Việt Nam: Chuyện bé cũng phải Thủ tướng, Nhà nước không nên ôm việc nhiều quá
© Ảnh : TTXVN - Bùi Doãn TấnQuang cảnh phiên họp.

© Ảnh : TTXVN - Bùi Doãn Tấn
Đăng ký
Tại Việt Nam, có đến 152 luật quy định thẩm quyền của Thủ tướng, việc bé như bắn pháo hoa cũng phải xin Thủ tướng.
Đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, Nhà nước không nên ôm việc nhiều quá, những gì xã hội, tư nhân làm được thì nên để cho xã hội làm. Nhà nước dành nguồn lực để làm việc khác mang tính chất dẫn dắt, lo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội, hoặc những gì tư nhân không làm được.
Đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất bổ sung cơ chế giám sát của Thủ tướng với bộ trưởng. Nếu bộ trưởng không hoàn thành nhiệm vụ, Thủ tướng có quyền kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm hoặc có biện pháp chấn chỉnh hoạt động của bộ đó.
Làm rõ cơ chế kiểm soát của Thủ tướng với các bộ trưởng
Sáng 14/2, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Tại buổi thảo luận, nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm đến nội dung quy định trong dự thảo: "Thủ tướng Chính phủ không quyết định các vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của bộ trưởng".
Đại biểu Thạch Phước Bình (Phó Trưởng đoàn chuyên trách, đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) đồng tình, đánh giá cao việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới đổi mới, sáng tạo và vươn mình của dân tộc.
© Ảnh : TTXVN - Bùi Doãn TấnĐại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Tạ Văn Hạ phát biểu.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Tạ Văn Hạ phát biểu.
© Ảnh : TTXVN - Bùi Doãn Tấn
Về quy định trên, ông Thạch Phước Bình cho rằng quy định này chưa làm rõ cơ chế kiểm soát của Thủ tướng đối với các bộ trưởng trong trường hợp bộ trưởng thực hiện không hiệu quả nhiệm vụ được giao.
“Thực tế đã có nhiều trường hợp bộ trưởng bị phê bình vì không hoàn thành nhiệm vụ nhưng việc xử lý trách nhiệm chưa rõ ràng. Tôi đề xuất bổ sung cơ chế giám sát của Thủ tướng đối với bộ trưởng. Chẳng hạn, nếu bộ trưởng không hoàn thành nhiệm vụ, Thủ tướng có quyền kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm hoặc có biện pháp chấn chỉnh hoạt động của bộ đó”, đại biểu đoàn Trà Vinh nói.
Trong khi đó, đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa) bày tỏ thống nhất rất cao với quy định “Thủ tướng Chính phủ không quyết định những vấn đề, công việc của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ”. Ông Thân cho rằng, điều này phù hợp với vai trò, tư cách quản trị nền hành chính quốc gia.
“Nghị định 137/2020 vẫn giao Thủ tướng quyết định bắn pháo hoa ở các lễ hội, có nghĩa là những công việc sự vụ rất nhỏ vẫn cứ giao cho Thủ tướng. Cứ như vậy thì Thủ tướng không còn thời gian để làm công việc quản trị quốc gia”, ông Thân đặt câu hỏi.
Phân cấp, phân quyền cho địa phương
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) đưa ra nhận định về vấn đề phân quyền trong dự thảo: “Chính quyền địa phương được đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc phân quyền cho địa phương khi có đủ điều kiện, năng lực cần thiết”.
“Tôi cho rằng, đây là tư duy mới của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã được luật hóa, mà hiện nay nhiều địa phương đang rất cần để giải phóng các nguồn lực đang bị kìm hãm bởi các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới”, báo Vietnamnet dẫn lời đại biểu Trần Quốc Tuấn.
Tuy nhiên, ông Tuấn băn khoăn, sẽ là hết sức khó khăn để tổ chức triển khai thực hiện suôn sẻ và thông suốt các nội dung phân quyền như vậy.
Trên thực tế, thời gian qua, lãnh đạo nhiều địa phương đã có văn bản đề xuất với cơ quan có thẩm quyền hoặc kiến nghị, đề xuất trực tiếp tại các cuộc họp của đoàn công tác lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến làm việc với các địa phương…
Sau đó, thông báo ý kiến kết luận, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại các cuộc họp, nhưng cũng không thể triển khai thực hiện được. Lý do, đại diện các cơ quan có thẩm quyền cho rằng những nội dung đó chưa được quy định phân quyền cho địa phương thực hiện.
“Cuối cùng, điểm nghẽn cũng chỉ là điểm nghẽn”, ông Tuấn nhận định.
Từ đó, ông đề xuất bổ sung quy định về trách nhiệm của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách thành viên Chính phủ, trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định phân quyền cho địa phương khi có đủ điều kiện, năng lực cần thiết, đồng thời bổ sung quy định giám sát chặt chẽ nội dung này.
“Có như vậy, việc phân quyền mới thực sự hiệu quả và các điểm nghẽn mới được tháo gỡ, các nguồn lực mới có thể được giải phóng tốt nhất, nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, đại biểu Trần Quốc Tuấn kiến nghị.
Về phần mình, đại biểu Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh, muốn thực hiện tinh gọn bộ máy, biên chế thì có nhiều yếu tố. Trong đó, một vấn đề quan trọng là Nhà nước không nên ôm việc nhiều quá.
“Nếu chúng ta vẫn còn ôm việc, nặng quản lý nhà nước thì chắc chắn phải sinh ra con người để làm và phải có cơ quan phải chịu trách nhiệm”, ông Hạ phân tích.
Theo ông, những gì xã hội, tư nhân làm được thì nên để cho xã hội làm. Nhà nước dành nguồn lực để làm việc khác mang tính chất dẫn dắt, lo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội, hoặc những gì tư nhân không làm được.
“Nếu chúng ta cứ ôm đồm thế này, việc gì cũng không yên tâm, việc gì cũng phải làm thì không được”, đại biểu Tạ Văn Hạ chia sẻ.
Ông Hạ cũng dẫn chứng, Luật Công chứng sau khi để cho tư nhân vào làm thì hiệu quả khác hẳn.
152 luật quy định quyền của Thủ tướng, làm sao mà phân cấp, phân quyền
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sẽ tiếp thu các ý kiến của các đại biểu để tiếp tục hoàn thiện dự luật tốt nhất trình Quốc hội thông qua.
Về những nội dung các đại biểu quan tâm, bà Trà cho hay, dự thảo luật được thiết kế theo hướng đẩy mạnh quản trị quốc gia. Đây không phải vấn đề mới mà là xu thế thế giới đã thực hiện từ lâu. Nghị quyết của Trung ương cũng đã nói rất rõ việc tiếp tục đẩy mạnh quản trị quốc gia.
Về phân quyền, phân cấp và ủy quyền, bà Trà cho biết, đây là điều khoản mới, quan trọng, có tính cốt lõi để tạo hành lang pháp lý cho tất cả các luật, văn bản dưới luật, luật chuyên ngành.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà dẫn chứng, rà soát 257 luật thì có đến 177 luật quy định thẩm quyền của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; 152 luật quy định thẩm quyền của Thủ tướng; 141 luật quy định rất cụ thể về thẩm quyền HĐND, UBND; 92 luật quy định rất cụ thể thẩm quyền của tất cả cấp chính quyền.
“Thế thì làm sao ta có thể thực hiện được nguyên tắc phân cấp, phân quyền và ủy quyền?”, nguòi đứng đầu Bộ Nội vụ đặt câu hỏi.
Bà Trà cho rằng, Luật Tổ chức Chính phủ là luật gốc, đưa ra nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của Chính phủ. Do đó, tất cả luật chuyên ngành; tất cả bộ trưởng, thủ trưởng khi tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải đi theo nguyên tắc của luật này.
Cũng theo bà, dự luật bám sát chủ trương của Đảng và căn cứ của Hiến pháp để thể hiện rõ, rành mạch nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách thành viên Chính phủ.