Chuyện kỳ lạ ở Đắk Lắk: Ai xui học sinh "tự nguyện" nghỉ học vì "có thi cũng không đỗ"?
© Ảnh : C.T.VSở GD-ĐT Đắk Lắk tiếp tục xác minh việc học sinh lớp 12 nghỉ học tại Trường THPT Cao Bá Quát

© Ảnh : C.T.V
Đăng ký
Những ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin nhiều học sinh lớp 12 Trường THPT Cao Bá Quát (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) bất ngờ viết đơn xin nghỉ học, xin bảo lưu kết quả vì bị giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng cho rằng “có thi cũng không đỗ”.
Trước phản ánh từ báo chí, ngày 12/5, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Đắk Lắk đã có báo cáo gửi Thường trực Tỉnh ủy, bước đầu xác minh sự việc.
16 học sinh nghỉ học, 5 em làm đơn xin bảo lưu kết quả học tập
Theo báo cáo từ Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm học 2024–2025 đến nay, có 16 học sinh lớp 12 của Trường THPT Cao Bá Quát đã nghỉ học.
Trong đó, 5 học sinh có đơn xin bảo lưu kết quả học tập, bao gồm: em Y Kh. Niê (nộp đơn ngày 25/3), em Y Th. Ađrơng (ngày 14/4), em Hoàng Tấn P. và H.G Byă (cùng nộp ngày 16/4), và em H’Y.L. Mlô (ngày 25/4).
Tổ xác minh trên đã làm việc với 3 giáo viên chủ nhiệm (GVCN) lớp 12 của Trường THPT Cao Bá Quát, gồm: cô Nguyễn Thị Thanh Hà, GVCN lớp 12A10; thầy Nguyễn Văn Sự, GVCN lớp 12A8; thầy Hồ Anh Tuấn, GVCN lớp 12A9; học sinh H.G.B (lớp 12A10) cùng mẹ của em là bà H.M.B.
Đáng chú ý, nhiều đơn bảo lưu có đầy đủ chữ ký xác nhận của giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng nhà trường, dù theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không tồn tại hình thức “bảo lưu kết quả học tập” đối với học sinh phổ thông.
Một trong những trường hợp gây bức xúc là em H.G., học sinh lớp 12. Sau khi nộp đơn xin bảo lưu, gia đình em đã nhiều lần xin được cho con quay lại lớp học nhưng bị nhà trường từ chối thẳng thừng.
"Không được duyệt vì thi cũng không đỗ"
Kết quả xác minh của Sở GD&ĐT nêu rõ: ngày 16/4, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A10 – cô Nguyễn Thị Thanh Hà – đã mời em H.G. cùng mẹ lên trường để trao đổi về tình hình học tập. Cuộc gặp diễn ra tại phòng truyền thống của nhà trường, với sự có mặt của hiệu trưởng Huỳnh Thị Kim Huệ.
Tại đây, theo tường trình, nữ hiệu trưởng Huỳnh Thị Kim Huệ phát biểu: “Qua điểm kiểm tra giữa kỳ thấy (môn Toán 4,8 điểm) và có nhiều giáo viên bộ môn phản ánh học yếu, nên có thi cũng không đậu. Cô không có nhiều thời gian để gặp học sinh và phụ huynh”.
Cô giáo chủ nhiệm sau đó hỏi thẳng học sinh: “Em nghỉ học hay tiếp tục học?”, khiến học sinh lúng túng.
Sau cuộc trao đổi, em H.G. đã viết đơn xin nghỉ học, người mẹ ký vào đơn và giáo viên chủ nhiệm ký xác nhận. Nhưng chỉ một ngày sau, mẹ của H.G. nhắn tin cho cô giáo chủ nhiệm xin cho con quay lại học.
Tuy nhiên, cô giáo trả lời: “Không được chị nhé, hiệu trưởng đã duyệt”.
Không dừng lại ở đó, ngày 29/4, hai mẹ con đến trường gặp hiệu trưởng Huỳnh Thị Kim Huệ xin học lại nhưng tiếp tục bị từ chối.
Câu trả lời được cho là của hiệu trưởng: “Không được duyệt thi tốt nghiệp, thi cũng không đậu, nhà trường xóa sổ rồi, sao mà đi học lại được”.
Ngoài trường hợp của em H.G., báo cáo cũng ghi nhận trường hợp em Đỗ Quang Th. – một học sinh lớp 12 khác – nghỉ học ngay sau khi có cuộc gặp với hiệu trưởng.
Cụ thể, ngày 15/4, giáo viên chủ nhiệm đã đưa em Th. lên gặp hiệu trưởng để trao đổi về kết quả học tập, do em có nguy cơ không đủ điều kiện thi tốt nghiệp. Sau cuộc gặp, em Th. trở lại lớp, thu dọn đồ đạc rồi rời trường và không quay lại học nữa. Đặc biệt, em không nộp đơn xin nghỉ học như các trường hợp trước.
Sáng hôm sau, ngày 16/4, hiệu trưởng tiếp tục mời phụ huynh em Th. đến trường làm việc. Sau đó, khi giáo viên chủ nhiệm liên hệ với gia đình, phụ huynh cho biết: “Em Th. buồn lắm nên không muốn đi học nữa, do cô hiệu trưởng có nói gì đấy nên Th. buồn không đi học nữa”. Hiện em Th. đã rời địa phương, vào Đồng Nai làm công nhân.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Trong báo cáo gửi Thường trực Tỉnh ủy, Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk khẳng định: việc giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn học sinh viết đơn bảo lưu kết quả học tập, đồng thời hiệu trưởng ký xác nhận, là hoàn toàn không đúng quy định.
Theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, không có quy định nào về việc bảo lưu kết quả học tập của học sinh phổ thông.
Như vậy, việc nhà trường tiếp nhận, xác nhận và xử lý đơn bảo lưu của học sinh là trái với quy định pháp luật hiện hành.
Trách nhiệm trước hết thuộc về giáo viên chủ nhiệm – người đã hướng dẫn học sinh lập đơn sai quy định. Đồng thời, hiệu trưởng Huỳnh Thị Kim Huệ cũng phải chịu trách nhiệm khi trực tiếp xác nhận các đơn này và đưa ra những phát ngôn có ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh, dẫn đến việc các em nghỉ học trong năm cuối cấp.
Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk cho biết đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục xác minh toàn diện sự việc, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan.
Khi có đủ căn cứ, Sở sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật đối với những cán bộ, giáo viên đã để xảy ra sai phạm, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho học sinh trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới.
Trên báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam cho biết, hiệu trưởng một số trường cũng bất ngờ về việc học sinh "tình nguyện viết đơn" xin nghỉ học, xin bảo lưu kết quả, sau đó bị gây khó dễ khi xin đi học trở lại ở trường Cao Bá Quát.
Một hiệu trưởng trường THPT tại huyện Krông Ana nói thẳng: "Theo Luật Giáo dục, nếu học sinh nghỉ học không quá 45 ngày thì vẫn được tiếp tục học bình thường. Đối với học sinh lớp 12, chúng tôi luôn khuyến khích các em cố gắng học hết chương trình, ngay cả khi không tự tin thi đỗ tốt nghiệp THPT. Bởi nếu không hoàn thành lớp 12, các em chỉ được công nhận trình độ THCS, điều này sẽ gây nhiều khó khăn nếu muốn đăng ký học nghề tại các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp".
Trong khi đó, bản Trường THPT Cao Bá Quát – nơi xảy ra sự việc nhiều học sinh lớp 12 nghỉ học bất thường – hiện cũng đang đối mặt với hàng loạt khiếu nại liên quan đến công tác quản lý tài chính và cơ sở vật chất.
Theo phản ánh từ phụ huynh và giáo viên, nhà trường đã chi một khoản tiền lớn để chặt hạ gần trăm cây xanh trong khuôn viên, nhưng không công khai rõ ràng việc xử lý số gỗ sau khi chặt hạ. Một số ý kiến đặt câu hỏi về tính minh bạch và dấu hiệu sai phạm trong hoạt động của nhà trường.
Về phần bà Huỳnh Thị Kim Huệ, hiện là Hiệu trưởng Trường THPT Cao Bá Quát, trước đó từng giữ chức Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (cùng đóng tại TP Buôn Ma Thuột).
Trong thời gian công tác tại trường cũ, bà Huệ cũng bị nhiều cán bộ, giáo viên tố cáo sai phạm trong quản lý tài chính và điều hành. Dù đã được điều động về Trường THPT Cao Bá Quát từ tháng 7/2023, nhưng các đơn thư khiếu nại liên quan đến bà Huệ vẫn chưa được cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm.