Chuyên trang quan sát và phân tích địa chính trị Geopolitical Monitor vừa đăng bài phân tích của chuyên gia về Biển Đông James Borton có tựa đề "Việt Nam sẵn sàng cho một ghế tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc" (Vietnam Ready for a Seat at the UN Security Council).
Nội dung bài viết như sau:
"Bên trong tòa nhà phủ bằng nhôm, kính và đá cẩm thạch sáng bóng của Ban Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ), trông ra Sông Đông (East River) của New York, các nhà ngoại giao Việt Nam đang lặng lẽ và quyết tâm vận động cho vị trí thành viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ). Sự ra đi đột ngột của Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang tuần trước càng thúc đẩy các cuộc đàm phán và các bên tham gia vào tiến trình này, đặc biệt là với việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới New York.
Để bầu ra thành viên không thường trực HĐBA LHQ, các ứng viên được lựa chọn từ một trong 5 khối địa lý. Và Việt Nam nằm trong nhóm 54 nước châu Á — Thái Bình Dương.
Tầm quan trọng của Việt Nam trong an ninh quốc tế đã tăng lên rõ rệt từ sau hội nghị Thượng đỉnh diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á — Thái Bình Dương (APEC) năm ngoái, khi đón tiếp thành công Tổng thống Donald Trump, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin cùng nhiều nhà lãnh đạo khu vực khác ở Đà Nẵng, thành phố duyên hải xinh đẹp ở miền Trung Việt Nam.
Đáng chú ý, Việt Nam đã đạt được sự hội nhập lớn hơn với hệ thống kinh tế quốc tế, chẳng hạn như việc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007. Tháng 10//2007, Việt Nam lần đầu được bầu làm thành viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008 — 2009 sau khi nhận được 183 trong tổng số 190 phiếu. Như một bằng chứng về vai trò lãnh đạo của Việt Nam ở châu Á Thái Bình Dương, ứng cử viên của khu vực này đã nhận được sự nhất trí của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Tháng trước, tân Đại diện thường trực của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, Đại sứ Đặng Đình Quý đã có bài phát biểu trước HĐBA LHQ trong một phiên tranh luận mở về "hòa giải và giải quyết tranh chấp". Ông tái khẳng định chính sách ngoại giao và hiến chương hòa bình của LHQ, trong đó bao gồm việc củng cố việc sử dụng các biện pháp hòa giải trong bất cứ cuộc xung đột nào. Ông cho biết, "Việt Nam tái khẳng định tầm quan trọng thiết yếu của các tổ chức khu vực trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế".
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ bầu thành viên không thường trực vào tháng 6/2019.
Các nước thành viên LHQ nhìn chung công nhận vai trò quan trọng của Việt Nam trong việc thúc đẩy các cuộc đấu tranh giành độc lập, tự chủ và quyền tự quyết cho dân tộc. Đồng thời Việt Nam cũng nhanh chóng hiểu được ý nghĩa và vai trò trung tâm quan trọng của LHQ trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
Việt Nam đã trở thành thành viên của ASEAN (năm 2995) và APEC (năm 1998) nhưng mọi chuyện không giống như là xảy ra chỉ trong một đêm đối với những người phải chịu vết thương chiến tranh. Thỏa thuận thượng mại song phương Việt — Mỹ được ký năm 2001 và đã thúc đẩy ý chí chính trị nhằm đẩy nhanh đàm phán cho Việt Nam gia nhập WTO.
Trọng tâm của sự cởi mở và hội nhập với thế giới là việc Việt Nam sẵn sàng giành được tiếng nói và vị trí nổi bật hơn tại LHQ. Đây là bằng chứng rõ rệt nhất trong những nỗ lực thành công gia nhập các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ từ đầu năm 2014. Bước tiến táo bạo này cũng đã góp phần thắt chặt quan hệ với Mỹ, cựu thù giờ trở thành đối tác của Việt Nam.
Dù trải qua nửa thế kỷ chiến tranh, Việt Nam đã không để mất thời gian trong việc ủng hộ những sáng kiến của LHQ nhằm đề cao những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ trong việc giải quyết những xung đột quốc tế thông qua biện pháp hòa bình. Ví dụ như việc chính phủ Việt Nam đã ủng hộ kế hoạch "Thống nhất hành động" (Delivering as One, gọi tắt là DAO), đồng thời triển khai thực tiễn phát triển bền vững ở các tỉnh nghèo được ưu tiên cao của đất nước.
Việt Nam thông qua "Sáng kiến Một Liên Hợp Quốc"
Qua sự hợp tác giữa Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, Việt Nam đã đặt ra một bộ các chỉ tiêu phát triển bền vững (SDI) và thiết lập một cơ sở dữ liệu để giám sát phát triển bền vững của đất nước. Kết quả là Việt Nam đã đạt được rất nhiều mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của LHQ, cụ thể là những mục tiêu liên quan đến xóa bỏ diện cực nghèo, mở rộng phổ cập giáo dục, nâng cao bình đẳng giới cũng như trao quyền cho nữ giới và giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em. Tất nhiên, Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm và cần nhiều nguồn lực để chiến đấu chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh khác.
Chương trình nghị sự LHQ 2030 và Các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) phù hợp với chiến lược phát triển của Việt Nam. Điều đáng nói hơn là ý chí chính trị của chính phủ nhằm huy động các nguồn lực và con người ở tất cả các cấp độ để hiện thực hóa các mục tiêu này. Kế hoạch hành động quốc gia của Việt Nam đặc biệt chú trọng đến các nhóm dễ bị tổn thương, cụ thể là người nghèo, người khuyết tật, phụ nữ và các nhóm dân tộc thiểu số.
HĐBA LHQ có 5 thành viên thường trực là Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp và Mỹ nhưng có tới 15 nước thành viên và những thành viên còn lại được bầu ra. Chỉ có 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết và điều này cho phép họ ngăn cản việc thông qua các dự thảo nghị quyết của Hội đồng.
"Trong nhiệm kỳ đầu tiên năm 2008-2009, Việt Nam đã được Mỹ ca ngợi vì những đóng góp tích cực và sự hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề then chốt như không phổ biến vũ khí hạt nhân và chống khủng bố" — chuyên gia Carl Thayer, Giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales, Australia, nhận định.
Là thành viên không thường trực của HĐBA LHQ, Việt Nam muốn thể hiện tiếng nói ngày càng lớn của ASEAN, muốn triển khai chiến lược ngoại giao mềm của mình và mở rộng hội nhập quốc tế. Chiếc ghế tại HĐBA LHQ lần này đưa Việt Nam lên vị trí cao nhất trong hội nhập quốc tế của đất nước.
Sau cùng, thành công của Việt Nam trong hội nhập thị trường toàn cầu đã giúp hình thành những cải cách của đất nước. Điều này đã được thể hiện trong mạng lưới lên đến 16 thỏa thuận thương mại tự do (FTA) của Việt Nam với các đối tác.
Việt Nam đóng vai trò "Người kiến tạo hòa bình" ở Biển Đông
Sự gia tăng của các cuộc diễn tập hải quân ở Biển Đông mà các đồng minh phương Tây tiến hành trong năm nay một mặt đang kìm hãm Trung Quốc bành trướng thêm ở vùng biển tranh chấp này, mặt khác lại làm gia tăng khả năng xảy ra những sự cố hàng hải hoặc các sự cố quân sự. Từ Australia, Pháp, Nhật Bản đến Mỹ đều đã cử tàu đến vùng biển rộng khoảng 3,5 triệu km vuông này từ đầu năm 2018 đến nay.
Bất chấp việc Trung Quốc quân sự hóa phi pháp trên những đảo tranh chấp ở Biển Đông và các vụ tấn công liên tục vào tàu cá Việt Nam, Việt Nam đã dựa trên nền tảng ngoại giao, cùng với các nhà ngoại giao cấp cao kêu gọi hòa bình và kiềm chế ở vùng biển tranh chấp.