Ở phương Tây, BTS-4 được gọi bằng cái tên T-54T. Ngoài phiên bản chính, nó còn một vài biến thể ít phổ biến hơn sử dụng khung gầm xe tăng T-44, T-55, hay thậm chí là T-62.
So với T-54, chiếc xe thiết giáp cứu kéo này đã bỏ đi tháp pháo gắn khẩu pháo chính D-10T2S cỡ nòng 100 mm và thay vào đó là hệ thống ròng rọc, cần cẩu, tời kéo, kích thủy lực, lưỡi chặn…
Đối tượng phục vụ chính của BTS-4 là xe tăng chiến đấu chủ lực T-54/55, xe chiến đấu bộ binh BMP-1/2, hay các loại xe thiết giáp bánh xích hạng trung tương tự.
Theo báo Quân đội nhân dân, hiện nay xe kéo BTS-4 trang bị ở các học viện, nhà trường còn ít, chưa đáp ứng đủ nhu cầu học tập. Trường Sĩ quan Tăng-Thiết giáp (TTG) chỉ có 1 xe, trong khi lưu lượng học viên rất đông.
Từ thực tế trên, nhóm cán bộ, giáo viên và nhân viên kỹ thuật nhà trường đã nghiên cứu thiết kế, chế tạo mô hình xe cứu kéo BTS-4 và các trang thiết bị chính trên xe với kích thước thu nhỏ theo tỉ lệ 1:4.
Mô hình được trang bị đầy đủ hệ thống ròng rọc, cần cẩu, thiết bị kéo xe, kích thủy lực, lưỡi chặn. Xe mô hình vận hành tốt, có đầy đủ các tính năng, công năng như xe BTS-4. Nhóm tác giả đã sáng tạo, thay thế động cơ xăng của xe tăng bằng động cơ điện hai chiều truyền lực cho hệ thống tời.
Do đó, trong quá trình huấn luyện sẽ tiết kiệm được nhiên liệu, giảm nguy cơ mất an toàn do cháy, nổ. Mô hình đã được đưa vào ứng dụng tại các nhà trường thuộc Binh chủng TTG và sẽ được áp dụng trong huấn luyện nâng cao cho cán bộ, chiến sĩ các đơn vị TTG toàn quân.
Nguồn: Thời Đại