Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tham dự Hội nghị. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì sự kiện, đồng thời đau đáu với câu hỏi: Để kinh tế-xã hội Việt Nam vươn cao, cần những trụ cánh gì?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương
Ngày 30.12, Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương đã khai mạc. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đến dự cùng các đại biểu. Chủ trì sự kiện là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đồng chủ trì Hội nghị còn có các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng và Phạm Bình Minh.
Trong một ngày rưỡi từ 30.12-31.12, Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương tổng kết tình hình kinh tế-xã hội năm 2019, đánh giá những kết quả đạt được, nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế để qua đó có nhiều giải pháp triển khai kế hoạch năm 2020, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2020, Quốc hội khóa XIV đã giao.
Tham dự Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương lần này Ngoài Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng còn có sự góp mặt của hàng loạt lãnh đạo cấp cao của Việt Nam. Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị như Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội, Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư, Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trương Thị Mai, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Tham dự Hội nghị trực tuyến hôm nay còn có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương.
Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương năm nay với chủ đề “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, năm 2019 là năm đầy thử thách đối với Chính phủ để đạt kết quả cao hơn năm 2018, vốn đã đạt mức tăng trưởng khá cao, trên 7% và đặc biệt, tình hình thế giới rất phức tạp, xung đột thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa đi đến thỏa thuận cuối cùng, kinh tế thế giới đối mặt nhiều khó khăn, thách thức.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh:
“Những thành quả kinh tế xã hội mà Việt Nam đạt được trong năm 2019 đã chứng minh rằng với ý chí nỗ lực tinh thần đoàn kết cùng với quyết tâm lớn chúng ta sẽ đạt được nhiều thành quả, trong đó có những mục tiêu tưởng chừng như rất khó đạt được”.
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng hàng đầu thế giới: Những con số không tưởng
Theo các số liệu mới nhất mà Tổng Cục Thống kê công bố, 2019 tiếp tục là năm thành công của kinh tế Việt Nam với mức tăng trưởng đột phá vào hàng cao nhất thế giới. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế GDP của Việt Nam đạt 7,02%, vượt mục tiêu đề ra 6,8%. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp 2,79%, đây cũng là mức tăng thấp nhất trong 3 năm qua, đảm bảo mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng dưới 4%, tỉ lệ nợ công trên GDP tiếp tục giảm (56% GDP), dự trữ ngoại hối 80 tỷ USD.
Quy mô xuất nhập khẩu đạt 517 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, xuất siêu trên 9,9 tỷ USD, đây là năm thứ tư liên tiếp Việt Nam xuất siêu. Vốn FDI thực hiện đạt trên 20 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Số doanh nghiệp thành lập mới cũng đạt mức kỷ lục, trên 138.000 doanh nghiệp. Khách du lịch quốc tế đạt trên 18 triệu lượt khách, đạt chỉ tiêu đề ra. Thu ngân sách ước đạt trên 1,6 triệu tỷ đồng, cho thấy đây đang là giai đoạn thu ngân sách tốt nhất kể từ năm 2013, đồng thời, chủ trương chung về siết chặt, giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển và quản chặt bội chi ngân sách Nhà nước đã được thực hiện chặt chẽ. Đây là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam hoàn thành tất cả 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao.
Đáng chú ý, theo Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số HDI cao nhất trên thế giới. Với chỉ số HDI năm 2019 là 0,63, Việt Nam đang ở trong Top của nhóm các nước có HDI ở mức trung bình và chỉ cần thêm 0,007 điểm để vào được nhóm các nước có HDI ở mức cao. Tỷ lệ đói nghèo giảm còn 1,45% và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc, Việt Nam đã tạo ra một câu chuyện huyền thoại trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo.
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh quan điểm, không để ai bị bỏ lại phía sau, Thủ tướng cho biết, từ nay đến năm 2045, tổng số lao động tăng thêm cần có việc làm là gần 11 triệu người. Đây là thách thức lớn nhưng cũng là lực lượng quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế hàng năm nếu trao cơ hội việc làm, cơ hội kinh tế, đánh thức tiềm năng khởi nghiệp nhiều hơn cho người dân.
Với thành quả giảm nghèo của Việt Nam trong hơn 30 năm đổi mới là vĩ đại, tầng lớp trung lưu của Việt Nam hiện đang tăng nhanh và đến năm 2025 chiếm khoảng 25% dân số, tương đương 25 triệu người, Thủ tướng cho rằng:
“Chính điều này sẽ góp phần minh chứng rõ nét hơn nữa thành quả giảm nghèo bền vững của chúng ta cũng như mục tiêu về một Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng, một xã hội công bằng, bình đẳng, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các thành phần dân cư, đảm bảo các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc của văn hóa Việt Nam”.
Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người Việt Nam đã đạt khoảng 2.800 USD/năm. Nếu tính thêm GDP khu vực kinh tế bị bỏ sót thì đã trên 3.000 USD/người/năm. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ngưỡng thu nhập trung bình cao trên thế giới theo chuẩn của Ngân hàng thế giới (WB) đang là 3.996 USD/người/năm.
“Ngưỡng thu nhập trung bình cao ngay trước mắt chúng ta. Các năm tới đòi hỏi tăng trưởng phải cao như những năm vừa qua. Năm nào cũng muốn nhắc lại câu nói của Tổng bí thư, Chủ tịch nước là “không ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc nói.
Quy mô nền kinh tế của Việt Nam năm 2018 đạt 250 tỷ, gấp 9,3 lần so với giai đoạn đầu công cuộc đổi mới. Năm 2019, quy mô GDP đạt 266 tỷ USD. Lãnh đạo Chính phủ khẳng định rằng, khi quy mô kinh tế càng lớn, đạt được thêm 1 điểm % là rất khó.
“Tôi xin khẳng định quy mô GDP càng lớn thì mục tiêu tăng trưởng ngày càng khó khăn, nhưng không phải là không thể tăng trưởng. Những con số gần như 10 năm trước chúng ta không thể tưởng tượng được”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Đặc biệt, phát biểu ngày hôm nay, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, việc Chính phủ Việt Nam không đánh đổi chất lượng tăng trưởng để đổi lấy tốc độ tăng trưởng. Năm vừa qua, Việt Nam thuộc nhóm các nước tăng trưởng kinh tế cao, chất lượng được cải thiện rất rõ nét.
Theo các số liệu thống kê, đóng góp của TFP năm 2019 đạt 46,11%. Tính chung cả giai đoạn 2016-2019 đạt 44,46%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% của giai đoạn 2011-2015. Tốc độ tăng năng suất lao động cũng cao hơn nhiều nước trong khu vực. Tăng trưởng tín dụng chỉ còn 12-13%, thấp hơn nhiều năm trước ở mức 18-20%. Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam tăng 3 bậc trong ASEAN.
“Chính phủ cũng không đánh đổi tăng trưởng cao với ô nhiễm môi trường, mà phải phát triển bền vững” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Việt Nam nỗ lực cải thiện thứ hạng một số chỉ số quan trọng năm 2020
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng thời cũng phân tích những cơ hội, thách thức năm 2020 và những năm tiếp theo để đề ra nhiều giải pháp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam khẳng định, năm 2020, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đến nay, dự thảo Nghị quyết về cơ bản đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành trên cơ sở tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, dự thảo Nghị quyết được xây dựng và soạn thảo dựa trên những quan điểm và nguyên tắc như “tiếp tục thực hiện nhất quán, đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp và hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019, xác định rõ các mục tiêu cải cách cho năm 2020 trên cơ sở tính toán giữa kết quả đạt được năm 2019 và mục tiêu đến năm 2021 đã đề ra tại Nghị quyết 02 năm 2019, đảm bảo cân đối, hài hòa và có sự điều chỉnh hợp lý, bổ sung một số giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những hạn chế trong thực hiện Nghị quyết 02 năm 2019, trong đó tập trung vào các chỉ số môi trường kinh doanh chậm cải thiện hoặc đang xếp hạng thấp.
Việt Nam đề ra các mục tiêu phấn đấu cải thiện thứ bậc trên bảng xếp hạng một số chỉ số như môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, chính phủ điện tử trong Dự thảo Nghị quyết năm 2020. Đặc biệt, công tác phòng và chống tham nhũng, lãng phí, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đã được tăng cường, đáp ứng tốt nguyện vọng và niềm tin trong nhân dân.
“Thành quả của chúng ta đã được ghi nhận bởi các tổ chức quốc tế hàng đầu, với sự thăng tiến của các bảng xếp hạng, cũng như những dự báo tốt hơn về triển vọng phát triển Việt Nam 2020. Những kết quả đạt được không những góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta, mà còn góp phần nâng cao uy tín Việt Nam trên trường quốc tế”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.
Bên cạnh đó, nhiệm vụ quan trọng khác của Việt Nam là thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN. Đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Đây là Hội nghị sử dụng hệ thống e-Cabinet, đại diện Chính phủ nhấn mạnh, Hội nghị năm nay bên cạnh soi chiếu lại hành trình của một năm “bứt phá”, điều quan trọng hơn, sẽ tập trung thảo luận các hạn chế, vướng mắc để tháo gỡ, hay những vấn đề liên vùng, liên ngành đòi hỏi sự phối hợp cũng như tiếp tục tìm các giải pháp mạnh mẽ khơi thông và huy động mọi nguồn lực cho phát triển.
Làm gì để đưa kinh tế - xã hội Việt Nam vươn cao?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu nêu rõ, để chuẩn bị thật tốt cho năm 2020, tất cả đều cần phải làm việc với một tinh thần trách nhiệm cao nhất trước Đảng, trước dân.
“Chính vì vậy, sau khi nghe xong các báo cáo, tôi đề nghị chúng ta tập trung thảo luận, đánh giá kết quả 2019, nhận định bối cảnh, tình hình năm 2020 và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2020. Tôi rất mong được nghe ý kiến của nhiều ngành, nhiều địa phương, trong đó tập trung đi thẳng vào những thành quả nổi bật và những vấn đề khó khăn, vướng mắc, những vấn đề có tính chất liên ngành, liên vùng, tăng cường phối hợp làm sao để phát huy được tiềm năng, lợi thế, nâng cao được hiệu quả trong phân bổ và sử dụng nguồn lực, làm rõ những mô hình tốt, cách làm hay, tập trung bàn về cách làm, phương pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện, làm sao tạo được chuyển biến rõ nét, hiệu quả trong thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp đề ra cho năm 2020. Tôi đề nghị các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành cần có giải trình, làm rõ thêm các vấn đề mà các địa phương nêu”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương cần đặt ra những mục tiêu cao, cùng hiến kế đưa kế hoạch, mục tiêu về đích sớm, đạt được nhiều thành tích ấn tượng và toàn diện hơn nữa cho 2020, đồng thời tháo gỡ những rào cản về môi trường kinh doanh, sửa đổi ngay những bất cập về cơ chế chính sách, pháp luật, nhất là những chỉ số còn thấp như giải quyết phá sản, khởi sự kinh doanh, nộp thuế, thương mại qua biên giới, bảo vệ nhà đầu tư.
Đặc biệt, phải có chiến lược đột phá về thể chế cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, thúc đẩy sự chủ động, quyết liệt sáng tạo hành động của các cấp, các ngành trong năm 2020. Phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám quyết định dám chịu trách nhiệm kiểm soát, chấm dứt tình trạng nhũng nhiễu, chi phí không chính thức, tham nhũng vặt.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tăng cường đầu tư cho tiềm lực quốc phòng và an ninh của đất nước tương xứng với thách thức của thời kỳ mới như thế nào, làm sao hạn chế đến mức thấp nhất thiên tai, hạn hán đang và sẽ diễn ra, cần có biện pháp ứng phó kịp thời cho mọi tình huống.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành đề xuất biện pháp chăm lo đời sống, nâng cao hơn nữa động lực làm việc cho cán bộ, công chức, các ngành, các cấp và địa phương quyết liệt cải cách hành chính, tinh giản biên chế, tiết kiệm chi thường xuyên, bổ sung nguồn lực để cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức ngay trong năm 2020, đặc biệt cần chuẩn bị tốt, thực hiện Chỉ thị 35 về Đại hội Đảng, các cấp chọn người có đức, có tài.
Ngoài ra, đối với mỗi người dân Việt Nam, Tết Nguyên Đán đến gần, Thủ tướng đề nghị các địa phương nêu công tác chuẩn bị, chăm lo Tết một cách chu đáo cho nhân dân, đảm bảo an ninh an toàn mọi mặt, đặc biệt với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, các gia đình chính sách, sách người nghèo, người lang thang cơ nhỡ, trẻ mồ côi.
Cuối bài phát biểu, Thủ tướng dẫn lại lịch sử cha ông ta, anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn từng hô vang:
“Chim hồng hạc muốn bay cao phải nhờ ở 6 trụ cánh. Nếu không có sáu trụ cánh ấy thì cũng chim thường thôi”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Dân tộc chúng ta là con Lạc cháu Hồng, có khát vọng không ngừng vươn cao, bay xa như truyền thuyết chim Lạc”. Từ đó, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đề nghị Hội nghị thảo luận trả lời câu hỏi mang tính thách thức: “Để đưa kinh tế - xã hội Việt Nam vươn cao, chúng ta cần những trụ cánh gì?”.