Việc kỷ luật 2 lãnh đạo trong “Tứ trụ” ở Việt Nam cho thấy điều gì?
18:37 31.12.2024 (Đã cập nhật: 18:38 31.12.2024)
© Ảnh : TTXVN - Hoàng Thống NhấtPhiên họp thứ 27 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
© Ảnh : TTXVN - Hoàng Thống Nhất
Đăng ký
Năm 2024, lần đầu tiên Việt Nam thi hành kỷ luật hai cán bộ nguyên là lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước.
Điều này thể hiện rất rõ thông điệp về sự nghiêm minh, quyết tâm cao, nhưng cũng với tinh thần rất nhân văn mà Tổng Bí thư Tô Lâm, lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn quán triệt trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo “có sai phạm là phải kết luận xử lý, không thể buông lỏng; không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai và không để cán bộ sai phạm hạ cánh an toàn”.
Lần đầu tiên Việt Nam kỷ luật 2 lãnh đạo chủ chốt
Sáng nay, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đã họp Phiên thứ 27.
Năm qua, việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực được tập trung chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ. Theo đó, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 709 tổ chức đảng và 24.097 đảng viên vi phạm.
“Trong đó, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật 2 nguyên là lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước do vi phạm quy định trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vi phạm những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương”, - báo cáo tại hội nghị nêu rõ.
Trước đó, như Sputnik đã đưa tin, nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nguyên Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã bị kỷ luật.
Các thông cáo chính thức của Bộ Chính trị, Ban Bí thư thể hiện, trong thời gian giữ cương vị Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Quốc hội, ông Vương Đình Huệ đã vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước. Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng được xác định trong thời gian giữ chức vụ Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban cán sự đảng, Thủ tướng Chính phủ đã vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước. Bộ Chính trị đã ra quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc
© Ảnh : TTXVN - Nguyễn Phương HoaPhiên họp thứ 27 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
Phiên họp thứ 27 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
© Ảnh : TTXVN - Nguyễn Phương Hoa
Nỗ lực này khẳng định rõ sự nghiêm minh, quyết tâm cao của Tổng Bí thư, của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Hôm nay, báo cáo tại hội nghị cho biết, ngành thanh tra, kiểm toán, qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính 104.042 tỷ đồng và 40 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 2.065 tập thể và 7.836 cá nhân.
Các cơ quan chức năng qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đã chuyển 344 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố mới 4.732 vụ án/10.430 bị can, truy tố 4.074 vụ/10.698 bị can, xét xử sơ thẩm 4.052 vụ/9.664 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ; trong đó, khởi tố mới 906 vụ án/2.068 bị can về các tội tham nhũng.
Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đã khởi tố mới 8 vụ án/29 bị can, khởi tố thêm 174 bị can trong 13 vụ án; kết thúc điều tra 13 vụ án/449 bị can, kết thúc điều tra bổ sung 6 vụ án/32 bị can; truy tố 12 vụ án/440 bị can; xét xử sơ thẩm 14 vụ án/536 bị cáo, xét xử phúc thẩm 16 vụ án/118 bị cáo, được dư luận, nhân dân đồng tình, đánh giá cao.
Công tác thu hồi tài sản tham nhũng đạt nhiều kết quả; riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được gần 19.000 tỷ đồng.
Không để hạ cánh an toàn
Năm 2024, cácBan Chỉ đạo cấp tỉnh đã đưa 155 vụ án, vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo; chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương khởi tố mới 848 vụ án/1.884 bị can phạm tội về tham nhũng.
Nhiều địa phương đã phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, cả những vụ xảy ra từ nhiều năm trước.
Đã khởi tố cả cán bộ thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy quản lý; xử lý kỷ luật 130 trường hợp người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu do thiếu trách nhiệm, để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình quản lý, phụ trách, trong đó có 45 trường hợp bị xử lý hình sự.
Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo đã có nhiều thông điệp chỉ đạo mạnh mẽ về phòng, chống lãng phí.
Các cấp ủy, tổ chức đảng đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá về công tác phòng, chống lãng phí.
Nhất là, chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý các tồn tại kéo dài liên quan đến các công trình, dự án chậm tiến độ, nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn; khởi tố một số vụ án gây lãng phí lớn ngân sách nhà nước để điều tra, xử lý.
Phát biểu tại hội nghị sáng nay, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, công tác phòng ngừa lãng phí tiêu cực được triển khai hiệu quả hơn gắn với công tác cán bộ sắp xếp tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số gắn với thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, qua đó khẳng định mạnh mẽ chủ trương của Đảng trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
“Có sai phạm là phải kết luận xử lý, không thể buông lỏng ở đây được; không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai và không để cán bộ sai phạm hạ cánh an toàn”, - VOV dẫn lời Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Phát biểu tại cuộc họp báo chiều nay của Ban Nội chính Trung ương, ông Đặng Văn Dũng, Phó Ban cũng thông tin rộng rãi, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam được tập trung chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ.
“Xử lý kiên quyết, nghiêm minh các sai phạm nhưng cũng rất nhân văn, chú trọng phân hóa trong xử lý đối tượng vi phạm, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung”, - ông Dũng nói.
Trong năm Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo đẩy mạnh phòng, chống lãng phí, tạo chuyển biến mới về nhận thức, quyết tâm, gắn phòng, chống lãng phí với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để chỉ đạo cả phòng, chống lãng phí...
Sớm kết thúc điều tra, truy tố, xét xử các vụ Phúc Sơn, Thuận An
Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo lưu ý, năm 2025 là năm diễn ra đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, Ban Chỉ đạo yêu cầu công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực phải tiếp tục triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn.
Lưu ý là năm cuối nhiệm kỳ, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu ngoài việc hoàn thành các mục tiêu của năm, còn phải hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ.
Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu đánh giá toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay để tiếp tục bổ sung nội dung này vào Dự thảo văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
“Hay nói cách khác, chúng ta phải hình dung ra công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực sẽ như thế nào để đất nước phát triển vươn mình trong kỷ nguyên mới”, - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Cụ thể hơn là vừa phải chống được tham nhũng vừa phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng GDP hai con số liên tục trong nhiều năm, không để việc nọ cản trở việc kia.
Lãnh đạo Đảng nghiêm cấm việc lợi dụng phòng, chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực để trục lợi, đồng thời nhắc nhở phải phê phán sự nguỵ biện cho rằng chống tham nhũng ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, dẫn đến việc cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm.
Tổng Bí thư cũng yêu cầu khắc phục những sơ hở, bất cập, tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, pháp luật, tạo động lực cho đổi mới, sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực.
Ông yêu cầu, tập trung triển khai quyết liệt toàn diện tạo chuyển biến mạnh mẽ, đột phá trong công tác phòng chống lãng phí trong toàn xã hội.
Trong đó, cần xác định công tác phòng chống lãng phí là nhiệm vụ cấp bách ưu tiên làm ngay, trước hết là hoàn thành việc rà soát các công trình, dự án chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài hiệu quả thấp, gây thất thoát lãng phí và có cơ chế chính sách đột phá để giải quyết dứt điểm, kiên quyết thu hồi loại bỏ các dự án không cần thiết để tập trung cho các dự án cấp bách.
Tổng Bí thư nêu rõ: “Tiến hành kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tiến hành xử lý một số dự án điển hình về thất thoát lãng phí để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe”.
Bởi đây là tài sản của Nhà nước, của nhân dân, để lãng phí dư luận rất bức xúc, phải có người chịu trách nhiệm nếu cố tình để sai phạm từ kỷ luật của Đảng đến hành chính và thậm chí cao nhất là xử lý hình sự.
Ban chỉ đạo cũng thống nhất thời gian tới tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; nhất là, các vụ án, vụ việc liên quan đến nhân sự đại hội đảng các cấp.
Tổng Bí thư cũng giao nhiệm vụ phấn đấu trong năm 2025, kết thúc điều tra, xử lý 26 vụ án, 9 vụ việc.
Nhất là tập trung điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm các vụ án xảy ra tại tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An, tập đoàn Điện lực Việt Nam, tập đoàn Thái Dương và Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam, dự án Sài Gòn - Đại Ninh (Lâm Đồng), sân bay Nha Trang.