Liệu Mỹ có gây khó cho kinh tế Việt Nam 2020?

Việc Trump phàn nàn rằng Việt Nam hưởng lợi quá nhiều từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, chủ nghĩa bảo hộ thương mại, các biện pháp chống gian lận, và chính sách giám sát đặc biệt của Mỹ có đe dọa đến nền kinh tế Việt Nam?
Sputnik

Kinh tế Việt Nam năm 2020 liệu có đạt được mức độ tăng trưởng kỷ lục như hai năm qua?

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam đi ngược xu hướng của thế giới

Hầu hết các chuyên gia kinh tế của Việt Nam và các đại biểu quốc tế tham dự Hội thảo “Cơ hội tăng tốc và bứt phá” do Ban Kinh tế Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây đều có chung niềm tin rằng, kinh tế Việt Nam năm 2020 dù sẽ còn phải đối mặt với hàng loạt thách thức trong tình hình thế giới diễn biến phức tạp nhưng cơ bản sẽ có nhiều điểm sáng tích cực với những cơ hội bứt phá để duy trì mức tăng trưởng cao.

Trao đổi quan điểm tại Hội thảo “Cơ hội tăng tốc và bứt phá”, nhiều chuyên gia cho rằng, năm 2020 không chỉ Việt Nam mà thế giới cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức vô cùng lớn như bất ổn chính trị, chiến tranh thương mại, xu hướng bảo hộ mậu dịch, phòng vệ thương mại trên thế giới.

Kinh tế Việt Nam 2019 lại tiếp tục khiến thế giới phải bất ngờ

Năm 2019, kinh tế thế giới đã tăng trưởng dưới mức dự đoán, chỉ hơn 2,5%. Nguyên nhân gây ra xu hướng sụt giảm trong tăng trưởng nền kinh tế thế giới có thể đến từ việc các quốc gia phát triển có tình trạng “bão hòa” với mức tăng trưởng sụt giảm ngoài mong đợi trong năm qua. Ngoài ra, thương mại thế giới đối mặt với nhiều vấn đề khiến giao dịch sụt giảm như chính sách bảo hộ mậu dịch, cạnh tranh về thương mại giữa các nước lớn ( đặc biệt như xung đột kéo dài giữa Mỹ-Trung thời gian qua), trái với xu thế tự do hóa thương mại tạo ra những tác động hết sức tiêu cực.

Do vậy có thể thấy, những gì Việt Nam làm được trong năm 2019 vừa qua là hết sức đáng kinh ngạc. Cụ thể, các số liệu mới nhất mà Tổng Cục Thống kê công bố, 2019 tiếp tục là năm thành công của kinh tế Việt Nam với mức tăng trưởng đột phá vào hàng cao nhất thế giới. Tăng trưởng kinh tế GDP của Việt Nam đạt 7,02%, vượt mục tiêu đề ra 6,8%. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp 2,79%, đây cũng là mức tăng thấp nhất trong 3 năm qua, đảm bảo mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng dưới 4%, tỉ lệ nợ công trên GDP tiếp tục giảm (56% GDP), dự trữ ngoại hối 80 tỷ USD. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người Việt Nam đã đạt khoảng 2.800 USD/năm. Nếu tính thêm GDP khu vực kinh tế bị bỏ sót thì đã trên 3.000 USD/người/năm.

Quy mô xuất nhập khẩu đạt 517 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, xuất siêu trên 9,9 tỷ USD, đây là năm thứ tư liên tiếp Việt Nam xuất siêu. Vốn FDI thực hiện đạt trên 20 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Số doanh nghiệp thành lập mới cũng đạt mức kỷ lục, trên 138.000 doanh nghiệp. Thu ngân sách ước đạt trên 1,6 triệu tỷ đồng. Đây là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam hoàn thành tất cả 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao. Quy mô nền kinh tế của Việt Nam năm 2018 đạt 250 tỷ, gấp 9,3 lần so với giai đoạn đầu công cuộc đổi mới. Năm 2019, quy mô GDP đạt 266 tỷ USD.

Kinh tế Việt Nam 2020 có duy trì được mức tăng trưởng kỷ lục?

Phát biểu tại Hội thảo “Cơ hội tăng tốc và bứt phá” do Ban Kinh tế Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh nhận định, năm 2019 vừa qua dường như Việt Nam khá thuận lợi giữa vòng xoáy những rủi ro thương chiến Mỹ- Trung. Tuy nhiên, năm 2020, bên cạnh những mặt thuận lợi là tiền đề thì vẫn sẽ có những rủi ro, biến động hiện hữu rõ nét, nếu chúng ta không nắm chắc và có những giải pháp ứng phó trước thì nguy cơ và thách thức sẽ là rất lớn.

“Có một điều chắc chắn rằng sau chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, thế giới sẽ mãi mãi thay đổi, không bao giờ có thể trở lại như trước được nữa. Và cuối cùng chắc chắn rồi sẽ có thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung Quốc, nhưng thỏa thuận thương mại càng có sớm bao nhiêu thì cơ hội cho các nước nhỏ vươn lên càng ít bấy nhiều. Lúc mọi thứ đang chưa rõ ràng như thế này là lúc Việt Nam được chọn, chứ đến lúc nước lớn họ thỏa thuận xong với nhau, cơ hội cho Việt Nam sẽ hạn chế đi nhiều”, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh nêu quan điểm.

Ngoài ra, tình hình trong nước cũng còn nhiều khó khăn, tồn tại. Những vấn đề còn tiếp diễn trong suốt những năm qua vẫn còn hiện hữu và chưa được giải quyết triệt để. Nguồn thu từ doanh nghiệp là nguồn thu bền vững nhất cho ngân sách nhà nước. Trong khi đó, 60% các doanh nghiệp làm ăn không có lãi trong năm 2019 dẫn đến nguồn thu không đạt dù đã hạ chỉ tiêu. Ngoài ra, 30% GDP của Việt Nam thuộc khu vực hộ kinh tế gia đình, cùng với 25 điểm chồng chéo về chính sách giữa các luật, các nghị định, các thông tư vẫn chưa được tháo gỡ đang gây áp lực không nhỏ đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020.

Kinh tế Việt Nam lập kỷ lục mới

Ngoài ra, Việt Nam cũng đề ra các mục tiêu phấn đấu cải thiện thứ bậc trên bảng xếp hạng một số chỉ số như môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, chính phủ điện tử. Đặc biệt, công tác phòng và chống tham nhũng, lãng phí, hỗ trợ chính sách, điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp là những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu cần được tập trung giải quyết.

Đánh giá về triển vọng năm 2020, hầu hết các chuyên gia đều nhận định, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng. TS.Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, kinh tế Việt Nam năm 2020 sẽ sáng sủa hơn, thậm chí còn sẽ mở ra thời kỳ mới, những yếu tố từng gây bất ổn kinh tế vĩ mô như ngân hàng, từng bị coi là “bom nổ chậm” của nền kinh tế thì nay đã hoạt động hiệu quả và ổn định.

“Chúng ta đứng trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam từng có chu kỳ cứ 5 năm sau tăng trưởng thì sẽ 5 năm chậm lại nhưng hiện nay vẫn nhiều kỳ vọng giai đoạn tiếp theo 2020 sẽ đổi chiều tăng trưởng, tức là kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh. Những gì còn băn khoăn sẽ khắc phục được hoặc hạn chế. Chúng ta đang dấy lên niềm hy vọng 2020 sáng sủa hơn, sẽ mở ra một thời kỳ mới”, Bizlive dẫn phát biểu của TS. Trần Du lịch nhấn mạnh.

Theo vị chuyên gia, năm 2020, Quốc hội giao chỉ tiêu tăng trưởng 6,8% là đã có sự thận trọng cần thiết. Điểm lại chính sách của Chính phủ và Nhà nước giai đoạn 2011-2015, chuyên gia kinh tế nêu vấn đề: Để kích thích tăng trưởng, Việt Nam đã phát hành 390 nghìn tỷ trái phiếu để giúp thúc đẩy tăng trưởng.

Đồng thời, theo TS. Trần Du Lịch, về xuất khẩu và thu hút đầu tư, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục xu hướng gia công, “không khác được”. Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng chỉ rõ, nếu tiếp tục xuất khẩu và thu hút đầu tư kiểu này thứ nhất sẽ gây ra hai hậu quả đổ vỡ, thứ hai việc dồn vào một thị trường như Mỹ hay xuất siêu một nơi, nhập siêu một nơi là không ổn.

Phát biểu tại Hội thảo về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2020, ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho rằng:

“Từ góc độ thể chế, năm 2020 có cơ sở để hy vọng, mà đây là hy vọng không phải của tôi mà của các doanh nghiệp Mỹ mà tôi có liên quan. Theo dõi động thái Chính phủ trong vài năm qua, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ có cơ sở tin rằng năm 2020 sẽ nhiều tin vui hơn tin buồn”.

Dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Tú Anh nhận định, trong năm 2020 sắp tới, những điểm tắc nghẽn về đầu tư công trong năm 2019 đã qua sẽ được giải quyết, qua đó, vốn sẽ được giải ngân nhiều hơn. Điều này sẽ tạo động lực thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng cao.

“Năm 2019 động lực bị tắc nghẽn lớn nhất là đầu tư công. Nhưng năm 2020, điểm nghẽn này sẽ được giải quyết, những thủ tục vướng mắc của 2019 đã được giải quyết nên 2020 dự kiến vốn sẽ được giải ngân nhiều hơn”, ông Nguyễn Tú Anh cho biết.

Vị chuyên gia đánh giá, năm 2020 có nhiều điều kiện để kinh tế Việt Nam phát triển. Đáng chú ý là dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh, vốn đăng ký mới đạt gần 17 tỷ USD, giúp giảm áp lực về vốn cho đối với nền kinh tế. Khi dòng vốn ổn định thì lãi suất cũng ổn định hơn, điều này giúp nền tảng vĩ mô ổn định. FDI góp phần rất lớn vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Việt Nam đã cho thế giới thấy sức trẻ của nền kinh tế

Căng thẳng thương mại leo thang, nhiều tập đoàn đa quốc gia đã chuyển địa điểm sản xuất, trong đó nổi bật nhất phải kể đến những cái tên như Apple, Google, Nintendo và Kyocera. Cũng như Samsung, họ đã lên kế hoạch mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Ngoài ra, sự bứt phá của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong bối cảnh thương mại toàn cầu đi xuống cũng là một điểm nổi bật của kinh tế Việt Nam.

“Xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước vẫn tăng trưởng 8%, các doanh nghiệp tư nhân đang xuất khẩu ra nước ngoài nhiều hơn, thậm chí có doanh nghiệp tư nhân đã xuất khẩu cả máy móc”, ông Tú Anh phân tích.

Theo Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Tú Anh, năm 2019, thặng dư thương mại của Việt Nam đạt trên 10 tỷ USD, dự trữ ngoại hối tăng. Kể từ 2011, Việt Nam liên tục thặng dư cán cân thương mại vãng lãi, đây là điều kiện kinh tế quan trọng giúp Việt Nam tăng trưởng vốn rẻ rồi dần chuyển sang tăng trưởng theo chiều sâu.

2020: Năm bản lề của nền kinh tế Việt Nam

Dự báo tương lai của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2020
Đánh giá về các lĩnh vực của nền kinh tế, các chuyên gia đều cho rằng, năm 2020 là năm bản lề của nền kinh tế, xã hội Việt Nam. Đây là mốc thời gian có ý nghĩa lớn với hệ thống ngân hàng và cũng là thời điểm quan trọng của thị trường chứng khoán. Năm nay đánh dấu mốc 2 năm hoạt động theo đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, yêu cầu quy mô thị trường chứng khoán phải tăng cả về chất và lượng để trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.

Năm 2020 cũng vô cùng đáng chú ý với ngành ngân hàng khi hệ thống ngân hàng của Việt Nam phải kết thúc giai đoạn tái cơ cấu xử lý nợ xấu. 100% ngân hàng thương mại cổ phần phải hoàn thành thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch chính thức trên thị trường chứng khoán để chuẩn bị vào cuộc đua mới, những mục tiêu xa hơn. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản Việt Nam đang trở thành một trong những thị trường hấp dẫn nhà đầu tư trong nước và quốc tế thông qua một loạt các thương vụ mua bán và sáp nhập. Đối với những lĩnh vực mới, thu hút đầu tư mạnh từ khu vực tư nhân như hàng không, du lịch, năng lượng tái tạo và giáo dục, đào tạo thì năm 2020 là năm bước vào giai đoạn mới, cạnh tranh gay gắt, đòi hỏi những bước đi vững chắc nhưng cũng không kém phần mạo hiểm.

Các chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định, tin tưởng, mặc dù Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức tiềm ần, nhưng nền kinh tế vẫn tiếp tục sáng hơn và tăng trưởng khá trong năm 2020.

Ngân hàng Nhà nước lên tiếng việc Mỹ giám sát đặc biệt chính sách tiền tệ của Việt Nam

Theo báo cáo rà soát cuối kỳ về các đối tác thương mại mới nhất của Bộ Tài chính Hoa Kỳ công bố ngày 14.1, hiện chính quyền ông Trump đang theo dõi hoạt động chính sách tiền tệ của 10 quốc gia gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Ireland, Singapore, Malaysia, Việt Nam và Thụy Sĩ.

Như vậy, Việt Nam tiếp tục có tên trong danh sách các quốc gia cần được giám sát gắt gao nhưng không bị xem là thao túng tiền tệ.

Theo Bộ Tài chính Hoa Kỳ, việc thặng dư thương mại hàng hóa Việt Nam với Mỹ tiếp tục tăng đáng kể - đạt 47 tỷ đô la trong 4 quý tính đến hết tháng 6 năm 2019 là “tín hiệu cảnh báo đối với Washington”. So với cùng kỳ, số dư tài khoản vãng lai của Việt Nam bị thu hẹp dần, còn 1,7% GDP, khi các khoản thanh toán thu nhập ra nước ngoài ngày càng tăng đã bù đắp phần lớn thặng dư thương mại hàng hóa.

Liệu Mỹ có gây khó cho kinh tế Việt Nam 2020?

Đặc biệt, theo chính quyền Tổng thống Donald Trump, Việt Nam thường xuyên can thiệp vào thị trường ngoại hối và theo cả hai hướng nhằm duy trì mối liên kết chặt chẽ với đồng đô la. Chính quyền việt nam đã chỉ đạo các cơ quan chức năng chuyển đến Bộ Tài chính Mỹ những dữ liệu đáng tin cậy rằng các giao dịch mua ròng ngoại hối là 0,8% GDP trong bốn quý cho đến tháng 6.2019. Các giao dịch mua ròng này diễn ra trong bối cảnh dự trữ vẫn nằm dưới các chỉ số bảo đảm tiêu chuẩn và có cơ sở hợp lý để xây dựng lại dự trữ.

“Việt Nam nên giảm bớt sự can thiệp và cho phép các biến động trong tỷ giá hối đoái phản ánh các nguyên tắc kinh tế cơ bản, bao gồm sự đánh giá dần dần tỷ giá hối đoái thực sự hiệu quả. Việt Nam cũng nên tăng tính minh bạch của can thiệp ngoại hối và nắm giữ dự trữ. Còn trên thực tế, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cập nhật khá đều và cụ thể về hoạt động mua vào ngoại tệ, cũng như về thay đổi của quy mô dự trữ ngoại hối”, Bộ Tài chính Hoa Kỳ nêu rõ.

Trước động thái Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào Danh sách giám sát tại Báo cáo tháng 1/2020 về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã lên tiếng phản hồi.

Dự báo Việt Nam vào top nền kinh tế dẫn đầu tăng trưởng thập niên 2020
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dẫn lại quy định của Đạo luật Xúc tiến và tăng cường thương mại năm 2015 của Hoa Kỳ, Bộ Tài chính Hoa Kỳ cần thực hiện phân tích nâng cao về chính sách tỷ giá và kinh tế đối ngoại của các đối tác thương mại lớn thỏa mãn các tiêu chí về thặng dự thương mại song phương với Hoa Kỳ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp ngoại tệ.

Các tiêu chí này đã được lượng hóa cụ thể tại Báo cáo tháng 1/2020 như sau: thứ nhất là thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ USD. Thứ hai, thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP, thứ ba, can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.

Tại Báo cáo công bố hồi tháng 5/2019, lần đầu tiên Việt Nam trở thành một trong 9 quốc gia nằm trong Danh sách giám sát do đáp ứng hai tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ và thặng dư cán cân vãng lai.

Cụ thể, báo cáo tháng 5/2019 cũng nêu một quốc gia vào Danh sách giám sát sẽ tiếp tục được theo dõi trong hai kỳ Báo cáo tiếp theo. Do đó, tại Báo cáo tháng 1/2020, Việt Nam tiếp tục nằm trong Danh sách giám sát dù chỉ đáp ứng một tiêu chí về thặng dư thương mại song phương: Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ 47 tỷ USD; Thặng dư cán cân vãng lai tương đương 1,7% GDP; Can thiệp mua ròng trên thị trường ngoại tệ tương đương 0,8% GDP. Tại Báo cáo này, Bộ Tài chính Hoa Kỳ lập Danh sách giám sát gồm 10 đối tác thương mại lớn, đồng thời kết luận không có đối tác thương mại nào thao túng tiền tệ.

Ngân hàng Nhà nước cũng nắm rõ việc Việt Nam tiếp tục nằm trong Danh sách giám sát, trong thời gian tới, nên Bộ Tài chính Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi các thông tin, số liệu về thương mại, cán cân vãng lai, các chính sách kinh tế vĩ mô, tiền tệ của Việt Nam và có thể sẽ tiếp tục trao đổi, làm việc với các cơ quan hữu quan của Việt Nam nếu cần thiết.

“Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Bộ Tài chính Hoa Kỳ quan tâm trên tinh thần hợp tác, đồng thời tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng”, Ngân hàng Nhà nước khẳng định.
Mỹ điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với Việt Nam?

Ngoài ra, một vấn đề khác cần lưu tâm, gây cản trở trong quan hệ thương mại Việt Nam- Hoa Kỳ cũng như với các đối tác khác chính là phòng vệ thương mại.

Mỹ vẫn nghi ngờ Việt Nam thao túng tiền tệ?

Mới đây, Bộ Công thương cho hay, tính đến hết năm 2019, đã có trên 160 biện pháp phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra và áp dụng đối với hàng hóa của Việt Nam. Đây là điều đáng lo ngại. Bên cạnh đó, dự báo, năm 2019 sẽ có 25 mặt hàng xuất khẩu tiếp tục lọt vào “tầm ngắm” bị điều tra phòng vệ thương mại, từ cấp độ 1 - 4. Điều đáng nói chính là, ở thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn là quốc gia điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (31 vụ việc), tiếp đến là Thổ Nhĩ Kỳ (21), Ấn Độ (21) và EU (14). Về đối tượng hàng hóa bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, có tới 9/16 vụ là sản phẩm thép, chiếm 60%.

“Việc Mỹ áp thuế chống lẩn tránh thuế đối với các sản phẩm có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu chân chính của Việt Nam, cả về lợi nhuận lẫn uy tín khi đang phải chịu sức ép cạnh tranh hàng nhập khẩu từ các nước, đặc biệt trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết”, đại diện Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công thương cho biết.

Để thoát tầm ngắm của Mỹ và một số nước, tránh để hàng hóa Việt Nam gặp khó trên thị trường thế giới, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục phòng vệ Thương mại nhấn mạnh, cho biết thêm, trong thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục tập trung phối hợp với các đơn vị liên quan để cảnh báo, nắm bắt thông tin thị trường nước ngoài về các biện pháp bảo hộ, đặc biệt là biện pháp phòng vệ thương mại mà nước ngoài có thể điều tra để áp dụng với hàng hóa của Việt Nam.

Đồng thời, phối hợp với nhiều đơn vị thực hiện đề án về các biện pháp khẩn cấp, cấp bách nhằm ngăn chặn hiện tượng gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh phòng vệ thương mại. Không đi lại “vết xe đổ”, tránh lặp lại bài học của Trung Quốc là điều mọi quốc gia nên cân nhắc, Chính phủ Việt Nam có lẽ sẽ cần hành động mạnh mẽ hơn nữa để không phải đối mặt với những vấn đề rắc rối không mong muốn từ phía Mỹ.

Thảo luận