Việt Nam: Số doanh nghiệp đóng cửa gần bằng số lập mới

© Flickr / Ken TeegardinThống kê kinh doanh
Thống kê kinh doanh - Sputnik Việt Nam, 1920, 06.06.2025
Đăng ký
Gần 112.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường sau 5 tháng đầu năm, báo động sức chống chịu yếu của khu vực tư nhân tại Việt Nam trong bối cảnh nhiều biến động hiện nay.

Lượng lớn doanh nghiệp rút khỏi thị trường

Trong 5 tháng đầu năm 2025, Việt Nam ghi nhận hơn 111.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, một con số gần như tương đương với tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động (111.800 doanh nghiệp).
Từ số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê (Bộ Tài chính) và Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tình hình doanh nghiệp rời khỏi thị trường đang diễn biến đáng lo ngại, phản ánh rõ nét sức chống chịu yếu ớt của khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chỉ riêng trong tháng 5, cả nước có hơn 15.100 doanh nghiệp được thành lập mới và khoảng 8.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong cùng tháng cũng rất cao, với 5.920 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 6.535 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể và 1.909 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể.
Tổng số doanh nghiệp rút lui trong tháng là 14.368, gần tương đương với số doanh nghiệp gia nhập mới. Tính trung bình, mỗi tháng có hơn 22.300 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, tương đương khoảng 750 doanh nghiệp mỗi ngày. Đây là con số đáng báo động, nhất là khi các doanh nghiệp rời bỏ thị trường gần bằng số doanh nghiệp mới gia nhập.
Tỷ lệ gần 1:1 này phản ánh một thực trạng đáng quan ngại khi nền kinh tế đang thiếu lực kéo đủ mạnh để giữ chân và phát triển các doanh nghiệp, chứ không chỉ thu hút doanh nghiệp mới.
Việt Nam tiếp tục là điểm đến tin cậy cho các DN nước ngoài  - Sputnik Việt Nam, 1920, 02.04.2025
Multimedia
Việt Nam tiếp tục là điểm đến tin cậy cho các doanh nghiệp nước ngoài
Đáng chú ý, ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô và xe máy dẫn đầu về số lượng doanh nghiệp giải thể trong 5 tháng đầu năm với hơn 3.500 doanh nghiệp rút lui. Đây vốn là lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ cao, phụ thuộc lớn vào sức mua của thị trường và tốc độ xoay vòng vốn, nên dễ bị tổn thương khi chi phí đầu vào tăng, sức mua suy giảm hoặc tiếp cận tín dụng khó khăn. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trụ cột quan trọng của nền kinh tế cũng chứng kiến 1.015 doanh nghiệp giải thể trong cùng thời gian.

Doanh nghiệp gặp nhiều áp lực

Một khảo sát do Tổng cục Thống kê thực hiện đối với các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, trong quý II năm nay, khoảng 15% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất – kinh doanh sẽ khó khăn hơn.
Gần 40% doanh nghiệp cho rằng tình hình sẽ ổn định, trong khi số còn lại dự báo triển vọng cải thiện. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng mức độ lạc quan này vẫn còn thận trọng, bởi doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều áp lực như chi phí nguyên liệu, logistics, lãi suất cao và sức ép cạnh tranh gay gắt trong và ngoài nước.
Hiện Việt Nam có khoảng 940.000 doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ – chiếm đến 97% tổng số doanh nghiệp toàn quốc. Đây là nhóm doanh nghiệp được đánh giá là có sức chống chịu yếu trước các biến động của thị trường, môi trường, dịch bệnh hay thay đổi chính sách.
Với quy mô vốn nhỏ, khả năng tiếp cận vốn hạn chế, năng lực quản trị còn yếu, những doanh nghiệp này rất dễ bị loại khỏi cuộc chơi trong giai đoạn kinh tế bất ổn.
Thời gian qua, có không ít ý kiến cho rằng, khả năng hấp thụ và chống đỡ cú sốc của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam còn rất thấp. Nhìn vào việc gần như mỗi doanh nghiệp thành lập mới lại có một doanh nghiệp rút lui cho thấy hệ sinh thái doanh nghiệp vẫn còn mong manh, chưa phát triển một cách bền vững. Do đó, nếu không có chính sách hỗ trợ thực chất, nền kinh tế sẽ rất khó có thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao và ổn định.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phủ trình bày Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022.  - Sputnik Việt Nam, 1920, 15.07.2024
"Doanh nghiệp lớn không có tiền, doanh nghiệp nhỏ không có việc"
Bên cạnh đó, vốn đăng ký bình quân của mỗi doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng qua chỉ đạt 9,7 tỷ đồng, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, không chỉ doanh nghiệp cũ gặp khó, mà các doanh nghiệp mới cũng phần lớn có quy mô nhỏ, vốn mỏng, tiềm ẩn nhiều rủi ro về khả năng tồn tại lâu dài.
Nhiều chuyên gia cho rằng, số lượng doanh nghiệp thành lập mới là cần thiết, nhưng chưa đủ. Điều quan trọng hơn là phải giữ được các doanh nghiệp đã tồn tại, giúp họ phục hồi, mở rộng và phát triển. Cần cải cách thủ tục hành chính một cách thực chất hơn, cùng với đó là giảm chi phí tiếp cận tín dụng, mặt bằng, điện nước... cho doanh nghiệp bởi nếu không, tình trạng ‘ra – vào bằng nhau’ như hiện nay sẽ còn kéo dài, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế.
TS Cấn Văn Lực, thành viên của Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng, phát biểu tại cuộc họp với Thủ tướng gần đây nêu dẫn chứng hàng triệu hộ kinh doanh cá thể đang đóng góp từ 23%-25% GDP nhưng vẫn bị “bỏ quên” trong cơ chế hỗ trợ.
“Nếu không cải cách thể chế mạnh mẽ, đặc biệt là Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Doanh nghiệp và Luật Phá sản thì khu vực năng động này sẽ mãi chỉ là nền kinh tế phi chính thức”, TS Cấn Văn Lực bày tỏ.
Ông cũng chỉ ra tình trạng một doanh nghiệp triển khai dự án có thể phải cùng lúc tuân thủ các quy định khác biệt, thậm chí trái ngược, từ Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai và hàng chục thông tư hướng dẫn khác. Do vậy, cần có một cơ chế rà soát định kỳ các văn bản quy phạm pháp luật có tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, có sự tham gia độc lập và thực chất của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề và giới chuyên gia. Cùng với đó, việc áp dụng đánh giá tác động chính sách (RIA) cần được thực hiện nghiêm túc ngay từ giai đoạn dự thảo, nhằm tránh tình trạng chính sách được ban hành rồi sửa đổi liên tục, gây lãng phí nguồn lực và mất niềm tin từ thị trường.
Tổng Bí thư chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật - Sputnik Việt Nam, 1920, 05.06.2025
Đừng “quyền anh, quyền tôi”
Việt Nam từng đặt mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020, nhưng hiện đã gần giữa 2025 mục tiêu này vẫn chưa đạt được. Đây là minh chứng rõ ràng cho những khó khăn trong việc không chỉ thành lập mà còn duy trì hoạt động doanh nghiệp tại Việt Nam.
Trong bối cảnh môi trường kinh doanh còn nhiều thách thức, việc hỗ trợ doanh nghiệp không thể dừng lại ở các gói tín dụng ngắn hạn hay chương trình giải ngân chậm trễ, mà cần có tháo nút thắt thủ tục hành chính, chiến lược dài hơi, đồng bộ và hiệu quả hơn để bảo vệ và phát triển khu vực tư nhân, vốn được xem động lực quan trọng của nền kinh tế quốc dân như Nghị quyết 68 đang hướng tới.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала