (Đã cập nhật: 23:22 06.11.2024)
© Ảnh : TTXVN - Hoàng Thống NhấtTổng Bí thư Tô Lâm phát biểu.
© Ảnh : TTXVN - Hoàng Thống Nhất
Đăng ký
Bộ Chính trị hôm nay dành một ngày để lắng nghe ý kiến góp ý của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào dự thảo các văn kiện Đại hội 14.
Theo lịch trình dự kiến tháng 1/2026 sẽ diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV của Việt Nam. Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của đất nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm gặp các nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước
Để gấp rút chuẩn bị cho Đại hội Đảng 14, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII đã tổ chức nhiều cuộc họp để tập trung chuẩn bị hai công việc hệ trọng là dự thảo các văn kiện trình ra Đại hội và chuẩn bị tốt nhân sự Đại hội.
Trong bối cảnh đó, sáng nay (6/11) tại Trụ sở Trung ương Đảng, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Tô Lâm, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước góp ý vào các Dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng.
Cùng dự có Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Lương Cường, các nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đồng chí Trần Cẩm Tú, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng lãnh đạo một số bộ ngành Trung ương.
Phát biểu hôm nay, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh rằng, các văn kiện trình ra Đại hội Đảng lần thứ XIV phải có sự tham gia đóng góp của các cơ quan, ban, ngành Trung ương, các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân, đặc biệt là sự tham gia đóng góp của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
“Với yêu cầu dự thảo văn kiện khi trình ra Đại hội phải là sản phẩm kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó, sự tham gia đóng góp của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là những người có trí tuệ uyên thâm, sâu sắc về lý luận, am tường về thực tiễn và đã có nhiều năm tham gia lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác của Đảng và Nhà nước”, Tổng Bí thư cho biết.
Tư tưởng xuyên suốt của văn kiện này là làm thế nào để đất nước phát triển, vươn mình trong một kỷ nguyên mới.
“Đây cũng là cái trăn trở của chúng tôi và cũng là đòi hỏi của tình hình thực tiễn hiện nay. Với cơ đồ tiềm lực và vị thế đất nước tạo dựng được qua giai đoạn lịch sử gần 40 năm Đổi mới có đóng góp to lớn của các đồng chí lãnh đạo đi trước trong đó có các bác, các anh, các chị tham dự hội nghị ngày hôm nay. Thế hệ chúng tôi nhận thức rất rõ trách nhiệm tiếp tục phát huy những thành tựu có ý nghĩa lịch sử này để đưa đất nước vào giai đoạn phát triển mới”, người đứng đầu Đảng bày tỏ.
Cải cách thể chế
Tại hội nghị các đại biểu đã tập trung cho ý kiến và góp ý vào báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2026 - 2030, báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng và báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn của công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua.
Cạnh đó, các ý kiến cũng tập trung vào những nhóm vấn đề như hoàn thiện thể chế, đổi mới mạnh mẽ tổ chức bộ máy; phát triển kinh tế; phát triển văn hoá, môi trường và con người; về công tác xây dựng Đảng; phòng chống tham nhũng tiêu cực lãng phí tại Việt Nam.
Nhiều ý kiến đánh giá các dự thảo được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, có nhiều điểm mới; về tổng thể cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp xây dựng các văn kiện theo hướng cụ thể, rõ định hướng, rõ chủ trương chiến lược, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
Các dự thảo hiện nay tuy đã ngắn gọn hơn, song vẫn còn một số nội dung chưa thật sự cô đọng, súc tích, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người; cần tiếp tục rà soát, bảo đảm thống nhất trong nội dung giữa các văn kiện.
Trong số đó, Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm, các báo cáo khác là những báo cáo chuyên đề, cần thống nhất với những đánh giá, bài học kinh nghiệm, quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn mà Báo cáo chính trị đã xác định.
Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: “Chúng ta phải bứt phá, các đồng chí hay nhấn mạnh đến việc tháo gỡ tháo nên cần tập trung tháo gỡ về thể chế, dứt khoát kiên định phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó kinh tế thị trường phải tuân thủ quy luật của thị trường, kinh tế chúng ta là nhiều thành phần đa sở hữu, có tính cạnh tranh, bình đẳng trước pháp luật, mọi người có quyền làm việc kinh doanh mọi ngành nghề mà pháp luật không cấm”.
Đối với vấn đề này, đồng chí Tô Lâm cho biết, đây là vấn đề rất cấp thiết hiện nay. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đang chỉ đạo rất cấp thiết, tháo gỡ ngay từ bây giờ chứ không chờ đến Đại hội XIV.
“Ngay từ bây giờ, những việc gì làm được trong năm nay và năm 2025 là phải tiến hành ngay”, Tổng Bí thư nói.
Khẳng định từ kinh nghiệm phong phú các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã bổ sung nhiều ý kiến có tầm chiến lược như vấn đề hoàn thiện thể chế, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, vấn đề phát triển kinh tế tư nhân hay vấn đề phát triển văn hoá, bảo vệ môi trường…tất cả chỉ với mong muốn để Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh, đất nước phồn vinh, văn minh và hạnh phúc, chăm lo ngày các tốt hơn đời sống của các tầng lớp nhân dân.
Tiếp tục hoàn thiện, chỉnh sửa các văn kiện
Về tổng thể thời gian tới các văn kiện dự kiến trình Đại hội XIV của Đảng sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp xây dựng các văn kiện theo hướng cụ thể, rõ định hướng, rõ chủ trương chiến lược, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; bảo đảm sự thống nhất trong nội dung giữa các văn kiện; trong đó, Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm, các báo cáo khác là những báo cáo chuyên đề, thống nhất với những đánh giá, bài học kinh nghiệm, quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn mà Báo cáo chính trị đã xác định.
Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị thường trực các tiểu ban tiếp tục chỉnh sửa, tiếp thu và hoàn thiện Dự thảo Báo cáo chính trị trên tinh thần phản ánh được những thay đổi sâu sắc về bối cảnh phát triển mới của thế giới và trong nước; nền tảng phát triển mới của đất nước sau 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng; và những nhận thức mới, tư duy mới của Đảng ta về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, nhất là được thể hiện trong các nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ... được ban hành trong nhiệm kỳ này.
Một lần nữa nhấn mạnh, Đại hội XIV của Đảng sẽ gắn liền với bối cảnh đất nước sau 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, 80 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, nay là Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 95 năm thành lập Đảng, hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, mở ra một kỷ nguyên phát triển mới - kỳ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030 rồi đến năm 2045 trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phát triển có thu nhập cao, khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc tinh thần tự chủ tự lực tự cường tự tin, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước bền vững; nguồn lực động lực quan trọng để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới là ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển lực lượng sản xuất mới, thúc đẩy chuyển đổi số ,chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng ,phát huy sức mạnh văn hóa con người.
“Mọi người dân Việt Nam chung sức đồng lòng tranh thủ tối đa thời cơ thuận lợi, đẩy lùi những nguy cơ thách thức để đưa đất nước phát triển toàn diện mạnh mẽ bứt phá và cất cánh”, Tổng Bí thư bày tỏ.