Theo tờ trình về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức vừa được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình Chính phủ, quy định về xử lý cán bộ nghỉ hưu đã cơ bản "thành hình" với 2 luồng quan điểm khác nhau về phạm vi xử lý.
Từ tổng cục trưởng trở xuống có thể yên tâm "hạ cánh an toàn"?
Phân tích bất cập của quy định hiện hành, Bộ Nội vụ cho biết, trong thời gian qua, một số trường hợp cán bộ, công chức, viên chức có vi phạm nhưng chậm bị phát hiện hoặc vi phạm chưa đến mức xử lý hình sự thì rất khó xử lý kỷ luật, do không có cơ sở pháp lý để thực hiện, dù các cán bộ này vẫn bị kỷ luật Đảng. Điều này gây ra sự thiếu đồng bộ giữa kỷ luật hành chính với kỷ luật về Đảng với tư cách đảng viên, như trường hợp ông Vũ Huy Hoàng. Bộ Nội vụ cũng nhận định, hiện một bộ phận cán bộ, công chức vẫn còn tư tưởng "hạ cánh an toàn", dẫn tới hời hợt, thiếu trách nhiệm trong quá trình thực thi công vụ.
Mặc dù nhất trí về việc phải có quy định xử lý cán bộ đã nghỉ hưu, nhưng hiện có 2 luồng quan điểm khác nhau về phạm vi cán bộ bị xử lý: một là xử lý đối với tất cả cán bộ, công chức đã về hưu, nghỉ việc hoặc chuyển công tác; hai là chỉ quy định với những người từ cấp thứ trưởng và tương đương trở lên ở T.Ư và cấp phó chủ tịch tỉnh và tương đương trở lên ở địa phương có hành vi vi phạm nghiêm trọng. Tại hồ sơ dự án luật được đăng tải để lấy ý kiến góp ý, Bộ Nội vụ chưa có đánh giá tác động hay thuyết minh cụ thể về ưu — nhược điểm của 2 phạm vi xử lý này, mà gửi xin ý kiến Chính phủ. Do đó, việc cấp cục trưởng, tổng cục trưởng trở xuống có thể yên tâm "hạ cánh an toàn" hay không sẽ do Chính phủ quyết định.
Cho rằng luật Cán bộ công chức và luật Viên chức hiện nay quy định thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng kể từ thời điểm có hành vi vi phạm đến khi phát hiện là quá ngắn, dẫn đến một số trường hợp đã bị xử lý kỷ luật Đảng (hoặc đã xử lý hình sự nhưng cho hưởng án treo) khi xét kỷ luật theo quy định của luật thì đã hết thời hiệu, Bộ Nội vụ đề nghị sửa đổi theo hướng tăng lên 60 tháng. Riêng các hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, bao gồm những cán bộ đã vi phạm đến mức bị khai trừ khỏi Đảng; có vi phạm về bảo vệ chính trị nội bộ; có hành vi xâm hại lợi ích quốc gia trong quốc phòng, an ninh, đối ngoại; sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả… thì không quy định thời hiệu xử lý.
Có gì thay đổi trong chính sách nhân tài?
Tuy vậy, tại dự thảo luật, cơ quan soạn thảo chưa đưa ra bất cứ một "khung cơ chế, chính sách" ưu tiên nào, mà chỉ nêu những điều khoản mang tính nguyên tắc: "Nhà nước có chính sách để phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng" và "Chính phủ quy định khung cơ chế, chính sách đối với người có tài năng trong từng ngành, lĩnh vực", "người đứng đầu cơ quan quản lý cán bộ, công chức quy định cụ thể chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng, đãi ngộ người có tài năng áp dụng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý".
Lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước sẽ không còn là công chức