Độ tuổi nhiễm coronavirus trung bình của Việt Nam là 33, không chỉ người già mới có nguy ngơ nhiễm SARS-CoV-2. Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa có văn bản hỏa tốc yêu cầu tạm dừng xuất khẩu thuốc phòng, chống Covid-19 từ ngày 16/4/2020.
Ngay trong sáng 16/4, UBND tỉnh Hà Giang đã tiến hành lập 6 chốt phong tỏa 24/24h lối vào thôn Pín Tủng, nơi giáp ranh biên giới Trung Quốc vừa ghi nhận ca nhiễm nCoV số 268. Sở Y tế Hà Giang cũng ngay lập tức cử đội phản ứng nhanh tuyến tỉnh và cử đoàn công tác lên chỉ đạo, kiểm tra, hỗ trợ huyện Đồng Văn trong công tác chống dịch.
Đồng thời, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Quân đội nhân dân Việt Nam cũng phối hợp với các địa phương tổ chức bàn giao vật tư, trang thiết bị y tế hỗ trợ một số đơn vị, địa phương của Lào và Campuchia phòng chống dịch Covid-19.
Ca nhiễm Covid-19 số 268 là cô gái ở Đồng Văn, Hà Giang
Theo bản tin lúc 6h sáng của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19, Việt Nam ghi nhận thêm một ca mắc coronavirus mới- bệnh nhân số 268. Đây là cô gái 16 tuổi, người dân tộc Mông, sống ở thôn hẻo lánh thuộc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang gần biên giới với Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên Hà Giang có người nhiễm SARS-CoV-2.
Theo thông báo của Bộ Y tế, gia đình có 3 anh trai đều làm việc tự do bên Trung Quốc. Ngày 7 tháng 4, cô bị sốt, ho, khó thở và được cách ly tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn.
Bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện tại bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Như vậy, tính đến sáng nay, Việt Nam đã ghi nhận tổng 268 ca mắc coronavirus, trong đó 171 bệnh nhân đã khỏi bệnh/xuất viện, 97 người hiện đang được điều trị.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam chiều qua cho hay, kể từ thời điểm 1 tháng 4 đến 14 tháng 4, cả nước ghi nhận thêm 59 trường hợp mắc mới nCov (tức chỉ bằng 40% so với 2 tuần trước đó), trong đó có 30 trường hợp tại khu cách ly và 29 trường hợp tại cộng đồng.
Trong suốt 14 ngày vừa qua kể từ khi thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện cách ly xã hội, 3 ngày đầu tiên (từ ngày 1 đến 3/4) ghi nhận 30 trường hợp mắc mới, sau đó chỉ ghi nhận số mắc mới trong khoảng từ 1-5 trường hợp mỗi ngày, số lây nhiễm giảm đi rõ rệt, chứng tỏ hiệu quả của các biện pháp cách ly toàn xã hội.
Về tình hình điều trị, Tiểu Ban Điều trị cho biết, Việt Nam hiện có 3 bệnh nhân nặng đang thở máy và lọc máu là các bệnh nhân số 20, bệnh nhân số 161, và phi công người Anh – ca mắc nCov số 91.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân 20 (64 tuổi, bác ruột của bệnh nhân số 17) đã có tiến triển, dừng được vận mạch, Glassgow 14 điểm. Bệnh nhân 91 (viện phi công người Anh) điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM không còn sốt, thở máy, theo dõi rối loạn đông máu - Hội chứng HIT.
Hiện có 33 bệnh nhân đã có xét nghiệm âm tính với coronavirus, trong đó số ca lần đầu âm tính là 23 trường hợp và có 10 người ít nhất đã hai lần âm tính với SARS-CoV-2.
Đáng chú ý, liên quan đến ổ dịch Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội, cơ quan chức năng đã lấy 11.847 mẫu bệnh phẩm, tính đến ngày 16/4 đã thực hiện xét nghiệm 9.913 mẫu (trong đó có 9.908 mẫu âm tính). Hiện đã ghi nhận 13 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Phi công người Anh tiến triển lạc quan, có thể sẽ được cai ECMO
Theo báo cáo nhanh của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, diễn biến lâm sàng của ca nhiễm virus corona chủng mới thứ 91 vào sáng ngày 16/04 tiếp tục có tín hiệu lạc quan.
“Bệnh nhân có dấu hiệu nhận biết xung quanh mặc dù đang còn duy trì thuốc an thần, đồng tử phản xạ ánh sáng tốt, không sốt, mạch 77 lần/phút, huyết áp 110/63 mmHg (đã ngưng sử dụng thuốc vận mạch), SpO2 98%, xét nghiệm đông máu tạm ổn, không còn tình trạng chảy máu mũi”, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết.
Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm của phi công người Anh cho thấy dịch rửa phế quản đã âm tính, dịch mũi họng còn dương tính với SARS-CoV-2.
Hiện bệnh nhân số 91 vẫn tiếp tục được hồi sức tích cực với máy thở, lọc máy hấp thụ kháng thể, ECMO, kháng sinh và kháng nấm.
Dự kiến, trong thời gian tới, các chuyên gia hồi sức sẽ hội chẩn và chuẩn bị cho bệnh nhân cai ECMO.
Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM, hiện nay trên địa bàn thành phố chỉ còn 8 ca nhiễm coronavirus đang được cách ly điều trị tại các bệnh viện. Trong đó, bệnh nhân 91, rất nặng, đang được chăm sóc tích cực tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
7 người còn lại đều trong tình trạng ổn định, trong đó, có 6 trường hợp đang được điều trị ở Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, một người ở Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ.
Tại khu cách ly tập trung của TP.HCM chỉ còn 69 trường hợp. Tổng số trường hợp được cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung của quận, huyện tính đến chiều ngày 15/4/2020 là 1.734 trường hợp, trong đó 1.714 trường hợp hết thời gian theo dõi 14 ngày và không có triệu chứng, trong ngày 15/4/2020 hiện đang còn theo dõi 20 trường hợp.
Đồng thời, tổng số người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú tính đến ngày 15/4/2020 là 8.941 trường hợp, trong đó 8.781 trường hợp đã hết thời gian theo dõi 14 ngày, trong ngày 15/4/2020 hiện còn đang theo dõi 160 trường hợp.
Độ tuổi nhiễm virus corona trung bình ở Việt Nam là 33
Qua thống kê hơn 200 ca nhiễm coronavirus tại Việt Nam cho thấy, độ tuổi mắc bệnh Covid-19 trung bình ở Việt Nam là 33. Ở người cao tuổi có các bệnh mạn tính kèm theo thì nguy cơ tử vong cao hơn, còn bệnh có thể xảy ra ở mọi đối tượng.
Về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Gia Bình - Tổ trưởng Tổ Hội chẩn chuyên môn chăm sóc, điều trị ca bệnh Covid-19 diễn biến nặng, nguy kịch của Bộ Y tế, đồng thời cũng là Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam cho biết, với các bệnh truyền nhiễm như Covid-19 có nghĩa là có nguồn lây, điều quan trọng là chúng ta cần có biện pháp phòng chống để không bị lây chứ không phải người trẻ sẽ không lây bệnh như mọi người lầm tưởng.
“Thực tế trên thế giới đã có những vận động viên, hoặc võ sư vốn trẻ tuổi, có sức khỏe tốt nhưng vẫn mắc bệnh”, GS.TS Nguyễn Gia Bình lấy ví dụ để người dân hiểu và tránh lầm tưởng.
Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam cũng nhấn mạnh, để phòng ngừa lây nhiễm bệnh, người dân nên thực hiện theo các khuyến cáo của ngành y tế như đeo khẩu trang, hạn chế tập trung đông người, thường xuyên vệ sinh các bề mặt, rửa tay thường xuyên…
“Chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua được đại dịch Covid-19, giảm bớt đến mức tối đa tác hại của dịch bệnh gây ra về người”, GS. Nguyễn Gia Bình khẳng định.
Việt Nam tạm dừng xuất khẩu thuốc phòng, chống Covid-19
“Để đảm bảo nguồn cung, có dự trữ thuốc phòng, chữa bệnh cho nhân dân, Cục Quản lý Dược yêu cầu các đơn vị sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc tạm dừng việc xuất khuẩt thuốc theo Danh mục thuốc sử dụng trong điều trị Covid-19 (ban hành kèm theo công văn này) từ ngày 16/4/2020 đến khi có thông báo mới của Cục Quản lý Dược”, văn bản của Cục nhấn mạnh.
Được biết, văn bản này được ban hành thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu trong Chỉ thị số 15 – yêu cầu “các Bộ, ngành, địa phương chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc men, vật tư y tế và các phương án phòng, chống dịch bệnh, kể cả việc huy động cơ sở vật chất của các tổ chức, doanh nghiệp, đảm bảo sẵn sàng ứng phó dịch bệnh trên diện rộng” và văn bản số 153 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực chính phủ về phòng, chống Covid-19 trong đó giao Bộ Y tế: “Trước mắt, tạm dừng xuất khẩu các loại thuốc sử dụng trong điều trị Covid-19”.
Theo Bộ Y tế và Cục Quản lý Dược, danh mục thuốc sử dụng trong điều trị Covid-19 được xây dựng trên cơ sở Quyết định số 941 ngày 17/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Danh mục trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao và thuốc thiết yếu của 1 khu vực điều trị cách ly người bệnh Covid-19 và Quyết định số 1344 ngày 25/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành chẩn đoán và điều trị viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 (Covid-19).
Hà Giang họp khẩn, phong tỏa thôn giáp biên giới Trung Quốc có bệnh nhân nhiễm Covid-19
Sáng nay 16/4, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh Hà Giang tiến hành họp trực tuyến với các sở, ban, ngành nhằm thống nhất phương án phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh sau khi ghi nhận ca mắc coronavirus đầu tiên.
Cụ thể, ngay sau khi nhận kết quả của Viện Vệ sinh dịch tế Trung ương về một trường hợp trên địa bàn tỉnh dương tính Covid-19, bệnh nhân thứ 268 trong cả nước vào tối qua, sáng ngày 16/4, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Hà Giang đã tổ chức cuộc họp trực tuyến để tìm những biện pháp kịp thời khoanh vùng và dập dịch.
Bệnh nhân số 268 được Bộ Y tế công bố sáng nay là Giàng Thị Chở (sinh năm 2004, người dân tộc Mông, thôn Pín Tủng, xã Phố Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang).
Bệnh nhân nhập viện chiều ngày 8/4, được đưa thẳng khu cách ly điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn, trước đó bệnh nhân có khám bệnh tại Phòng khám đa khoa Phó Bảng.
Theo báo cáo của cơ quan y tế và chính quyền tỉnh Hà Giang, cô gái 16 tuổi này tiếp xúc với Sùng Mí Tủa, là người đi làm thuê bên Trung Quốc về và đã hoàn thành cách ly khi về nước trong khoảng thời gian giữa tháng 3 vừa qua. Bệnh nhân cũng khai ít đi lại và giao lưu với những người khác.
CDC Hà Giang đã điều tra được số người tiếp xúc gần là 56 người (F1), 20 nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp gồm 5 người tại Phòng khám đa khoa Phó Bảng, 13 người tại bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn và 2 người thuộc Trung tâm y tế huyện Đồng Văn, đồng thời có 29 người người tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2).
Sáng nay, Sở Y tế Hà Giang đã cử đội phản ứng nhanh tuyến tỉnh và cử đoàn công tác lên chỉ đạo, kiểm tra, hỗ trợ huyện Đồng Văn trong công tác chống dịch.
Ngay trong sáng 16/4, UBND tỉnh Hà Giang đã tiến hành lập 6 chốt phong tỏa 24/24h lối vào thôn Pín Tủng.
Vì thôn Pín Tủng giáp ranh với Trung Quốc, có 2 cột mốc và 3 lối mòn nên UBND tỉnh Hà Giang đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cử các lực lượng làm nòng cốt chốt trực tại đây. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Hà Giang cũng đề nghị cần tiếp tục kiểm soát tốt các khu vực đường mòn, lối mở giáp biên giới, cách ly đối với những người đi làm thuê bên Trung Quốc.
Bên cạnh đó, địa phương nhấn mạnh, trong quá trình cách ly, cơ quan chức năng sẽ cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết cho toàn bộ các hộ dân đồng thời tuyên truyền hướng dẫn người dân tự cách ly tại nhà. Theo rà soát, hiện trong thôn Pín Tủng có 29 hộ, 192 nhân khẩu, 22 người đi lao động tại Trung Quốc trong đó 17 người vẫn chưa về địa phương.
Chính quyền tỉnh Hà Giang cũng yêu cầu dừng các hoạt động khám chữa bệnh và cách ly toàn bộ nhân viên y tế của phòng khám Đa khoa khu vực Phố Bảng– nơi bệnh nhân Giàng Thị Chở khám bệnh đầu tiên, đồng thời tiến hành phun khử khuẩn môi trường, đồng thời phong tỏa khu vực điều trị cách ly của Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn bao gồm cả bệnh nhân và nhân viên y tế tại khu vực cách ly.
Dịch Covid-19: Bộ Tư lệnh Quân khu 5 hỗ trợ Lào, Campuchia thiết bị y tế
Sáng ngày 16 tháng 4, tại cửa khẩu Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 phối hợp với các địa phương tổ chức Lễ Bàn giao vật tư, trang thiết bị y tế hỗ trợ một số đơn vị, địa phương của Lào chống dịch Covid-19.
Ngoài ra, tại các cửa khẩu Bờ Y - tỉnh Kon Tum, Lệ Thanh- tỉnh Gia Lai và Bu Prăng- tỉnh Đắc Nông, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cũng phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự các địa phương trao tặng trang thiết bị y tế hỗ trợ nước 2 nước bạn Lào, Campuchia trong phòng chống dịch Covid-19.
Tại mỗi cửa khẩu, đại diện Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cùng Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh, thành phố tham gia đoàn công tác đã trao quà tặng các đơn vị của 2 nước bạn.
Cụ thể, Bộ Tư lệnh quân khu 5 đã hỗ trợ Lào trang thiết bị y tế trị giá hơn 2,5 tỷ đồng, hỗ trợ nước bạn Campuchia 2,2 tỷ đồng, gồm các trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 (khẩu trang y tế, nhiệt kế hồng ngoại, dung dịch sát khuẩn, găng tay cao su, hóa chất HI-CHLO, máy phun thuốc chống dịch vv…), cùng các loại lương thực, thực phẩm giúp người dân 2 nước Lào, Campuchia vượt qua những khó khăn hiện nay.
Dẫn đầu đoàn công tác Bộ Tư lệnh Quân khu 5, phát biểu với VOV về việc trao tặng vật tư y tế và trang thiết bị phục vụ công tác chống dịch Covid-19 cho hai nước bạn, Thiếu tướng Trương Thiên Tô cho biết, đây là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu với tinh thần giúp bạn là tự giúp mình.
“Bộ Tư lệnh Quân khu 5 xác định đây là việc làm có ý nghĩa góp phần tô thắm thêm truyền thống, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam - Campuchia - Lào và Quân đội của 3 nước trong tình hình hiện nay”, Thiếu tướng Trương Thiên Tô nhấn mạnh.
Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương mua sắm các trang thiết bị, vật tư y tế để phòng chống dịch. Ngoài ra còn có các nhu yếu phẩm để bảo đảm cho đời sống của nhân dân và cán bộ chiến sĩ của 2 nước Lào và Campuchia.