Xe tăng sinh ra chủ yếu dùng để tác chiến trên bộ — kể cả các loại xe tăng bơi nước. Tuy nhiên, theo yêu cầu nhiệm vụ, khi cần thiết các loại tăng bơi cũng có thể thể hiện khả năng vượt biển của mình không kém cạnh các phương tiện bơi chuyên dụng nào.
Đó là chuyện xảy ra ở Đại đội xe tăng 2, Tiểu đoàn 1003 thuộc Sư đoàn 242, Đặc khu Quảng Ninh.
Xe tăng góp sức mình bảo vệ tuyến đảo tiền tiêu Tổ Quốc
Sau cuộc đụng độ tháng 2 năm 1979 trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, mối quan hệ Việt- Trung tiếp tục căng thẳng. Trong tình hình đó, việc tăng cường sức mạnh phòng thủ cho các tỉnh biên giới phía Bắc — trong đó có Quảng Ninh là hết sức cần thiết và cấp bách.
Riêng với tỉnh Quảng Ninh, ngoài nhiệm vụ bảo vệ vững chắc phần lãnh thổ trên đất liền thì một nhiệm vụ không kém phần quan trọng và cũng vô cùng khó khăn, phức tạp là bảo vệ vững chắc tuyến đảo Đông Bắc của Tổ quốc. Nhiệm vụ đó được giao cho Sư đoàn 242 thuộc Đặc khu Quảng Ninh.
Tiểu đoàn xe tăng 1003 gồm 3 đại đội 1, 2 và 3, được trang bị xe tăng PT-76B do Liên Xô sản xuất, do Đại úy Nguyễn Ý Thức làm tiểu đoàn trưởng. Tiểu đoàn cũng vừa mới được thành lập giữa năm 1979 và được điều về Sư đoàn 242 ngay sau ngày thành lập.
Để tăng cường sức mạnh phòng ngự cho tuyến đảo Đông Bắc, được sự đồng ý của cấp trên, tháng 10 năm 1979, Sư đoàn 242 quyết định điều động 1 đại đội xe tăng ra đảo Vĩnh Thực với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo và sẵn sàng chi viện cho các đảo xung quanh.
Thời điểm năm 1979 trên đảo Vĩnh Thực chỉ có vài chục hộ người dân tộc Sán Dìu, đời sống của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và đánh bắt thuỷ, hải sản. Xa đất liền, đảo chưa được đầu tư xây dựng nên rất hoang sơ, đời sống của nhân dân trên đảo hết sức khó khăn.
Nhiệm vụ tăng cường phòng thủ bảo vệ đảo đó được giao cho Đại đội 2 của Tiểu đoàn 1003. Đại đội xe tăng 2 được trang bị 10 xe tăng bơi kiểu PT-76B mang số hiệu từ 065 đến 074, do đồng chí Phạm Văn Thăng là Đại đội trưởng, đồng chí Trần Văn Mích là chính trị viên và đồng chí Nguyễn Quang Tỵ là đại đội phó kỹ thuật.
Nhận nhiệm vụ trên giao, 100% cán bộ, chiến sĩ trong đại đội đều quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ và tập trung chuẩn bị mọi mặt cho chuyến vượt biển. Thật may, cấp trên lại bố trí được phương tiện vận tải nên xe tăng không phải tự bơi mà ung dung cưỡi "tàu há mồm" ra đảo.
Tiếp đó là củng cố chỗ ăn, chỗ ở và các công trình phụ trợ bảo đảm cho xe tăng cũng như sinh hoạt của bộ đội. Đơn vị cũng đã làm rất tốt công tác dân vận và được bà con trên đảo thương yêu đùm bọc như người nhà.
Khó khăn lớn nhất đối với cán bộ chiến sĩ Đại đội xe tăng 2 là công tác bảo đảm kỹ thuật. Giữa trùng khơi mênh mông sóng nước, không khí đậm mùi muối biển họ đã phải cố gắng rất nhiều để bảo đảm cho những chiếc xe tăng của mình luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.
Với sự có mặt của xe tăng, khả năng phòng thủ của tuyến đảo Đông Bắc đã được tăng cường đáng kể. Mọi âm mưu xâm nhập, phá hoại của kẻ địch đều bị phát giác, đánh bại và tuyến đảo Đông Bắc của Tổ quốc vẫn luôn vững vàng.
Chuyến vượt biển có một không hai
Tuy nhiên, do không có phương tiện vận chuyển nên Bộ Tư lệnh Đặc khu quyết định để xe tăng tự bơi. Mà cũng có thể do BTL muốn kiểm tra khả năng bơi của xe tăng chăng?
Thực sự đây là một nhiệm vụ khó khăn bởi dù là xe tăng bơi song tính năng bơi của các loại xe tăng chủ yếu là để vượt các vật cản nước ở một khoảng cách không lớn lắm như sông, hồ, eo biển nhỏ… Cho đến lúc đó, tự bơi biển của xe tăng ở Việt Nam là chưa hề có tiền lệ.
Nhận nhiệm vụ trên giao, cán bộ chiến sĩ toàn đại đội đã nghiêm chỉnh chấp hành. Một mặt, đơn vị tổ chức làm công tác chuẩn bị mọi mặt để đảm bảo khả năng bơi nước thời gian dài cho xe tăng. Một mặt, tổ chức một đoàn gồm các cán bộ đại đội, trung đội và 10 lái xe do tiểu đoàn trưởng Thức dẫn đầu đi khảo sát đường cơ động.
Kết quả khảo sát cho thấy: chiều dài đường cơ động là 56 km, qua nhiều eo biển nhỏ và vùng nước nông quanh các đảo, nhiều nơi có đá ngầm, dòng chảy của thủy triềuvà sóng biển không vượt quá tính năng của xe tăng. Tuy nhiên, do đang là mùa thu nên đã bắt đầu có gió mùa Đông Bắc và cơn bão số 6 vẫn rập rình ngoài xa.
Mặc dù vậy, toàn đơn vị vẫn quyết tâm thực hiện bằng được nhiệm vụ trên giao. Tiểu đoàn trưởng Thức làm Kế hoạch hành quân báo cáo cấp trên, được cấp trên phê chuẩn và sẽ tăng cường thêm 3 chiếc ca-nô để dẫn đường và sẵn sàng cứu hộ.
Đúng 7 giờ, lệnh xuất phát được ban ra. Đội hình hành quân thành 1 hàng dọc, đi đầu là 1 ca- nô dẫn đường. Tiếp theo là các xe tăng với giãn cách 20-30 mét một xe, đi đầu là xe 074. Đi hai bên đội hình xe tăng là 2 ca-nô yểm trợ. Tất cả cán bộ, chiến sĩ trên xe đều phải mặc áo phao.
Những chiếc xe tăng cồng kềnh nặng mấy chục tấn giờ đây thật nhỏ nhoi giữa đại dương. Mặc dù gió không lớn lắm, sóng chỉ cao dưới 1 mét song cũng đủ để nhồi lắc xe như món đồ chơi của trẻ nhỏ và làm cho việc điều khiển xe trở nên khó hơn bao giờ hết.
Thoạt đầu, cuộc hành quân khá thuận lợi. Trời tốt, gió nhẹ, sóng biển nhỏ, dòng chảy bình thường, các xe tăng đảm bảo tốc độ bơi khoảng 7- 8 km/giờ. Dự kiến, sau 8 giờ hành quân sẽ có mặt tại Cái Bầu.
Tuy nhiên, "người tính không bằng trời tính". Những tình huống khó khăn liên tục như muốn thử thách bản lĩnh, lòng kiên trì và sự sáng tạo của những người chiến sĩ xe tăng.
Sau khi xem xét tình hình, các chỉ huy đoàn hành quân quyết định dùng một xe phía sau nối cáp để kéo lùi, trong khi đó dùng 1 tàu hộ vệ ghìm bên sườn không để xe bị cuốn theo dòng chảy. Mất gần 30 phút xe mới được kéo ra và tiếp tục hành quân.
Sau khi vượt quãng đường khoảng 25 km thì thời tiết bắt đầu thay đổi. Cơn bão số 6 bất thình lình ập đến nhanh hơn dự báo. Gió thổi mạnh làm sóng cao trên dưới 3 mét liên tục táp vào xe làm xe bị dồi lắc mạnh, sóng tràn qua cả xe dẫn đến nguy cơ nước vào trong xe gây chìm xe.
Trước tình hình đó, đồng chí Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Ý Thức điện về báo cáo cấp trên và quyết định cho đoàn ghé vào đảo Núi Miều (còn gọi là Hòn Miều, một hòn đảo nhỏ không có dân cư trú thuộc vùng biển Quảng Ninh) để tránh gió.
Ngay sau khi đưa được xe lên bờ và 3 ca- nô vào vụng kín tránh bão thì gió tiếp tục mạnh lên và mưa đổ xuống như trút.
Trận bão mạnh kéo dài qua đêm mới giảm cường độ. Gần trưa hôm sau, biển trở nên lặng sóng. Đoàn hành quân lại tiếp tục lên đường. Nửa chiều hôm đó, đoàn xe tăng đổ bộ vào bãi biển xã Hạ Long thuộc đảo Cái Bầu trong sự đón mừng của bộ đội và nhân dân địa phương. Ai cũng phấn khởi và không khỏi có phần ngạc nhiên.
Như vậy, trừ thời gian phải dừng lại tránh bão, sau 8 giờ tự bơi trên biển, 10 xe tăng PT-76B của Đại đội xe tăng 2 đã vượt 56 km đường biển và lập nên một kỷ lục "vô tiền khoáng hậu" về tự bơi của xe tăng. Ngay cả các cố vấn Liên Xô lúc đó cũng hết lời ngợi khen và xác nhận "Đây là cuộc hành quân vượt biển dài nhất của xe tăng PT-76B".
(Ghi theo lời kể của CCB Lê Hải- nguyên chiến sĩ lái xe số 074, Đại đội xe tăng 2, Tiểu đoàn 1003, Sư đoàn 242, hiện sống tại TP Vinh, Nghệ An).