Liệu Vingroup đủ sức làm đường sắt tốc độ cao?

© AFP 2023Đường sắt tốc độ Nhật Bản
Đường sắt tốc độ Nhật Bản - Sputnik Việt Nam, 1920, 23.05.2025
Đăng ký
Chuyên gia Việt Nam tin rằng, với “mã gen kỳ tích”, năng lực, kinh nghiệm của Vingroup, đề xuất làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong vòng 5 năm của VinSpeed là hoàn toàn khả thi.
Trước khi VinFast xuất hiện, Việt Nam gần như không có ngành công nghiệp ô tô thực thụ. Với đề xuất của VinSpeed, câu hỏi đặt ra rằng, liệu chúng ta có thể chờ đợi “một VinFast thứ hai” trong ngành đường sắt cho Việt Nam hay không.

“Tại sao lại không?”

Công ty VinSpeed - một đơn vị thành viên trong hệ sinh thái của tỷ phú Phạm Nhật Vượng - vừa đề xuất đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, với tổng vốn đầu tư khoảng 61 tỷ USD, chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng.
Theo đề xuất, VinSpeed sẽ chịu trách nhiệm thu xếp 20% vốn tự có (khoảng 12,27 tỷ USD), phần còn lại, tương đương 80% vốn đầu tư (49,1 tỷ USD), doanh nghiệp xin được vay từ Nhà nước không lãi suất trong vòng 35 năm kể từ ngày giải ngân.
Ngoài ra, VinSpeed còn đề xuất được các địa phương chỉ định khai thác quỹ đất phụ cận các ga đường sắt để bổ sung vốn cho dự án.
Đề xuất này đã tạo ra nhiều ý kiến thảo luận trong giới chuyên gia. Báo Lao động dẫn ý kiến của PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá đề xuất của VinSpeed là một hướng đi có tính chiến lược, nếu được trao cho một doanh nghiệp trong nước đủ năng lực, khát vọng và sẵn sàng đầu tư.
“Nếu có một doanh nghiệp trong nước như VinSpeed – song hành hỗ trợ là Vingroup – đủ năng lực, đủ khát vọng và sẵn sàng đầu tư, thì tại sao lại không giao?”, ông thẳng thắn.
Chuyên gia cho rằng, Vingroup với hệ sinh thái và kinh nghiệm triển khai những dự án quy mô lớn, là một trong số ít tập đoàn có thể đảm nhiệm các dự án tầm cỡ quốc gia. Điều này phù hợp với tinh thần Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Theo ông Thiên, giao dự án cho doanh nghiệp tư nhân có năng lực sẽ giúp tiết kiệm vốn ngân sách, tăng tốc độ triển khai, và nâng cao năng lực doanh nghiệp nội và nếu tiếp tục chậm trễ như các công trình đầu tư công trước đây, Việt Nam có nguy cơ lỡ nhịp phát triển và tụt hậu trong cuộc đua toàn cầu.
“Tôi nhấn mạnh, giao cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có đủ năng lực thực hiện dự án này là điều cần được coi là một điều kiện tiên quyết… Đó là một bước đi chiến lược, không phải sự mạo hiểm”, tuy nhiên, việc "giao" không đồng nghĩa với "vô điều kiện", mà phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa quốc gia, người dân và doanh nghiệp.
Trên Vnexpress, TS Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đánh giá cao tinh thần của VinSpeed khi tham gia đề xuất một dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia có quy mô rất lớn, thời gian thu hồi vốn dài và khả năng lợi nhuận thấp.
“Rất đáng khích lệ, thể hiện lòng yêu nước, tinh thần cống hiến đối với quốc gia, dân tộc”, ông nói.
Đường sắt cao tốc  - Sputnik Việt Nam, 1920, 15.05.2025
VinSpeed được ủng hộ đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao

Có lợi cho nhà nước và cú hích cho ngành công nghiệp đường sắt Việt Nam

GS.TS Hoàng Văn Cường - nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho hay, xét về mặt tài chính, đề xuất của VinSpeed có lợi cho ngân sách Nhà nước bởi lẽ ra nhà nước phải bỏ toàn bộ ngân sách đầu tư và chưa nghĩ đến khi nào thu hồi vốn, thì bây giờ nhà đầu tư tư nhân vay tạm thời số tiền đó, sau đó trả lại.
Cùng với đó, ông cũng nhấn mạnh vai trò hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân làm thay phần việc của nhà nước, và cho rằng:
“Chúng ta cần khuyến khích, thúc đẩy kinh tế tư nhân để chung tay cùng nhà nước đảm nhận chương trình, mục tiêu phát triển, chứ không thể cứ dùng đầu tư công”.
TS Nguyễn Văn Lĩnh - giảng viên cao cấp trong lĩnh vực công trình giao thông – lưu ý rằng đường sắt cao tốc là “cỗ máy kéo công nghiệp phức hợp”, có khả năng lan tỏa mạnh sang các ngành khác như cơ khí, vật liệu, điện - điện tử, công nghệ thông tin, xây dựng và logistics.
“Một dự án đường sắt tốc độ cao không chỉ là chuyện đi lại, mà là cú hích cho hệ sinh thái phức hợp”, báo Dân Trí dẫn lời TS. Lĩnh bày tỏ.
Ông Lĩnh cho rằng dự án sẽ thúc đẩy sự phát triển ngành điện - điện tử - tự động hóa thông qua nhu cầu cao về điều khiển tín hiệu, cảm biến, vận hành thông minh, vé điện tử…Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp nội địa đầu tư bài bản, chuyển mình từ lắp ráp sang làm chủ công nghệ lõi.
Ông cũng nhấn mạnh vai trò của đường sắt trong việc tái cấu trúc ngành logistics, giúp kết nối cảng biển, sân bay và khu công nghiệp, từ đó giảm chi phí logistics từ mức 16-20% GDP hiện nay về gần mức của các nước phát triển (dưới 10%).
Cũng theo TS Nguyễn Văn Lĩnh, để phát triển ngành công nghiệp đường sắt cao tốc, Việt Nam cần có doanh nghiệp dẫn dắt, tương tự như VinFast từng tạo đột phá với ngành ô tô Việt Nam:
“Trước khi VinFast xuất hiện, Việt Nam gần như không có ngành công nghiệp ô tô thực thụ. Tên gọi 'công nghiệp lắp ráp' là đúng nhất với tình trạng khi đó. VinFast không chỉ đưa ô tô Việt lên bản đồ thế giới mà còn tạo ra chuỗi cung ứng nội địa, thúc đẩy đầu tư vào công nghệ và sản xuất trong nước”, theo TS Lĩnh, VinSpeed có thể là một VinFast thứ hai, lần này trong lĩnh vực đường sắt tốc độ cao.
Cũng như PGS.TS Trần Đình Thiên, ông Lĩnh nhấn mạnh, nếu Việt Nam tiếp tục chậm trễ trong phát triển công nghiệp đường sắt thì sẽ đánh mất cơ hội tạo ra chuỗi giá trị chiến lược mang tầm quốc gia.
Đề xuất của VinSpeed đã mở ra một cuộc thảo luận sâu rộng trong giới chuyên gia về vai trò của kinh tế tư nhân trong các dự án hạ tầng chiến lược quốc gia.
Dù còn nhiều khía cạnh cần đánh giá kỹ lưỡng, nhiều ý kiến cho rằng đây là cơ hội để Việt Nam bứt phá, không chỉ về giao thông mà còn về công nghiệp, công nghệ và năng lực doanh nghiệp nội.
Thủ tướng tiếp Chủ tịch Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc - Sputnik Việt Nam, 1920, 21.05.2025
PowerChina muốn tham gia dự án đường sắt lớn của Việt Nam, hứa đúng tiến độ

‘Gen kỳ tích’

Cũng đánh giá cao đề xuất của Vinspeed, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng việc VinSpeed đề xuất làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và sẵn sàng gánh vác mọi rủi ro thể hiện tinh thần cống hiến của doanh nghiệp Việt.
TS Lê Xuân Nghĩa cũng tin tưởng VinSpeed sẽ "mang mã gen kỳ tích" của Vingroup đã được chứng minh qua rất nhiều công trình hạ tầng vừa đạt kỷ lục về tốc độ xây dựng vừa đảm bảo chất lượng.
Về nghi ngại một doanh nghiệp chưa từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực đường sắt tốc độ cao nhưng VinSpeed đã cam kết hoàn thiện dự án chỉ sau 5 năm, tức là chỉ bằng nửa thời gian so với dự kiến, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng “hoàn toàn có thể”.
Bởi tuy là một cái tên mới nhưng đứng sau VinSpeed là tỷ phú Phạm Nhật Vượng với hệ sinh thái đa ngành lớn nhất Việt Nam.
“Trước khi có VinFast, ít người tin rằng người Việt có thể làm ô tô, nhưng giờ họ đã là hãng xe bán chạy nhất thị trường với tỷ lệ nội địa hóa hiện tại gần 70%. Tôi tin VinSpeed cũng mang "mã gien kỳ tích" đó”, báo Thanh Niên dẫn lời ông nói.
Theo ông Nghĩa, năng lực triển khai của các doanh nghiệp do ông Phạm Nhật Vượng điều hành đã được chứng minh qua rất nhiều công trình hạ tầng vừa đạt kỷ lục về tốc độ xây dựng vừa đảm bảo chất lượng, như Nhà máy ô tô VinFast tại Cát Hải hoàn thành chỉ trong 21 tháng, dự án Vành đai 2 trên cao tại Hà Nội vượt tiến độ 3 tháng, hay tới đây là công trình Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia với thời gian thi công thần tốc - chỉ 10 tháng và đã có nhiều doanh nghiệp tư nhân VN tiếp thu công nghệ, đổi mới sáng tạo thành công, nhất là trong lĩnh vực xây dựng.
Cần nói thêm là trong 5 năm, Trung Quốc thậm chí hoàn thành tới 29.000 km đường sắt tốc độ cao.
“Vậy tại sao phải nghi ngờ năng lực và cam kết của VinSpeed? Đặc biệt, việc dự án hoàn thành sớm hơn 5 năm còn giúp tiết kiệm nhiều nguồn lực cho quốc gia”, TS. Lê Xuân Nghĩa nêu quan điểm.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала