Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư - GS.TS. Nguyễn Mại, hiện nay dịch Covid-19 đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đảo lộn, đứt gãy và Việt Nam hoàn toàn có thể thay Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới.
Việt Nam có thể thành công xưởng của thế giới thay Trung Quốc?
Thông tin thời gian gần đây nhóm Bộ tứ Kim cương gồm 4 quốc gia Ấn Độ- Thái Bình Dương gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ chính thức nối lại bốn bên sau thời gian 10 năm gián đoạn và mời Việt Nam, Hàn Quốc, New Zealand cùng thảo luận- Bộ tứ mở rộng (QUAD Plus) thu hút sự chú ý rất lớn từ dư luận quốc tế và Việt Nam. Có thể nói, vị thế đất nước của Việt Nam hiện nay đã hoàn toàn khác.
Xuất hiện nhiều quan điểm liên quan đến động thái này, theo đó, có suy luận cho rằng, Mỹ đang hướng đến việc xây dựng nhóm quốc gia “Mạng lưới kinh tế thịnh vượng”, trong khi nhiều chuyên gia khác đặt nghi vấn, Hoa Kỳ đang nỗ lực hướng đến mục tiêu chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi Trung Quốc – càng nhanh, càng tốt, để tránh những hệ lụy không mong muốn trong cuộc đối đầu trực diện giữa Washington và Bắc Kinh.
Thực tế, hiện vẫn chưa rõ những quốc gia nào sẽ nằm trong “Mạng lưới kinh tế thịnh vượng”, tuy nhiên, theo như Ngoại trưởng Pompeo đề cập trước đó, chính quyền Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, Hàn Quốc, New Zealand, Australia, Ấn Độ và Nhận Bản, thì đây sẽ là những quốc gia được Mỹ hướng đến nhằm tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đánh giá về quyết định của Bộ tứ Kim cương, động thái của Hoa Kỳ thể hiện sự quan tâm đặc biệt dành cho Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Mại chia sẻ với Tổ quốc nhận định, đây là cơ hội không phải bây giờ mới xuất hiện. Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), từ những năm 2003 - 2004, thế giới đã xuất hiện khái niệm “Trung Quốc +1”. Các công ty từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản hay Hàn Quốc đã nhận thức rằng cần chuyển hướng đầu tư sang một nước khác, thay vì lệ thuộc vào Trung Quốc. Việc Samsung, LG của Hàn Quốc chuyển gần hết sang Việt Nam chính là động thái từ “Trung Quốc +1”.
Theo vị chuyên gia, ở thời điểm hiện nay, sự dịch chuyển lại càng cấp thiết hơn bao giờ hết. Trong dịch bệnh, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy đã khiến trật tự thế giới bị đảo lộn. Ngay lập tức, chính phủ Mỹ đã hối thúc các doanh nghiệp rút khỏi Trung Quốc. Nhật Bản cũng tung ra gói hỗ trợ 2 tỷ USD để các doanh nghiệp rời Trung Quốc, chuyển đến nước khác.
“Xu hướng dịch chuyển này mở toang cơ hội cho Việt Nam, đặc biệt với các ngành, lĩnh vực 4.0, sản xuất thiết bị công nghệ cao. Theo tôi được biết, Apple đã chuyển hướng sang Việt Nam và dự kiến sản xuất 1/3 tổng lượng tai nghe Airpod bán ra trên toàn thế giới ở nước ta. Microsoft cũng có động thái tương tự”, GS.TS Nguyễn Mại nhấn mạnh.
Nhận định về lợi thế của Việt Nam trong cuộc đua đáp ứng chuỗi cung ứng toàn cầu với hàng loạt quốc gia khác, GS.TS Nguyễn Mại nhấn mạnh, Việt Nam có ba lợi thế rất lớn để kéo các nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển dòng vốn và dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang nước ta.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), yếu tố lợi thế then chốt đầu tiên chính là thành tựu của Việt Nam trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch Covid-19.
“Việt Nam đặc biệt thành công trong việc chống dịch, phản ứng chính sách của chúng ta rất tốt, cả thế giới coi Việt Nam là hình mẫu chống dịch. Điều này mang lại niềm tin cho các doanh nghiệp về môi trường đầu tư an toàn”, GS.TS Nguyễn Mại phân tích.
Yếu tố lợi thế đặc biệt thứ hai, theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư chính là sự chống chịu của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam rất tốt. Trong khi toàn cầu đang ghi nhận tăng trưởng âm thì Việt Nam đạt con số tăng trưởng 3,8% từ đầu năm. Cả năm 2020, nền kinh tế toàn cầu khả năng tăng trưởng âm từ 3-4%, riêng Mỹ dự đoán Quý II sẽ -40%, Anh -30%.
“Trong khi đó, ngay cả dự báo bi quan nhất thì Việt Nam vẫn tăng trưởng 2,7% trong năm 2020, và tăng 7% trong 2021, là mức tăng trưởng cao so với thế giới. Nếu để nói nước nào tăng trưởng kinh tế sớm nhất thì Việt Nam nằm trong nhóm đầu”, vị chuyên gia chỉ rõ.
Lợi thế thứ ba mà GS.TS Nguyễn Mại nêu ra chính là vị trí địa lý. Theo đó, Việt Nam ở rất gần Trung Quốc, do đó các doanh nghiệp chuyển dịch nhà máy rời Trung Quốc sang Việt Nam thuận lợi về mặt địa lý.
“Chúng ta vẫn đang có phần chậm hơn so với các nước khi phản ứng trước cơ hội này. Việt Nam từng bỏ lỡ nhiều cơ hội trong quá khứ, nay chiến lược toàn cầu ở các nước đang thay đổi có lợi cho mình, chúng ta không thể nào ngồi chờ được”, GS.TS Nguyễn Mại chia sẻ.
Việt Nam làm gì để đáp ứng chuỗi cung ứng toàn cầu?
Theo phân tích của nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, để nắm bắt cơ hội lần này, biến lợi thế thành kết quả, trước tiên Việt Nam phải thích nghi với sự thay đổi của thế giới bằng cách xem xét lại các quy định, đưa ra chính sách, cơ chế, cách làm để tận dụng cơ hội.
Trong quá trình này, vị chuyên gia nhấn mạnh ba vấn đề lớn. Theo đó, trước hết là về vấn đề đất xây dựng. Việt Nam hiện có hơn 350 khu công nghiệp, 17 khu kinh tế với quỹ đất trống khoảng 45%, đây là một sự thuận lợi và là cơ hội tốt để tuyên bố với các tập đoàn lớn rằng, Việt Nam sẵn sàng dành đất trống, ưu đãi giá thuê đất hợp lý, ổn định và thấp hơn nhiều so với Trung Quốc.
Tiếp đến, GS.TS Nguyễn Mại phân tích, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao nguồn nhân lực có tay nghề, kỹ thuật, kỹ năng đảm bảo.
“Hiện chất lượng lao động Việt đã được cải thiện đáng kể so với quá khứ. Các doanh nghiệp lớn như Samsung, Intel, Viettel hay Vingroup có đội ngũ quản lý, kỹ sư trình độ cao đều là người Việt. Công nhân người Việt Nam tại Samsung được đánh giá có năng suất tương đương công nhân Hàn Quốc. Đó là những điều tích cực và chúng ta cần phát huy hơn nữa”, GS.TS Nguyễn Mại chỉ rõ.
Thứ ba, theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) chính là cần chuẩn bị tốt về hạ tầng điện, nước, giao thông. Khi mọi thứ sẵn sàng, dòng vốn ngoại sẽ được hấp thụ sớm, tạo lực đẩy cho cả nền kinh tế.
Bình luận về lo ngại làn sóng chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam có thể dẫn đến tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”, thâu tóm và kiểm soát các doanh nghiệp trong nước, GS.TS Nguyễn Mại nhấn mạnh, cần nhìn nhận mọi thứ ở góc độ tích cực.
“Tôi lấy ví dụ, việc tập đoàn SK Group của Hàn Quốc đầu tư 1 tỷ USD vào Vingroup có phải định thâu tóm không? Không, họ đầu tư vì thấy tiềm năng phát triển của doanh nghiệp Việt và muốn đầu tư để hưởng lợi từ sự phát triển của Vingroup. Ở những thương vụ như thế, tất cả đều hưởng lợi”, vị chuyên gia dẫn chứng.
Tiếp đến, theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, thị trường chứng khoán Việt Nam đang rất hấp dẫn với các nhà đầu tư ngoại. Nhiều doanh nghiệp ngoại sẵn sàng đầu tư để tham gia vào hội đồng quản trị các doanh nghiệp trong nước. Điều này là tốt cho các doanh nghiệp nội.
GS.TS Nguyễn Mại đánh giá, trong bối cảnh mới, những doanh nghiệp trong nước có quy mô, nội lực dồi dào và đã có thành công sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong xu hướng dịch chuyển mới này. Có thể nói là những điểm tựa của nền kinh tế, kéo các doanh nghiệp khác vươn lên mạnh mẽ hơn.
Bàn về sự hỗ trợ của Nhà nước, Chính phủ, với tư cách Chủ tịch VAFIE, GS.TS Nguyễn Mại có đề nghị, theo đó, hiện nay mới có luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng chưa có luật hỗ trợ, thúc đẩy các tập đoàn lớn mạnh, dù theo ông, đây là câu chuyện “đại sự”.
“Việt Nam có thể lấy Hàn Quốc làm hình mẫu. Kinh tế Hàn Quốc tiến rất nhanh, trở thành nước đứng thứ 11 thế giới, dẫn đầu về công nghệ, công nghiệp, đó là nhờ các điểm tựa như Samsung, SK, LG, Lotte. Vai trò các tập đoàn lớn đối với nền kinh tế rất quan trọng, mặc dù số lượng ít nhưng đóng góp GDP, xuất nhập khẩu lại là chủ lực”, vị chuyên gia khẳng định.
Bên cạnh đó, theo GS.TS Nguyễn Mại, Việt Nam có hàng loạt doanh nghiệp “đầy nội lực”. Theo lời Chủ tịch VAFIE, Viettel hiện đã trở thành thế lực ngành viễn thông thế giới. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam từ chỗ làm thuê cho nước ngoài, bây giờ đã làm chủ công nghệ. Hay như Vingroup từ ông lớn bất động sản, dịch vụ đã chuyển hướng mạnh mẽ sang công nghiệp, công nghệ và đạt được rất nhiều thành tựu.
“Thời cơ đã đến, họ đều có thể trở thành những điểm tựa trong tương lai nếu nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Nhà nước”, GS.TS Nguyễn Mại khẳng định.
Đại dịch Covid-19 giúp Việt Nam thay máu nền kinh tế?
Hồi giữa tháng 5, phát biểu tại buổi sinh hoạt chuyên đề của CLB Café Số với nội dung “Làm gì để kinh tế Việt Nam phát triển sau đại dịch Covid-19”, TS. Trần Đình Thiên, Nguyên viện trưởng viện kinh tế Việt Nam, cho biết dịch bệnh Covid-19 là tình huống đặc biệt với cả thế giới và Việt Nam, đặt ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm.
Theo vị chuyên gia, Covid-19 đẩy nhiều vấn đề trở nên quyết liệt hơn, là tình thế phát triển mới cho Việt Nam. Dịch bệnh là yếu tố kích phát xung đột quốc tế và thời đại, thúc đẩy tư duy lại cấu trúc phát triển. Đây là một tổ hợp vấn đề ít thấy.
“Covid-19 có giá trị đánh thức, giúp chúng ta nhận thấy “sống thế” không ổn, cần, phải và có thể sống khác. Chúng ta chỉ cần một chiếc điện thoại di động là có thể ở nhà cả ngày, mua sắm, đi chợ mà không cần ra đường”, TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Ông Trần Đình Thiên bày tỏ, thế giới đang trong quá trình thay đổi cấu trúc chuỗi giá trị. Nếu dịch bệnh Covid-19 chỉ là yếu tố kích phát thì khi dịch bệnh này qua đi, việc thay đổi cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu còn diễn ra khốc liệt hơn.
“Đối với Việt Nam, nếu không nhận diện sự thay đổi này tốt thì chúng ta sẽ không tận dụng được cơ hội mới”, TS. Trần Đình Thiên đánh giá.
Chỉ ra vấn đề, sức bật của nền kinh tế hậu đại dịch do coronavirus sẽ phụ thuộc rất lớn vào khả năng đứng dậy của doanh nghiệp, tuy nhiên, TS. Trần Đình Thiên không cho rằng điều này phụ thuộc vào toàn bộ doanh nghiệp mà chỉ phụ thuộc vào một bộ phận nhất định.
Theo vị chuyên gia, có tới 96% doanh nghiệp Việt Nam ở quy mô nhỏ, siêu nhỏ, không có tính kết nối chuỗi. Với cấu trúc này, kinh tế sẽ khó đạt được trạng thái “bình thường mới”.
Trước đó, để phục hồi nền kinh tế, Chính phủ đã đưa ra những gói hỗ trợ. Tuy nhiên, với nguồn lực hữu hạn, cần có sự phân bổ hợp lý. Vậy nhóm doanh nghiệp nào, quy mô lớn hay nhỏ sẽ được chọn lựa.
“Cứu để doanh nghiệp hồi phục nhưng hồi phục là như thế nào? Cấu trúc doanh nghiệp của ta hiện nay yếu ớt và rã rời, vì thế mà sập hết. Bây giờ, Chính phủ cứu sống lại hệ thống ấy để làm gì? Tất nhiên, việc ban đầu là phải cứu đã nhưng tại sao không đặt vấn đề là cần tập trung tạo ra một hệ thống doanh nghiệp mới?”, TS. Trần Đình Thiên bày tỏ.
Theo TS. Trần Đình Thiên, việc giải cứu nền kinh tế phải tập tủng vào các doanh nghiệp còn nguồn lực vực dậy, dành nguồn lực cứu trợ để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp. Bởi một nguồn lực bỏ ra là nhằm đưa đất nước đi lên, nếu lãng phí vào doanh nghiệp ốm yếu thì sẽ không phù hợp.
“Cứu tử cho các doanh nghiệp đòi hỏi chi phí rất lớn, đổ nhiều sâm nhiều sữa lắm, tốn kém lắm mà chưa chắc nó đã sống được, đứng dậy lại ngã xuống rồi bị đập chết thôi. Vậy tại sao ta không dồn nguồn lực cho một hệ thống mới?”, vị chuyên gia nêu vấn đề.
TS. Trần Đình Thiên nhìn nhận, nếu cứu các doanh nghiệp cũ thì sau dịch bệnh vẫn là nền kinh tế cũ (li ti, nhỏ và vừa) nếu cứu các doanh nghiệp khởi nghiệp thì chúng ta sẽ có nguồn lực mới, nền kinh tế mới.
“Dịch Covid-19 là lý do để thay máu nền kinh tế tốt nhất. Chúng ta nên giành nguồn lực thỏa đáng cho bộ phận mang lại hiệu quả”, TS. Trần Đình Thiên nhận định.
TS. Thiên mong muốn việc khôi phục nền kinh tế sau dịch phải giữ được tinh thần “chống dịch như chống giặc” trong giai đoạn cao điểm chống dịch Covid-19.
Trong bài phát biểu của mình, TS. Trần Đình Thiên còn nêu quan điểm cho rằng, nếu không thay đổi tư duy và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Việt Nam có thể vuột mất cơ hội. Đơn cử như dòng vốn FDI. Trải qua 3 năm liên tiếp tăng trưởng tốt, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ thì FDI trong năm 2019 có tiềm ẩn nguy cơ khi số lượng dự án tăng 20% nhưng tổng vốn đăng ký đầu tư mới giảm 16%. Như vậy, quy mô dự án FDI vào Việt Nam giảm tới 40%.
“Điều này cho thấy 2 vấn đề: Thứ nhất, nhiều dự án FDI là từ Trung Quốc tràn sang Việt Nam nhằm tránh ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Các dự án này đa phần có quy mô nhỏ, tiềm ẩn nguy cơ công nghệ thấp, và tạo áp lực cạnh tranh đối với chính các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam. Thứ hai, Việt Nam bán được sang Mỹ rất nhiều nhưng nhập từ Trung Quốc cũng rất lớn dẫn đến việc phụ thuộc giao thương vào 2 nền kinh tế lớn này”, vị chuyên gia phân tích.
Đồng thời, TS. Trần Đình Thiên cũng nhấn mạnh, hiện nay, khu vực FDI đang có mức tăng trưởng vượt trội hơn kinh tế nhà nước, và hơn hẳn khu vực kinh tế tư nhân. Do đó, Việt Nam cần những chính sách hợp lý, có chọn lọc hơn để đón nhận cơ hội thay vì bỏ lỡ.