Việt Nam có 3 tháng để tìm giải pháp về thuế đối ứng

© AP Photo / Evan VucciTổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế quan đối ứng với hàng hóa của 185 nước
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế quan đối ứng với hàng hóa của 185 nước - Sputnik Việt Nam, 1920, 15.04.2025
Đăng ký
Việt Nam đã chọn giải pháp đàm phán thay vì phản ứng cứng rắn. Điều đầu tiên cần được đặt lên bàn đàm phán chính là việc hai bên công nhận thị trường của nhau là thị trường tự do, xem xét tăng cường giao thương trên nguyên tắc có đi có lại và hai bên cùng có lợi; song song cần tái cơ cấu nền kinh tế, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu…
Ngày 2/4/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế quan đối ứng với hàng hóa của 185 nước, hàng xuất khẩu từ Việt Nam sẽ bị áp thuế 46%. Đến trưa 9/4/2025 (giờ Mỹ) – ngày mà mức thuế quan được công bố sẽ có hiệu lực, ông Trump lại thông báo giảm thuế đối ứng còn 10%, hoãn thi hành 90 ngày với 75 nước "không trả đũa", trong đó có Việt Nam.
Như vậy, Việt Nam có 3 tháng để tìm ra giải pháp về thuế đối ứng Hoa Kỳ áp đặt.
Cảng ở Trung Quốc. - Sputnik Việt Nam, 1920, 15.04.2025
Thuế quan của Mỹ giúp Trung Quốc củng cố vị thế ở Đông Nam Á

Việt Nam đã chọn giải pháp đàm phán

Như đã biết, liên quan tới vấn đề “nóng” và “sốc” trên, Phó thủ tướng Việt Nam Hồ Đức Phớc đã có chuyến thăm Mỹ từ 6-14/4 để đàm phán lại mức thuế 46% mà chính quyền tổng thống Donald Trump giáng lên nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Trong các cuộc làm việc với Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent và Bộ trưởng Bộ Thương mại Howard Lutnick, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao đổi, thống nhất việc tiến hành tổ chức đàm phán một thỏa thuận thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Hai bên “đã chính thức đồng ý sẽ xem xét đàm phán nội dung về thuế quan, là trụ cột quan trọng nhất của Hiệp định này”. Đây được coi là bước đột phá lớn nhất trong suốt những ngày đàm phán căng thẳng vừa qua mà đoàn công tác đặc biệt của Việt Nam đã đạt được.

“Phản ứng của Việt Nam trước tuyên bố áp thuế 46% đối với hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ là phản ứng nhanh nhạy nhưng không hoảng loạn, chính xác nhưng không vội vã, thận trọng nhưng không chần chừ… trước một tình huống tuy có thể dự báo trước về chiến lược nhưng khá bất ngờ về quy mô và thời điểm. Điều quan trọng nhất là lựa chọn sự phản ứng cho phù hợp và có tính toán đến nhưng bước đi chiến lược nhằm một là không để lặp lại tình huống xấu và hai là mở ra hướng hợp tác lâu dài”, - Nhà nghiên cứu chính sách của Hoa Kỳ Nguyễn Hồng Long nói với Sputnik.

“Việc khởi động đàm phán một thỏa thuận thương mại song phương Việt-Mỹ có ý nghĩa hết sức quan trọng, phù hợp với quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ”,- Tiến sỹ kinh tế học Lê Hòa bình luận với Sputnik..

Hầu như ngay lập tức, Chính phủ Việt Nam và các cơ quan lãnh đạo của Việt Nam đã mở các hội nghị đột xuất, thậm chí là tổ chức họp bàn vào nửa đêm để nhanh chóng tìm ra các giải pháp trước mắt, sau đó là tập hợp trí tuệ để tìm phương án giải quyết có tính chiến lược hơn.
Để hỗ trợ cho chuyến đi Mỹ của đặc phái viên Hồ Đức Phớc, Tổng bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm trực tiếp với Tổng thống Mỹ Donald Trump với đề nghị hai bên cùng ngồi vào đàm phán để khẳng định mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác song phương, vì lợi ích hai nước.

“Việt Nam đã chọn giải pháp đàm phán thay vì cách làm phản ứng cứng rắn như một số nước khác không phải vì Việt Nam hèn yếu như một số kẻ đã đơm đặt mà xuất phát từ quan điểm lấy hòa bình, hợp tác và phát triển làm trọng; đúng như tinh thần của thỏa thuận nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện được hai bên ký kết cách đây khoảng 18 tháng”, - Nhà nghiên cứu chính sách của Hoa Kỳ Nguyễn Hồng Long bình luận với Sputnik.

“Đây là cách phản ứng tối ưu nhất đối với Việt Nam trong điều kiện hiện tại để từng bước tháo gỡ những vướng mắc, những nút thắt trong quan hệ thương mại Việt-Mỹ, đưa quan hệ kinh tế và thương mại song phương trở về trạng thái bình ổn để tiếp tục phát triển”, - Chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng phát biểu với Sputnik.

Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp nông sản An Hòa, xã An Hòa, huyện Tam Dương được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ kỹ thuật mới trong sản xuất rau, phát huy hiệu quả cao.  - Sputnik Việt Nam, 1920, 11.04.2025
Việt Nam đề xuất Hoa Kỳ miễn trừ thuế cho nông sản không cạnh tranh trực tiếp

Đặt gì lên bàn đàm phán?

Trước hết, cần nêu rõ quan điểm của Việt Nam là thị trường Mỹ và thị trường Việt Nam tuy có khác nhau về tổ chức và cơ chế vận hành nhưng cả hai đều có những thế mạnh riêng của mình. Những đặc điểm khác biệt không thể quy đổi một cách đơn giản thành các con số và tiền bạc một cách cơ học mà cần tính đến nguyên tắc bổ sung và bổ khuyết.

“Quan hệ giữa thị trường Việt Nam với thị trường Mỹ dù rất chênh lệch về quy mô cũng như khác nhau về sản phẩm nhưng cũng không nằm ngoài các nguyên tắc “bù đắp”, “bổ sung” và “bổ khuyết” đó. Nhìn chung, thị trường Việt Nam sẽ tiêu thụ từ Mỹ những sản phẩm mà Việt Nam chưa thể sản xuất được hoặc không thể sản xuất với chi phí hợp lý. Thị trường Mỹ cũng cần đến những sản phẩm mà họ không sản xuất được hoặc nếu mở cơ sở sản xuất thì sẽ dẫn đến giá thành cao hoặc không có được chất lượng tốt và giá cả hợp lý như sản xuất chính chủng loại hàng hóa đó tại Việt Nam”, - Nhà nghiên cứu chính sách của Hoa Kỳ Nguyễn Hồng Long nhấn mạnh trong trả lời phỏng vấn cho Sputnik.

Trên nguyên tắc đó, Việt Nam sẽ bước vào các cuộc đàm phán với Mỹ trên cơ sở có đi có lại nhưng theo hướng hợp tác để hai bên cùng có lợi, cùng thúc đẩy hệ thống sản xuất của cả hai nước chứ không phải để “mặc cả” dựa trên sự áp đặt hoặc tệ hơn là “trả đũa” lẫn nhau. Về lâu dài, trên cơ sở những nguyên tắc chung đã được thỏa thuận khi hai nước cam kết nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Phía Việt Nam sẽ bàn bạc với phía Mỹ để đi đến việc cụ thể hóa những thỏa thuận đó thành các hiệp định, các nghị định thư, các bản ghi nhớ… về các vấn đề quan hệ thương mại song phương.
Cũng trên cơ sở đó, những vấn đề đầu tiên được đặt lên bàn đàm phán chính là việc hai bên công nhận thị trường của nhau là thị trường tự do, là việc xem xét tăng cường trao đổi, buôn bán, xuất nhập khẩu hàng hóa của hai bên trên nguyên tắc có đi có lại và hai bên cùng có lợi. Trong đó có việc Việt Nam sẽ mở rộng thị trường để tiêu thụ nhiều hàng hóa của Mỹ hơn trước đây; đồng thời, hình thành những “luật chơi song phương”, tạo hành lang pháp lý cho các nhà sản xuất, nhà kinh doanh tham gia vào thị trường của nhau.

Những giải pháp cần có trong 90 ngày

Theo văn bản gửi hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu ngày 13/4, Bộ Công Thương Việt Nam khuyến cáo các đơn vị đảm bảo nguyên liệu sản xuất đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, gồm chất lượng, xuất xứ và truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, doanh nghiệp được khuyến khích tìm kiếm thêm đối tác, mở rộng hoạt động sang các thị trường tiềm năng.
Bộ Công thương cũng đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu lưu ý đến tiêu chuẩn ngày càng khắt khe từ thị trường nhập khẩu, đặc biệt lưu ý về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, phòng tránh gian lận thương mại...

“Song song với việc tuân thủ nghiêm túc tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường nhập khẩu, việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu là vấn đề cấp bách hiện nay. Việt Nam không thể chỉ hy vọng vào thị trường Mỹ, vì nếu Mỹ cứu thay đổi chính sách liên tục thì Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề. Mặc dù ông Trump đã hoãn áp dụng thuế đối ứng 46% lên hàng hoá của Việt Nam 3 tháng, nhưng Việt Nam vẫn phải luôn trong tư thế linh hoạt, chủ động tìm các thị trường lớn khác”, - TS kinh tế học Lê Hòa phát biểu với Sputnik.

TS Lê Hòa cũng lưu ý rằng, các sản phẩm như máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện máy móc, hàng dệt may… và những hàng hoá có tỷ trọng lớn trong thương mại với Mỹ sẽ bị tác động rất mạnh, bởi vì Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

“Xuất khẩu đóng góp rất lớn vào tăng trưởng GDP, cho nên, thậm chí nếu hàng Việt Nam chỉ bị áp thuế 10% khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ thì đó vẫn sẽ là một khó khăn lớn cho mục tiêu tăng trưởng 8% . Nếu không xuất khẩu được thì tiêu thụ trong nước cũng phức tạp, không dễ dàng, vì đó là những mặt hàng xuất khẩu chất lượng cao, giá cao. Vậy, quay trở lại vấn đề đa dạng hóa thị trường, đây cũng không phải là vấn đề dễ dàng, nhưng cần tích cực tiếp cận những thị trường lớn như EU, Liên minh kinh tế Á-Âu, Trung Đông…”, - TS Lê Hòa nhấn mạnh.

Logo của Apple - Sputnik Việt Nam, 1920, 15.04.2025
Apple "tranh thủ" đẩy mạnh sản xuất tại Việt Nam trước hạn chót 90 ngày miễn thuế
TS Lê Hòa cũng nói thêm rằng, trong tình hình phức tạp và thay đổi chóng mặt hiện nay, Việt Nam phải hiểu rõ môi trường quốc tế và phát triển kinh tế trong nước và coi đó là nội lực cơ bản nhất của nền kinh tế Việt Nam. Vì thế, vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế là cấp bách.
“Nhìn bức tranh toàn cảnh của xuất khẩu Việt Nam, có thể thấy khối FDI lấn át khối trong nước: 71,7% tổng kim ngạch xuất khẩu và 63,2% tổng kim ngạch nhập khẩu thuộc về khối FDI! Mà đóng góp của họ vào nền kinh tế hoàn toàn không tương xứng. Phải có chính sách hỗ trợ, ưu tiên các doanh nghiệp nội địa. Họ gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có cả việc họ không có những ưu tiên mà các doanh nghiệp FDI có”, - TS kinh tế học Lê Hòa nhấn mạnh với Sputnik.
Theo đánh giá chung của giới chuyên gia, một số hạn chế về thể chế kinh tế của Việt Nam đang cản trở đà tăng trưởng kinh tế. Chúng liên quan tới việc đảm bảo quyền sở hữu, chất lượng của hệ thống pháp luật kinh tế, sự bình đẳng của các thành phần kinh tế trong hoạt động kinh doanh...
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала