"Lãnh thổ" tách biệt hàng tỷ USD của giới siêu giàu giữa lòng Hà Nội

300 ha đất nông nghiệp trước đây giờ được thay thế bằng những biệt thự sang trọng, trường tư, câu lạc bộ golf và quán rượu, bài viết của The Guardian được Zing trích dẫn.
Sputnik

Khu đô thị phức hợp trị giá hàng tỷ USD Ciputra International City nằm ở phía Tây Bắc Hà Nội, 300 ha đất nông nghiệp trước đây giờ được thay thế bằng những biệt thự sang trọng, trường tư, câu lạc bộ golf và quán rượu.

Ai là người giàu nhất Việt Nam?

Lớp tường bê tông dày cùng với cánh cổng bảo vệ trở thành ranh giới, chia cắt cuộc sống xô bồ thường ngày với vùng đất của sự giàu có, phô trương, thiên đường của giới nhà giàu nước ngoài và tầng lớp thượng lưu tại Việt Nam.

"Bên này chỉ toàn bình dân, bên đó họ giàu lắm"

Phía bên trong cánh cổng, con đường rộng thênh thang được lấp đầy bởi những chiếc xe hạng sang, hàng cọ dài cùng những bức tượng khổng lồ của các vị thần Hy Lạp.

Bên kia thành phố là dự án trị giá 8 tỷ USD Ecopark, một thế giới sang trọng hoàn toàn tách biệt với một trường Đại học tư nhân, một thị trấn giả cổ và sân golf 18 lỗ cùng những tiện nghi khác.Hoàn thành trong năm 2016, giai đoạn đầu tiên của dự án mang tên Palm Springs, lấy cảm hứng từ khu nghỉ dưỡng nổi tiếng tại California, được biết đến là thiên đường của suối nước nóng, khách sạn 5 sao và sân gofl.

"Trước kia, đa số người dân đều nghèo. Giờ thì khác rồi", anh Lam chia sẻ. Người đàn ông 40 tuổi lớn lên ở vùng rìa phía Tây Hà Nội, sống giữa những cánh đồng bát ngát trồng lúa và hoa đào, vườn trồng quất và mận. Bây giờ, anh tự mở cửa hàng kinh doanh nhỏ tại nhà, chuyên bán các khung tranh được chạm khắc theo yêu cầu.

Những cánh đồng lúa đã biến mất từ lâu, thay vào đó, một bức tường bê tông cao, dày được dựng lên ngăn cách cuộc sống của Lam — một thế giới hỗn tạp những xe máy, ghế nhựa đặt lộn xộn tại các quán trà nhỏ cùng dây điện chồng chéo trên cao — và khu phức hợp Ciputra sang trọng, tiện nghi nhưng kín cổng cao tường, luôn được bảo vệ 24/24.

Một góc khu đô thị Ciputra, Hà Nội.

"Khu bên này chỉ toàn bình dân. Ở khu bên đó, họ giàu lắm", bà Miên, 59 tuổi, cho biết. Cũng giống Lam, bà Miên mở một quán nước nhỏ trước nhà, chuyên bán trà đá, thuốc lá, nước lọc và nước ngọt cho dân địa phương, du khách ghé qua. Vài chiếc ghế nhựa nằm rải rác trên vỉa hè phía trước căn nhà một gian của bà. Giữa các khách hàng, bà Miên nằm dài trên chiếc giường không có nệm, bà nói: "Ở đây, chúng tôi chỉ đủ sống thôi".

‘Quan chức giàu ở Việt Nam rất nhiều’
Trong vòng hơn 20 năm qua, tỷ lệ đói nghèo tại Việt Nam đã giảm từ gần 60% xuống chỉ còn hơn 20%. Năm 2010, Ngân hàng Thế giới phân loại Việt Nam vào quốc gia có thu nhập trung bình.

Song, việc tự do hóa nền kinh tế, mở cửa thương mại đã giúp giới siêu giàu của Việt Nam tăng lên chóng mặt. Theo một ước tính, số người siêu giàu (những người có tài sản hơn 30 triệu USD) đã nhiều hơn gấp ba lần trong 10 năm trở lại đây.

Sự chênh lệch thu nhập xảy ra chủ yếu giữa tầng lớp nông thôn nghèo và người giàu thành thị, nhưng đáng chú ý hơn cả, tại các thành phố lớn, giới thượng lưu và người nghèo vẫn sống cạnh nhau.

Có thể dễ dàng nhìn thấy xe đạp chạy cùng những Mercedes, Range Rovers trên đường phố, các bức tường cứ ngày một cao hơn, ngăn cách rạch ròi những khu đô thị, chung cư cao cấp khỏi những ngôi làng, trang trại, còn các ngôi nhà nhỏ một gian được dùng làm quán trà đá, quán sửa xe…

Thành phố Hà Nội - thủ đô Việt Nam ban đêm.

"Mối lo về bất bình đẳng thu nhập sẽ còn tăng lên trong tương lai, ngày càng nhiều người Việt chuyển đến các thành phố lớn và phải đối mặt với sự chênh lệch giàu nghèo", bà Gabriel Demombynes, một chuyên gia giàu kinh nghiệm tại Ngân hàng Thế giới đưa ra nhận xét vào năm 2014.

Theo một khảo sát về bất bình đẳng do Ngân hàng Thế giới và Viện Khoa học Lao động và Xã hội Việt Nam thực hiện, cứ 10 người dân thành thị lại có 8 người tỏ ra lo lắng về khoảng cách mức sống ngày một lớn tại các khu đô thị.

Người giàu Việt tăng chóng mặt: 'Bỗng nhiên thành chúa'
Hà Nội là một thành phố cổ. Năm 2010, thành phố tưng bừng tổ chức đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long — Hà Nội. Thế nhưng giờ đây, khu Phố Cổ đang được lên kế hoạch đổi mới bằng cách di dời hàng nghìn người ra khỏi khu vực trong năm 2020, dù những cái tên đường phố như Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Bồ vẫn được giữ nguyên.

Ở những vùng ngoại ô, các tòa nhà chọc trời cùng những dự án quy hoạch tổng thể khổng lồ đang mọc lên thế chỗ cho các trang trại, đồng ruộng, vườn tược. Trên khắp các thành phố, nhiều khu nhà tập thể cũ kỹ bị phá bỏ và được thay thế bằng các chung cư tư nhân hiện đại.

Tại trung tâm Hà Nội, người ta dễ dàng bắt gặp những thanh niên tuổi 20 mặc đồ hiệu, di chuyển bằng chiếc Vespa cổ điển, sáng bóng và nhấm nháp những ly cà phê đậm đặc trong quán hàng sang trọng.

Lisa Drummond, chuyên gia chuyên nghiên cứu về đô thị của Đại học York tại Toronto đã dành hàng thập kỷ để nghiên cứu Hà Nội, bà dùng cụm từ "kẽ nứt giữa lòng Thủ đô" để chỉ sự chênh lệch giàu nghèo ngày một hiện rõ ở Hà Nội, và sự ra đời của Ecopark và Ciputra International City là minh chứng điển hình.

"Họ đã đưa một nhóm người riêng biệt sống tách biệt khỏi cuộc sống thường nhật", Drummond nhận định.

Đằng sau bức tường ngăn cách Ciputra với thế giới bên ngoài, các biệt thư sơn màu be nằm lọt thỏm giữa những khu vườn xanh tươi tốt, với mức giá thuê lên đến gần 4.000 USD (tương đương 91 triệu đồng) mỗi tháng (gấp 25 lần mức lương tối thiểu).

Giới siêu giàu Việt Nam tăng nhanh hàng đầu thế giới
Khu phức hợp như một vùng đất tách biệt được bao trùm bởi phong cách kiến trúc thời kỳ Phục Hưng, cùng với sân tennis, thẩm mỹ viện, bưu điện riêng. Trường Quốc tế Liên Hợp Quốc cũng đã chuyến đến vào năm 2004 và sắp tới sẽ là hai trường tư nhân, một trường mẫu giáo tư thục khác. Ngoài ra, một trung tâm thương mại lớn và bệnh viện tư nhân đang được tiến hành xây dựng tại đây.

Danielle Labbé, giáo sư quy hoạch đô thị tại Đại học Montrel, đã theo dõi sự bùng nổ của các khu đô thị mới tại Hà Nội trong nhiều năm. Theo ước tính của bà, có khoảng 35 dự án đã được hoàn thành trong tổng số hơn 200 dự án ở nhiều giai đoạn khác nhau. Dù không phải dự án nào cũng có quy mô lớn như Ciputra hay Ecoparrk, song đa số các khu đô thị đều nhắm hướng đến những người giàu nhất trong thành phố.

"Thực tế cho thấy những dự án nhà ở, môi trường sống này đa phần không đáp ứng được phần đông cư dân, mặc dù nhu cầu nhà ở tại Việt Nam hiện nay còn đang rất lớn", bà Labbé khẳng định.

Những vùng đất "trong lành" riêng biệt

Các nhà đầu tư bất động sản trên khắp thế giới đã đầu tư hàng tỷ USD vào những dự án đô thị khép kín đầy tham vọng.

Ở phía Tây Ấn Độ, Lavasa là dự án được rót vốn lên đến 30 tỷ USD, với mục tiêu xây dựng thành phố tư nhân đầu tiên tại quốc gia này. Ngoài ra, từ Punta del Enste tại Uruguay đến Bangkok, Thái Lan, những khu vực tinh hoa nhất nằm riêng biệt trong lòng thành phố cũng là câu chuyện không còn mới.

Tuyến phố Khâm Thiên những ngày bình thường đã luôn là điểm đen về ùn tắc giao thông, thì vào thời điểm cận Tết lại càng ách tắc nghiêm trọng hơn.

Bloomberg: “Giới đầu tư khám phá sự giàu có đang lên của Việt Nam”
Trong những ngày tồi tệ nhất của Hà Nội, lớp bụi xám xịt bao trùm thành phố, khẩu trang y tế được bày bán ở khắp mọi nơi. Hàng triệu xe máy, ôtô chen chúc, nhả khói vào không khí, kèm theo tiếng động cơ và tiếng còi inh ỏi. "Bây giờ, cả truyền thông lẫn công chúng đều bàn tán về việc không khí tại Hà Nội tồi tệ ra sao, ô nhiễm và đầy rác thải thế nào", Drummond nhận xét.

"Tuy nhiên, việc tạo ra những không gian riêng biệt, các khu đô thị phát triển kín cổng cao tường, nơi những người giàu tách mình khỏi thành phố đã củng cố thêm suy nghĩ cho rằng giới thượng lưu có thể tránh xa sự tắc nghẽn, xô bồ của trung tâm Thủ đô và làm tăng thêm khoảng cách với những người nghèo", bà Drummond nói thêm.

Vào mỗi buổi sáng cuối tuần, xe cộ tắc nghẽn, ồn ào bên ngoài cánh cổng Ciputra nhưng bên trong khu đô thị, nơi thường được giới thiệu như "ốc đảo yên bình giữa sự hối hả và xô bồ của Hà Nội", lại tĩnh lặng và bình yên không tưởng. Tại đây, những người bán hàng rong không được phép vào trong, âm thanh duy nhất là tiếng cười của những đứa trẻ nô đùa trên sân của một trong những trường tư thục tại khu phức hợp.

Ở phía bên kia thành phố, khu đô thị Ecopark cũng được quảng bá là "sự hòa quyện hoàn hảo giữa con người và thiên nhiên". Vào buổi chiều một ngày trong tuần, khu đô thị xa xỉ mới mở được bao trùm bởi sự tĩnh lặng, số người bảo vệ đi lại trên đường còn nhiều hơn người đi bộ. Bên cạnh những bể bơi và hàng cây xanh, một cửa hàng chưa có người khách nào, đang giảm giá chiếc đèn sàn xuống còn 1.500 USD, gấp 10 lần mức lương tối thiểu hàng tháng cho một công nhân tại Việt Nam.

"Nếu có đủ tiền, chắc chắn tôi sẽ vào sống ở đây", anh Hải, 39 tuổi, đang quản lý một đội thợ xây tại Ecopark, chia sẻ. Thế nhưng đối với đa số người Việt, việc sống trong những khu đô thị cao cấp chỉ là giấc mơ xa tầm với.

"Người dân có đất trước đây quyết liệt phản đối mức bồi thường quá thấp đối với đất được sử dụng để phát triển công nghiệp và bất động sản quy mô lớn. Đã có nhiều cuộc phản đối tương tự trong vài năm gần đây", bà cho hay.

"Họ biết đất của mình đáng giá bao nhiêu", bà nói thêm. Labbé cũng cho rằng: "Sau sự xuất hiện của các khu đô thị xa xỉ, những người mất đất cũng không có cơ hội để phát triển cuộc sống. Người dân thường không làm việc trong những dự án này, bởi các khu đô thị không tạo ra nhiều việc làm ngoài công việc bảo vệ, trông trẻ, giúp việc. Đó đều không phải là những công việc mà người dân mong muốn được làm hay cho con cái mình đi theo".

Vì sao người giàu Việt Nam bị ghét?
Trái ngược với một Ecopark xa xỉ và phát triển, người dân sinh sống ở gần khu đô thị này cho biết, nhiều gia đình đã buộc phải từ bỏ đất đai của mình, không ít nông dân trở nên thất nghiệp và nợ nần chồng chất do mất kế sinh nhai.

Ông Phú, người nông dân trồng lúa nước sinh sống ở làng Xuân Quang, cách Ecopark chỉ vài phút lái xe, cũng là một trong số đó. Ông chia sẻ, dù đã mất gần 1.000 m2 đất cho dự án, gia đình ông chỉ nhận về 50 triệu đồng tiền bồi thường. "Số tiền đó không đủ để bù đắp những tổn thất của gia đình tôi. Không chỉ tôi, mà con cái tôi giờ đây cũng không còn việc làm", ông Phú cho hay.

"Người dân không muốn bán đất vì người làm nông cần đất ruộng, cũng giống như công nhân cần nhà máy. Bây giờ đã mất đất, chúng tôi có thể làm gì?", ông Phú chia sẻ. Ở tuổi 83, ông đã quá già để bắt đầu một công việc mới…

Người giàu lại càng giàu hơn

Có rất nhiều cách để kiếm tiền trong những khu đô thị phát triển, những dịch vụ, hàng hóa xa xỉ sinh ra để phục vụ cho giới thượng lưu khiến những người giàu lại càng giàu hơn. Khi tạp chí Forbes Việt Nam được phát hành vào năm 2014, một trong những ấn phấm đầu tiên của tạp chí này là viết về ông Phạm Nhật Vượng, tỷ phú USD đầu tiên của đất nước, người được gán cho danh xưng "Donald Trump của Việt Nam".

Trên khắp đất nước, không chỉ riêng Thủ đô được "thay da đổi thịt", gã khổng lồ bất động sản Singapore Keppel Land và Banyan Tree Holdings đều là những nhà đầu tư bất động sản lớn, cùng với tập đoàn Lotte từ xứ sở kim chi và đại gia Sun Wah Group của Hồng Kông. Bên cạnh đó, hợp tác cùng công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô, Tập đoàn Rose Rock có trụ sở tại Hoa Kỳ cũng đang phát triển một tổ hợp bất động sản khổng lồ trị giá 2,5 tỷ USD chạy dọc theo duyên hải Đông Nam Việt Nam.

Ý kiến Việt Nam: Giàu lên nhờ chui cửa trước, luồn cửa sau là thảm họa của dân tộc
Theo Labbé, sự bùng nổ phát triển bất động sản được thúc đẩy bởi hai đạo luật chính được ban hành: đạo luật mới năm 2003 và nghị định năm 2007, chuyển quyền phát triển đất đai sang các cấp địa phương, thay vì cấp trung ương như trước đó.

Năm 2015, Việt Nam cũng thực hiện nới lỏng nhiều luật cấm hiện hành về quyền sở hữu của người nước ngoài đối với các công ty và tài sản tại Việt Nam, áp dụng các chính sách mới nhằm thúc đẩy đầu tư bất động sản nước ngoài, từ đó thúc đẩy hơn xu hướng phát triển khu đô thị như hiện nay.

Trở lại với cuộc sống phía rìa ngoài của khu đô thị phát triển Ciputra, Lam chia sẻ, thỉnh thoảng anh được những người sống bên trong đó đặt hàng. Trên chiếc bàn làm việc, tựa vào tường là ba bức tranh sáng, được đóng khung trang nhã với chất liệu gỗ tối màu đơn giản nhưng tinh tế, dành riêng cho khách hàng ở Ciputra.

"Số đơn đặt hàng như vậy hiếm lắm, tiền ít khi chảy ra bên ngoài khu đô thị", anh Lam kể. "Giới thượng lưu và người ngoại quốc thường đến những trung tâm mua sắm lớn, đắt đỏ. Dù chúng tôi ở gần đây đấy, nhưng không có nhiều người tới khu chúng tôi mua sắm", anh Lam tiếp lời. "Tôi thì vẫn đủ sống thôi, nên cũng không nghĩ gì nhiều. Nhưng xung quanh tôi, người thì quá giàu, người thì nghèo không đủ ăn", Lam trầm ngâm.

Thảo luận