Lần ra mắt đầu tiên của tên lửa này đã diễn ra vào ngày 7 tháng 10 năm 2015, khi các tàu tên lửa Dagestan, Grad Sviyazhsk, Veliky Ustyug và Uglich đã phóng 26 tên lửa Kalibr vào các mục tiêu khủng bố ở Syria. Kể từ đó, quân đội Nga đã sử dụng Kalibr hơn mười lần - và luôn thành công. Sau đây là bài của Sputnik về những đặc điểm của tên lửa hành trình Nga.
Triều đại tên lửa
Gia đình Kalibr hợp nhất một số loại tên lửa. Trước hết, đây là tên lửa chống hạm ZM-54K / ZM-54T với đầu đạn xuyên thấu nổ mạnh. Thứ hai – tên lửa ZM-14K / ZM-14T được thiết kế để tấn công vào các mục tiêu mặt đất cũng được trang bị đầu đạn nổ mạnh. Nhân tiện, tên lửa này cũng đã tham gia chiến đấu chống khủng bố ở Syria. Thứ ba, ngư lôi 91P1 và 91RT2 được thiết kế để tiêu diệt tàu ngầm của đối phương tiềm ẩn. Kích thước của tất cả các loại tên lửa này được tiêu chuẩn hoá để phù hợp với thùng chứa đạn ZS14 trên tàu chiến. Còn phiên bản tên lửa Kalibr-PL cho tàu ngầm được nạp vào ống phóng ngư lôi 533mm.
Còn có tên lửa hành trình Kalibr-A được phóng từ máy bay chiến thuật và chiến lược. Ngoài ra, tổ hợp tên lửa tác chiến-chiến thuật Iskander có thể bắn một số phiên bản sửa đổi của tên lửa hành trình.
Nhưng, đa số tên lửa Kalibr được trang bị cho tàu chiến và tàu ngầm: tàu khu trục thuộc dự án 22350 và 11356, tàu hộ tống thuộc dự án 20385, tàu tên lửa cỡ nhỏ thuộc các dự án 21631 và 22800, tàu tuần tra dự án 22160, tàu ngầm của các dự án 885 Yasen, dự án 636 Varshavyanka, dự án 677 Lada, dự án 971 Shchuka-B và dự án 877 Paltus. Tên lửa Kalibr trên các tàu chiến có tầm bắn khoảng 1.400 km.
Hành trình phức tạp
Nguyên lý hoạt động của tất cả các tên lửa hành trình tương tự như nhau và Kalibr cũng không phải là ngoại lệ. Quá trình chuẩn bị trước khi phóng bắt đầu với việc nạp vào tên lửa dữ liệu về nhiệm vụ bay. Việc vạch ra nhiệm vụ bay là một quá trình riêng, khá phức tạp. Các đơn vị đặc biệt trong cơ cấu của Lực lượng Vũ trang tập trung thực hiện công việc này. Trên thực tế, nhiệm vụ bay là một thuật toán cho chuyến bay của tên lửa theo một hành trình nhất định. Nói cách khác, đây là tuyến đường điện tử chỉ định độ cao, tầm bay, điểm kiểm soát và định hướng. Ngoài ra, trong nhiệm vụ bay ghi rõ các đặc điểm của mục tiêu mà tên lửa phải bắn trúng.
Sau khi dữ liệu về nhiệm vụ bay được nạp vào tên lửa, hệ thống kiểm soát kiểm tra độ sẵn sàng của tên lửa. Ở giai đoạn đầu, hệ thống tìm kiếm những khuyết điểm của nhà máy có thể phá hủy sản phẩm. Sau khi nhận tín hiệu “khởi động”, bộ tăng tốc được kích hoạt. Bộ tăng tốc có những đặc điểm khác nhau tùy thuộc vào loại tên lửa hành trình và loại tàu mang - tàu ngầm, tàu nổi hoặc máy bay. Động cơ đẩy của tên lửa được khởi động. Trong đa số loại tên lửa, đây là động cơ tuốc bin phản lực. Nhiên liệu - chất lỏng dựa trên dầu hỏa. Tên lửa tự xác định độ cao với sự trợ giúp của máy đo độ cao vô tuyến hoặc khí áp.
Như thường lệ, quỹ đạo của Kalibr không phải là đường thẳng từ điểm A đến điểm B. Hành trình của tên lửa phụ thuộc vào địa hình, vào sự hiện diện của các hệ thống phòng không và các phương tiện trinh sát điện tử của đối phương, cũng như nhiều thông số khác. Độ cao cũng thay đổi tùy theo những đỉnh cao trên địa hình, những cơ sở công nghiệp và khu dân cư. Các chuyên gia cho rằng, tên lửa bay càng thấp thì càng khó phát hiện.
Khu vực mục tiêu
“Tên lửa hành trình là loại vũ khí chiến lược, - ông Viktor Murakhovsky, tổng biên tập tạp chí Kho vũ khí của Tổ quốc, nói với Sputnik. - Tên lửa Kalibr là đặc biệt hiệu quả nếu đối phương không sở hữu hệ thống phòng không nhiều lớp. Tôi xin đưa ra hai ví dụ về hoạt động hiệu quả và hoạt động không hiệu quả của loại vũ khí này. Ví dụ thứ nhất: cuộc tấn công vào các mục tiêu ở Ả Rập Saudi được thực hiện bằng các tên lửa rất nguyên thủy so với Nga hoặc Mỹ, đã gây thiệt hại hàng tỷ USD. Ví dụ thứ hai: Mỹ và các đồng minh của họ đã phóng khoảng một trăm tên lửa hành trình vào các mục tiêu ở Syria. Trong trường hợp này, hệ thống phòng thủ tên lửa của Syria đã hoạt động rất hiệu quả và bắn hạ hầu như tất cả các quả tên lửa”.
Trên đường bay, quả tên lửa đi qua tất cả các điểm kiểm soát được đặt trên quỹ đạo, xác định vị trí tại đó và so sánh nó với nhiệm vụ bay. Các phương pháp kiểm soát là rất khác nhau: ví dụ, tương quan cực độ - theo bản đồ địa hình của khu vực xung quanh. Nếu cần thiết, ở giai đoạn này có thể điều chỉnh quỹ đạo của tên lửa. Cũng có thể sử dụng các hệ thống định vị vệ tinh, nhưng, đây không phải là phương pháp chính, bởi vì trong thời chiến kẻ thù có thể phá hủy các vệ tinh.
Nhân tiện, Nga đang tích cực tạo ra cơ sở dữ liệu điện tử bao gồm hình ảnh các mục tiêu có thể. Đây là nhiệm vụ của một trong những bộ phận của Bộ Quốc phòng. Với cách tiếp cận như vậy, có thể rất nhanh chóng tạo ra nhiệm vụ bay đến các mục tiêu ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Và ngay sau khi nhận ra mục tiêu, tên lửa sẽ tấn công vào nó.