Donald Trump có giải thể USAID không? Đằng sau tuyên bố “to tát” là gì?
18:25 07.02.2025 (Đã cập nhật: 18:30 07.02.2025)
© AP Photo / Fernando VergaraUSAID
![USAID USAID - Sputnik Việt Nam, 1920, 07.02.2025](https://cdn.img.kevesko.vn/img/07e9/02/07/34414667_760:0:3122:1329_1920x0_80_0_0_57fff5b7239374c257eb598900c9967c.jpg)
© AP Photo / Fernando Vergara
Đăng ký
Giới tài phiệt Mỹ sẽ không cho phép Trump “cắt đi” một trong cái “vòi bạch thuộc” quan trọng mà nước Mỹ đang sử dụng để khống chế thế giới. Cùng lắm, Tân Tổng thống Hoa Kỳ chỉ có thể chuyển đổi về mặt tổ chức. Việc giải thể USAID không phải là nỗ lực phá hủy cơ chế ảnh hưởng đó mà là dấu hiệu cho thấy sự định hướng lại tổ chức này.
Một trong những chủ đề chính của những ngày gần đây là quyết định của chính quyền Donald Trump về việc đình chỉ hoạt động của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), một tổ chức đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ như một công cụ gây ảnh hưởng toàn cầu.
Donald Trump có giải thể USAID không? Ông ta có thể làm được điều này không? Đằng sau tuyên bố “hùng hồn” của Tân Tổng thống Hoa Kỳ là gì?
Sputnik đã phỏng vấn nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm - nhà nghiên cứu, chuyên gia về các vấn đề chính trị và quân sự nổi tiếng, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và khoa giáo (Bộ Công An Việt Nam) về chủ đề đang nóng trên chính trường thế giới này.
USAID - một trong những vòi bạch tuộc của Mỹ vươn ra khắp thế giới
Sputnik: Kính chào Đại tá Nguyễn Minh Tâm! Rất hân hạnh được phỏng vấn ông đầu tiên trong năm Ất Tỵ.
Theo Reuter hôm 4/2, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết ông có kế hoạch giải thể Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vì tình trạng gian lận. Ngoài ra, người đứng đầu Hoa Kỳ còn lưu ý rằng, cơ quan này có thể nhận được tiền hoa hồng từ các quyết định tài trợ.
Vào ngày 20/1, sắc lệnh của Trump đã được công bố trên trang web của Nhà Trắng về việc đình chỉ viện trợ phát triển của Washington cho các quốc gia khác trong 90 ngày. Sau đó, vào ngày 25/1, Reuters đưa tin rằng USAID đã đóng băng các chương trình viện trợ cho các quốc gia nước ngoài, bao gồm cả Ukraina.
Trước hết, ông có thể đưa ra bình luận và đánh giá của ông về USAID? Tổ chức này là gì và vì sao phát biểu về việc giải thể nó lại gây tiếng vang rất lớn?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và khoa giáo, BCA:
Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (United States Agency for International Development USAID) tuy có danh nghĩa là cơ quan xúc tiến viện trợ dân sự Mỹ cho các đối tác nước ngoài nhưng nó không chỉ chịu sự điều phối của Nhà Trắng mà còn chịu sự điều phối của Bộ Ngoại giao Mỹ và Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ. USAID còn chịu sự giám sát và kiểm soát của các Ủy ban đối ngoại Thượng nghị viện và Hạ nghị viện Mỹ. Tuy nhiên, có một điều ít người biết đến. Đó là: USAID còn là một tổ chức bình phong của CIA, giúp CIA che giấu các khoản tiền được chuyển cho các tổ chức chống đối ở các nước xã hội chủ nghĩa, ở các nước có chế độ chính trị mà Mỹ không ưa hoặc có xu hướng “vượt rào”, muốn thoát khỏi vòng kim cô ở Mỹ.
Ở Mỹ hiện có bảy tổ chức đóng vai trò vừa là bình phong, vừa là công cụ để chính quyền Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác gồm có:
IRI (Viện Cộng hòa quốc tế) được lãnh đạo là quý ông “lướt sóng hồ Trúc Bạch” John McCain. IRI do TT Reagan thành lập năm 1982 nhằm phổ biến dân chủ, được cấp vốn từ chính phủ Mỹ cho các chương trình chính trị, các dự án dân chủ hóa.
NDI (Viện Dân chủ quốc gia) do quý bà cựu ngoại trưởng Madeleine Albright lãnh đạo. NDI cung cấp hỗ trợ hành động cho các lãnh đạo chính trị và dân sự để phát triển giá trị, thực hành và tổ chức dân chủ. Các nhà tài trợ rót tiền cho viện này là USAID và NED, là các đại gia dầu mỏ: Chevron, Exxon, Texaco and Enron.
NED (Quỹ quốc gia hỗ trợ dân chủ) được Quốc hội Mỹ thành lập năm 1983 với sứ mệnh “phổ biến dân chủ” toàn thế giới. NED có quan hệ mật thiết với các tổ chức Phi chính phủ (NGO) khác. Hoạt động được biết rõ nhất của NED là dưới sự điều khiển của CIA, người ta ví NED là con ngựa gỗ (Trojan Horse) của CIA. Allen Weinstein, một lãnh đạo NED phát biểu năm 1991: “Vô số những gì NED làm ngày hôm nay đã được CIA làm vụng trộm 25 năm qua”. Đứng về tổ chức, NED nắm quyền chi phối cả IRI, NDI và một số tổ chức như CIPF (Văn phòng Trung tâm Doanh nghiệp và Thương mại quốc tế), ACLS (Hội đồng các tổ chức học thuật Mỹ) hoặc AFL-CIO (Trung tâm đoàn kết lao động quốc tế Mỹ).
Freedom House (Ngôi nhà tự do) là tổ chức Hội đoàn về quyền tự do, do cựu nhân viên CIA James Woolsey lãnh đạo.
OSI (Open Society Institute) là Viện Xã hội mở do nhà tài phiệt George Soros lãnh đạo.
CMD (Center for Media and Democracy) là “Trung tâm Truyền thông và Dân chủ” do CIA chỉ đạo. Về nguyên tắc, CMD không được phép hoạt động trên lãnh thổ Mỹ nhưng lại hoạt động hợp pháp hoặc bán hợp pháp ở các quốc gia là mục tiêu tấn công chính trị của Mỹ.
Cuối cùng USAID chính là một trong các tổ chức nói trên.
Sputnik: Có thể nói USAID là một trong những vòi bạch tuộc của Mỹ vươn ra khắp thế giới?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và khoa giáo, BCA:
Đúng vậy! Các tổ chức nói trên có sự phân công địa bàn và lĩnh vực hoạt động trên toàn cầu. Trong đó, bao trùm là NED (Cơ quan điều phối chính trị) và USAID (Cơ quan điều phối tài trợ). IRI hoạt động chủ yếu ở Tây Âu, Bắc Phi và Trung Đông, NDI hoạt động chủ yếu ở Châu Mỹ La tinh, Caribean và Đông Âu (bao gồm cả Nga). USAID chủ yếu hoạt động ở Châu Á-Thái Bình Dương mà trọng điểm là Trung Á, Đông Nam Á và Nam Á.
Về lĩnh vực thì USAID phụ trách viện trợ tài chính cùng với NED. IRI chuyên về bạo loạn, lật đổ. NDI chuyên về biểu tình chống đói bất bạo động. Đôi khi, hai tổ chức này phối hợp cùng hoạt động như ở Ukraina và Đông Âu và do đó cũng nhiều lần “dẫm chân lên nhau”. CMD chuyên về truyền thông. Freedom House chuyên về “tạo sóng” dư luận thông qua chiêu bài “nhan quyền”, OSI chuyên cho phối, can thiệp về giáo dục, đào tạo và văn hóa.v.v…
Các tổ chức tôi đề cập ở trên là những cái “vòi bạch tuộc” của người Mỹ đang vươn ra khắp thế giới bằng những “củ cà rốt ngọt ngào”. Tuy nhiên, như cổ nhân thường nói: “Miếng pho phát “miễn phí” chỉ có trong cái bẫy chuột”!
Dấu hiệu cho thấy sự chuyển đổi của các cơ chế quản trị
Sputnik: Trong khi Nhà Trắng đang quyết định nên làm gì với cơ quan này — chính thức giải thể hoặc giữ lại một phần như một bộ phận của Bộ Ngoại giao, thì điều quan trọng là phải ghi nhận bước đi thực sự mang tính lịch sử này, mà theo tôi, không hẳn là sự thay đổi chính sách của các chính quyền trước mà là dấu hiệu cho thấy sự chuyển đổi của các cơ chế quản trị.
Theo đánh giá của ông, Tổng thống Trump sẽ giải thể và có thể giải thể cơ quan này hay không, hay những tuyên bố của ông ta đây chỉ là một bước PR? Mục đích chính của ông ta là gì?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và khoa giáo, BCA:
USAID là công cụ của những người theo chủ nghĩa toàn cầu Mặc dù USAID chính thức trực thuộc chính phủ Hoa Kỳ, nhưng trên thực tế các hoạt động của cơ quan này vượt xa lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ. Cơ quan này đóng vai trò là cơ chế truyền bá cái gọi là “quyền lực mềm”, góp phần làm mất ổn định các chế độ chính trị và tạo ra các cuộc khủng hoảng được quản lý.
Kể từ khi thành lập, USAID đã giải quyết các nhiệm vụ được giao một cách có hệ thống và cho đến nay có thể nói rằng, công cụ này đã hoàn thành tốt chức năng của mình. Sự bất ổn do cuộc khủng hoảng di cư ở một số khu vực trên thế giới đã lên đến đỉnh điểm, nảy sinh nhu cầu ổn định một phần, bao gồm cả trong chính Hoa Kỳ.
Từ những phân tích ở trên, có thể nhận định, Donald Trump ở nhiệm kỳ tổng thống 2.0 của ông ta muốn giải thể USAID chỉ là thông tin bề ngoài mà Reuter “hóng hớt” được. Giới tài phiệt Mỹ sẽ không cho phép ông ta “cắt đi” một trong cái “vòi bạch thuộc” quan trọng mà nước Mỹ đang sử dụng để khống chế thế giới. Cùng lắm, ông ta chỉ có thể chuyển đổi về tổ chức để cơ quan này được Bộ Ngoại giao Mỹ (một thành phần của Nhà Trắng) quản lý hơn là để nó phụ thuộc vào một cơ quan “ngoài tầm với” của tổng thống là Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ.
Chính quyền Trump, mặc dù với hình ảnh được xây dựng là chống toàn cầu hóa và chống Nhà nước ngầm, nhưng không hoạt động một cách tách biệt. Việc giải thể USAID không phải là nỗ lực phá hủy cơ chế ảnh hưởng đó mà là dấu hiệu cho thấy sự định hướng lại tổ chức này. Trọng tâm là các công cụ có mục tiêu cụ thể hơn.
Những “chứng cứ tày trời”
Sputnik: Đánh giá của ông về hoạt động của USAID nói chung?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và khoa giáo, BCA:
Những ai từng đọc trên website của tổ chức này đều thấy những lời tự giới thiệu rất thiện chí là tiến bộ như: thúc đẩy phồn vinh thịnh vượng chung; tăng cường dân chủ và quản trị tốt; bảo vệ nhân quyền; cải thiện y tế toàn cầu; theo đuổi an ninh lương thực và nông nghiệp; cải thiện ổn định bền vững môi trường; giáo dục đào tạo từ xa; giúp đỡ các tầng lớp xã hội ngăn chặn và phục hồi sau các cuộc xung đột.v.v… Tuy nhiên, thực chất USAID là công cụ của chính quyền Mỹ để gây rối loạn xã hội và can thiệp rối vào công việc nội bộ các quốc gia Mỹ không ưa.
Mang tiếng là “tổ chức dân sự” nhưng USAID đã mở các khóa huấn luyện cho những phần tử, những đảng phái và phe nhóm đối lập các phương pháp làm “cách mạng màu”như: Cách thức quảng bá’ “nghệ thuật tiếp thị” công chúng; thiết lập các báo cáo tin tức kiểu “bảy giả ba thật”, cách tìm kiếm chủ đề của “cách mạng” và tạo dựng “ngọn cờ”; cách thức tổ chức biểu tình và gây bạo loạn.v.v… Tuy tự nhận là tổ chức độc lập, nhưng USAID không hề che đậy sự dẫn dắt của tổng thống Mỹ, Bộ Ngoại giao Mỹ và Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ.
Núp dưới vỏ bọc “hỗ trợ dân sự”, USAID đã “trợ giúp phát triển” cho nước ngoài và các hoạt động “xã hội dân sự” trên khắp thế giới nhưng thực chất bên trong là thúc đẩy bất ổn xã hội, gây bạo loạn và lật đổ. Chính vì vậy mà USAID vừa bị “cấm cửa” tại Nga. Trước đó, nó cũng bị “đóng cửa” ở Trung Quốc và một số nước khác vì tiền sử cung cấp tiền bạc và kích động phe đối lập.
Theo một tài liệu với được tiết lộ từ Chính phủ Mỹ thì trong trên dưới 30 năm qua USAID đã có nhiều hoạt động “tự tung tự tác”, lạm dụng quyền hạn, gây lãng phí và gây tai tiếng, thậm chí là cả thiệt hại cho chính quyền Mỹ. gồm có:
1,5 triệu dollar để “thúc đẩy sự đa dạng, công bằng và hòa nhập tại nơi làm việc và cộng đồng doanh nghiệp của Serbia”.
70.000 đô la để sản xuất “vở nhạc kịch DEI” ở Ireland.
2,5 triệu dollar tài trợ cho xe điện Việt Nam
47.000 dollar cho một “vở opera chuyển giới” ở Colombia
32.000 dollar cho một “truyện tranh chuyển giới” ở Peru
2 triệu dollar cho việc chuyển đổi giới tính và "hoạt động vì LGBT" ở Guatemala
6 triệu dollar để tài trợ cho du lịch ở Ai Cập
Hàng trăm ngàn đô la cho một tổ chức phi lợi nhuận có liên hệ với các tổ chức khủng bố được chỉ định ngay cả sau khi FBI đã mở cuộc điều tra
Hàng triệu dollar cho EcoHealth Alliance - đơn vị tham gia nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Vũ Hán
Hàng trăm ngàn suất ăn theo tiêu chuẩn của lính Mỹ được trao cho các chiến binh có liên hệ với tổ chức khủng bố Al Qaeda ở Syria.
Hàng triệu dollar tài trợ để mua sắm các thiết bị tránh thai cá nhân ở các nước đang phát triển.
Hàng trăm triệu dollar để tài trợ cho các kênh tưới tiêu, thiết bị canh tác và thậm chí cả phân bón được sử dụng để hỗ trợ việc trồng cây thuốc phiện và sản xuất heroin với quy mô chưa từng có ở Afghanistan, có lợi cho Taliban.v.v…
Tuy nhiên, những “chứng cứ tày trời” nói trên cũng chỉ đủ để “ông chủ Nhà Trắng” cơ cấu lại chức năng, tổ chức và hoạt đông của USAID chứ không thể “giải giáp” tổ chức này. Chính vì vậy mà sau những “tuyên bố to tát” về việc sẽ giải thể tổ chức này, Donald Trump đã “xuống thang” và cho USAID “nghỉ phép” trong 90 ngày !
USAID - “nhà chuyển hóa” các khoản “viện trợ quân sự” của Mỹ thành các khoản “viện trợ dân sự” trong chiến tranh Việt Nam
Sputnik: Được thành lập vào năm 1961 dưới thời chính quyền John F. Kennedy (1960-1963), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) kế thừa nhiều chương trình hỗ trợ dân sự do các cơ quan chính phủ khác triển khai tại Việt Nam, cũng như một loạt các cơ quan tiền nhiệm bao gồm Cơ quan Hợp tác Kinh tế (ECA, 1948-1951), Cơ quan An ninh Tương hỗ (MSA, 1951-1953); Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật (TCA, 1950-1954); Cơ quan Quản lý Hoạt động Đối ngoại (FOA, 1953-1955); và Cơ quan Hợp tác Quốc tế (ICA, 1951-1961).
Sự hỗ trợ của Hoa Kỳ dành cho Việt Nam bắt đầu trước năm 1954, khi lực lượng Cộng sản chấm dứt hơn một thế kỷ thống trị của thực dân Pháp trong trận Điện Biên Phủ. Người Mỹ tiếp tục hỗ trợ xã hội dân sự ở miền Nam sau năm 1955, khi Việt Nam Cộng hòa (Nam Việt Nam) tuyên bố độc lập và bầu Ngô Đình Diệm làm tổng thống. Tổng thống Ngô Đình Diệm vẫn là nguyên thủ quốc gia với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ cho đến khi ông bị ám sát vào ngày 2 tháng 11 năm 1963.
Có thể nói, USAID đã tài trợ cho chiến tranh ở miền Nam Việt Nam? Ông có đánh giá như thế nào về hoạt động của USAID trong những năm chiến tranh Việt Nam?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và khoa giáo, BCA:
Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ gồm 4 giai đoạn: “Chiến tranh một phía” (1955-1960); “Chiến tranh đặc biệt” (1960-1964); “Chiến tranh cục bộ” (1965-1972); “Việt Nam hóa chiến tranh” (1973-1975). USAID có mặt ở tất cả các giai đoạn chiến tranh ở Việt Nam với mức độ khác nhau và lĩnh vực khác nhau.
Trong giai đoạn Chiến tranh một phía và Chiến tranh đặc biệt, USAID tài trợ tiền bạc để chính quyền ngụy Sài Gòn xây dựng các “khu trù mật” và sau này là các “ấp chiến lược” để khống chế nhân dân miền Nam, tróc nã và chia cắt các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam khỏi những người dân của họ theo “Kế hoạch Staley-Taylor”.
USAID còn tại trợ cho các hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho lối sống tự do kiểu Mỹ ở các đô thị, tạo dựng các nhà băng, các doanh nghiệp để quảng bá cho hình ảnh của cái gọi là “Chế độ Việt Nam Cộng hòa”. USAID giúp “chuyển hóa” các khoản “viện trợ dân sự” (về hình thức pháp lý) thành “viện trợ quân sự” để giúp chính quyền Sài Gòn xây dựng quân đội, trang bị vũ khí, xây dựng bộ máy cảnh sát, mật vụ, cũng như hệ thống “ngũ gia liên bảo” nhằm vô hiệu hóa các cơ sở cách mạng ở miền Nam. Ở cả hai giai đoạn “Chiến tranh một phía” và “Chiến tranh cục bộ” USAID là nhà tài trợ chính cho các toán gián điệp người Việt xâm nhập và phá hoại miền Bắc Việt Nam.
Về văn hóa giáo dục, USAID tài trợ gần như toàn bộ cho hệ thống giáo dục chống cộng ở miền Nam Việt Nam.
Trong giai đoạn “Chiến tranh cục bộ”, USAID tài trợ cho các hoạt động phát thanh, truyền hình ở miền Nam Việt Nam, trong đó nổi bật nhất là Đài phát thanh Sài Gòn và Đài tâm lý chiến mang tên “Gươm thiêng ái quốc”. Do sự có mặt của quân đội Mỹ trên chiến trường miền Nam USAID tập trung tài trợ cho các hoạt động của các nhóm vũ trang người Thượng ở Tây Nguyên, người Mẹo ở Lào và tài trợ cho các cuộc đảo chính ở Sài Gòn, ở Phnom Penh và ở Vientiane; đồng thời, tiếp tục tài trợ cho các nhóm phản động người dân tộc ở các vùng biên giới Việt - Lào tại miền Bắc Việt Nam.
Trong giai đoạn “Việt Nam hóa chiến tranh” USAID quay lại với vai trò “tài trợ dân sự”. Nhưng ngoài các khoản chi để duy trì chế độ Sài Gòn và quân đội Sài Gòn, USAID còn có chức năng núp bóng “viện trợ dân sự” để nuôi một bộ máy hơn 10.000 chuyên gia quân sự và quân nhân Mỹ đã được “khoác áo dân sự” từ năm 1973 đến tháng 5/1975 do quy định của Hiệp định Paris cấm quân đội Mỹ có mặt tại miền Nam Việt Nam.
Nói tóm lại, USAID là “nhà chuyển hóa” các khoản “viện trợ quân sự” của Mỹ thành các khoản “viện trợ dân sự” mà số lượng cụ thể của nó đến nay vẫn chưa được giải mật hết. Nhưng có điều chắc chắn là con số đó sẽ lớn hơn rất nhiều so với những con số được người Mỹ công bố mà “dân kế toán” thường gọi là “các khoản chi khác”.
Các chương trình của USAID với Việt Nam hiện nay đều mang tính nhân đạo và xã hội, nhưng Việt Nam bắt đầu cảnh giác
Sputnik: Sau chiến tranh, USAID đã bắt đầu hoạt động lại ở Việt Nam từ năm 1989. Và trong mấy chục năm qua, USAID tích cực hoạt động ở Việt Nam. Tại sao Việt Nam cho phép một tổ chức như vậy triển khai hoạt động quy mô ở nước mình?
Hiện nay USAID hoạt động ở Việt Nam dưới hình thức nào và trong những lĩnh vực nào? Đánh giá của ông về hoạt động này?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và khoa giáo, BCA:
Do chính sách cấm vận của Mỹ đối với Việt Nam từ sau năm 1975, USAID chỉ có thể trở lại hoạt động tại Việt Nam từ năm 1989 với các chương trình: Hỗ trợ người khuyết tật thông qua Quỹ Nạn nhân chiến tranh Patrick Leahy, Quỹ Trẻ vô gia cư và Trẻ mồ côi. Năm 2000, văn phòng của USAID được khánh thành tại Hà Nội dưới sự chứng kiến của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton trong chuyến thăm Việt Nam vào thời điểm cuối nhiệm kỳ. Theo trang web của Đại sứ quán Mỹ tại Hà nội, ngân sách của USAID được công bố là 150 triệu USD/năm.
Từ năm 2000 USAID hợp tác với chính phủ Việt Nam, khu vực tư nhân, trường đại học và tổ chức nghiên cứu, các tổ chức trong nước và quốc tế cũng như các bên liên quan khác nhằm thúc đẩy các ưu tiên chung. Các lĩnh vực hợp tác bao gồm nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế, hiện đại hóa giáo dục đại học, phòng chống các bệnh truyền nhiễm, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật, xử lý ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa và nâng cao năng lực của Việt Nam trong giám định hài cốt trong chiến tranh.
© Wikimedia Commons/US ArmyQuân đội Mỹ sử dụng chất độc da cam
![Quân đội Mỹ sử dụng chất độc da cam Quân đội Mỹ sử dụng chất độc da cam - Sputnik Việt Nam, 1920, 07.02.2025](https://cdn.img.kevesko.vn/img/07e5/02/02/10023854_0:0:1468:1000_1920x0_80_0_0_a5e30f6a991f5fb7817217da42bd9db2.jpg)
Quân đội Mỹ sử dụng chất độc da cam
Trong đó, chương trình xử lý ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa và nâng cao năng lực của Việt Nam trong giám định hài cốt trong chiến tranh là các hoạt động lớn nhất có chi phí không dưới 390 triệu USD trong 10 năm. Đồng thời, USAID cũng hợp tác với phía Việt Nam để giải quyết các vấn đề nhân đạo và khắc phục hậu quả chiến tranh, bao gồm rà phá bom mìn, vật nổ, tìm kiếm quân nhân mất tích, tẩy rửa chất độc da cam/dioxin ở một số nơi khác như sân bay Đà Nẵng, sân bay A Lưới (TP Huế) và một số địa điểm khác.
Năm 2023, Bộ Công thương Việt Nam và USAID ký bản ghi nhớ, trong đó, USAID cam kết tài trợ 3,25 triệu USD nhằm giúp Việt Nam thúc đẩy thương mại số.
Nhìn chung, các chương trình mà USAID triển khai hợp tác với Việt Nam đều là các chương trình nhân đạo, mang tính xã hội. Tuy nhiên, khi USAID bắt đầu tham gia vào việc triển khai Trường Đại học Fulbright Việt Nam và Trường Quốc tế Mỹ ở Việt Nam cùng với khoản tài trợ gần 80 triệu USD (thông qua IMF) cho Việt Nam để cải cách giáo dục theo hướng phương Tây và Mỹ thì người Việt Nam bắt đầu “cảnh giác” với các hoạt động này.
Từ đó, chúng ta có thể rút ra một số bài học sau đây.
Một là người Mỹ không bao giờ cho không ai bất cứ thứ gì mà nên nghĩ như cổ nhân Việt Nam từng đúc kết rằng: “Của biếu là của lo. Của cho là của nợ”!
Hai là hãy cẩn trọng với các tổ chức phi chính phủ hoạt động phi lợi nhuận vì các mục tiêu cộng đồng, xã hội, dân sự vì đó có thể chỉ là cái nhãn mác.
Ba là hãy luôn nhớ đến câu chuyện “Con ngựa thành Troi” trong Văn học Hy Lạp cổ đại như một bài học của muôn đời!
Sputnik: Chân thành cảm ơn ông vì những thông tin và phân tích lý thú và bổ ích.