Vợ chồng bệnh nhân người Anh mắc coronavirus bày tỏ biết ơn các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: Chúng tôi sẽ chết nếu không được điều trị ở Việt Nam. Bộ Y tế Việt Nam đã phải đặt mua thuốc hiếm trị đông máu từ nước ngoài để cứu lấy tính mạng phi công người Anh (bệnh nhân số 91) đang trong tình trạng nguy kịch.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng nêu lý do vì sao Việt Nam phải làm sớm và quyết liệt triển khai chế đọ giãn cách xã hội cùng nhiều biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Chuyên gia y tế cũng lên tiếng lý giải vì sao bệnh nhân mắc coronavirus số 22, người Anh, sau đã 3 lần xét nghiệm âm tính, xuất viện, rồi lại dương tính trở lại với SARS-CoV-2.
Việt Nam không có ca mắc Covid-19 mới, mua thuốc hiếm cứu bệnh nhân 91
Bản tin phát lúc 6h sáng của Bộ Y tế thông báo cho biết, Việt Nam không ghi nhận thêm trường hợp mắc Covid-19 mới, trong đó, 160 người từ nước ngoài (60,4%), 105 ca lây nhiễm nCoV trong cộng đồng (30,6%).
Về tình hình điều trị các ca bệnh nặng, Tiểu Ban Điều trị cho biết, bệnh nhân 161 đã mở khí quán theo tư vấn của các chuyên gia đầu ngành khi hội chẩn quốc gia, bệnh nhân 20 (bác ruột nữ bệnh nhân 17) vẫn trong tình trạng nguy kịch nhưng đã tiến triển tốt hơn. Riêng phi công người Anh (bệnh nhân 91) cũng nguy kịch, phim X-quang phổi mới nhất biểu hiện tổn thương nặng, gan hóa nặng hơn. Tuy nhiên, tình trạng rối loạn đông máu của bệnh nhân được điều chỉnh tạm ổn.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết, bệnh nhân số 91 có kết quả xét nghiệm PCR ngày 12/4 dương tính trở lại với SARS-CoV-2 sau một ngày âm tính. Các bác sĩ cho biết vấn đề hiện tại của bệnh nhân chính là tình trạng rối loạn đông máu nặng, tổn thương phổi còn tiến triển xấu, bạch cầu tăng.
“Tình trạng đông máu rất ít đáp ứng với các thuốc hiện có, dù là những thuốc rất tốt. Bộ Y tế đã đặt mua thuốc trị đông máu từ nước ngoài về. Đây là thuốc hiếm, hiện trong nước chưa có”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thông tin về việc cơ quan y tế Việt Nam phải đặt mua thuốc hiếm từ nước ngoài để cứu lấy phi công người Anh đang trong tình trạng nguy kịch.
Đến sáng nay, 14/4, bệnh nhân nằm yên, có dùng thuốc an thần, đồng tử hai bên đều, phản xạ ánh sáng tốt, tiểu khá hơn. Hiện tại bệnh nhân không sốt, đang dùng thuốc vận mạch liều thấp. Kết quả xét nghiệm ngày 13/4 xác định bệnh nhân vẫn dương tính với SARS-CoV2. Bệnh nhân tiếp tục được can thiệp điều trị, chỉnh liều thuốc theo diễn tiến, lọc máu và can thiệp ECMO.
Về tình hình dịch chung, Hạ Lôi vẫn là tâm dịch hiện tại của Hà Nội với 12 ca nhiễm tính đến thời điểm này. Toàn thôn với 11.077 người được cách ly. Giới chức y tế đang tiếp tục điều tra dịch tễ.
Tại Hà Nam có 1 trường hợp mắc Covid-19, hiện không phát hiện bệnh nhân mới, cũng chưa rõ nguồn lây nhiễm. Ổ dịch tại Buddha Bar & Grill, TP.HCM, ghi nhận 18 ca, ngày thứ 12 không phát hiện ca nhiễm mới. Ổ dịch tại bệnh viện Bạch Mai ghi nhận 45 ca, một tuần nay không phát hiện ca mới, bệnh viện đã hết thời gian cách ly từ 0h đêm 12/4.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 75.291, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện: 713, cách ly tập trung tại cơ sở khác: 15.564, cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 59.014.
Thêm nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 được chữa khỏi tại Việt Nam
Bộ Y tế dẫn báo cáo của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, trong ngày 14/4, sẽ có thêm 17 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh Covid-19 tại cơ sở y tế này. Như vậy, Việt Nam đã điều trị khỏi cho 168/265 ca mắc coronavirus (xấp xỉ 63,4%).
Những bệnh nhân đã được điều trị khỏi hôm nay gồm: các bệnh nhân số 24, 50, 87, 109, 114, 115, 175, 177, 186, 189, 190, 199, 208, 214, 220, 232, 239.
Cụ thể, bệnh nhân mắc Covid-19 số 24, 69 tuổi, quốc tịch Anh. Nhập viện hôm 8/3. Đây là 1 trong 5 bệnh nhân đặt ống thở máy tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Bệnh nhân được rút ống nội khí quản ngày 30/3/2020. Xét nghiệm 6 lần âm tính, bệnh nhân đã tỉnh táo, không sốt, thể trạng ổn định.
Bệnh nhân số 50 ở Ba Đình Hà Nội, nhập viện hôm 13/3. Đây là 1 trong 5 bệnh nhân đặt ống thở máy tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Bệnh nhân được rút ống nội khí quản ngày 27/3/2020. 3 lần xét nghiệm âm tính. Bệnh nhân hiện ổn định, tỉnh táo, không sốt, không khó thở.
Bệnh nhân số 87 là nữ, 32 tuổi ở Hai Bà Trưng, Hà Nội. Bệnh nhân vào viện ngày 19/3/2020. Xét nghiệm: 2 lần âm tính. Hiện bệnh nhân tỉnh, không sốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định.
Ca bệnh số 109 là nam, 42 tuổi ở Hoàng Mai, Hà Nội. Bệnh nhân vào viện ngày: 20/3/2020, đã 2 lần xét nghiệm âm tính. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh, dấu hiệu sinh tồn ổn định, nhịp tim đều, phổi thông khí đều.
Bệnh nhân số 114 là nam thanh niên 19 tuổi ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Bệnh nhân vào viện ngày 19/3/2020. Đã có 2 lần xét nghiệm âm tính. Bệnh nhân đủ điều kiện ra việ, sức khỏe tốt, tỉnh táo, không sốt, không ho.
Ca mắc Covid-19 số 115 đã được điều trị khỏi là người phụ nữ 44 tuổi ở thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Nữ bệnh nhân vào viện hôm 20/3, đã có 3 lần xét nghiệm âm tính với nCoV, hiện bệnh nhân tỉnh, không sốt, không nôn, không khó thở, không đau đầu, dấu hiệu sinh tồn ổn định.
Bệnh nhân số 175 là người đàn ông 57 tuổi ở Hoàn Kiếm, Hà Nội. Vào viện ngày 28/3, đã 2 lần xét nghiệm âm tính, tình trạng sức khỏe ổn định, bệnh nhân không sốt, không ho, tỉnh táo.
Ca bệnh số 177 là nữ, 49 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội, là nhân viên bán hàng tại Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân vào viện ngày: 28/03/2020. Xét nghiệm: 2 lần âm tính. Bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, không sốt, không khó thở.
Trường hợp nhiễm coronavirus số 186 được chữa khỏi là người phụ nữ Pháp, 60 tuổi, đồng thời là vợ bệnh nhân số 76. Bệnh nhân vào viện hôm 18/3, đã 2 lần có kết quả xét nghiệm âm tính, hiện nữ bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không ho, không đau ngực, không khó thở, dấu hiệu sinh tồn ổn định.
Bệnh nhân số 189 là người phụ nữ 46 tuổi quê Nông Cống, Thanh Hóa, là nhân viên đổi nước sôi Bệnh viện Bạch Mai (người của Công ty Trường Sinh). Bệnh nhân vào viện hôm 28/3, đã 2 lần âm tính, hiện sức khỏe ổn định, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, không sốt, không khó thở.
Nữ bệnh nhân số 190 , 49 tuổi, ở Đại Từ Thái Nguyên ra viện hôm nay cũng là nhân viên căn-tin Bệnh viện Bạch Mai. Bà vào viện hôm 30/3, hiện đã 2 lần âm tính. Bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không sốt, không ho, dấu hiệu sinh tồn ổn định.
Nữ bệnh nhân số 199, 57 tuổi, ở Quảng Xương, Thanh Hóa. Vào viện ngày: 29/3/2020. Đã có xét nghiệm 2 lần âm tính. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, không sốt, không khó thở.
Ca bệnh số 208 là nữ ở Hạ Hòa, Phú Thọ. Bệnh nhân nhập viện hôm 1/4, đã có hai lần xét nghiệm âm tính. Bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, không sốt, không ho, dấu hiệu sinh tồn ổn định, đủ điều kiện xuất viện.
Bệnh nhân số 214 là nữ, 45 tuổi, đã có 2 lần xét nghiệm âm tính. Đây là nhân viên Công ty Trường Sinh, Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh nhân số 220 là nam, 20 tuổi, ở Khoái Châu, Hưng Yên. Bệnh nhân vào viện ngày 22/3/2020. Xét nghiệm: 3 lần âm tính. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, không sốt, không ho, dấu hiệu sinh tồn ổn định.
Bệnh nhân số 232 là người đàn ông 67 tuổi ở Nha Trang, Khánh Hòa. Ông nhập viện hôm 1/4, đã 3 lần xét nghiệm âm tính. Hiện bệnh nhân tỉnh, không sốt, không ho, không khó thở, dấu hiệu sinh tồn ổn định.
Trường hợp nhiễm nCoV số 239 xuất viện hôm nay là người đàn ông 71 tuổi ở Tam Dương, Vĩnh Phúc. Ông vào viện hôm 3/4, đã 3 lần xét nghiệm âm tính. Bệnh nhân dù đã lớn tuổi nhưng phục hồi tốt. Hiện ông tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không ho, không sốt, không đau ngực và không khó thở, dấu hiệu sinh tồn ổn định.
Ngoài ra, có thêm 5 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi gồm 3 bệnh nhân người nước ngoài và 2 bệnh nhân người Việt Nam.
Cụ thể bệnh nhân số 92 (nam, 21 tuổi, người Việt Nam), bệnh nhân 124 (nam, 51 tuổi, quốc tịch Brazil), bệnh nhân 127 (nam, 23 tuổi, quốc tịch Việt Nam), bệnh nhân số 143 (nữ, 58 tuổi, quốc tịch Nam Phi), bệnh nhân 235 (nam, 25 tuổi, quốc tịch Anh). Bệnh viện Dã chiến Củ Chi cho biết, những bệnh nhân trên đều có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 qua 3 lần xét nghiệm. Hiện tại sức khỏe ổn định, không ho, không sốt, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh.
Các trường hợp trên sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.
Chúng tôi sẽ chết nếu không được điều trị ở Việt Nam
Trước đó, đêm 13/4, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã làm thủ tục xuất viện cho bệnh nhân người Anh Dixong John Garth, 74 tuổi. Ông là bệnh nhân số 28, nhập viện ngày 8/3. Trong thời gian điều trị tại đây, ông Dixong John Garth đã có hai lần cho kết quả xét nghiệm âm tính vào các ngày 8/4 và 10/4. Tình trạng sức khỏe của ông hiện nay ổn định, không sốt.
Ông Dixong cùng vợ cũng là bệnh nhân mắc Covid-19 nằm điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, người đã được công bố khỏi bệnh trước đó, đáp chuyến máy bay về nước vào rạng sáng 14/4 do Chính phủ Anh bố trí dành riêng cho các công dân Anh.
Trước khi ra viện, vợ chồng bệnh nhân người Anh đã chia sẻ những lời tâm huyết, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Việt Nam, các bác sĩ, y tá của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, những người nỗ lực từng phút giây cứu sống ông Dixong, đây cũng là nam bệnh nhân đầu tiên ở Việt Nam phải thở máy khi điều trị coronavirus.
“Tôi rất biết ơn nỗ lực của các y bác sĩ ở đây, họ đều là những người rất phi thường. Thật tuyệt vời, cận kề sinh tử mà chúng tôi vẫn còn sống. Tôi chỉ muốn nói cảm ơn rất nhiều”, bà Shan Coralie Barker, vợ của bệnh nhân số 28 chia sẻ khi chia tay các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, những người đã giành giật lại sự sống cho một bệnh nhân 74 tuổi có tiền sử ung thư máu 10 năm.
“Chúng tôi thực sự hạnh phúc mà không có gì diễn tả được. Trong đợt dịch này có nhiều khoảnh khắc làm tôi không thể cầm nước mắt. Một trong những khoảnh khắc đó là hình ảnh vợ chồng người Anh gặp nhau khi khỏi bệnh Covid-19. Chúng tôi rất vui vì những nỗ lực của chúng tôi đã được đền đáp, người bệnh được khỏi bệnh và đoàn tụ với gia đình”, BS. Đồng Phú Khiêm, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết.
Ông Dixong John Garth và vợ Shan Coralie Barker là hành khách trên chuyến bay VN54 từ Anh đến Việt Nam ngày 2/3 để thăm con trai. Ngày 6/3, bệnh nhân được cách ly, theo dõi tại Quảng Ninh. Ngày 13/3, bệnh nhân xét nghiệm có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 và được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh để điều trị. Bệnh nhân có tiền sử ung thư máu (u lympho) 10 năm.
Bệnh nhân 22 dương tính trở lại là người lành mang trùng?
Liên quan đến nam bệnh nhân người Anh có kết quả xét nghiệm dương tính trở lại với coronavirus sau khi đã xuất viện, theo các chuyên gia y tế, đây có thể là trường hợp người lành mang trùng.
Đây là bệnh nhân nam, quốc tịch Anh (bệnh nhân 22) từng được điều trị COVID-19 tại Đà Nẵng từ 8/3 đến 27/3. Bệnh nhân được xét nghiệm 3 lần âm tính trước khi xuất viện và thực hiện cách ly 14 ngày sau xuất viện tại Đà Nẵng.
Theo chia sẻ của BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM trên Zing cho biết trường hợp bệnh nhân số 22 cho kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm dương tính sau khi khỏi bệnh không được gọi là tái nhiễm, mà có thể là người lành mang trùng.
Theo đó, người bị nhiễm virus khi hết bệnh đa số thành người bình thường, không còn khả năng phát tán virus. Một số nhỏ có thể chuyển sang người lành mang trùng, không triệu chứng nhưng mang virus trong người.
Theo phân tích của BS Khanh, tái nhiễm coronavirus là khi người bệnh xuất hiện trở lại các triệu chứng đau họng, sốt, ho.
“Trường hợp người bệnh được lấy dịch phết họng và tìm thấy virus có nghĩa là họ từ người hết bệnh chuyển qua người lành mang trùng. Trường hợp này trong y văn có ghi nhận, nghĩa là sau khi hết bệnh, họ chưa đẩy hết virus ra ngoài và trở thành người mang trùng. Đây cũng có thể là dấu hiệu cho thấy virus đang thích nghi với chúng ta”, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 thông tin.
Như vậy, “người lành mang trùng” thường không có triệu chứng hoặc đã hết triệu chứng nhưng vẫn còn chứa virus trong mũi, họng. Về mức độ phát tán của virus ra ngoài, chuyên gia này nhận định cần phải có thời gian nghiên cứu thêm nhưng khả năng lây nhiễm cho người khác là có.
“Các triệu chứng càng rõ ràng việc lây nhiễm càng nhiều hơn. Chúng ta phải đề phòng người hết bệnh, đã có kết quả xét nghiệm âm tính. Bởi họ có thể chuyển sang người lành mang trùng”, BS Khanh nhấn mạnh việc phòng ngừa phải chặt chẽ.
Theo vị chuyên gia, sau khi xuất viện, người khỏi bệnh vẫn là phải tuân thủ phòng hộ cá nhân, mang khẩu trang, rửa tay, che giọt bắn và hạn chế tiếp xúc với người khác nhất là người có nguy cơ.
Nhận định về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Trưởng khoa Y tế Công cộng và Điều dưỡng, Đại học Quang Trung, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cũng nhận định có nhiều yếu tố liên quan đến một người đã âm tính với SARS-CoV-2 sau đó lại dương tính.
Theo đó, có thể người đó chưa khỏi bệnh, chưa hết virus hoặc việc lấy mẫu có đạt chuẩn 100% không. Điều đó phụ thuộc vào việc vận chuyển đi lại về nơi xét nghiệm, kỷ luật của từng cá nhân, đặc biệt trong quá trình lấy mẫu.
Chuyên gia Nguyễn Huy Nga cho rằng phải xét nghiệm 3 lần mới có thể khẳng định kết quả. PGS Nga cũng cho biết khả năng người bệnh sau khi được điều trị, 3 lần âm tính lại dương tính là rất ít. Trong trường hợp có xảy ra, tải lượng virus để lây cho người khác cũng rất thấp.
Một nghiên cứu viên Phòng Thí nghiệm Cúm, khoa Virus, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, ThS. Nguyễn Phương Anh cũng cho rằng, hiện những ca mắc coronavirus ở Việt Nam, sau khi được điều trị và xét nghiệm âm tính 2 lần với SARS-CoV-2, sẽ được công nhận khỏi bệnh. Tuy nhiên, trên thế giới, nhiều trường hợp bệnh nhân khỏi bệnh, về nhà, sau đó xét nghiệm lại dương tính.
“Câu hỏi đặt ra là bệnh nhân đó đã hoàn toàn khỏi bệnh hay chưa, virus đã được thải ra ngoài hay sau khi về họ lại lây nhiễm từ cộng đồng. Do đó, chúng tôi phải giám sát những trường hợp này, nhất là trong thời điểm dịch diễn biến phức tạp. Khi bệnh nhân về nhà, chúng tôi vẫn kết hợp với CDC từng khu vực định kỳ lấy mẫu xét nghiệm của bệnh nhân, dù bệnh nhân không có triệu chứng. Mục đích là để khẳng định hoàn toàn địa phương đã chấm dứt dịch và bệnh nhân đó không phải là nguy cơ lây nhiễm sang người khác ở cộng đồng”, ThS. Phương Anh cho biết.
Theo vị chuyên viên của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, sau khi ra viện, bệnh nhân sẽ được lấy mẫu 3 ngày/một lần, sau đó, nếu âm tính thì một tuần/lần.
Còn theo ThS Ứng Thị Hồng Trang, cũng là nghiên cứu viên Phòng Thí nghiệm Cúm, khoa Virus, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, việc quản lý, lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm liên tục những bệnh nhân này ngoài việc đảm bảo kết quả giám sát chính xác, bảo về cho chính người bệnh, cộng đồng, còn phục vụ công tác nghiên cứu.
“Việc này giúp chúng tôi hiểu biết sâu hơn về tác nhân virus này như lưu hành như thế nào trong chính người bệnh đó, diễn biến ra sao, đã thực sự kết thúc hay vẫn tiếp tục tồn tại âm ỉ rồi bùng phát khi có cơ hội. Một số nghiên cứu khoa học trên thế giới đưa ra rằng trong chất thải của bệnh nhân cũng mang mầm bệnh này nên chúng tôi phải thu thập nhiều loại bệnh phẩm để khẳng định hoàn toàn tình trạng âm/dương tính”, ThS. Hồng Trang nhấn mạnh.
Từ trường hợp bệnh nhân thứ 22 này, ngành Y tế TP.HCM theo dõi, lấy mẫu xét nghiệm các bệnh nhân xuất viện sau điều trị Covid-19, thực hiện hồ sơ theo dõi 25 trường hợp, trong đó 5 trường hợp chờ đến ngày lấy mẫu xét nghiệm, 20 trường hợp lấy mẫu xét nghiệm (6 âm tính, 14 đang chờ kết quả). Đồng thời, TP.HCM xác minh, lập danh sách được 50 người tiếp xúc với bệnh nhân thứ 22 này.
Việt Nam chống dịch Covid-19 hiệu quả với chi phí thấp
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, đã có những chia sẻ, phân tích trên Vietnam+/TTXVN, lý giải vì sao Việt Nam lại làm sớm và triển khai quyết liệt các giải pháp để ngăn ngừa dịch bệnh do chủng mới virus corona gây ra.
Theo vị chuyên gia, lợi ích của việc giãn cách xã hội là để ngăn người mang mầm bệnh không tiếp xúc với người không mang bệnh. Ngược lại, người không mắc bệnh hạn chế hoặc không tiếp xúc với người mang bệnh sẽ cắt đứt được việc lây lan nguồn bệnh cho cộng đồng.
PGS.TS Trần Đắc Phu nhận xét, khi dịch xuất hiện lây lan trong cộng đồng, chúng ta sẽ không biết được ai là những người mang mầm bệnh có thể lây lan sang người khác. Vì vậy, cần triển khai giải pháp giãn cách xã hội. Và, khi tiến hành giải pháp này sẽ phải hy sinh nhiều lợi ích khác như hoạt động kinh tế bị dừng, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn.
Theo Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, từ đầu tháng tư, cả nước đã ghi nhận tình hình dịch lây lan trong cộng đồng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định ban hành chế độ giãn cách xã hội.
“Chúng ta không làm muộn hơn vì nếu như vậy thì số ca mắc trong cộng đồng đã tăng cao, khi đó giãn cách xã hội không hiệu quả”, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết.
Thực tế, thời gian qua, nhiều nước vỡ trận vì dịch Covid-19 vừa qua không những thiệt hại rất lớn về sức khoẻ, tính mạng người dân (với hàng chục nghìn người mắc và hàng nghìn người tử vong) mà chi phí cho điều trị, cho dập dịch rất tốn kém.
“Khi đó, thiệt hại về kinh tế rất khôn lường, gấp nhiều lần hơn vì đất nước bị phong toả trong thời gian dài”, vị cố vấn nhấn mạnh.
“Thời gian qua, Việt Nam được quốc tế đánh giá cao vì đã quyết định đúng đắn, quyết liệt và rất sớm. Chúng tôi cho rằng hành động của chúng ta rất kịp thời với chi phí chống dịch hạn chế nhưng rất hiệu quả”, PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định.
Vị chuyên gia cũng cảnh báo một số người còn tư tưởng chủ quan, lơ là chống dịch khi thấy số ca dương tính gần đây thấp, tuy nhiên, nếu cứ duy trì tình trạng này, giãn cách xã hội sẽ là không hiệu quả, mọi nỗ lực của cả hệ thống chính trị sẽ đổ bể.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, ở nhiều nơi, nhiều người có thể hiểu sai việc giãn cách xã hội như việc không thực hiện tốt việc đeo khẩu trang, kê khai y tế và khử khuẩn vệ sinh.
“Các địa địa phương đó cần phải điều chỉnh bởi đây mới là lần đầu và phải làm quyết liệt, triệt để, nghiêm ngặt thì giãn cách xã hội mới đạt hiệu quả cao”, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhấn mạnh.