Đặc biệt, hôm nay cả nước có thêm nhiều bệnh nhân mắc SARS-CoV-2 được điều trị khỏi, trong đó có nhiều trường hợp liên quan đến ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai và cả ca bệnh phức tạp số 251 ở Hà Nam.
Trong cuộc họp sáng nay, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung tiết lộ thông tin cho biết, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an đã làm việc và triệu tập một số cán bộ của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội để làm rõ vụ việc mua sắm máy xét nghiệm, trong đó có cả nội dung liên quan nhiều tỉnh thành khác.
Bày tỏ lòng biết ơn sự hào phóng, rộng lượng của Chính phủ và người dân Việt Nam, Thượng nghĩ sĩ Mỹ Tom Cotton một lần nữa gửi lời cảm ơn chân thành vì Việt Nam đã trao tặng 250 khẩu trang y tế và khẩu trang vải kháng khuẩn phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 của Hoa Kỳ. Hành động nhỏ, nhưng ý nghĩa lớn.
Việt Nam không ghi nhận ca mắc nCoV mới nhưng cả nước đều có nguy cơ
Bản tin phát lúc 6h sáng của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, đến sáng nay, Việt Nam không ghi nhận thêm trường hợp mắc coronavirus mới, số ca nhiễm vẫn là 268. Dự kiến hôm nay sẽ có nhiều bệnh nhân được công bố khỏi bệnh/xuất viện.
Theo Bộ Y tế, 160/268 ca nhiễm nCoV là người từ nước ngoài (59,7%) và có 108 trường hợp lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng (40,3%).
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 73.758, trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện 369 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác là 11.628 người và cách ly tại nhà, nơi lưu trú hơn 61.700 trường hợp.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu Ban Điều trị, đối với các bệnh nhân nặng, đã có nhiều dấu hiệu lạc quan.
Cụ thể, bệnh nhân số 20 (64 tuổi, bác ruột của bệnh nhân số 17), có đáp ứng tốt, gọi hỏi giao tiếp được, nhận biết không gian, thời gian, bản thân tốt, không liệt khu trú, không có phù trên lâm sàng, bệnh nhân không sốt trong ngày 16/4.
Bệnh nhân số 161 (88 tuổi) thở máy qua nội khí quản, thông khí 2 bên rõ, tiếp tục cho bệnh nhân tập thở, cơ lực còn yếu, huyết áp 110/60mmHg, gọi hỏi bệnh nhân có giao tiếp chậm, liệt nửa người trái, bệnh nhân còn sốt cơn dao động trong ngày. Bilan viêm trong ngày có xu hướng giảm nhẹ, men gan xu hướng giảm.
Ca bệnh số 91 cũng có những tiến triển khả quan. Phi công người Anh không sốt, thở máy, có nhịp tự thở, không chảy máu mũi miệng, kiểm soát rối loạn đông máu (theo dõi hội chứng HIT) tạm ổn, XQ phổi không tổn thương xấu thêm.
Về cập nhật tình hình bệnh nhân đã bình phục, ngày 16/4, có thêm 6 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện số 2 Quảng Ninh (2 người), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam (3 người) và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình (1 người).
Trong ngày hôm nay 17/4, dự kiến Việt Nam sẽ có thêm nhiều bệnh nhân khỏi bệnh và xuất viện.
Số ca có kết quả xét nghiệm lần đầu âm tính với SARS-CoV-2 là 14 người, trong đó có 19 người đã ít nhất có 2 lần âm tính với coronavirus.
Đồng thời, như tin đã đưa, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 của Việt Nam cũng xác nhận, ỉnh Hà Giang đã thêm vào nhóm tỉnh, thành phố có nguy cơ sau khi tại thôn Pín Tủng, xã Phố Là, huyện Đồng Văn xuất hiện ca bệnh nhiễm nCoV đầu tiên (ca bệnh số 268 mà Bộ Y tế công bố sáng ngày 16/4) là một thiếu nữ 16 tuổi.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khẳng định: Cả nước đều đang có nguy cơ, không có nơi nào được coi là an toàn, ai cũng có nguy cơ mắc bệnh Covid-19.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, các nhóm nguy cơ cao-trung bình-thấp cũng không phải là bất biến, luôn có thể thay đổi.
“Nguy cơ thấp là vì thời điểm này địa phương đó ít có yếu tố dịch bệnh xâm nhập, không phức tạp như Hà Nội và TP HCM nhưng chỉ cần phát hiện một ca bệnh phức tạp thì nguy cơ này có thể thay đổi. Bất kỳ chỗ nào lơ là, chủ quan, dịch bệnh đều có thể xuất hiện”, PGS.TS Trần Đắc Phu lưu ý.
Theo đó, người dân, kể cả ở 35 địa phương nguy cơ thấp không được nghĩ là mình an toàn, không có nguy cơ, không được chủ quan. Đồng thời tiếp tục áp dụng các biện pháp chống dịch như hiện nay: đeo khẩu trang, rửa tay với xà phòng/dung dịch sát khuẩn thường xuyên, tránh tiếp xúc, giao tiếp gần dưới 2m, không tập trung đông người, không đi ra khỏi nhà khi không cần thiết, đặc biệt là người có bệnh nền và người già, thực hiện khai báo y tế đầy đủ.
Việt Nam điều trị khỏi thêm cho nhiều bệnh nhân mắc coronavirus
Các bệnh nhân được công bố khỏi bệnh/xuất viện hôm nay ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là: bệnh nhân số 108; số 128; số 133; số 139; số 169; số 172; số 173; số 174; số 183; số 191; số 213; số 217; số 219; số 221; số 223; số 242, số 251.
Cụ thể, bệnh nhân số 108 là thanh niên 19 tuổi ở Cầu Giấy Hà Nội. Bệnh nhân vào viện ngày: 21/03/2020. Đã có 2 lần xét nghiệm âm tính. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh, không sốt, không ho, không khó thở, toàn trạng ổn định.
Ca bệnh số 128, 20 tuổi, nam, ở Lê Chân, Hải Phòng. Bệnh nhân nhập viện hôm 24 tháng 3, đã âm tính với SARS-CoV-2 ba lần, hiện tại người bệnh tỉnh, không sốt, không khó thở, dấu hiệu sinh tồn ổn định, tim đều, phổi không rale, đủ điều kiện xuất viện.
Ca mắc Covid-19 số 133 hôm nay được công bố khỏi bệnh là một phụ nữ 65 tuổi ở Lai Châu. Bệnh nhân nhập viện hôm 25/3, đã có 2 lần xét nghiệm âm tính. Bệnh nhân tỉnh, hết sốt 16 ngày, không ho, không khó thở, toàn trạng ổn định.
Bệnh nhân nhiễm nCoV số 169 hôm nay xuất viện là một phụ nữ 47 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội. Đây là nhân viên căn-tin Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân nhập viện ngày 28/3, được xét nghiệm hai lần đều âm tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân tỉnh táo, không sốt, không ho, không khó thở, toàn trạng ổn định.
Ca bệnh số 172 được công bố xuất viện là phụ nữ 35 tuổi ở Quốc Oai, Hà Nội. Ngày nhập viện là 25/3. Đã hai lần âm tính với nCoV. Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân tỉnh hết sốt 12 ngày, không ho, không khó thở, toàn trạng ổn định.
Bệnh nhân số 173, 43 tuổi, người phụ nữ ở Phúc Yên, Vĩnh Phúc vào viện hôm 27 tháng 3. Đã hai lần xét nghiệm âm tính. Hiện bệnh nhân tỉnh táo, sức khỏe tốt, không ho, không khó thở.
Trường hợp mắc coronavirus số 174 hôm nay được xuất viện là một phụ nữ 57 tuổi ở Phú Lương, Thái Nguyên. Đây là nhân viên căn-tin Bệnh viện Bạch Mai. Ngày nhập viện là 28/3. Đã xét nghiệm âm tính hai lần. Hiện, bệnh nhân tỉnh, không sốt, không ho, không khó thở, toàn trạng ổn định.
Ca bệnh số 183 là một phụ nữ 43 tuổi ở Cầu Giấy, Hà Nội. Người này nhập viện hôm 29/3, đã ba lần có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân hiện tỉnh táo, tiếp xúc tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định. Tim đều, phổi không rale. Bụng mềm, không chướng.
Trường hợp số 191 là người phụ nữ 36 tuổi ở Hưng Hà, Thái Bình. Nhân viên căn-tin Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân vào viện hôm 30/3, đã 3 lần xét nghiệm âm tính. Bệnh nhân hiện tỉnh, không sốt, không ho, không khó thở, toàn trạng ổn định.
Bệnh nhân số 213 là nữ, 40 tuổi, nữ, ở Thanh Oai, Hà Nội. Bệnh nhân vào viện ngày 30/03. Đã 3 lần xét nghiệm đều âm tính. Hiện tại, người bệnh tỉnh, không sốt, không ho, không khó thở, toàn trạng ổn định.
Bệnh nhân số 217 là nữ, quê ở Nam Đàn Nghệ An. Bệnh nhân vào viện hôm 1 tháng 4, có hai lần xét nghiệm âm tính. Hiện bệnh nhân ổn định, tỉnh táo, không sốt, không ho, không khó thở.
Ca bệnh số 219 là người phụ nữ 59 tuổi ở Văn Lâm, Hưng Yên. Bệnh nhân vào viện hôm 25/3, đã hai lần âm tính với coronavirus. Bệnh nhân hiện có sức khỏe ổn định, tỉnh táo, không sốt, không ho, không khó thở.
Bệnh nhân mắc Covid-19 số 221 được ra viện hôm nay là cô gái 24 tuổi ở Hoàn Kiếm, Hà Nội. Bệnh nhân vào viện hôm 29 tháng ba. Đã 2 lần xét nghiệm âm tính. Hiện bệnh nhân tỉnh táo, 9 ngày liền không sốt, không ho, không khó thở, sức khỏe ổn định.
Bệnh nhân số 223 là nữ, 29 tuổi, nữ, ở Hải Hậu, Nam Định. Bệnh nhân vào viện hôm 26/3, đã ba lần xét nghiệm âm tính với nCoV. Bệnh nhân hết sốt 13 ngày, không ho, không khó thở, tỉnh táo, ổn định.
Ca nhiễm Covid-19 số 242 hôm nay được công bố khỏi bệnh là một phụ nữ 34 tuổi ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Bệnh nhân vào viện hôm 6/4, đã hai lần xét nghiệm âm tính. Hiện, các bác sĩ cho biết, bệnh nhân tỉnh táo, hết sốt 9 ngày, không ho, không khó thở, toàn trạng ổn định.
Bệnh nhân số 251 là người đàn ông 64 tuổi ở Bình Lục, Hà Nam. Bệnh nhân nhập viện hôm 9/4, hiện đã 3 lần xét nghiệm âm tính. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc được, không sốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định, tim đều, phổi không rale, đủ điều kiện xuất viện. Đáng chú ý, đây là trường hợp bệnh nhân có tiền sử bệnh nền phức tạp với nhiều bệnh như viêm gan, sơ gan, gout, đặc biệt là có bị viêm phổi. Đồng thời, đây cũng là trường hợp chưa xác định được nguồn lây nhiễm SARS-CoV-2.
Sáng nay 17/4, ở Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi Trà Vinh (Bệnh viện Dã chiến số 1) có ba bệnh nhân được công bố khỏi bệnh/ xuất viện.
Đó là những bệnh nhân số 105 (nữ, 35 tuổi), bệnh nhân số 106 (nữ, 20 tuổi) và bệnh nhân số 144 là nam, 22 tuổi.
Cả 3 bệnh nhân này đều có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 qua 3 lần xét nghiệm liên tiếp, hiện tại sức khỏe ổn định, không ho, không sốt, không khó thở, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh.
Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan – Ninh Bình cũng đã công bố thêm một trường hợp khỏi bệnh. Đó là bệnh nhân 229 – một phụ nữ 30 tuổi. Nữ bệnh nhân này nhập viện ngày 2/4. Trong quá trình điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân được xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính với coronavirus. Lần thứ nhất vào ngày 10/4/2020, lần 2 vào ngày 12/4/2020 và lần 3 vào ngày 14/4/2020.
Bộ Công an triệu tập nhiều cán bộ Y tế Hà Nội điều tra việc mua sắm thiết bị y tế
Theo đó, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an đã làm việc và triệu tập một số cán bộ của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội để làm rõ vụ việc mua sắm máy xét nghiệm, vấn đề này cũng có liên quan đến một số tỉnh, thành khác.
Ngoài ra, thành phố Hà Nội cũng yêu cầu thanh tra thành phố vào cuộc từ sớm.
“Tất cả các trường hợp sai phạm phải xử lý nghiêm, không bao che”, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Thông tin thêm về sự việc này, ông Nguyễn Đức Chung khẳng định, ngay từ những ngày đầu chống dịch Covid -19, Thành ủy, đồng chí Bí thư Thành ủy và UBND TP. Hà Nội đã nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu các đơn vị phải công khai, minh bạch, thực hiện đúng các quy định trong mua sắm vật tư phòng dịch.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, suốt thời gian qua, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 đã làm rất sát sao mọi công tác. Đồng thời, Sở Y tế được giao toàn quyền mua sắm vật tư phòng dịch. Thành phố đã chỉ đạo lực lượng Công an, Sở Công Thương thường xuyên kiểm tra, xử lý những đơn vị cung cấp trang thiết bị tăng giá.
Thế nhưng, nhiều dấu hiệu tăng giá vẫn diễn ra, đồng thời không loại trừ khả năng có sai sót của các đơn vị mua sắm, của CDC Hà Nội.
“Quan điểm của Thường trực Thành ủy, Bí thư Thành ủy và Ban Chỉ đạo phòng dịch Covid -19 thành phố là các trường hợp vi phạm phải được điều tra xử lý và xử lý nghiêm, không nương nhẹ với trường hợp nào. Nếu vi phạm phải xử lý để làm gương. Trong dịch bệnh mà có các trường hợp này sẽ là những tình tiết tăng nặng”, Chủ tịch Hà Nội nêu rõ.
Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu Sở Y tế phải có văn bản báo cáo vấn đề này.
Hà Nội yêu cầu thống kê toàn bộ trang thiết bị y tế đã mua giai đoạn 1 và kho dự trữ
Về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết đến nay, Hà Nội có tổng số 112 ca mắc Covid-19 (60 trường hợp đã ra viện, 62 trường hợp đang điều trị). Đồng thời, số liệu này cũng giảm 2 ca so với báo cáo trước do có 2 ca được phát hiện tại các khu cách ly tập trung tỉnh Đồng Tháp và Thanh Hóa nên Bộ Y tế đã điều chỉnh số liệu). Trong số 74 ca mắc tại cộng đồng có 13 trường hợp liên quan đến ổ dịch tại thôn Hạ Lôi, Mê Linh.
Về công tác xét nghiệm, đến nay đã xét nghiệm được 70.817 mẫu, trong đó có hơn 13.000 mẫu test nhanh, hơn 57.000 mẫu xét nghiệm PT-PCR. Thời điểm này còn 258 trường hợp đang thực hiện cách ly.
Về trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch bệnh, thành phố có 8 máy xét nghiệm RT-PCR; 30.000 test nhanh, hiện đã sử dụng hơn 13.000 test. Sở Y tế đã thực hiện mua bổ sung 145 máy thở; tổ chức rà soát công tác cung ứng thuốc, các trang thiết bị y tế, phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho hay, một trong những nguyên nhân tạo kết quả chống dịch tốt là do thực hiện tốt công tác xét nghiệm.
Nhắc lại, công tác xét nghiệm là tối quan trọng, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đồng ý tổ chức xét nghiệm tất cả người dân còn lại ở thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, Thường Tín).
“Ngay ngày mai, các đơn vị cần tổ chức xét nghiệm tại các chợ đầu mối như Long Biên, chợ hoa quả Hoàng Mai, chợ hải sản, chợ gia cầm Hà Vĩ Thường Tín”, ông Chung nói.
“Kết quả xét nghiệm với các người dân thường xuyên đi lại, giao thương với các tỉnh thành này sẽ là một nguồn dữ liệu đánh giá tốc độ lây nhiễm trên địa bàn thành phố”, Chủ tịch Chung nêu.
Chủ tịch Hà Nội đồng thời cũng giao Sở Y tế phải tập huấn cho y tá, bác sĩ nâng cao năng lực xét nghiệm để lấy được khoảng 5.000 – 6.000 mẫu tại chỗ mỗi ngày cũng như nâng cao hiểu biết về Covid -19, xác định ứng phó lâu dài với dịch bệnh này, nắm chắc các phác đồ điều trị.
Đặc biệt, lãnh đạo UBND TP.Hà Nội yêu cầu CDC Hà Nội, các bệnh viện, địa phương phải báo cáo thống kê về trang thiết bị y tế đã mua trong giai đoạn 1 và có kho cất trữ.
“Các bệnh viện, trung tâm y tế quận huyện tuyệt đối không được dùng các trang thiết bị y tế này để khám chữa bệnh thông thường, chỉ dùng cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Chúng ta phải dự trữ cho chiến lược lâu dài”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết.
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Bộ Tư lệnh Thủ đô cho biết, đến nay, còn Trung tâm Giáo dục quốc phòng tại Đại học Quốc gia, Đại học FPT còn có người cách ly, tại các địa điểm khác đã hết công dân. Tổng cộng đã vận chuyển được 15.331 công dân, đồng thời, đang tiến hành vận chuyển công dân từ thôn Hạ Lôi và Bệnh viện Bắc Thăng Long về các khu cách ly tập trung.
Trong thời gian tới, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục tuyên truyền để người dân tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 16 của Thủ tướng, công tác phòng dịch và những công việc bắt buộc phải làm.
“Kể cả khi hết cách ly thì người dân vẫn phải đeo khẩu trang, phải trở thành một thói quen và việc làm bắt buộc trong thời gian dài”, ông Chung lưu ý.
Bên cạnh đó, tăng các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán bằng thẻ, hạn chế các hoạt động tụ tập đông người. Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cũng khuyên mọi người không nên bắt tay nhau, rửa tay và thường xuyên vệ sinh cửa ra vào ở tất cả mọi nơi. Đáng chú ý, phải hạn chế chia sẻ đồ ăn.
Theo ông Nguyễn Đức Chung sau dịch Covid-19, có thể “tất cả các lý thuyết về kinh tế đều đảo lộn”, thay đổi, vì vậy các đơn vị phải thực hiện nhiều biện pháp phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Sở Giáo dục và Đào Tạo thành phố Hà Nội cũng được giao nhiệm vụ nghiên cứu mở rộng học trực tuyến, làm việc với Bộ để công nhận kết quả bằng hình thức học trực tuyến. Đồng thời, có phương án kỹ càng cho học sinh quay trở lại trường học, tổ chức tốt các kỳ thì theo hướng giảm môn thi, giảm số lượng bài thi nhưng vẫn đảm bảo chất lượng thi.
Thượng Nghị sĩ Mỹ: Mãi biết ơn sự hỗ trợ từ những người bạn ở Việt Nam
Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ Tom Cotton đã gửi lời cảm ơn đến những người bạn ở Việt Nam đã hỗ trợ 250.000 khẩu trang y tế cho Mỹ phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Hôm 16/4, trên trang cá nhân của mình, Thượng Nghị sĩ Đảng Cộng hòa bang Arkansas đã đăng tải dòng trạng thái bày tỏ lòng biết ơn hành động ý nghĩa của Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã chung tay giúp đỡ Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19.
“Chúng tôi mãi biết ơn sự giúp đỡ, hỗ trợ từ những người bạn ở Việt Nam. Cảm ơn các bạn!” Thượng nghị sĩ Tom Cotton bày tỏ.
Phía dưới bài viết của ông là đường dẫn bài viết của hãng Bloomberg đề cập việc Việt Nam tặng 250.000 khẩu trang y tế cho Mỹ.
Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên thượng nghị sĩ Tom Cotton gửi lời cảm ơn tới Việt Nam. Ngày 9 tháng 4, ông đã viết trên Twitter cùng ngày Tổng thống Trump gửi lời cảm ơn việc 450.000 bộ đồ bảo hộ y tế được chuyển từ Việt Nam tới Texas, Mỹ thông qua FedEx.
“Vô cùng biết ơn người dân Việt Nam cùng với sự hào phóng, rộng lượng của họ trong thời gian này. Cảm ơn các bạn!”, Thượng nghị sĩ Tom Cotton chia sẻ.
Trước đó, chiều ngày 16 tháng 4, tại Trụ sở Văn phòng Chính phủ đã diễn ra lễ trao tặng vật tư y tế của Chính phủ và nhân dân Việt Nam cho đại diện các nước Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã hỗ trợ Chính phủ, nhân dân Hoa Kỳ 200.000 khẩu trang vải kháng khuẩn sản xuất tại Việt Nam để phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Ngoài ra, nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ cũng trao tặng 50.000 khẩu trang y tế cho cho Văn phòng Nhà Trắng.
Phát biểu khi tiến hành trao tặng vật tư y tế hỗ trợ Chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh đến những tác động tiêu cực do dịch bệnh gây ra trên khắp thế giới, trong đó có Hoa Kỳ.
Suốt thời gian qua, Việt Nam và Hoa Kỳ cũng đã có các bước triển khai hiệu quả trong hợp tác phòng chống Covid-19 trên cả bình diện song phương, đa phương thời gian qua và trong các lĩnh vực hợp tác cụ thể như hỗ trợ lẫn nhau về trang thiết bị y tế và chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh, bảo hộ công dân. Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, chung tay cùng Hoa Kỳ trong nỗ lực chung nhằm sớm đẩy dịch bệnh và giảm thiểu những tác động tiêu cực do dịch Covid-19 gây nên.
Thay mặt Chính phủ Hoa Kỳ, nhân dân Mỹ và Tổng thống Donald Trump, Đại sứ Daniel J. Kritenbrink gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì sự giúp đỡ quý báu dành cho Chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ.
Đại sứ Mỹ đánh giá cao công tác ứng phó với dịch bệnh của Việt Nam trong thời gian qua đồng thời nhấn mạnh, món quà là sự động viên tinh thần to lớn và là thông điệp về tình đoàn kết và tương trợ lẫn nhau mà Việt Nam dành cho Hoa Kỳ.