Mỹ muốn “huỷ diệt” Việt Nam?
18:30 03.04.2025 (Đã cập nhật: 19:01 03.04.2025)
© SputnikViệt Nam

© Sputnik
Đăng ký
Mỹ vừa mở ‘cuộc tấn công gây sốc’ nhằm vào Việt Nam khi áp thuế đối ứng 46%, cao nhất trong nhóm các nước – động thái mà chuyên gia gọi là mức thuế “huỷ diệt” và kịch bản tồi tệ nhất.
Theo tính toán nhanh của giới chuyên gia, mức thuế 46% mà Mỹ áp lên hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam tương ứng hơn 54 tỷ USD, tương đương 10% GDP. Đây là điều không thể ngờ tới.
Mỹ ‘tấn công’ Việt Nam bằng cuộc chiến thuế quan “huỷ diệt”
Như Sputnik đã thông tin, rạng sáng ngày 3 tháng 4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức công bố áp dụng mức thuế đối ứng lên hàng loạt nền kinh tế, trong đó Việt Nam chịu mức thuế cao nhất lên đến 46%.
“Đây là một cú sốc đối với kinh tế toàn cầu và cả nền kinh tế Việt Nam và sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam”, Reuters dẫn bình luận của TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương CIEM.
Lý do Việt Nam bị áp mức thuế đối ứng cao nhất là vì Mỹ cho rằng Hà Nội được hưởng lợi từ chính sách thương mại không công bằng, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu bằng các biện pháp trợ cấp. Ở nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Trump đã từng phàn nàn rằng Việt Nam đang là nước hưởng lợi quá nhiều từ chính xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Chưa kể, Mỹ cũng xem Việt Nam là một trong những quốc gia có mức thặng dư thương mại cao nhất của Hoa Kỳ, tương tự Trung Quốc. Động thái mới nhất của Mỹ được coi là cuộc tấn công gây sốc nhằm vào nền kinh tế Việt Nam, khi Hoa Kỳ chiếm tới 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế thẳng thắn đánh giá rằng, đây là mức thuế hết sức nặng nề khi theo tính toán, khả năng, Việt Nam sẽ phải chịu khoản thuế lên tới hơn 54 tỷ USD, tương đương 10% GDP.
Nhắc lại thực tế là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, chuyên gia dự báo, nếu Mỹ áp mức thuế đến 46% lên 90% hàng hóa từ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ thì có thể nói hầu như tất cả các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ đều sẽ phải chịu mức thuế quan trong nhóm cao nhất thế giới.
TS. Hiếu cho rằng: “Tôi e ngại điều này sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng hai con số của Việt Nam trong năm nay”.
Hệ quả của việc này là vô cùng nghiêm trọng. Việt Nam sẽ bị thiệt hại nặng nề, hàng hoá giảm sức cạnh tranh, nguy cơ sụt giảm đơn hàng và doanh thu. Chưa kể, mức thuế cao sẽ làm gia tăng chi phí sản xuất, buộc các doanh nghiệp phải tìm cách điều chỉnh chi phí, có thể bao gồm việc chuyển hướng thị trường hoặc tăng giá bán.
TS. Nguyễn Trí Hiếu lưu ý, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng hơn khi so với một số nước là đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Theo bảng thuế suất mới, Việt Nam chịu mức thuế cao hơn từ 10-20%.
“Tôi thường xuyên qua Mỹ và thấy rằng rất nhiều mặt hàng xuất xứ từ Việt Nam được lưu thông trên thị trường này, trong đó đến từ các lĩnh vực như may mặc, điện tử, da dày… Với mức thuế thay đổi cao, trong tương lai, các nhà kinh doanh Mỹ có thể lựa chọn những sản phẩm này từ các nước khác có mức thuế thấp hơn. Điều này có thể khiến những doanh nghiệp FDI tại Việt Nam chuyển hướng, tìm đến các quốc gia lân cận để đầu tư”, VTC News dẫn ý kiến của TS. Nguyễn Trí Hiếu.
Theo TS.Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia chia sẻ trên VOV, việc Mỹ áp mức thuế 46% cho 90% hàng hóa từ Việt Nam là “mức thuế hủy diệt” và mức thuế này sẽ ảnh hưởng đến nhiều góc độ khác nhau của nền kinh tế.
Chứng khoán KBSV nhìn nhận, khoảng 50% GDP và việc làm của Việt Nam phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào xuất khẩu (theo WorldBank), trong đó thị trường Mỹ chiếm 30% tỷ trọng tổng kim ngạch xuất khẩu.
“Chúng tôi ước tính, trong trường hợp bị Mỹ áp thuế đối ứng, GDP Việt Nam giảm 0,7 - 1,3% so với kịch bản cơ sở. Một báo cáo của Goldman Sachs cho thấy GDP Việt Nam sẽ giảm khoảng 1,5% nếu hàng hoá Việt Nam bị tăng thuế đối ứng khoảng 13%”, nhóm phân tích của KBSV nêu.
Việt Nam có 5 nhóm ngành chính (chiếm 64,3% tổng kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ năm 2024), gồm Điện tử (các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện (chiếm 28,6% tổng kim ngạch xuất khẩu); Dệt may, da giầy (chiếm 21,9%); Gỗ và sản phẩm từ gỗ (chiếm 7,6%); Nông - thủy - hải sản (chiếm 3,5%); Thép và nhôm (chiếm 2,7%) sẽ bị tác động mạnh nhất trong đợt áp thuế này.
Đánh giá về vấn đề này, theo TS. Cấn Văn Lực, ngoài tác động đến xuất khẩu và tăng trưởng, chính sách tăng thuế của Mỹ còn khiến giá cả tăng, áp lực lạm phát và tỷ giá gia tăng, thị trường chứng khoán và tiền tệ biến động nhiều hơn như nhiều quốc gia khác đang gặp, đòi hỏi điều hành chính sách nhanh nhạy, chủ động và kịp thời hơn.
“Tuy nhiên, mức thuế này vẫn còn đàm phán đến 9/4, song Việt Nam cũng cần có kịch bản cụ thể cho các mức thuế khác nhau”, ông nói.
Vì sao Mỹ nhắm tới Việt Nam?
Một số nhà phân tích cho rằng, có thể Mỹ đang không chỉ nhắm đến Việt Nam, mà còn nhắm đến các nước khác.
Trong đó, chuyên gia lưu ý vấn đề rất lớn có thể được xem là nguyên nhân của các đòn trừng phạt thuế quan, đó là các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ phần lớn là mặt hàng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sản xuất tại Việt Nam.
“Những công ty đó thường xuất khẩu các sản phẩm phần lớn không có hàng gốc từ Việt Nam, mà nhập khẩu nguyên liệu về từ các nước và sử dụng lao động của Việt Nam gia công, chế biến thành sản phẩm để xuất đi. Ngoài ra còn có một số mặt hàng tạm nhập, tái xuất, trong đó nhiều mặt hàng của Trung Quốc hoặc có nguồn gốc từ Trung Quốc”, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành chỉ rõ
TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng nêu quan điểm, Mỹ lo ngại Việt Nam có thể trở thành trạm trung chuyển hàng hóa của Trung Quốc để né mức thuế cao. Do đó, Mỹ đã đánh thuế Việt Nam cao tương đương để ngăn chặn việc này xảy ra.
Các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần tránh phụ thuộc vào Mỹ vì sẽ khiến chính Việt Nam dễ bị tổn thương trước các thay đổi trong chính sách thương mại của Hoa Kỳ. Cần đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, và các quốc gia ASEAN. EVFTA hay RCEP có thể được xem là lợi thế lớn.
Các chuyên gia của KBSV tin tưởng: “Kể cả trong trường hợp bị Mỹ cho vào danh sách bị áp thuế đối ứng, chúng tôi kỳ vọng Chính phủ Việt Nam vẫn có thể đảo ngược tình hình, chủ động đưa ra thêm các điều chỉnh cân bằng hơn chính sách thuế quan giữa 2 nước, từ đó có cơ sở đàm phán với Mỹ”.
Ngay sau khi Mỹ công bố đòn thuế quan, Chính phủ Việt Nam đã triệu tập cuộc họp khẩn nhằm xem xét các chính sách ứng phó và hướng đi phù hợp trong bối cảnh mới. Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng sẽ đi Mỹ để đàm phán, trao đổi với đại diện chính quyền Hoa Kỳ nhằm hạn chế thấp nhất các biện pháp bảo hộ thương mại và đảm bảo giao thương công bằng.