Bộ GTVT nói về minh bạch tài chính và tác động đến quốc phòng, an ninh của Bamboo Airways

Liên quan đến các vấn đề như minh bạch tài chính, đánh giá tác động tới quốc phòng, an ninh … của việc thành lập hãng hàng không Bamboo Airways, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản trả lời gửi tới Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng và Thủ tướng Chính phủ, Kinh tế & Tiêu dùng dẫn nguồn cho biết.
Sputnik

Như chúng tôi đã đưa tin, ngày 28/8 năm nay, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng — Thiếu tướng, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội có Công thư gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) liên quan đến việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) — công ty con của Tập đoàn FLC.

Chủ tịch FLC nói về 'đứa con cưng' Bamboo Airway

Trong Công thư, Thiếu tướng Hồng nêu lên một số vấn đề mà ông và cử tri băn khoăn như: tác động về quốc phòng, an ninh; tính khả thi của phương án nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ phi công, khả năng đáp ứng của cảng hàng không, quản lý bay; minh bạch tài chính trong việc mua máy bay của Tập đoàn FLC để tránh nguy cơ rủi ro, tăng nợ quốc gia trong huy động vốn…

Ngày hôm sau 29/8, Bộ GTVT có công văn trả lời những ý kiến mà Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng nêu trong Công thư.

Cục Hàng không: Bamboo Airways chưa thuộc nhóm được cấp quyền bay
Đến ngày 22/10, Chính phủ có công văn chỉ đạo giao Bộ GTVT (lãnh đạo Bộ), thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trực tiếp làm việc với Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng về vấn đề liên quan đến cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Bamboo Airways.

Ngày hôm sau 23/10, Bộ GTVT đã làm việc trực tiếp với Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng. Buổi làm việc do ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội chủ trì.

Ngày 26/10, Bộ GTVT báo cáo kết quả buổi làm việc ngày 23/10 lên Thủ tướng Chính phủ. Theo Bộ GTVT, tại buổi làm việc, ông Lê Đình Thọ — Thứ trưởng bộ GTVT, ông Trịnh Văn Quyết — Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC và đại diện các Bộ, ngành liên quan đã trao đổi cụ thể từng vấn đề mà Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng quan tâm. Kết thúc cuộc họp, Thiếu tướng Hồng không có ý kiến gì thêm.

Đường cất cánh gập ghềnh của Bamboo Airways
Trong các công văn gửi Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng và Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã giải đáp các băn khoăn của Thiếu tướng Hồng và cử tri như sau:

1. Đánh giá tác động về quốc phòng, an ninh của việc thành lập hãng hàng không Bamboo Airways

Về vấn đề này, Bộ GTVT cho rằng: "Thực tế cho thấy các hãng hàng không Việt Nam đang khai thác đều tuân thủ nghiêm các quy định về quốc phòng, an ninh và Bộ GTVT giám sát chặt chẽ vấn đề này. Việc có thêm hãng hàng không mới sẽ bổ sung thêm lực lượng vận tải, đáp ứng nhu cầu vận chuyển, góp phần vào tăng trưởng kinh tế và trong một chừng mực nhất định, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia."

2. Tính khả thi của phương án nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ phi công

An ninh quốc phòng là vấn đề vô cùng hệ trọng khi cấp phép cho Bamboo Airways
Theo Bộ GTVT, tuy mới thành lập nhưng Bamboo Airways đã tuyển dụng và bố trí nhân sự giữ các vị trí chủ chốt trong bộ máy điều hành, khai thác là những cá nhân cụ thể có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực hàng không với bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn phù hợp theo quy định xin Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.

Qua quá trình thẩm định hồ sơ, Bộ GTVT nhận thấy Bamboo Airways đã tuyển dụng và có kế hoạch tuyển dụng, đào tạo nhân sự phù hợp với yêu cầu và quy mô khai thác, đặc biệt là các vị trí chủ chốt đều đáp ứng quy định của Nghị định 92 về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

Bộ GTVT thông tin thêm, thực tế khai thác tại các hãng hàng không Việt Nam cho thấy, trong giai đoạn đầu, các hãng đều phải thuê phi công nước ngoài và qua quá trình hoạt động, các hãng dần tuyển dụng, đào tạo đội ngũ phi công Việt Nam để tăng hiệu quả kinh doanh. Hiện tại, tỉ lệ phi công người Việt Nam của Vietnam Airlines là 65-70%, của VietJet là xấp xỉ 50% và của Jetstar Pacific là 20-30%.

3. Khả năng đáp ứng của cảng hàng không, quản lý bay

Tiết lộ mức lương gây "choáng" của các phi công Việt Nam
Bộ GTVT cho biết, hiện nay trong 21 cảng hàng không, sân bay đang hoạt động, tình trạng quá tải chỉ tập trung ở một số cảng hàng không quốc tế như: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Đà Nẵng. Các cảng hàng không, sân bay khác đều còn dư năng lực khai thác; đối với những cảng hàng không quốc tế có mật độ khai thác cao thì việc quá tải cũng chỉ tập trung chủ yếu trong khung giờ cao điểm và các cảng hàng không này vẫn có thể bố trí thêm chuyến bay cất, hạ cánh (slot) vào một số khung giờ thấp điểm.

Bộ GTVT cũng khẳng định Cục Hàng không Việt Nam đủ năng lực giám sát an toàn khai thác tàu bay, đủ điều kiện bay của tàu bay (khả phi), bảo dưỡng cũng như chứng chỉ tổ bay đối với đội tàu bay của Bamboo Airways.

4. Minh bạch tài chính trong việc mua máy bay của Tập đoàn FLC để tránh nguy cơ rủi ro, tăng nợ quốc gia trong huy động vốn.

Hồ sơ xin bay của Bamboo Airways: Đã trình được xác nhận phong tỏa tài khoản 700 tỷ đồng
Bộ GTVT cho biết Bamboo Airways có vốn điều lệ 700 tỉ đồng và có văn bản của Ngân hàng TMCP Quốc Dân — Chi nhánh Hà Nội ngày 29/5/2018 xác nhận việc Bamboo Airways có tài khoản được phong tỏa với số dư là 700 tỉ đồng. Theo đó, Bamboo Airways đáp ứng quy định về vốn tối thiểu quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 8 của Nghị định 92 với quy mô khai thác đến 10 tàu bay, khai thác trong phạm vi quốc tế và nội địa.

5. Về việc đưa hình ảnh quảng cáo khi chưa được cấp phép

Cục Hàng không Việt Nam đã có các công văn vào ngày 14 và 16/8 yêu cầu và khuyến cáo Bamboo Airways thực hiện đúng các quy định của Luật Hàng không dân dụng về việc thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và kinh doanh vận chuyển hàng không

6. Thời gian chuẩn bị ngắn, quy mô đầu tư lớn, chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không

Bamboo Airways: Hàng loạt tuyên bố gây sốc và canh bạc lớn của tỷ phú Trịnh Văn Quyết
Về vấn đề này, Bộ GTVT cho biết Bamboo Airways đã đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không từ tháng 6/2017 và thực hiện thủ tục xin quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ đối với dự án đầu tư trong lĩnh vực hàng không theo quy định của Luật Đầu tư cũng như yêu cầu của Bộ GTVT và Cục Hàng không Việt Nam.

Bamboo Airways đã có một năm để chuẩn bị và hoàn thiện mọi yêu cầu và điều kiện về cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không trước khi chính thức được Cục HK chấp thuận về việc hồ sơ đủ điều kiện để xem xét thẩm định cấp Giấy phép Kinh doanh vận chuyển hàng không ngày 20/7/2018.

Chủ tịch FLC: Làm lớn để không thất bại
Ngoài ra, Bộ GTVT nhận thấy Bamboo Airways đã có sự chuẩn bị để có thể khai thác kinh doanh vận chuyển hàng không sau khi được cấp giấy phép thông qua các thỏa thuận về việc thuê tàu bay, cung cấp dịch vụ (cảng hàng không, mặt đất, xăng dầu, suất ăn…) với các đối tác cũng như xây dựng và tuyển dụng nhân lực trong các hệ thống đảm bảo khai thác kỹ thuật, mặt đất, thương mại.

Trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10 tổ chức chiều 3/11 vừa qua, liên quan đến vấn đề cấp phép bay cho Bamboo Airways, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cho biết: VPCP đang "rất thận trọng lấy ý kiến của các bộ, ngành trên cơ sở đề xuất thẩm định của Bộ GTVT. Có nhiều ý kiến khác nhau, VPCP đã tổng hợp báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GTVT trả lời, làm rõ các vấn đề. Hiện nay, VPCP đang tổng hợp để trình Thủ tướng Chính phủ tại một phiên họp gần nhất."

Thảo luận