Nước lớn thua Việt Nam, vì sao?
© Sputnik / Phạm Lê AnhThượng tướng, Viện sỹ, AHLLVTND Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam
© Sputnik / Phạm Lê Anh
Đăng ký
Thượng tướng, viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Quốc phòng cho biết, các nước lớn xâm lược Việt Nam nhưng lại thua về mặt chính trị, thua một đội quân của dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Việt Nam có thể chiến thắng các cường quốc hùng mạnh nhất thế giới là nhờ trí tuệ dân tộc, nghệ thuật chiến tranh nhân dân độc đáo, quân đội biết dựa vào dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.
“Thua về mặt chính trị”
Việt Nam, một đất nước nhỏ bé nhưng kiên cường, đã chứng minh được ý chí độc lập tự do cùng sức mạnh của trí tuệ, đoàn kết dân tộc có thể đánh bại bất kỳ thế lực nào.
VOV dẫn ý kiến của Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho rằng, các nước lớn xâm lược Việt Nam bao giờ cũng mạnh hơn Việt Nam nhiều lần từ quân sự, kinh tế, vũ khí nhưng thua Việt Nam về mặt chính trị.
“Các nước lớn xâm lược Việt Nam bao giờ cũng mạnh hơn Việt Nam nhiều lần, từ quân sự, kinh tế, vũ khí, … nhưng họ thua Việt Nam về mặt chính trị. Họ thua một đội quân của dân, do nhân dân và vì nhân dân”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu khẳng định.
Thắng lợi ấy không chỉ khiến thế giới khâm phục mà còn đặt ra câu hỏi, làm thế nào Việt Nam có thể chiến thắng những cường quốc hùng mạnh như vậy.
“Câu trả lời nằm ở trí tuệ Việt Nam, trí tuệ ấy được kết tinh từ truyền thống, lịch sử, văn hóa và bằng nghệ thuật chiến tranh nhân dân. Và trên hết, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc chính là nhân tố quyết định, biến mỗi người dân thành một chiến sĩ, mỗi vùng đất thành một pháo đài kiên cường”, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc “quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại. Người lấy xây dựng chính trị làm cơ sở trong quá trình trưởng thành của Quân đội Việt Nam.
3 chức năng của quân đội được bác Hồ nói đến là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Đồng thời, Người xác định tính chất, nhiệm vụ của đội là “chính trị trọng hơn quân sự”, “tuyên truyền trọng hơn tác chiến”, “người trước, súng sau”.
Khi đã xây dựng được niềm tin trong nhân dân thì không thế lực nào có thể đánh bại được quân đội này. Xác định quân đội là chỗ dựa tinh thần cho nhân dân nên luôn luôn phải đặt nhiệm vụ chính trị làm gốc.
Quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành trong gần 80 năm qua đã chứng minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, quân đội đã sát cánh cùng nhân dân trong mọi hoàn cảnh, trở thành một đội quân của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, chiến đấu vì mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.
Từ cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cho tới ngày nay, trong các giai đoạn hội nhập, Việt Nam vẫn luôn luôn phát huy truyền thống này. Theo Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, đây cũng chính là điểm then chốt, thể hiện sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh của lòng dân và là thế trận chính trong nhân dân.
“Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng kiến những kẻ thù xâm lược có tiềm lực vượt trội về kinh tế, vũ khí và trang bị quân sự như thực dân Pháp hay đế quốc Mỹ. Chúng ta có chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ vang dội khắp năm châu, mà còn chấn động địa cầu”, tướng Hiệu nhắc lại.
Đáng nói, những chiến thắng này không chỉ là một thắng lợi quân sự, mà còn trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho các phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.
Quân đội Nhân dân Việt Nam từ lâu đã mang trong mình một sứ mệnh đặc biệt, không chỉ là lực lượng bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia mà còn là một đội quân lao động sản xuất, góp phần xây dựng đất nước.
Trong thời bình, quân đội không chỉ duy trì sẵn sàng chiến đấu mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân tại các vùng biên giới, hải đảo – những khu vực trọng điểm về an ninh và chủ quyền quốc gia.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: “Chính tinh thần “vừa chiến đấu, vừa lao động” này đã trở thành một truyền thống quý báu, biểu tượng cho sức mạnh và sự bền bỉ của Quân đội nhân dân Việt Nam trong mọi thời đại”.
Tự cải tiến, làm chủ công nghệ vũ khí tiên tiến
Việt Nam là một đất nước giàu trí tuệ và sáng tạo, luôn biết cách tiếp thu và cải tiến khoa học – công nghệ từ thế giới để phù hợp với nghệ thuật quân sự của mình.
Tướng Hiệu nhắc việc trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm, Việt Nam đã thành công trong việc cải tiến tên lửa SAM-2 để bắn rơi máy bay B-52 của Mỹ – một thành tựu khiến thế giới kinh ngạc.
Ngoài ra, Quân đội Việt Nam còn cải tiến tên lửa, bắn được các loại tầm xa, tầm ngắn.
Từ đó đến nay, Việt Nam luôn tìm cách làm chủ công nghệ tiên tiến, phát triển những phương tiện tác chiến phù hợp với điều kiện, phục vụ cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Hiện nay, Việt Nam đang xây dựng một QĐND cách mạng từng bước chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
“Chúng ta đã có những quân chủng hiện đại, đó là không quân, hải quân. Các quân, binh chủng khác tiếp tục phấn đấu đến năm 2030 thành một đội quân chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, theo nguyên Thứ trưởng Quốc phòng.
Để làm được điều này, đòi hỏi thế hệ trẻ phải làm chủ khoa học công nghệ, tiếp thu chọn lọc những tinh hoa của thế giới và vận dụng sáng tạo, linh hoạt để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Không những chỉ làm chủ khoa học – công nghệ mà theo tướng Hiệu, còn phải phát triển một cách năng động, sáng tạo và phù hợp.
Với nền tảng giáo dục chính trị từng người lính, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cho rằng, tại các trường học, chương trình giáo dục đã được thiết kế lồng ghép các nội dung nhằm bồi dưỡng tinh thần yêu nước và trách nhiệm với Tổ quốc cho thế hệ trẻ.
Đặc biệt, các thanh niên khi thực hiện nghĩa vụ quân sự đã được đào tạo bài bản về truyền thống vẻ vang, những giá trị văn hóa quân sự trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Điều này không chỉ trang bị cho mỗi người lính nền tảng lý luận, thực tiễn vững chắc mà còn giúp rèn luyện bản lĩnh, ý chí và nghị lực vượt khó để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Trước xu thế hội nhập sâu rộng như hiện nay, có rất nhiều sự tác động vào đời sống, tâm tư, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ.
Do đó, viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu cho rằng, công tác chính trị sẽ là nền tảng giúp người lính xây dựng đạo đức, phẩm chất, giữ vững được bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tuyệt đối trung thành với dân tộc, Tổ quốc trong mọi thời đại.