Hải quan chặn hàng Trung Quốc giả mạo xuất xứ Việt Nam

Tổng cục Hải quan đặt ra các yêu cầu khi kiểm tra hồ sơ lô hàng, kiểm tra thực tế hàng hóa đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, báo Đất Việt thông tin.
Sputnik

Tổng cục Hải quan vừa có công văn yêu cầu cục trưởng cục hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi cục hải quan tăng cường công tác kiểm tra xuất xứ đối với hàng hóa NK từ Trung Quốc nhưng trên nhãn hàng hóa thể hiện “Made in VietNam”.

Rước hàng Trung Quốc gắn mác "Made in Việt Nam": Thôi đừng nói đạo đức kinh doanh

Trước đó, trên phương tiện thông tin đại chúng phản ánh hiện tượng gian lận thương mại thông qua việc ghi xuất xứ hàng hóa nhập khẩu có chiều hướng gia tăng, theo đó hàng hóa được sản xuất tại Trung Quốc nhưng mượn xuất xứ Việt Nam để đánh lừa người tiêu dùng trong nước, chủ yếu là các mặt hàng điện tử, giày dép, quần áo, mỹ phẩm…

Hàng hóa được sản xuất, nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam nhưng trên nhãn hàng hóa đã thể hiện “Made in VietNam”, mã vạch, địa chỉ của doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam; hàng hóa nhập khẩu được các thương nhân Việt Nam sang Trung Quốc đặt hàng và nhập khẩu về Việt Nam.

Để ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ, bảo vệ người tiêu dùng trong nước, Tổng cục Hải quan yêu cầu cục trưởng cục hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi cục hải quan trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, xác định xuất xứ, nhãn mác hàng hóa nhập khẩu theo đúng quy định.

Tại sao những mặt hàng Trung Quốc nhưng nhãn mác lại ghi Made in Vietnam?

Đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, khi kiểm tra hồ sơ lô hàng, kiểm tra thực tế hàng hóa (nếu có) công chức hải quan thực hiện kiểm tra cụ thể tên hàng, mã số HS, xuất xứ hàng hóa, nhãn hàng hóa phải phù hợp với tên hàng, mã số HS, xuất xứ hàng hóa trong bộ hồ sơ lô hàng nhập khẩu, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (nếu có).

Trường hợp phát hiện hàng hóa nhập khẩu ghi nhãn “Made in Vietnam”, cục hải quan các tỉnh, thành phố xác minh làm rõ, trường hợp có căn cứ xác định hàng hóa nhập khẩu có chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa thì tùy theo hành vi vi phạm cụ thể, tính chất, mức độ hành vi vi phạm để xử lý theo thủ tục tố tụng hình sự hoặc xử phạt vi phạm hành chính theo Khoản 2 Điều 13 Nghị định 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thảo luận