Việt Nam tinh gọn bộ máy, hướng tới cải cách thể chế triệt để và toàn diện

© Ảnh : Hoàng Thống Nhất - TTXVNTổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Đại học Quốc gia Malaya
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Đại học Quốc gia Malaya - Sputnik Việt Nam, 1920, 13.01.2025
Đăng ký
Cần có những động lực mới, cần có một bộ máy đa năng, những cơ quan quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, vừa linh hoạt, vừa tạo được sự kết nối chặt chẽ giữa các ngành, các lĩnh vực có liên quan mật thiết với nhau để hướng đến những mục tiêu chiến lược trung hạn và dài hạn.
Tổng Bí thư ĐCS Việt Nam Tô Lâm đã nhấn mạnh, trong giai đoạn hiện nay việc “tinh gọn tổ chức bộ máy là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng, phải thực hiện với quyết tâm cao nhất”. Hiện tại là thời điểm hội tụ đầy đủ các yếu tố phù hợp để sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW.
Về quá trình tinh gọn bộ máy đang diễn ra như thế nào hiện nay, những mục tiêu, mục đích then chốt là gì, Sputnik đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long, chuyên gia về các vấn đề đối nội của Việt Nam.
Tổng Bí thư phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia - Sputnik Việt Nam, 1920, 13.01.2025
Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển khoa học, công nghệ

Chủ trương tinh gọn bộ máy đã có từ ngay sau Đại hội Đảng XII. Thời gian không còn chờ đợi.

Sputnik: Kính chào ông Nguyễn Hồng Long! Trong thời gian qua, chủ đề “tinh gọn bộ máy tổ chức” trở thành một trong những đề tài nóng nhất trên chính trường và không gian thông tin ở Việt Nam.
Chúng ta cũng biết là vấn đề “tinh gọn tổ chức bộ máy” trong cải cách hành chính không phải bây giờ Việt Nam mới nói tới, nhưng cái mới chắc chắn là tính đột phá và quyết liệt của nó. Chủ trương tinh gọn bộ máy đã có từ khi nào, thưa ông?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long, chuyên gia về các vấn đề đối nội của Việt Nam:
Tiến trình tinh gọn bộ máy lãnh đạo, quản lý nhà nước ở Việt Nam hiện nay bao trùm lên toàn bộ hệ thống chính trị chứ không chỉ riêng một lĩnh vực, một ngành hay một tổ chức. Hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện tại bao gồm Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý trên ba lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp và quyền làm chủ của người dân thông qua các tổ chức chính trị-xã hội như Mặt trận Tổ Quốc, Công đoàn, Hội liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và các tổ chức xã hội khác được Nhà nước giao nhiệm vụ.
Chủ trương tinh gọn bộ máy đã có từ ngay sau Đại hội toàn quốc lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam và được xác định bằng Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII có tên là “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Tuy nhiên, khi Nghị quyết đang được triển khai thì phát sinh đại dịch COVID-19 cuối năm 2019 đầu năm 2020 và ngay sau đó đã, đại dịch diễn ra hết sức gay gắt ở trong nước và trên toàn cầu. Tình hình quốc tế thời điểm đó cũng có nhiều diễn biến không thuận lợi, phức tạp với nhiều tình huống khó dự báo trước, Vì vậy, nhiệm vụ tinh gọn bộ máy lãnh đạo, quản lý cũng như toàn bộ hệ thống chính trị phải lui lại đến khi Việt Nam cơ bản khôi phục lại đà phát triển kinh tế, ổn định xã hội, ổn định đời sống của người dân mới có thể bắt đầu. Cũng như vậy, tại thời điểm hiện nay, khi quan hệ quốc tế của Việt Nam có nhiều bước phát triển đột phá thì việc tiến hành chủ trương tinh gọn hệ thống chính trị mới có thể tiến hành một cách thuận lợi hơn.
Thời gian không còn chờ đợi, nhu cầu tất yếu phải thực hiện ngay trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XIV để đưa đất nước bước vào một thời kỳ mới nhằm mục tiêu thoát khỏi “cái bẫy thu nhập trung bình” và vươn đến những mục tiêu đã được hoạch định lại Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng.
© Ảnh : TTXVN - Hoàng Thống NhấtTổng Bí thư chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng
Tổng Bí thư chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng - Sputnik Việt Nam, 1920, 13.01.2025
Tổng Bí thư chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng

Tinh gọn bộ máy trước hết bắt đầu từ bộ máy lãnh đạo của Đảng

Sputnik: Thời điểm hiện tại việc tinh gọn bộ máy đang diễn ra như thế nào, theo đánh giá của ông?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long, chuyên gia về các vấn đề đối nội của Việt Nam:
Việc tinh gọn bộ máy trước hết bắt đầu từ bộ máy lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đầu não của toàn bộ hệ thống chính trị tại Việt Nam. Ở đây không chỉ đơn giản ở việc “nêu gương” mà quan trọng hơn là nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng từ trung ương đến địa phương và cơ sở.
Tiếp theo là Quốc hội, cơ quan lập pháp đồng thời là cơ quan quyền lực nhà nước tối cao nhằm nâng cao hiệu quả của việc xây dựng pháp luật, củng cố pháp chế, tháo gỡ những “nút thắt” của thể chế để tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất có thể cho phát triển kinh tế xã hội, khoa học và công nghệ, củng cố quốc phòng và an ninh. Song song với đó là bộ máy chính phủ và ủy ban nhân dân các cấp cũng có sự đổi mới. Ở đây, không đơn giản chỉ là việc tách nhập bộ này, bộ kia mà là sắp xếp lại bộ máy cho đúng với chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng những yêu cầu mới của sự phát triển kinh tế xã hội.
Tiếp theo là các tổ chức chính trị xã hội cũng cần được sắp xếp lại cho đúng vai trò, vị trí, chức năng trong hệ thống chính trị để phát huy tối đa quyền làm chủ của người dân; xóa bỏ tình trạng hành chính hóa các hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội; phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, lực lượng quan trọng bậc nhất quyết định sự phát triển của dân tộc, của đất nước.
Và cuối cùng, việc sắp xếp lại và làm tinh gọn bộ máy Đảng, Nhà nước nói riêng và toàn bộ hệ thống chính trị nói chung có những ảnh hưởng rất to lớn tới kết quả thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm 2026.
Luật sư với cặp tài liệu trong phòng xử án - Sputnik Việt Nam, 1920, 09.01.2025
Công bố quyết định thanh tra 2 dự án Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2

Cần có một bộ máy đa năng, những cơ quan quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, vừa linh hoạt, vừa tạo được sự kết nối chặt chẽ

Sputnik: Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói: Công việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là công việc rất khó khăn, nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến “lợi ích” của mỗi con người trong từng tổ chức, nhất là trong việc đề xuất giải thể, sáp nhập một số cơ quan, tổ chức.Vậy việc tinh gọn bộ máy sẽ mang lại những lợi ích gì quan trọng mà cần quyết tâm cao, lòng dũng cảm và cả sự hy sinh lợi ích cá nhân, thưa ông?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long, chuyên gia về các vấn đề đối nội của Việt Nam:
Xét trên góc độ khoa học quản lý, một cấu trúc bộ máy nhà nước ở bất kỳ đâu đều phải được tổ chức sao cho phù hợp với bối cảnh của đất nước đó. Vừa dựa trên những nguyên tắc cơ bản có tính tư tưởng, vừa phải có những thay đổi cho phù hợp với sự vận động của xã hội, phù hợp với những biến thiên của lịch sử và phù hợp với những biến động của tình hình thế giới. Do đó, không có một bộ máy tổ chức nào là nhất thành bất biến mà phải luôn có sự cải tiến, nâng cấp để phát triển tiến bộ, không rời vào tình trạng trì trệ, thoái hóa. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Theo đó, mỗi mô hình tổ chức nhà nước đều còn có những sự cải tiến và nâng cấp để phù hợp cả với trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên trong bộ máy đó. Trước đây, khi trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ còn hạn chế, mang tính chuyên môn sâu nhiều hơn thì mô hình bộ, ngành đơn nhất được áp dụng. Ưu điểm của mô hình này là tập trung quản lý sâu vào một ngành, một lĩnh vực, rất phù hợp với điều kiện của một đất nước vừa ra khỏi chiến tranh, vừa ra khỏi khủng hoảng, gần như phải xây dựng lại từ đầu nền sản xuất gồm công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, tổ chức an sinh xã hội, tổ chức quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.v.v… Nhược điểm của bộ máy quản lý đơn ngành, đơn lĩnh vực là cồng kềnh, có nhiều chồng lấn và có cả những lĩnh vực mới còn bị bỏ trống, tầm bao quát bị hạn chế và là căn nguyên của bảo thủ, trì trệ cũng như các cuộc tranh cãi về “quyền anh – quyền tôi” và là mảnh đất sản sinh tệ quan liêu, tham nhũng.
Đến thời điểm hiện tại, khi sự phát triển của xã hội tuy đã ổn định nhưng cần có những động lực mới, cần có một bộ máy đa năng, những cơ quan quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, vừa linh hoạt, vừa tạo được sự kết nối chặt chẽ giữa các ngành, các lĩnh vực có liên quan mật thiết với nhau để hướng đến những mục tiêu chiến lược trung hạn và dài hạn. Vì vậy, việc cải tiến, sắp xếp lại bộ máy tinh, gọn, mạnh để tăng cường hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả là việc tất yếu phải làm để tháo gỡ những nút thắt, những rào cản để tiếp cận tốt nhất với đưa những cái mới, cái hiện đại nhằm đưa đất nước tiếp tục phát triển. Không chỉ riêng Việt Nam mà hầu như tất cả các quốc gia phát triển và đang phát triển trên thế giới đều làm như vậy.
Trước hết, việc tinh gọn bộ máy, tiết giảm biên chế, sắp xếp lại tổ chức một cách khoa học, hợp lý sẽ tiết kiệm được những khoản tiền rất lớn để chuyển những khoản tiền đó vào đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển sản xuất, phát triển khoa học và công nghệ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao mức sống cho người dân.
Chủ trương sắp xếp lại và tinh gọn bộ máy, tinh giản cán bộ sẽ tiết giảm tất cả các khâu trung gian, như người ta vẫn thường gọi là “bộ trong bộ”. Đó là các yếu tố tạo nên các điểm nghẽn trong quản lý, làm cho bộ máy cồng kềnh, quan liêu, kém hiệu lực, hiệu quả, cũng như sự đùn đẩy trách nhiệm. Việc cắt giảm các khâu trung gian ấy sẽ làm cho bộ máy quản lý theo sát với thực tế hơn, gần dân hơn, gần các doanh nghiệp hơn, giải quyết những nhu cầu của người dân, của doanh nghiệp một cách trực tiếp hơn, hiệu quả hơn, nhanh chóng hơn. Đó là những mục tiêu mà hiện nay, Việt Nam đang triệt để thực hiện để tạo nên một cuộc cải cách thể chế triệt để và toàn diện đối với bộ máy nhà nước cũng như cả hệ thống chính trị.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 09.01.2025
Tổng kết 2024 và Dự báo 2025
Vài nét phác họa bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2025

Tinh gọn bộ máy chỉ mới là điều kiện cần

Sputnik: Tinh gọn bộ máy thôi thì chắc chưa đủ cơ sở để đưa đất nước phát triển…
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long, chuyên gia về các vấn đề đối nội của Việt Nam:
Đúng vậy! Tất nhiên, nếu chỉ tinh gọn bộ máy không thôi thì mới là điều kiện cần để tiếp tục đưa đất nước phát triển. Điều kiện đủ kèm theo là phải phát huy được nhân tố con người, phát huy tài năng, trí tuệ của đội ngũ cán bộ quản lý, qua đó phát huy các nguồn nhân lực và vật chất trong xã hội để nâng cao năng suất lao động, để hiện đại hóa nền kinh tế xã hội, để củng cố quốc phòng và an ninh.v.v… Vì vậy, việc tinh gọn bộ máy phải luôn gắn liền với việc củng cố đội ngũ cán bộ, nâng cao trình độ và năng lực hoạt động thực tiễn từ lãnh đạo cho đến nhân viên mới có thể đem đến một kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thoát khỏi “cái bẫy” thu nhập trung bình và trở thành một quốc gia có nền kinh tế phát triển, có nền công nghiệp hiện đại, có xã hội an toàn, an ninh, công bằng, dân chủ, văn minh.

Tinh gọn bộ máy Quốc hội mở đường cải cách bộ máy nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị

Sputnik: Thời điểm hiện tại, việc sắp xếp lại bộ máy cơ quan quyền lực nhà nước tối cao, cơ quan lập pháp duy nhất - Quốc hội Việt Nam đang ở giai đoạn nào, thưa ông?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long, chuyên gia về các vấn đề đối nội của Việt Nam:
Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước tối cao của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân bầu ra bằng hình thức phổ thông đầu phiếu theo quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội và Luật bầu cử Quốc hội. Với tư cách là cơ quan đại diện cho quyền dân chủ của nhân dân, Quốc hội có hai chức năng cơ bản là chức năng lập pháp và chức năng giám sát việc thực thi pháp luật.
Việc sắp xếp lại bộ máy cơ quan quyền lực nhà nước tối cao đồng thời là cơ quan lập pháp duy nhất này có tác dụng quan trọng thứ hai (chỉ sau việc cải tiến bộ máy lãnh đạo của Đảng), mở đường cải cách bộ máy nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị.
Kể từ khi nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thành lập đến nay, trải qua 15 khóa, Quốc hội Việt Nam đã làm tốt cả hai chức năng này, đặc biệt là chức năng giám sát việc thi hành pháp luật gần đây đã được tăng cường rõ rệt.
Tuy nhiên, việc tổ chức Quốc hội vẫn còn nhiều sự chồng chéo giữa chức năng lập pháp và chức năng giám sát. Ngay trong công tác lập pháp cũng có sự trùng lặp ở một số cơ quan, điển hình là Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Pháp luật có nhiều chức năng giống nhau, có thể sáp nhập làm một ủy ban. Một số cơ quan khác có chức năng tương đối gần nhau cũng cần được xem xét để sáp nhập như Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp lần thứ 9 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ. - Sputnik Việt Nam, 1920, 12.01.2025
Nghị định 168 có hiệu lực sau 6 ngày ban hành là đúng hay sai?
Một cơ quan chức năng đối ngoại là Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cũng sẽ kết thúc hoạt động, chuyên chức năng đối ngoại của Quốc hội về một đầu mối ngoại giao duy nhất của nhà nước là Bộ Ngoại giao. Mô hình tổ chức Ban thư ký Quốc hội gồm Tổng thư ký, các phó tổng thư ký và chuyên viên Ban Thư ký Quốc hội sẽ được điều chỉnh theo hướng chuyển các vụ chuyên môn của Văn phòng Quốc hội về trực thuộc các Ủy ban của Quốc hội và các ban của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Ở chiều ngược lại, chức năng giám sát của Quốc hội sẽ tiếp tục được củng cố bằng việc chuyển Ban Dân nguyện thành Ban Giám sát và Dân nguyện trực thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội. Đồng thời, Viện Nghiên cứu lập pháp có chức năng trùng với Ủy ban Pháp luật sẽ được giải thể và chuyển giao chức năng nghiên cứu, đề xuất các dự luật cho Ủy ban Pháp luật.
Sau khi sáp nhập, tinh gọn, dự kiến số đầu mối các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giảm gần 36% gồm 4 ủy ban và 1 cơ quan chuyên môn; các vụ, đơn vị của Văn phòng Quốc hội sẽ giảm trên 40%.. Cần lưu ý rằng đây không chỉ đơn thuần là các con số mà quan trọng hơn, còn là việc tăng cường hiệu lực hoạt động của tổ chức Quốc hội, nâng cao hiệu quả hoạt động lập pháp, xử lý triệt để tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn và tư duy ngắn hạn trong quá trình nghiên cứu, ban hành các đạo luật. Đồng thời, tăng cường năng lực của cơ quan lập pháp để xây dựng và ban hành các đạo luật có chất lượng tốt, vừa làm công cụ quản lý một cách hiệu quả, vừa theo sát được sự phát triển của xã hội, vừa có tính dự phòng cao, vừa dễ thực hiện, dễ chấp hành, dễ đi vào đời sống xã hội.
Sputnik: Chân thành cảm ơn ông vì những thông tin rất bổ ích.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала