Bỗng nhiên thành "chúa"
Một báo cáo uy tín của quốc tế vừa đưa Việt Nam vào top thứ 3 trong số 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có giới siêu giàu, tăng nhanh nhất. Theo báo cáo này, số người siêu giàu tại Việt Nam trong giai đoạn 2012 —2017 tăng rất nhanh và chỉ xếp sau Bangladesh và Trung Quốc.
Tuy nhiên, khi nhìn vào hiện tượng trên, ĐBQH Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình) lại không lấy làm vui mừng.
Ông Xuyền cho rằng, ở Việt Nam nếu giàu thật sự phải như ông Trương Gia Bình Chủ tịch Tập đoàn FPT, hoặc phải như Bill Gates của Mỹ… Người giàu phải là những người dẫn dắt cảm hứng làm giàu, từ một người giàu sẽ sinh sôi nở thêm hàng chục, hàng trăm, hàng triệu người giàu khác.
Người giàu phải là những người tạo ra những sản phẩm giá trị, mang lại giá trị gia tăng to lớn cho xã hội, biến một xã hội nghèo nàn trở nên thịnh vượng.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, nhắc đến giới siêu giàu thì một số được ca tụng, tôn vinh nhưng cũng lại có một số bị xa lánh, kỳ thị. Đấy là vì cái sự giàu có bất thường, giàu không vì lợi ích chung. Đó còn là vì tính thích khoe khoang, thích thể hiện, thích chơi sang của một bộ không nhỏ những trọc phú, con buôn… tự nhiên giàu có chỉ sau một đêm mà không ai biết họ kiếm tiền cách gì?
"Tôi lấy ví dụ về một ông đại gia nọ, chỉ cần bỏ một ít vốn làm con đường nối ra một hòn đảo du lịch, lập tức ông có ngay quyền sử dụng, khai thác tới 3/4 hòn đảo đó. Thế là chỉ sau một đêm, ông đã trở thành "chúa".
Hay như dự án đường Lê Văn Lương kéo dài cũng vậy. Chủ đầu xin đầu tư vài ki-lô-mét đường, lập tức được khai thác hàng loạt các dự án BĐS hai bên đường. Thế là, lại chỉ qua một cái chớp mắt, chủ đầu tư đã nghiễm nhiên trở thành đại gia, tỷ phú nhờ đất.
Giàu như thế thì nhanh lắm, nhưng đây không phải là giàu thực chất, giàu không nhờ tài năng thì dù có xếp thứ nhất, thứ hai cũng chưa vội tự hào", ông Xuyền nói.
Tham nhũng khó xử người đứng đầu
Rõ ràng, không nói thẳng, song dư luận ai cũng hiểu, trong số đó có những người giàu có từ sự bất thường, là những đồng tiền có vấn đề, nếu không muốn nói là một cách thức rửa tiền trá hình, là tẩu tán tài sản để tránh bị soi mói, điều tra.
Ngoài ra, ông Xuyền còn muốn đề cập tới một hiện tượng nữa mà theo ông là cách "rửa tiền" phổ biến đang được nhiều người giàu có áp dụng đó là làm từ thiện, đóng góp vào quỹ nọ, quỹ kia hoặc xây dựng công trình phúc lợi cho xã A, huyện B nào đó. Nếu tinh ý sẽ biết ngay đây là cách để các đại gia rửa tiền.
"Tôi biết nhiều người chỉ cần bỏ ra một khoản tiền để làm đường xá, hoặc xây trường học lập tức được tôn lên thành thánh, được ca tụng hết lời, thậm chí còn được vinh danh, được khắc tên ghi nhớ. Ít ai biết rằng, tiền đóng góp họ bỏ ra lại chính là những đồng tiền có được từ các hoạt động làm ăn phạm pháp, từ buôn gian, bán lậu, thậm chí là những đồng tiền tham nhũng từ ngân khố của dân", ông Xuyển kể.
Ông Xuyền cho rằng, có sự tồn tại trên là do cơ chế kiểm soát tài sản cá nhân, nhất là tài sản của cán bộ, công chức, lãnh đạo có địa vị, chức sắc, có khả năng tham nhũng chưa chặt chẽ. Vì thế, có những người chỉ giữ một chức vụ nhỏ nhưng sở hữu tới vài ngôi nhà cũng không ai biết nguồn gốc có được từ đâu. Thậm chí, có tài khoản bỗng nhiên tăng thêm cả trăm tỷ cũng không thấy ai hỏi han gì.
Đây cũng chính là lý do khiến các ĐBQH đề nghị mở rộng đối tượng kê khai tài sản đối với những quan chức có chức, có quyền, trong đó bao gồm buộc phải kê khai cả với những người thân thích, ruột thịt. Tuy nhiên, theo nhận định đề xuất trên không khả thi do vướng nhiều khung pháp lý hiện hành.
Vị đại biểu cho rằng, nếu không đặt ra các khung pháp lý rõ ràng nhất là đối với công tác quản lý cán bộ, công chức nhà nước và kể cả đối với những đối tượng giàu có ngoài xã hội một cách bài bản, chặt chẽ thì nguy cơ thất thoát là rất lớn.
Về đề xuất "tham nhũng ở đâu, xử lý đứng đầu ở đó, ĐBQH Bùi Văn Xuyền cho rằng khi chưa phân định được chức năng, quyền hạn cụ thể thì việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu có khi còn phản tác dụng.
Ông lý giải, nếu đòi phát hiện tham nhũng sẽ phải xử lý người đứng đầu thì người đứng đầu sẽ không ai muốn phát hiện tham nhũng nữa. Thậm chí, nếu có tham nhũng, lãnh đạo cũng phải tìm mọi cách để che dấu cho tốt, cho kỹ chứ vì sao phải khơi ra để chịu tội. Vì thế, nếu muốn xử lý được trách nhiệm người đứng đầu thì phải rõ được chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của người đó.