Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với một Ủy viên Bộ Chính trị (ông Hoàng Trung Hải bị Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo), một nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (ông Lê Thanh Hải bị cách chức Bí thư Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2010-2015), hai nguyên Thứ trưởng (Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ Đảng đối với Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) có sai phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc Ban Chỉ đạo theo dõi, xử lý.
Đồng thời, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng xác định đến hết năm 2020, phấn đấu kết thúc điều tra 13 vụ án, ban hành cáo trạng truy tố 17 vụ án, xét xử sơ thẩm 21 vụ án, xét xử phúc thẩm 7 vụ án đặc biệt nghiêm trọng.
Họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng
Sáng nay, 26/5, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến đối với một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo và một số nội dung quan trọng khác từ sau Phiên họp thứ 17 đến nay.
Tại cuộc họp này, theo Thông cáo phát đi từ Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (Ban Nội chính Trung ương), Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất nhiều nội dung quan trọng. Theo đó, từ sau Phiên họp Thứ 17 đến nay, mặc dù trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, nên công tác phòng, chống tham nhũng nói chung, công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo nói riêng tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, có những chuyển biến tích cực.
Ban Chỉ đạo cho biết, Đảng ủy Công an Trung ương, Thường vụ Quân ủy Trung ương, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban Nội chính Trung ương đã tích cực, khẩn trương lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kết thúc xác minh một vụ việc, kết thúc điều tra 8 vụ án với 49 bị can, ban hành cáo trạng truy tố 4 vụ án và 30 bị can, hoàn thành xét xử sơ thẩm 6 vụ án/17 bị cáo, xét xử phúc thẩm 3 vụ án/34 bị cáo.
Đồng thời, các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi gần 7.600 tỷ đồng. Cơ quan điều tra tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch các tài sản có trị giá 773,37 tỷ đồng, 2,23 triệu USD, 34 bất động sản, 5 ô tô và nhiều tài sản khác liên quan đến quá trình phạm tội của các bị cáo.
Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, Đảng ủy Công an Trung ương, Thường vụ Quân ủy Trung ương, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban Nội chính Trung ương đã phối hợp khẩn trương đưa ra xét xử một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm thời gian qua.
Điển hình như xét xử sơ thẩm vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm các quy định về quản lý đất đai Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Hải Thành, Quân chủng Hải Quân liên quan đến đất số 7-9 Tôn Đức Thắng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh (liên quan Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Cựu Tư lệnh Quân chủng Hải quân, cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến và cựu Thượng tá quân đội Đinh Ngọc Hệ (Út trọc, Phó Tổng Giám đốc công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng).
Xét xử sơ thẩm vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Chi nhánh Lũng Lô miền Nam, Công ty Lũng Lô (liên quan nguyên Đại tá Trần Quốc Dũng, Chánh Thanh Tra Xét Khiếu tố/Thanh tra Bộ Quốc phòng).
Đặc biệt, các cơ quan ban ngành đã xét xử phúc thẩm vụ án “Vi phạm về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ” xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone, Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan liên quan hai cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn cùng cựu Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ.
Xét xử phúc thẩm vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam liên quan cựu Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã Hội Lê Bạch Hồng cùng với nguyên Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Huy Ban cùng đồng phạm.
Xét xử phúc thẩm vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Đà Nẵng với hai cựu Chủ tịch UBND TP Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến và Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm).
Ban Chỉ đạo nêu rõ, Ban cán sự đảng Chính phủ đã lãnh đạo Thường trực Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương (Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông vận tải, UBND Thành phố Hồ Chí Minh) tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giám định, định giá tài sản, cung cấp tài liệu phục vụ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc. Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra Dự án nhà máy Đạm Hà Bắc.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với một Ủy viên Bộ Chính trị, một nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ Đảng đối với Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng…), 2 nguyên cấp Thứ trưởng có sai phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
“Những kết quả đạt được nêu trên tiếp tục khẳng định quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao”, Ban Chỉ đạo nhấn mạnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tập trung điều tra 5 đại án lớn
Tại cuộc họp sáng nay 26/5, Thường trực Ban Chỉ đạo nêu rõ những nhiệm vụ trong thời gian tới và đề nghị các cấp ủy tổ chức đảng cùng với việc quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19, phát triển kinh tế - xã hội và tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp, cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng và hoàn thành đúng tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xác minh, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế.
Đặc biệt, Thường trực Ban Chỉ đạo khẳng định, phấn đấu đến hết năm 2020 kết thúc điều tra 13 vụ án; ban hành cáo trạng truy tố 17 vụ án, xét xử sơ thẩm 21 vụ án, xét xử phúc thẩm 7 vụ án, kết thúc xác minh, xử lý 18 vụ việc theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Trong đó, tập trung điều tra, xử lý nghiêm minh, kịp thời sai phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong các vụ án nghiêm trọng.
Điển hình như vụ án “Buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Rửa tiền, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan (liên quan đối tượng Bùi Quang Huy và Sở Kế hoạch & Đầu tư TP.Hà Nội). Đối với vụ này, Cơ quan cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét nơi ở và nơi làm việc ông Nguyễn Văn Tứ, chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội và Phạm Thị Thu Hường, chánh văn phòng Sở Kế hoạch - đầu tư.
Thứ hai là vụ “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Ban Quản lý đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và các đơn vị liên quan. Về đại án này, hôm 15/5, ông Lê Quang Hào, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, bị bắt để điều tra về vi phạm trong quá trình thi công, nghiệm thu, dẫn đến gây thiệt hại khi thực hiện dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Trước đó, liên quan đến vụ án này, trước đó, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 người gồm Nguyễn Tiến Thành - nguyên giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Hà Văn Bình - nguyên giám đốc gói thầu số 7, Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Phạm Đình Phú - Phó Tổng giám đốc Công ty Phương Thành, giám đốc ban điều hành gói thầu số 5 và Nguyễn Thành An - thành viên Cienco 1, phó giám đốc ban điều hành gói thầu số 7.
Đại án thứ ba mà Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu xử lý chính là vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, Tham ô tài sản” xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) với bị can là ông Lê Tấn Hùng, cựu Tổng Giám đốc Sagri cùng với ông Trần Văn Trường - Giám đốc Công ty CP Du lịch Thanh niên xung phong, Đỗ Sĩ Hoài Thanh - kế toán trưởng, Đoàn Quang Hồi - giám đốc Công ty TNHH TMDV Lữ hành Hòa Bình Quốc tế (PIT Travel) và Nguyễn Thị Nguyên - kế toán trưởng PIT Travel trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng này.
Ban Chỉ đạo yêu cầu tập trung vào vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Tiếp đến chính là vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên có liên quan đến nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải.
Kết thúc theo dõi, chỉ đạo đối với 3 vụ án, một vụ việc
Cũng trong buổi làm việc sáng nay của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo với Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, các đại biểu đã cho ý kiến với đề án sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc số 07-QC/BCĐTW, ngày 09/4/2013 của Ban Chỉ đạo.
Ngoài ra, còn có báo cáo kết quả kiểm tra về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố có liên quan đến dấu hiệu tội phạm về trật tự quản lý kinh tế, chức vụ tại một số cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan chức năng, theo Kế hoạch số 222 ngày 26/9/2019 của Ban Chỉ đạo.
Các đại biểu dự họp cũng đã đồng thuận về việc cụ thể hóa, thể chế hóa quan điểm xử lý đối với các hành vi sai phạm trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp xảy ra thời gian trước đây.
Bên cạnh đó, tại cuộc họp này, Ban Chỉ đạo thống nhất kết thúc theo dõi, chỉ đạo đối với 3 vụ án, một vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo do đã được giải quyết theo quy định của pháp luật.