Tuyên bố động lòng người của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam ở Đối thoại Shangri-La
© Ảnh : QĐNDBộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hôm 31/5

© Ảnh : QĐND
Đăng ký
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đã có những phát biểu chạm đến lòng người khi đặt vấn đề làm sao để các nước trên thế giới cạnh tranh lành mạnh, tôn trọng lợi ích lẫn nhau, không vì mạnh-yếu, thắng-thua; không vì để khuất phục, giành giật lợi ích mà bao vây, kiềm chế, gây hại lẫn nhau, từ đó gây ra đối đầu, căng thẳng xung đột.
Nhắc việc thế giới đối mặt thách thức chưa từng có kể từ Chiến tranh Lạnh, Đại tướng Phan Văn Giang cho rằng, các bên cần có thiện chí, tránh nảy sinh nghi kỵ và hiểu lầm, tránh nguy cơ tính toán và hành động chiến lược sai lầm, có thể “biến đại sự thành trung sự, trung sự thành tiểu sự, tiểu sự thành vô sự”.
Thế giới đối mặt thách thức chưa từng có kể từ Chiến tranh Lạnh
Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang: Việt Nam kiên định chính sách quốc phòng “bốn không”, đề cao đối thoại và luật pháp quốc tế.
Sáng 31/5, trong phiên thảo luận với chủ đề “Đảm bảo sự ổn định trong một thế giới cạnh tranh” tại Đối thoại Shangri-La, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có bài phát biểu quan trọng, nêu bật lập trường quốc phòng của Việt Nam trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế nhiều biến động.
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Phan Văn Giang đánh giá Đối thoại Shangri-La là một trong các diễn đàn an ninh đa phương uy tín hàng đầu thế giới và khu vực.
Ông chia sẻ, thế giới hiện đang trải qua những biến động mang tính thời đại.
“Thế giới cũng đang đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng thấy kể từ sau Chiến tranh Lạnh”, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam nói.
Tướng Phan Văn Giang dẫn chứng, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, sâu sắc, mở rộng về không gian, phạm vi, gia tăng về cường độ cũng như tính đối đầu.
“Nguy cơ chạy đua vũ trang, xung đột quân sự cũng ngày càng căng thẳng. Sự trỗi dậy của tư tưởng cường quyền và chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi đang thách thức luật pháp quốc tế, đồng thời làm xói mòn các thể chế đa phương cũng như lòng tin vào hợp tác toàn cầu”, Bộ trưởng thẳng thắn.
Các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống tác động đan xen, làm tăng nguy cơ khủng hoảng đa chiều, đa hình thái, tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây hệ lụy khó lường đối với an ninh và sự phát triển của các quốc gia bị ảnh hưởng.
“Các điểm nóng xung đột trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; trong khi đó, các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng phức tạp. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, cạn kiệt tài nguyên và già hóa dân số… đang đe dọa đảo ngược những nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững”, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Việt Nam nhấn mạnh.
Nói về những tác động nặng nề của thiên tai, Bộ trưởng nêu ra những thiệt hại to lớn về người và tài sản do trận động đất xảy ra vào cuối tháng 3 vừa qua tại Myanmar và Thái Lan.
“Nhân đây, cho phép tôi được bày tỏ chia buồn sâu sắc và tin tưởng với nỗ lực của Chính phủ và người dân, cùng sự chung tay của cộng đồng quốc tế, công cuộc tái thiết các khu vực chịu ảnh hưởng của trận động đất sẽ được triển khai hiệu quả, sớm ổn định cuộc sống cho nhân dân”, ông bày tỏ.
Phương châm của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bài phát biểu gây ấn tượng rất mạnh của mình, Bộ trưởng Phan Văn Giang khẳng định, đối thoại là điều kiện tiên quyết để giải quyết các tranh chấp và khác biệt giữa các quốc gia.
Về giải pháp cho một thế giới ổn định trong cạnh tranh, Bộ trưởng Phan Văn Giang nhấn mạnh sự cần thiết phải tuân thủ nghiêm các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền, độc lập, quyền bình đẳng và lợi ích chính đáng của mọi quốc gia, bất kể quy mô hay sức mạnh.
Ông cảnh báo rằng các hành động đơn phương, áp đặt sẽ chỉ dẫn tới nghi kỵ, chia rẽ và cản trở hợp tác giải quyết các thách thức an ninh chung. Theo Bộ trưởng, các nước cần có thiện chí trong quan hệ cùng phát triển. Thiếu thiện chí, sự nghi kỵ và hiểu lầm rất dễ nảy sinh, vấn đề đơn giản sẽ trở nên phức tạp.
“Có thiện chí, chúng ta có thể 'biến đại sự thành trung sự, trung sự thành tiểu sự, tiểu sự thành vô sự. Những vấn đề phức tạp hoàn toàn có thể giải quyết thông qua đối thoại cởi mở và thương lượng hợp lý. Đây cũng chính là phương châm ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của chúng tôi”, Bộ trưởng mạnh mẽ tuyên bố.
Về vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Phan Văn Giang khẳng định, Việt Nam luôn nhất quán và kiên trì giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Việt Nam nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và mong muốn sớm đạt được một Bộ quy tắc ứng xử (COC) thực chất, hiệu quả, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải, hàng không ở khu vực.
Một lần nữa, Bộ trưởng Phan Văn Giang cũng đánh giá cao vai trò của Đối thoại Shangri-La và nhiều diễn đàn an ninh lớn khác trên thế giới như Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh, Hội nghị An ninh quốc tế Moskva, Hội nghị An ninh Munich... Ông cho rằng các diễn đàn này là cơ hội quý báu để các quốc gia trao đổi quan điểm, tăng cường hiểu biết, củng cố lòng tin và thúc đẩy hợp tác thực chất.
“Sự cạnh tranh để tồn tại và phát triển là tất yếu khách quan, dưới góc độ tích cực, đó còn là động lực cho sự phát triển. Vấn đề cần là làm sao để cạnh tranh lành mạnh, tôn trọng lợi ích lẫn nhau, không vì mạnh-yếu, thắng-thua; không vì để khuất phục, giành giật lợi ích mà bao vây, kiềm chế, gây hại lẫn nhau. Vì như thế, tất yếu sẽ dẫn đến căng thẳng, đối đầu, xung đột, khó có thể bảo đảm được hòa bình và ổn định bền vững”, Lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam gây ấn tượng mạnh bởi các chia sẻ thẳng thắn.
Kiên định chính sách quốc phòng “bốn không”
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đánh giá cao vai trò của các cơ chế hợp tác đa phương tại khu vực, đặc biệt là ASEAN, trong việc thúc đẩy hợp tác vì hòa bình và phát triển bền vững.
Ông khẳng định: “Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong các cơ chế này, đồng thời mong muốn các nước ủng hộ nỗ lực phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, tăng cường khả năng tự chủ và tự cường của khối”.
Đặc biệt theo Bộ trưởng, Việt Nam luôn kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đồng thời theo đuổi chính sách quốc phòng “bốn không”: không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Khẳng định cam kết của Việt Nam đối với an ninh khu vực và quốc tế, Bộ trưởng Phan Văn Giang nhấn mạnh: “Việt Nam luôn có thiện chí, sẵn sàng tham gia các cơ chế hợp tác thực chất, hiệu quả với Bộ Quốc phòng và quân đội các nước, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng sự khác biệt, thống nhất trong đa dạng, vì sự ổn định, hòa bình, an ninh và thịnh vượng chung”.
Kết thúc bài phát biểu, Bộ trưởng Phan Văn Giang một lần nữa khẳng định, với tư cách là một dân tộc từng trải qua nhiều đau thương do chiến tranh, Việt Nam hơn ai hết hiểu rõ giá trị của hòa bình. Việt Nam sẽ tiếp tục kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tích cực hội nhập sâu rộng và đóng góp hiệu quả vào hòa bình, ổn định và phát triển toàn cầu.