MI-26-T2V: Phiên bản "siêu máy bay trực thăng" vận tải Nga mới nhất

Lần đầu tiên, tại Nhà máy sản xuất trực thăng mang tên “Mil” ở Moskva (MVZ), máy bay trực thăng vận tải quân sự Mi-26-T2V được đưa ra giới thiệu với không chỉ đại diện Nga, mà còn cả phương tiện truyền thông nước ngoài – phiên bản tối tân của trực thăng lớn nhất thế giới, do Lực lượng hàng không vũ trụ Nga đặt hàng. Trong số những người được mời đến lễ ra mắt có phóng viên Sputnik.
Sputnik

Hiện nay Mi-26 được sản xuất tại nhà máy “Rostvertol” ở thành phố Rostov-na-Donu, niền Nam nước Nga, được coi là trực thăng vận tải nặng và lớn nhất thế giới. (Sản phẩm được sản xuất tại Hoa Kỳ - Sikorsky CH-53E Super Stallion - tương tự về chức năng, nhưng kém hơn về tải trọng).

Mi-26 được phát triển từ đầu những năm 1970 để thay thế cho trực thăng Mi-6 hạng nặng. Chuyến bay đầu tiên được thực hiện vào năm 1977, biến thể quân sự được sản xuất từ ​​năm 1980, và dân sự - Mi-26T - từ năm 1985. Trải qua nhiều năm sản xuất, chiếc trực thăng đã liên tục được nâng cấp và vẫn là một cỗ máy siêu hiện đại.

MI-26-T2V: Phiên bản "siêu máy bay trực thăng" vận tải Nga mới nhất

Khi bạn đứng cạnh Mi-26 sẽ cảm thấy nó to lớn như thế nào, bạn sẽ vô tình tự hỏi làm thế nào “con voi” này có thể nhấc mình lên khỏi mặt đất? Chiều dài máy bay 40 mét, tổng trọng lượng khi cất cánh - 56 tấn, chiều rộng khoang chở hàng - 3,2 mét, thể tích - 110 mét khối (đủ chỗ cho xe tải quân sự ba trục Ural). Trực thăng có thể chở tới 20 tấn hàng hóa trong cabin hoặc trên hệ thống treo bên ngoài. (Tải trọng của Sikorsky CH-53E – 14 tấn trong cabin, 14,5 tấn - ở hệ thống treo ngoài). Thiết bị (quân sự hoặc dân sự tải trọng lớn) có thể chất vào khoang chứa thông qua cửa phía sau: hai cửa và đường dốc. Tời điện có lực kéo lên tới 500 kg và cần trục được đặt trong cabin chở hàng giúp tải hàng hóa kích thước lớn. Phiên bản vận tải quân sự có thể chứa tới 85 lính bộ binh, hoặc 70 lính nhảy dù kèm theo quân trang, hay 60 người bị thương nằm trên cáng. Phiên bản dân sự có thể "mang theo" bất kỳ hàng hóa thương mại nào, và trên hệ thống treo bên ngoài - container hàng hải, cột điện, súc gỗ lớn. Ngoài ra, dòng "26-x" còn có phiên bản cứu hỏa.

MI-26-T2V: Phiên bản "siêu máy bay trực thăng" vận tải Nga mới nhất

Hai động cơ tua-bin khí với công suất 11000 mã lực giúp nâng cỗ máy khổng lồ này lên không trung, mỗi cánh quạt nâng có đường kính 32 mét với 8 cánh bằng kim loại. Bằng kinh nghiệm cá nhân, phóng viên của Sputnik khẳng định rằng: tốt hơn là nên đứng xa đáng kể so với Mi-26 khi máy bay chuẩn bị cất cánh. Cánh quạt lái ở đuôi có 5 lưỡi làm từ sợi thủy tinh, đường kính tương đương với đường kính cánh quạt nâng (cánh quạt chính) của trực thăng hạng nhẹ. Bộ phận nguồn trợ lực sẽ giúp đảm bảo khả năng hoạt động của máy bay khi đỗ, trong trường hợp không có nguồn cấp điện bên ngoài.

MI-26-T2V: Phiên bản "siêu máy bay trực thăng" vận tải Nga mới nhất

Tốc độ trung bình của Mi-26 là 240-270 km/ giờ, khá tốt đối với một chiếc trực thăng nặng 56 tấn. Phạm vi bay với tải trọng tối đa khi đầy đủ nhiên liệu là khoảng 750 km. Tuy nhiên, bằng cách giảm tải và lắp đặt thùng nhiên liệu bổ sung trực tiếp trong khoang chở hàng, khoảng cách có thể được tăng lên đáng kể. Phạm vi bay tối đa của Mi-26, với thùng dầu phụ và không có hàng hóa, có thể đạt tới 2350 km.

MI-26-T2V: Phiên bản "siêu máy bay trực thăng" vận tải Nga mới nhất

Mi-26 có thể bay ở độ cao nào? “Trần bay thực tế”  – độ cao danh nghĩa mà máy bay có thể đạt tới trong khi di chuyển theo hai mặt phẳng: dọc và ngang - 4600 mét, “trần bay tĩnh” – độ cao tối đa trực thăng có thể “treo” bằng cánh quạt, không di chuyển ngang, ở chế độ hoạt động tối đa của động cơ - 1800 mét, và “trần bay động” – khả năng tăng chiều cao tối đa ngắn hạn có thể đạt được trong khi vẫn giữ được sự kiểm soát - 6500 mét. (Để so sánh: “trần bay thực tế” của Mi-8/17 - 6000 mét, “trần bay tĩnh” - 3980 mét. Nhưng dòng Mi-8 nhẹ hơn 4 lần so với dòng Mi-26, với tải trọng nhỏ hơn 5 lần).

Trong gần 40 năm hoạt động, chiếc trực thăng lớn nhất đã lập nhiều kỷ lục và thực hiện một số hoạt động vận tải độc đáo:

Nơi đây chế tạo những chiếc trực thăng đáng tin cậy nhất thế giới

Năm 1982

Nâng 25 tấn hàng hóa lên độ cao 4000 mét.

Năm 1988

Trong một chiến dịch quân sự, Mi-26 đã vận chuyển chiếc trực thăng Mi-8 bị bắn hạ ở Afghanistan bằng hệ thống treo ngoài.

Năm 1988

Bay một vòng khép kín với chiều dài 2000 km xuyên qua lớp nhiễu động không khí.

Năm 1996

Kỷ lục Guinness chính thức: nâng những người nhảy dù nhảy lên độ cao 6500 mét.

MI-26-T2V: Phiên bản "siêu máy bay trực thăng" vận tải Nga mới nhất

Những năm 2000

  • Mi-26T dân sự Nga, một lần nữa ở Afghanistan, đã di chuyển thành công chiếc CH-47 Chinook bị hư hỏng của Mỹ bằng hệ thống treo bên ngoài.
  • Trực thăng Mi-26T, với hệ thống treo ngoài, đã vận chuyển phần thân một “máy bay Mi-26 anh em” (không có động cơ và cánh quạt).
  • Vận chuyển chiếc Tu-134  bằng trực thăng Mi-26T trên hệ thống treo ngoài...

Hiện tại, ở Nhà máy sản xuất trực thăng “Mil” ở Moskva, tập đoàn “Trực thăng Nga” đang đang tiến hành những thử nghiệm cho phiên bản mới nhất dòng Mi-26 — trực thăng vận tải quân sự Mi-26-T2V, được chế tạo theo đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng Nga. Sản phẩm đã được đưa ra trình diễn tại căn cứ không quân Kubinka khu vực Moskva trong khuôn khổ Diễn đàn “Quân đội - 2018”. Và mùa xuân năm 2019, trực thăng được giới thiệu chi tiết hơn trên truyền thông.

Bên ngoài Mi-26-T2V không khác nhiều so với những chiếc "Mi-26" khác. Có chăng, đó là màu thân máy bay trong lớp ngụy trang "xanh rừng" chứ không phải màu xám đậm, kaki, cam hay trắng truyền thống. Tuy nhiên bên trong, chiếc trực thăng đã có những thay đổi đáng chú ý. Kiến trúc sư trưởng dự án "Trực thăng hạng nặng" của Nhà máy «Mil», ông Sergei Popov nói với phóng viên:

“Phiên bản này khác biệt ở chỗ ứng dụng công nghệ kỹ thuật số tiên tiến nhất. Cho phép cải thiện và tạo điều kiện thuận lợi cho công việc của phi hành đoàn, tự động hóa quá trình tự lái, hạ cánh và “bay đứng”, mở rộng khả năng sử dụng máy bay trong nhiều điều kiện thời tiết khác nhau, vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Ví dụ hệ thống lái tự động đi kèm cho phép trực thăng di chuyển theo đúng tuyến đường định sẵn mà không cần sự tham gia của phi công và họ chỉ phải kiểm soát thông số hoạt động của hệ thống cũng như bộ máy. Bộ phận động lực và hệ thống cánh quạt nâng không có gì thay đổi. Tôi chắc chắn những cải tiến được triển khai trong Mi-26-T2V sẽ cho phép “Mil” và Nga không chỉ bắt nhịp xu hướng của ngành công nghiệp sản xuất trực thăng thế giới, mà còn duy trì vị thế dẫn đầu về máy bay hạng nặng”.

Thảo luận