Ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc: Các nước tin tưởng Việt Nam?

VOV khẳng định, nếu trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an có nghĩa là Việt Nam không chỉ quan tâm đến các vấn đề của riêng mình.
Sputnik

Việt Nam đang tham gia ứng cử vào vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra vào tháng 6/2019.

Chuyên gia nước ngoài: Việt Nam đã sẵn sàng ngồi vào ghế Hội đồng Bảo An

Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam ứng cử vào vị trí này, Việt Nam từng giữ vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an trong nhiệm kỳ 2008-2009.

"Khi lần đầu tiên ứng cử, chúng ta đã giành được số phiếu rất cao. Điều đó cho thấy các nước tin tưởng Việt Nam có thể đảm nhận tốt vị trí này. Tôi nghĩ rằng sau 10 năm, với vai trò và vị thế của Việt Nam hiện nay, các nước sẽ đặt tin tưởng ở mức cao hơn và kỳ vọng cao hơn đối với vai trò của Việt Nam đóng góp cho Hội đồng Bảo an", Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 15/1, nhận định.

Theo Phó Thủ tướng, điều đó là cơ hội nhưng cũng đồng thời là thách thức bởi phải làm sao để đáp ứng kỳ vọng của các nước. Giai đoạn trước Việt Nam đã tham gia nhưng giai đoạn này phải tham gia chủ động, tích cực hơn. Nhóm các nước Châu Á-Thái Bình Dương tại Liên Hợp Quốc đã nhất trí đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất, điều đó thể hiện sự tin cậy mà họ dành cho Việt Nam.

Trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an cũng có nghĩa là Việt Nam không chỉ quan tâm đến các vấn đề của riêng mình, vấn đề của khu vực mình mà đã tham gia vào vấn đề toàn cầu, có trách nhiệm với các vấn đề quốc tế và nhất là đối với vấn đề an ninh, hòa bình hay chiến tranh của các nước trên thế giới.

Thủ tướng đến Liên Hợp Quốc- Việt Nam sẵn sàng gia nhập Hội đồng Bảo an lần 2
Điều đó đòi hỏi Việt Nam phải thể hiện vai trò trách nhiệm lớn hơn rất nhiều, và đó cũng là cơ hội của chúng ta để thực hiện Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư về nâng tầm công tác đối ngoại đa phương.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh:

"Hiện nay chúng ta đã chuẩn bị hết sức tích cực, dù đã có kinh nghiệm của lần tham gia trước đó nhưng lần này với những vấn đề khó khăn và phức tạp hơn, chúng ta cần hết sức chủ động, phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an".

"Việc Việt Nam tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc cũng cho thấy Việt Nam là thành viên có trách nhiệm. Đó là quyết định ở tầm khác hẳn trước đây khi chúng ta chỉ tham gia các hội nghị, các diễn đàn quốc tế" Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói thêm.

Việt Nam đã từng bước từng bước tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, từ chỗ chỉ có 1-2 người tham gia phái bộ gìn giữ hòa bình, cho đến nay con số này đã lên đến 29. Năm 2018, lần đầu tiên Việt Nam đã cử bệnh viện dã chiến cấp 2 với số lượng 63 quân nhân, trong đó có 10 nữ tham gia làm nhiệm vụ tại Nam Sudan. Bước đầu, hoạt động của cán bộ chiến sĩ Bệnh viện Dã chiến cấp 2 Việt Nam đã được Liên Hợp Quốc tín nhiệm, nhân dân địa phương tin tưởng.

Thảo luận