Vụ án Hồ Duy Hải sẽ được đưa ra Quốc hội Việt Nam?

Liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải, sau quyết định y án tử hình của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao ở phiên giám đốc thẩm xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa khẳng định sẽ nêu ý kiến của cử tri lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét.
Sputnik

Về quyết định không chấp nhận kháng nghị của VKSND Tối cao cũng như y án tử hình đối với Hồ Duy Hải là đúng người, đúng tội, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cũng đã có những lý giải liên quan.

Hồ Duy Hải chính là người bị cáo buộc hai tội Giết người và Cướp tài sản vì gây ra cái chết cho hai cô gái ở Bưu điện Cầu Voi, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An năm 2008.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Sẽ đưa vụ án Hồ Duy Hải lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ngày 8 tháng 5 vừa qua, Hội đồng Thẩm phán (HĐTP) Tòa án Nhân dân Tối cao (TAND Tối cao) xét xử phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải và công bố phán quyết cuối cùng. Theo đó, nhận định những hành vi phạm tội của Hải phù hợp với nhận định của bản án phúc thẩm đã tuyên Hồ Duy Hải tử hình vì hai tội Giết người và Cướp tài sản.

Sau khi bản án giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải được Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân (TAND) cấp cao đưa ra, xuất hiện hàng loạt quan điểm cho rằng, quyết định cuối cùng này không công tâm, không khách quan, chủ tọa phiên tòa giữ cả ba vai tố tụng trong vụ án, các thẩm phán biểu quyết giơ tay thì không độc lập, uy tín của nền tư pháp Việt Nam bị ảnh hưởng…

Tử hình Hồ Duy Hải

Chưa kể, rõ ràng, cơ quan điều tra thiếu sót trong thu thập chứng cứ, kết tội chỉ dựa trên bản lời khai của Hồ Duy Hải, tuy nhiên, Hội đồng Thẩm phán lại thấy điều này không hề làm thay đổi bản chất vụ án nên không cần thiết để điều tra lại hành vi là “không thuyết phục”,

Liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải, phát biểu với TPO tại buổi tiếp xúc cử tri quận Bình Thạnh (TP.HCM), Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trương Trọng Nghĩa cho rằng, vừa qua, cử tri có nêu vấn đề về vụ án Hồ Duy Hải với cá nhân ông.

Ông Nghĩa nói, gánh trên mình trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, vị ĐBQH sẽ nêu ý kiến của cử tri lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét những vấn đề liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải.

“Theo luật định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể có ý kiến với TAND Tối cao hoặc có thể đề xuất Quốc hội giám sát tối cao việc xét xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải. Đây là những vấn đề sẽ do Quốc hội quyết”, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa bày tỏ.

Chia sẻ quan điểm cá nhân về quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, Đại biểu Quốc hội, luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng, kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao là không hề trái quy định pháp luật.

“Nếu cho rằng kháng nghị này trái pháp luật thì trong phần thủ tục, Hội đồng thẩm phán phải giải quyết vấn đề này trước và ra quyết định không chấp nhận kháng nghị. Đồng thời không giải quyết các nội dung trong kháng nghị giám đốc thẩm mà Viện trưởng VKSND Tối cao đã nêu”, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Trương Trọng Nghĩa phân tích, pháp luật không có quy định khi có quyết định bác đơn xin ân giảm tử hình thì chấm dứt các thủ tục tố tụng sau này nếu có.

Bộ Công an: Án tử hình với Hồ Duy Hải là đúng người, đúng tội

Tại khoản 2 Điều 379 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành quy định thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nêu rõ, việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.

Phải nói thêm rằng, trong vụ Hồ Duy Hải, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cho rằng quyết định bác đơn xin ân giảm của Chủ tịch nước đang còn có hiệu lực mà viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm là vi phạm pháp luật tố tụng hình sự, đã gây nhiều tranh cãi trong giới luật học tại Việt Nam.

Trên thực tế, việc gửi đơn xin ân giảm hình phạt tử hình lên Chủ tịch nước là hy vọng cuối cùng để giữ lại mạng sống của người bị kết án tử.

Ngoài ra, theo quy định của Luật Tố Tụng Hình sự năm 2015, không hề quy định trường hợp Chủ tịch nước đã có quyết định bác đơn xin ân giảm thì các cơ quan tố tụng không được phép thực hiện các hành vi tố tụng khác.

Bản thân là một luật sư, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa hiểu rất rõ điều này. Theo ông, đơn xin giảm hình phạt tử hình là quyền của người bị kết án tử hình. Quyền này được trao cho tử tù trong thời điểm bản án tử hình đã có hiệu lực pháp luật. Người bị kết án tử có thể xin hoặc không xin ân giảm.

“Việc Chủ tịch nước quyết định bác hoặc chấp nhận đơn xin ân giảm không tác động đến tính đúng sai của bản án”, vị ĐBQH nhấn mạnh.

Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, quyết định của Chủ tịch nước khác với các quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Chánh án TAND Tối cao hay Viện trưởng VKSND Tối cao. Chẳng hạn khi Chủ tịch nước chấp nhận đơn ân giảm thì không có nghĩa là bản án tử hình là sai, mà chỉ là quyết định có tính chất nhân đạo của Chủ tịch nước ân giảm hình phạt cho tử tù cơ hội sống và hoàn lương, làm lại cuộc đời.

Vì sao không hủy vụ án Hồ Duy Hải?

Cũng trong ngày 12 tháng 5, liên quan đến những ý kiến thắc mắc xung quanh phán quyết của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao trong vụ án Hồ Duy Hải, tại hội nghị giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TAND Tối cao, một trong 17 thành viên Hội đồng Thẩm phán đã có những trả lời dư luận về quyết định y án tử hình đối với Hồ Duy Hải.

Mở đầu phát biểu, ông Nguyễn Trí Tuệ cho hay, trên cơ sở kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao đã tổ chức phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải từ ngày 6 - 8/5 vừa qua.

Vụ Hồ Duy Hải: Bị hiếp dâm mà vẫn còn trinh và loạt mâu thuẫn khó hiểu

Theo ông Tuệ, đây là lần đầu tiên, Hội đồng thẩm phán Tòa tối cao tổ chức phiên tòa công khai có sự tham gia của các cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương và địa phương, từ sơ thẩm đến phúc thẩm và một số cơ quan Trung ương cũng có mặt như Bộ Công an, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, lãnh đạo các cơ quan khác.

Theo Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ, tại phiên tòa này, đại diện VKSND tối cao không cho rằng bị cáo Hồ Duy Hải bị kết án oan mà cần bổ sung làm rõ một số mâu thuẫn trong hồ sơ và các thiếu sót, vi phạm trong quá trình tố tụng, thậm chí còn đề nghị xem xét điều tra thêm hành vi hiếp dâm của bị cáo.

Đồng thời, tại phiên tòa trong ba ngày 6-8/5 vừa qua, Hội đồng Thẩm phán (HĐTP) đã công bố tài liệu, chứng cứ của vụ án, kết quả kiểm tra của Liên ngành tư pháp Trung ương về vụ án này.

Phó Chánh án Tuệ còn cho hay, HĐTP cũng đã “xem xét, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, thận trọng chứng cứ tài liệu có trong hồ sơ vụ án với tinh thần công tâm, cẩn trọng, đảm bảo đúng pháp luật, không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm”.

Đối với câu hỏi về thiếu sót vi phạm tố tụng nhưng không hủy án, Phó Chánh án TAND Tối cao cho biết, nếu có vi phạm nghiêm trọng quá trình tố tụng dẫn tới sai lầm nghiêm trọng thì thực hiện theo kháng nghị, nhưng không có sai lầm nghiêm trọng thì không phải căn cứ để khẳng định.

Do đó, hội đồng xét xử giám đốc thẩm nhận thấy trong quá trình điều tra vụ án Hồ Duy Hải, cơ quan tố tụng có những vi phạm nhưng không làm thay đổi bản chất của vụ án nên không cần thiết phải hủy bản án để điều tra lại.

“Việc chúng tôi không kịp thời thu lại cái thớt, con dao... thì tất cả các cơ quan tố tụng đều ghi nhận là có sai sót. Tuy nhiên, đối chiếu với các lời khai, chứng cứ để củng cố thì hội đồng thấy Hải không oan. Bản chất của vụ án là hành vi phạm tội giết người của Hồ Duy Hải và Hội đồng thẩm phán xác định có sai lầm nhưng không làm ảnh hưởng đến bản chất của vụ án, do vậy không hủy án”, ông Nguyễn Trí Tuệ cho hay.

Bên cạnh đó, dư luận cho rằng ông Nguyễn Hòa Bình - Chánh án TAND Tối cao khi còn giữ chức vụ Viện trưởng VKSND Tối cao có quyết định không kháng nghị thì hiện nay lại ngồi vào vị trí hội đồng thẩm phán là vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, ông Tuệ cho rằng, tố tụng giám đốc thẩm là giai đoạn đặc biệt. Chánh án, viện trưởng có quyền kháng nghị hoặc không kháng nghị nhưng vẫn được tham tham gia HĐXX của Hội đồng thẩm phán, không phải tiến hành tố tụng một lần mà có thể tiến hành tố tụng nhiều lần mà không vi phạm.

Vụ án Hồ Duy Hải sẽ được đưa ra Quốc hội Việt Nam?
“Ví dụ, nếu bây giờ Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu giám sát, xem xét lại vụ án thì cả Hội đồng thẩm phán sẽ cùng ngồi xem xét lại”, ông Nguyễn Trí Tuệ nói.

Ngoài ra, ông Tuệ khẳng định, việc dư luận cho rằng Hội đồng thẩm phán không vô tư, khách quan và không độc lập trong việc giơ tay biểu quyết là không đúng.

“Tôi khẳng định điều này là các thành viên hội đồng thẩm phán hoàn toàn độc lập và không phụ thuộc vào Chánh án TAND Tối cao. Bởi chúng tôi là những thẩm phán do Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm. Bản thân Chánh án TAND Tối cao cũng chỉ là 1 trong 17 thành viên của Hội đồng thẩm phán nên không có gì để chi phối cho các vị thẩm phán khác phải nghe theo và làm theo”, ông Tuệ phân tích tiếp.
“Chúng tôi biểu quyết bằng nhận thức của mình, bằng cái tâm của mình và chịu trách nhiệm với biểu quyết là thành viên của hội đồng thẩm phán. Việc biểu quyết của thành viên Hội đồng thẩm phán là vô tư khách quan và tất cả các vụ án đều thế chứ không riêng gì vụ án Hồ Duy Hải”, Phó Chánh án TAND Tối cao cho hay.

Theo ông Nguyễn Trí Tuệ, luật quy định có oan thì minh oan kể cả đã thi hành án tử hình. Quyết định của Chủ tịch nước là quyết định cuối cùng trong quá trình tố tụng. Sau khi có quyết định của Chủ tịch nước thì các cơ quan tố tụng không được phép thực hiện bất kỳ hành vi nào khác ngoài việc thực hiện thi hành án.

“Đang tồn tại quyết định của Chủ tịch nước thì sao Hội đồng thẩm phán có thể xem xét thay đổi được quyết định đó nếu không có ý kiến khác Chủ tịch nước để thực hiện các biện pháp tố tụng khác”, Phó Chánh án TAND Tối cao nhấn mạnh.

Nhiều thẩm phán bị bôi nhọ, đe dọa sau phán quyết vụ Hồ Duy Hải

Đối với những bình luận tiêu cực về vụ án trên mạng xã hội và báo chí, ông Tuệ cho hay, khi đưa ra phán quyết về một vấn đề gì thì phải nắm chắc được vấn đề cốt lõi và phải chính xác. Còn những người không được nghiên cứu hồ sơ, không được tiếp cận hồ sơ mà chỉ nghe thông tin trên báo chí rồi đối chiếu vào thì sẽ đưa ra những ý kiến không đúng.

Việt Nam xử giám đốc thẩm vụ tử tù Hồ Duy Hải: Chờ phán quyết từ Chánh án Nguyễn Hòa Bình

Sau phán quyết, cũng xuất hiện nhiều phản ứng trái chiều, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, thông tin nói không đúng trên mạng xã hội và báo chí khiến các thành viên HĐTP cảm thấy rất bức xúc.

“Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin bịa đặt về vụ án, kêu gọi chống phá hệ thống tư pháp, các cơ quan tiến hành tố tụng từ Trung ương đến địa phương, bôi nhọ, quy kết trách nhiệm cả nền tư pháp và các đồng chí trưởng ngành tố tụng từ 2008 đến nay, đặc biệt là đồng chí Chánh án của chúng tôi. Chúng tôi đánh giá đây là hành vi vi phạm pháp luật, chúng tôi đã có trao đổi với Bộ Công an xem xét những hành vi này cần xử lý như thế nào”, Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ bày tỏ.

Đặc biệt, ông nhấn mạnh, nguy hiểm hơn nữa là có tới 3 ĐBQH phát biểu không đúng nội dung vụ án, đưa ra những nhận xét chủ quan dựa trên thông tin mạng xã hội.

Do đó, Phó Chánh án Tòa Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cũng khuyến khích các báo chí và cơ quan truyền thông nếu có điều kiện có thể tiếp cận hồ sơ vụ án hoặc gặp bất cứ thẩm phán nào của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao để trao đổi xem quan điểm thế nào, có bị áp lực gì không và nhận thức về vấn đề này thế nào.

Thảo luận