Vụ việc ông Hoàng Xuân Quế khởi kiện Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gần đi đến hồi kết khi tại phiên tòa, Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội — cơ quan giám sát phiên tòa và giữ quyền công tố đã khẳng định quan điểm: Chấp nhận đơn khởi kiện của ông Hoàng Xuân Quế, đề nghị hủy quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nhìn lại vụ việc đã có quá nhiều hành vi bất thường từ một số cán bộ thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phải chăng đã có sự cấu kết giữa người tố cáo và những người giải quyết tố cáo để trù dập ông Hoàng Xuân Quế bằng được?
Từ Quyết định "lạ", Hội đồng "lạ"
Trong quá trình Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội xét xử vụ án, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lúc đó là ông Bùi Văn Ga ký quyết định 5641 ngày 28/11/2016 thành lập hội đồng thẩm định luận án tiến sĩ "theo yêu cầu của Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội".
Tuy nhiên, ngay sau đó (ngày 29/11/2016) Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 336/CV-TA phản bác, nói rõ: "Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng Công văn số 323/CV-TA ngày 16/11/2016 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập Hội đồng thẩm định luận án tiến sĩ là không đúng".
Mặc dù bị Tòa án phản bác, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn gửi tới 15 Giáo sư thuộc Hội đồng Giáo sư ngành kinh tế học Quyết định 5641 về việc "Thành lập Hội đồng thẩm định nội dung sao chép luận án tiến sĩ theo yêu cầu của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội".
Sự việc này làm các Giáo sư nháo nhào không biết thế nào thì đồng thời nhận được giấy mời và một văn bản không số đề ngày 2/12/2016 do ông Đinh Văn Sơn — Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Kinh tế học ký, yêu cầu các thành viên Hội đồng thẩm định và "gửi báo cáo thẩm định của cá nhân về Thường trực Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Kinh tế qua email ndnhuanvcu@yahoo.com.vn trước ngày 8/12/2016".
Tài liệu gửi kèm theo là 02 bản photocoppy luận án tiến sĩ mang tên Mai Thanh Quế và Hoàng Xuân Quế; 01 photocoppy kết quả xác minh luận án tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2013.
Biên bản "lạ"
Biên bản đươc lập ngày 08/12/2016 và có một số nội dung cơ bản: "Các thành viên trình bày ý kiến thẩm định của mình trước hội đồng".
"Nếu loại bỏ sự giống nhau, đặc biệt là trong chương 3 của luận án mang tên Hoàng Xuân Quế thì cấu trúc và nội dung khoa học của luận án này không đảm bảo yêu cầu của một luận án tiến sĩ kinh tế".
"Biên bản này được đọc và thông qua trước hội đồng với tỷ lệ tán thành 100% thành viên có mặt (12/12/15)".
Tuy nhiên, sau đó các luật sư đã vào cuộc, làm việc trực tiếp với một số Giáo sư có tên trong hội đồng tham dự cuộc họp, đặc biệt là Giáo sư-Tiến sĩ Đinh Văn Tiến — nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Chính trị Quốc gia có tham dự và phát biểu trong cuộc họp thì phát hiện ra đây là biên bản gian dối, nhằm "mượn tay" các Giáo sư trong hội đồng để quy chụp cho ông Hoàng Xuân Quế.
Tại biên bản ghi ý kiến do các luật sư thực hiện ngày 17/12/2016, Giáo sư-Tiến sĩ Đinh Văn Tiến thể hiện sự bất ngờ vì tới lúc này mới nhìn thấy biên bản họp hội đồng.
Giáo sư Đinh Văn Tiến cho biết: "Tại cuộc họp cá nhân tôi có phát biểu mấy ý kiến như sau:
Thứ nhất, khi nhận được Quyết định 5641 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi băn khoăn không hiểu được Hội đồng thẩm định là do Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập ra hay do Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Kinh tế và theo Quyết định 5641 và Giấy triệu tập thì Hội đồng thẩm định này do Bộ thành lập, nhưng thành viên, cơ cấu là của Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Kinh tế.
Các thành viên trong Hội đồng được cấp kết quả thẩm định xác minh của Hội đồng xác minh luận án tiến sĩ do ông Đinh Văn Sơn ký tên và đóng dấu Trường Đại học Thương mại trước đây. Các thành viên tại Hội đồng này, chúng tôi đều không nhất trí với biên bản đó vì không các các thành viên Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Kinh tế tham gia, chỉ có ông Đinh Văn Sơn. Sau đó ông Đinh Văn Sơn cũng giải thích việc tự triệu tập mời một số chuyên gia tài chính giúp so sánh cho.
Thứ 2, Quyết định 5641 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có một số vấn đề không phù hợp như sau:
Căn cứ pháp lý: Theo Quyết định số 32 quy định về chức năng nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì không có quy định nào về việc thẩm định này nên không có căn cứ pháp lý ra Quyết định.
Căn cứ mục đích cũng không đúng vì việc thẩm định này được cho là theo yêu cầu của Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, tôi đã được biết văn bản số 323 và số 336 của Tòa án thì Tòa án đã xác định không yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập Hội đồng này để thẩm định việc sao chép luận án tiến sĩ mang tên Hoàng Xuân Quế và Mai Thanh Quế. Việc cố tình thực hiện là trái luật.
Căn cứ đề nghị: Quyết định này được ban hành theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học là không phù hợp, vì không có quyền này.
Thứ tư, nếu có chấp hành quyết định 5641 của Bộ thì chúng tôi cũng chỉ so sánh 02 bản photocopy mang tên Hoàng Xuân Quế và Mai Thanh Quế chứ không khẳng định và xác định được là bản gốc và của ai…
Sau khi tôi phát biểu, các thành viên hội đồng đều đồng tình hết. Có một số thành viên phát biểu ý kiến của mình chứ không phải là trình bày ý kiến thẩm định như biên bản nêu tại mục 1 (II).
Biên bản cuộc họp ngày 8/12/2016 không có chữ ký của đa số thành viên, chỉ có Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Bách Khoa và Giáo sư-Tiến sĩ Đinh Văn Sơn ký. Đến nay, tôi được các luật sư cho xem mới biết, chứ tôi cũng chưa nhận được biên bản này.
Tôi cho rằng Biên bản không phản ánh đúng nội dung cuộc họp (số người tham dự có đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo không ghi (bà Nguyễn Thị Kim Phụng — Vụ trưởng Vụ Đại học và một cán bộ Thanh tra), số người vắng mặt không đúng (vắng 4 người, nhưng biên bản ghi vắng 3), không có chữ ký của các thành viên, các thành viên đều khẳng định đây là 02 tập photocopy (không phải bản gốc) do Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp cho các thành viên Hội đồng và một số ý kiến như tôi đã nói trên.
Gian dối, ngụy biện có tính hệ thống
Vụ thứ nhất: Ông Đinh Văn Sơn — Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành kinh tế vi phạm các quy định của pháp luật
Ông Đinh Văn Sơn đã ký ban hành 02 quyết định để thành lập Hội đồng xác minh luận án Tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế (Quyết định 01 ngày 08/7/2013 và Quyết định 01 ngày 10/7/2013).
Quá trình giải quyết vụ án, cựu Bộ trưởng Phạm Vũ Luận không đưa ra được tài liệu chứng cứ chứng minh là chỉ có duy nhất 01 hội đồng được thành lập theo quyết định số 01 ngày 10/7/2013.
Chưa hết, khi đối chiếu danh sách thành viên trong Hội đồng xác minh luận án Tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế do Hội đồng Chức danh giáo sư ngành kinh tế học thành lập thì chỉ có duy nhất ông Đinh Văn Sơn là thành viên của Hội đồng Chức danh giáo sư ngành kinh tế học; 6/7 thành viên còn lại là do ông Sơn tự ý đưa vào?!
Tại phiên tòa, Luật sư Trần Hồng Phúc đã đưa ra bằng chứng tiêu biểu cho sự "vô pháp", đó là Quyết định số 01 ngày 10/7/2013 của Hội đồng Chức danh giáo sư ngành kinh tế học và Biên bản họp Hội đồng Chức danh giáo sư ngành kinh tế ngày 17/7/2013 báo cáo kết quả xác minh của Hội đồng này.
Tất cả các văn bản này đều sử dụng con dấu của Trường Đại học Thương mại để đóng (ông Đinh Văn Sơn là Hiệu trưởng). Việc sử dụng con dấu của Trường Đại học Thương mại để đóng lên văn bản của Hội đồng Chức danh giáo sư ngành kinh tế học là vi phạm pháp luật.
Đáng lẽ ra, là người đứng đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đó là ông Phạm Vũ Luận phải chấn chỉnh, yêu cầu hủy bỏ các văn bản trái luật này; đồng thời yêu cầu ông Sơn thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ông Phạm Vũ Luận đã không làm thế, mà còn sử dụng những tài liệu sai trái này để làm căn cứ ra quyết định thu hồi bằng Tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế.
Luật sư Phúc khẳng định, hành vi vi phạm pháp luật này của ông Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nghành kinh tế (Đinh Văn Sơn) cần phải được các cơ quan chức năng xử lý, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Tại Điều 13 Nghị định số 58 ngày 24/8/2001 của Chính phủ về quản lý và sử dụng con dấu quy định: "Người nào có hành vi vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng con dấu thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự".
Vụ thứ hai: Bộ Giáo dục và Đào tạo bị yêu cầu xin lỗi công khai
Luật sư Phúc nói:
"Một văn bản làm việc của cơ quan công an mà Bộ còn gian dối vậy thì thử hỏi những việc khác sẽ như thế nào?".
Vì gian dối của Bộ mà ông Lê Thanh Huy đã rất bức xúc khi đọc được kết luận 1254, đoạn viết có liên quan đến ông, và có tính quy chụp sai sự thật về ông Hoàng Xuân Quế.
Ông Lê Thanh Huy đã có văn bản yêu cầu Bộ trưởng bộ GD&ĐT khi đó là ông Phạm Vũ Luận phải công khai xin lỗi và đính chính, nếu không ông sẽ kiện ra Tòa về tội vu khống và xúc phạm người khác.
Trong văn bản này, ông Huy nói:
"Tôi thấy mọi việc là bình thường, trung thực, không có gì gian dối, không khách quan ở đây cả. Tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo lại suy diễn một cách hồ đồ để quy chụp như vậy? Tôi không là Phó Giáo sư, không là Tiến sỹ, thạc sỹ nhưng không bao giờ gắp lửa bỏ tay người như vậy"!
Vụ thứ ba: Loanh quanh và ngụy biện về hồ sơ Nghiên cứu sinh gốc của ông Hoàng Xuân Quế bắt buộc phải lưu tại Bộ
Nhiều lần ông Hoàng Xuân Quế yêu cầu Bộ cung cấp quyển luận án gốc của ông do Bộ lưu trong hồ sơ Nghiên cứu sinh tại Bộ để so sánh với quyển luận án của ông Mai Thanh Quế cũng phải lưu tại Bộ thì mới đảm bảo khách quan.
Trong văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tiến sĩ Dương Thu Hương là Phản biện kín của luận án, đã yêu cầu lấy lại bản nhận xét phản biện của bà để xem xét. Ông Quế cũng trực tiếp yêu cầu Bộ cung cấp bản nhận xét phản biện kín của Tiến sĩ Dương Thu Hương và các bản nhận xét của phản biện kín khác, nhưng bà Phụng nói là bộ không còn lưu nữa! Tuy nhiên, tại phiên tòa năm 2016 thì luật sư đại diện cho Bộ giáo dục và Đào tạo lại đưa ra bản nhận xét của Tiến sĩ Dương Thu Hương?!
Vụ thứ tư: Liên quan đến các tài liệu đính kèm trong bộ luận án lưu tại Thư viện Quốc gia
Khi được hỏi về quyển luận án Tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế tại thư viện Quốc gia tại sao lại thiếu những tài đính kèm (bắt buộc phải nộp theo quy định), tại sao thiếu chữ ký cam đoan của ông Quế?
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời:
"Theo quy định thì không yêu cầu phải ký vào bản cam đoan mà chỉ cần lời cam đoan của nghiên cứu sinh in trên trang đầu là được. Còn các tài liệu kèm theo quyển luận án của ông Quế thì không phải mất mà được gỡ ra lưu giữ ở một nơi khác tại thư viện Quốc gia còn luận án của ông Quế được mang ra phục vụ bạn đọc…".
Tại văn bản này ghi rõ: Luận án của ông Quế không còn những tài liệu đính kèm, còn trên quyển luận án của ông Mai Thanh Quế thì vẫn còn nguyên những tài liệu đính kèm vào quyển luận án theo đúng quy định.
Tại sao ông Mai Thanh Quế bảo vệ trước ông Hoàng Xuân Quế 9 tháng vẫn còn tài liệu đính kèm, mà của ông Hoàng Xuân Quế thì biến mất?
Còn về chữ ký cam đoan, đã viết cam đoan thì phải ký tươi và ghi rõ họ, tên, thậm chí còn phải ghi cả số chứng minh thư để xác nhận và khẳng định đó là sản phẩm của mình. Nếu có gì sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, vì vậy trả lời từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ là loanh quanh, ngụy biện!.
Đông đảo dư luận đang trông chờ vào phán quyết khách quan của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội dự kiến được công bố vào ngày 14/12/2018.