Sau phiên giám đốc thẩm dưới sự chủ trì của Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình kết luận y án tử hình như tòa sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên, gia đình và luật sư cũng đã cung cấp và giao nộp chứng cứ chứng minh Hồ Duy Hải ngoại phạm.
Trong khi đó, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng cần hủy bản án và điều tra lại vụ án Hồ Duy Hải. Phó Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng xác nhận, cá nhân ông sẽ có văn bản gửi đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Chủ tịch Quốc hội về vấn đề Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ có phát ngôn xúc phạm đại biểu Quốc hội liên quan vụ án Hồ Duy Hải.
Riêng ĐBQH Lê Thanh Vân có văn bản đề nghị Quốc hội vào cuộc vụ án Hồ Duy Hải và nhận định, phiên giám đốc thẩm của TAND Tối cao vừa qua có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng.
Kêu oan lên Chủ tịch nước và chứng cứ mới vụ án Hồ Duy Hải
Chiều nay 13 tháng 5, luật sư Lê Hồng Phong cùng với bà Nguyễn Thị Loan (mẹ của tử tù Hồ Duy Hải) cho biết đã gửi đơn kêu oan lên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và Tòa án Nhân dân Tối cao. Cùng với đó, gia đình cũng đã tiến hành trao đổi với đại diện một số cơ quan truyền thông, cung cấp thêm chứng cứ, thông tin mới khẳng định yếu tố ngoại phạm của Hồ Duy Hải.
Trước đó, như Sputnik đã thông tin, ngày 8 tháng 5, Hội đồng Thẩm phán (HĐTP) TAND Tối cao đã ban hành phán quyết giám đốc thẩm sau ba ngày tranh luận với đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao liên quan đến các tình tiết vụ án, thủ tục tố tụng và kết luận bản án vụ Hồ Duy Hải. Theo đó, HĐTP Tòa Tối cao đã bác kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao về hủy án sơ thẩm, phúc thẩm, tiến hành điều tra lại vụ việc, đồng thời Tòa Tối cao cũng đã giữ nguyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải liên quan đến cái chết của hai nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi, tỉnh Long An trong vụ án mạng tối ngày 13 tháng 1 năm 2008.
Trong chiều ngày 13 tháng 5, cùng với đơn kêu cứu, đại diện gia đình và luật sư Trần Hồng Phong cho hay đã giao nộp chứng cứ khẳng định Hồ Duy Hải ngoại phạm.
Theo luật sư Trần Hồng Phong, sau phiên tòa xét xử giám đốc thẩm, từ một số thông tin và hình ảnh vụ án mạng bất ngờ xuất hiện, ông đã rà soát lại hồ sơ vụ án và đã phát hiện ra thêm một tình tiết ngoại phạm của Hồ Duy Hải. Cụ thể, nếu xem xét lại biên bản khám nghiệm hiện trường và các tài liệu về pháp y thì cho thấy hung thủ sát hại nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi chắc chắn thuận tay trái.
“Đó là thông qua cơ chế hướng vết cắt trên cổ hai nạn nhân, cho thấy hung thủ sát hại hai nữ nhân viên chắc chắn phải là người thuận tay trái. Trong khi đó, tử tù Hồ Duy Hải là người thuận tay phải”, luật sư Trần Hồng Phong chia sẻ với báo giới.
Theo luật sư Trần Hồng Phong, sau khi vụ án xảy ra, ngày 14/1/2008, cơ quan điều tra đã cho khám nghiệm tử thi và giám định pháp y tử thi thể của 2 nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng (23 tuổi) và Nguyễn Thị Thu Vân. Theo đó, kết quả cho thấy hai nạn nhân đều bị cắt rất sâu ở vùng cổ. Đường cắt của nạn nhân Hồng là từ trái sang phải, nạn nhân Vân có hướng vết cắt từ phải sang trái.
Sau đó hai tháng, Hồ Duy Hải bị bắt và bị đưa ra truy tố, xét xử sau khi bị xác định chính Hải là hung thủ duy nhất, “đã dùng tay phải cầm dao cắt cổ hai nạn nhân từ phía trước”.
Tuy nhiên, theo luật sư Trần Hồng Phong, khi xem xét hướng vết cắt trên cổ hai nạn nhân, về mặt khoa học pháp y hoàn toàn xác định được hung thủ thuận tay trái.
Ngoài ra, luật sư Phong phân tích, đối với nạn nhân Hồng, khi bản giám định pháp y xác định trên cổ nạn nhân Hồng còn có vết cắt hướng từ trái sang phải, như vậy, nếu nếu hung thủ ngồi trên người nạn nhân, hướng phía trước và đối diện (giống tư thế của Hồ Duy Hải khi thực nghiệm điều tra và khai) cắt cổ nạn nhân, và có hướng cắt như từ trái sang phải thì chắc chắn hung thủ sẽ phải là người thuận tay trái.
Trong khi đó, Hồ Duy Hải là người thuận tay phải và theo thực nghiệm vụ án, Hải “tay trái cầm tóc nạn nhân, tay phải cầm dao lồng phía dưới tay trái cắt đi cắt lại 2 cái vào cùng cổ của Hồng làm đứt cổ họng”, thì không thể gây ra vết cắt có hướng từ trái qua phải trên cổ nạn nhân Hồng.
Vì Hồ Duy Hải là người thuận tay phải, vì vậy, luật sư Trần Hồng Phong cho rằng đây chính là tình tiết ngoại phạm mới của Hồ Duy Hải.
Đối với nạn nhân V., khi kết luận pháp y xác định có vết cắt từ phải sang trái, theo luật sư Phong, nếu hung thủ là người thuận tay trái thì cơ chế hình thành vết cắt sẽ là: hung thủ đứng phía sau nạn nhân.
Ngoài ra, luật sư Trần Hồng Phong nói, một bức ảnh hiện trường vụ án (chỉ mới xuất hiện trong 4 - 5 ngày nay) cho thấy tại vị trí nằm của nạn nhận Hồng, bên cạnh có tấm thớt dính đầy máu, sợi mì tôm được nấu chín rớt vãi xuống đất, đối chiếu với tình tiết trong hồ sơ “thức ăn trong dạ dày đã nhuyễn” cho thấy đêm xảy ra án mạng có thể có biểu hiện ăn uống vào giờ khuya, hung thủ gần như chắc chắn là người quen biết với một trong 2 nạn nhân.
Trên cơ sở lập luận khoa học pháp lý, luật sư Trần Hồng Phong đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác minh, kiểm tra lại tình tiết ngoại phạm về vết dao cắt trên cổ hai nạn nhân cho tử tù Hồ Duy Hải, tránh làm chết oan người vô tội, đồng thời, tránh bỏ lọt tội phạm.
“Theo các tài liệu về tội phạm học cho thấy tỷ lệ hung thủ cắt cổ nạn nhân từ phía sau cao hơn phía trước. Vì tư thế tấn công từ phía sau sẽ bất ngờ, khiến nạn nhân gần như không thể chống cự. Trong khi đó, nếu cắt cổ từ phía trước sẽ khó hơn nhiều vì nạn nhân dùng tay, chân chống cự lại. Trong vụ án này, gần như hung thủ là người rất thân quen hai nạn nhân, trong bối cảnh đã khuya và có ăn uống. Điều này cho thấy suy luận liên quan đến hai người yêu của nạn nhân là N.M.S và N.V.N. Tuy nhiên, rất tiếc trong hồ sơ vụ án không có thông tin xác định tình tiết ngoại phạm của hai người này”, nội dung đơn tố cáo nêu rõ.
Theo cáo trạng hiên đang được xem xét giám đốc thẩm, tối 13/1/2008, Hồ Duy Hải đến Bưu điện Cầu Voi nơi chị Nguyễn Thị Ánh Hồng (23 tuổi) và người em họ tên Nguyễn Thị Thu Vân (21 tuổi) làm việc để chơi.
Do nảy sinh ý định quan hệ tình dụng với chị Hồng nhưng không thực hiện được nên Hồ Duy Hải quyết định giết cả Hồng và Vân. Cụ thể, khi chị Vân đã ra ngoài, Hải kéo người chị Hồng vào phòng ngủ nhưng bị cự tuyệt. Tức giận vì bị cô gái đạp ngã vào tường, Hải đã dùng dao và thớt gỗ để gần đó sát hại nữ nhân viên. Vì sợ bị bại lộ, Hải phục sẵn rồi giết luôn chị khi cô này đi mua trái cây trở về.
Sau khi gây án, Hải lấy đi 1 triệu đồng, khoảng 40 - 50 sim điện thoại, 1 điện thoại Nokia và nữ trang của hai nạn nhân. Sau đó, Hải đem nữ trang đi TP.HCM bán lấy tiền được 3,7 triệu đồng.
Cuối năm 2008, Hải bị TAND tỉnh Long An tuyên phạt mức án tử hình. TAND Tối cao tại TP.HCM mấy tháng sau đã bác đơn xin giảm nhẹ hình phạt của Hải y án sơ thẩm.
Ngày 4/12/2014, Văn phòng Chủ tịch nước có công văn truyền đạt ý kiến của Chủ tịch nước về việc tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải, đồng thời yêu cầu chánh án TAND tối cao, viện trưởng Viện KSND tối cao chỉ đạo xem xét, làm rõ trường hợp Hồ Duy Hải có bị kết án oan, sai hay không và báo cáo Chủ tịch nước. Cùng ngày, Hội đồng thi hành án tử hình tỉnh Long An có quyết định hoãn thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải.
Ngày 22/11/2019, viện trưởng Viện KSND tối cao ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, đồng thời hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên với Hồ Duy Hải để điều tra lại.
Ngày 8/5, HĐTP TAND tối cao có quyết định giám đốc thẩm, bác kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, giữ nguyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải.
ĐBQH Lê Thanh Vân đề nghị Quốc hội giám sát vụ Hồ Duy Hải
Chiều 13 tháng 5, trao đổi với báo giới, ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội khẳng định, ông đã có văn bản gửi kiến lên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị giám sát và xem xét vụ án Hồ Duy Hải.
Nói về nội dung kiến nghị, ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng, ông thấy việc tổ chức phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải có nhiều dấu hiệu không phù hợp với pháp luật.
“Quan sát cá nhân của tôi thì có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng rồi. Nhưng để chắc chắn thì đầu tiên Quốc hội phải giám sát tối cao. Vậy nên tôi đề nghị hai hình thức giám sát”, ĐBQH Lê Thanh Vân nhấn mạnh.
Ông Lê Thanh Vân dẫn Điều 404 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định: Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu thì Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó.
Vị ĐBQH phân tích, thứ nhất, thành phần Hội đồng Thẩm phán không bảo đảm tính vô tư, khách quan, khi Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình - Chủ tọa phiên tòa, cũng là người đã không kháng nghị bản án này khi nắm cương vị Viện trưởng Viện KSND tối cao, là việc vi phạm một số điều của bộ luật Tố tụng hình sự.
Thứ hai, nguyên tắc suy đoán vô tội đã không được áp dụng triệt để, trong khi nguyên tắc này là tinh thần cải cách tư pháp rất tiến bộ của Việt Nam. Thứ ba, Hội đồng Thẩm phán của phiên giám đốc thẩm đã tạo ra một tiền lệ rất nguy hiểm, khi cho rằng sai phạm trong tố tụng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án.
Theo đại biểu Vân, sự “nguy hiểm” thể hiện ở chỗ, đây là phiên tòa ở cấp cao nhất của hệ thống xét xử, là tấm gương cho các phiên tòa cấp dưới.
Với những phân tích này, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị Quốc hội có 2 hình thức giám sát. Theo đó, một là, Quốc hội ngay kỳ họp sắp tới này tổ chức riêng một phiên chất vấn công khai, trực tiếp đối với chánh án TAND Tối cao. Hai là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lập đoàn giám sát riêng, hoặc trên cơ sở báo cáo giám sát của Ủy ban Tư pháp đã tiến hành, nay giám sát bổ sung.
Từ kết quả giám sát ấy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định có yêu cầu Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xem xét lại bản án hay không.
Nói về khả năng nếu có tổ chức xem xét lại vụ án khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu thì vẫn sẽ là Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao gồm 17 thẩm phán đã biểu quyết không chấp nhận kháng nghị của Viện KSND tối cao, thì việc xem xét lại vụ án có tác dụng gì không, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng: Trong quy định của điều 404 bộ luật Tố tụng hình sự 2015, có những điểm khác nhau ở các chủ thể có thể đưa ra tác động thay đổi quyết định đã tuyên của phiên tòa giám đốc thẩm, trong đó, địa vị pháp lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là khác với các chủ thể khác.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu thì buộc Hội đồng Thẩm phán phải xem xét lại vụ án, khác với kiến nghị của Ủy ban Tư pháp hay kiến nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao, thì Hội đồng Thẩm phán sẽ xem xét kiến nghị đó có hợp lý, hợp pháp hay không, rồi mới quyết định đến nội dung. Còn yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là buộc phải xem xét lại nội dung vụ án”, Thanh Niên dẫn lời đại biểu Lê Thanh Vân lý giải.
“Đây là vấn đề xã hội rất quan tâm, xem xét lại vụ án là việc làm bảo vệ sự tuân thủ nghiêm minh pháp luật, trừng trị tội phạm đúng người, đúng tội, nhưng phải tránh oan sai. Đây là một kỳ vọng xã hội đang mong mỏi, nên diễn đạt như Phó chánh án TAND tối cao Nguyễn Trí Tuệ là tấn công vào hệ thống tư pháp là không hợp lý, nại vào lý do đó để bào chữa, bao biện cho hành vi có thể sai của mình là không được”, ĐBQH Lê Thanh Vân thẳng thắn.
Ba ĐBQH Việt Nam lên tiếng về phát ngôn nguy hiểm vụ án Hồ Duy Hải
Trước đó, chiều qua, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ trong buổi giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Trung ương đã cho biết về việc có ba ĐBQH phát ngôn không đúng về nội dung vụ án Hồ Duy Hải.
“Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin bịa đặt về vụ án, kêu gọi chống phá hệ thống tư pháp, các cơ quan tiến hành tố tụng từ Trung ương đến địa phương, bôi nhọ, quy kết trách nhiệm cả nền tư pháp và các đồng chí trưởng ngành tố tụng từ 2008 đến nay, đặc biệt là đồng chí Chánh án của chúng tôi. Chúng tôi đánh giá đây là hành vi vi phạm pháp luật, chúng tôi đã có trao đổi với Bộ Công an xem xét những hành vi này cần xử lý như thế nào”, Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ cho hay.
Đặc biệt, ông nhấn mạnh: “Nguy hiểm hơn nữa là có tới 3 ĐBQH phát biểu không đúng nội dung vụ án, đưa ra những nhận xét chủ quan dựa trên thông tin mạng xã hội”.
Dù ông Nguyễn Trí Tuệ không chỉ đích danh “ba ĐBQH” nào nhưng sau phát ngôn này của Phó Chánh án TAND Tối cao, ngày 13 tháng 5, lần lượt các ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, Lưu Bình Nhưỡng và Lê Thanh Vân đã có phản hồi.
Theo đó, ĐBQH Lê Thanh Vân chia sẻ cho biết, những phát ngôn của ông trên báo chí cũng nhất quán với những gì đã báo cáo với Quốc hội về vụ án Hồ Duy Hải.
“Nếu nói nguy hiểm thì không biết là nguy hiểm ở chỗ nào? Ông Lê Thanh Vân nêu vấn đề.
Vị đại biểu cũng nêu rõ, cá nhân ông chưa bao giờ khẳng định Hồ Duy Hải oan mà chỉ nêu quan điểm về những tình tiết cần được làm rõ trong vụ án.
Chia sẻ trên trang Facebook cá nhân, đại biểu Lê Thanh Vân cho biết, đã tìm mãi trong Hiến pháp cùng các đạo luật về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, nhưng không thấy quy định nào cho phép Phó Chánh án TAND tối cao được “kết tội” đại biểu Quốc hội là phát ngôn “nguy hiểm”.
Cá nhân ông Lê Thanh Vân cho rằng, ông chỉ thực hiện quyền giám sát của đại biểu Quốc hội – “người mà Hiến pháp trao sứ mệnh đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân”.
Chung nhận định với ĐB Lê Thanh Vân, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban dân nguyện Quốc hội cho biết:
“Đại biểu Quốc hội đại diện cho dân phát biểu một số ý kiến về vụ án thì làm sao gọi là nguy hiểm”, ông Nhưỡng nói.
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, ông không kết luận vụ án, cũng không bênh vực mù quáng cho Hồ Duy Hải, mà chỉ bàn rằng với những chứng cứ ấy, cách điều tra ấy, liệu có đủ căn cứ để kết tội Hồ Duy Hải hay không.
“Vị Phó chánh án TAND tối cao không nhắc đích danh ai, nhưng cả xã hội đều biết đang định nói ai. Phó Chánh án TAND tối cao phát biểu như thế là xúc phạm đến đại biểu Quốc hội. Liệu có sự cản trở hoạt động của Quốc hội theo hiến pháp và pháp luật quy định ở đây không?”, ĐB Lưu Bình Nhưỡng băn khoăn.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, người đề xuất hủy án, điều tra lại vụ Hồ Duy Hải cũng xác nhận ông sẽ có ý kiến về vấn đề này với Quốc hội.
“Trước đây và đến bây giờ tôi chỉ phát biểu trong vụ án đó thôi, đến giờ ông Tuệ nói về cá nhân một số đại biểu như vậy thì lại là vấn đề khác. Tôi sẽ ý kiến vấn đề này đến Quốc hội”, ĐB Trương Trọng Nghĩa bày tỏ.
“Tôi thấy những luận cứ mà HĐTP TAND tối cao đưa ra chưa đủ sức thuyết phục để giải quyết hết những vấn đề được nêu ra bởi Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và kháng nghị của Viện KSND tối cao. Khi chưa giải quyết được hết những vấn đề đó thì quyết định giám đốc thẩm sẽ làm nhiều người lo ngại, băn khoăn nhiều điểm”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nêu rõ.