Nhân tiện xin nói thêm, hầu hết các biên tập viên và nhà báo Nga của Sputnik Việt Nam đều tốt nghiệp học viện đặc biệt này.
Theo Giáo sư Nadezhda Bektimirova, kinh nghiệm phong phú về phát triển kinh tế xã hội được tích lũy bởi các quốc gia trong khu vực, sự ổn định chính trị tại đó, cũng như lời đáp mà các nước Đông Nam Á đưa ra trước các đe dọa và thách thức trong thời đại chúng ta… chắc chắn là các vấn đề quan tâm để nghiên cứu một cách toàn diện,
Phần đầu tiên của cuốn sách mới gồm bốn chương phân tích vị trí của khu vực trong hệ thống quan hệ kinh tế và thương mại quốc tế, chính sách năng lượng và các biện pháp chống khủng bố của các nước Đông Nam Á, cũng như hoạt động tích cực của họ trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Ba chương của phần thứ hai bàn về một loạt các vấn đề dân chủ hóa qua ví dụ của Indonesia, Thái Lan và Campuchia, cho thấy các mô hình khác nhau về cách tiếp cận cải cách tự do.
Phần thứ ba của chuyên khảo, lớn nhất về khối lượng và số lượng bài viết được dành cho chủ đề Việt Nam. Các nhà khoa học Moskva lưu ý rằng, sự chú ý như vậy đối với đất nước này xuất phát từ tầm quan trọng của Việt Nam đối với Nga, bởi Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có quan hệ với Nga được đưa lên mức hợp tác chiến lược toàn diện. Năm bài viết của họ phản ánh các khía cạnh khác nhau trong sự phát triển lịch sử và văn hóa của nhà nước Việt Nam, điều mà trước đây chưa được ngành Việt Nam học của Nga dành sự chú ý riêng trong các nghiên cứu.
Chẳng hạn, giáo sư Andrei Fedorin đã phân tích đặc tính cụ thể trong việc biên soạn lịch sử Trung cổ của Việt Nam và chỉ ra rằng, với cách đọc thích hợp có thể tách ra những thông tin ẩn.
Trả lời phỏng vấn Sputnik, ông Andrei Fedorin lưu ý rằng các tác giả biên niên sử, đặc biệt là các nhà biên soạn chính thức thường phải đối mặt với những tình huống phức tạp. Một mặt, vì các lý do chính trị, việc mô tả một cách trung thực những hành động vô đạo của chính quyền đương thời hoặc những sự kiện làm mất uy tín của triều đình là điều không thể chấp nhận. Nhưng mặt khác, đạo đức Nho giáo không cho phép họ cố tình dối trá về những gì đã xảy ra, đặc biệt là khi nói đến các sự kiện phổ biến rộng rãi. Sự kết hợp của các yếu tố này đã hình thành nên những kỹ thuật đặc biệt trong việc chép sử Việt Nam, khi sự kiện khó nêu lên của chính quyền hiện tại xuất hiện trên các trang biên niên sử dưới cái gọi là “chỉ dấu ẩn”. Chỉ những người được biết tính chất sự kiện mới có thể hiểu chúng. Khi triều đại mới lên nắm quyền, không còn cần thiết che giấu các hành động vô đạo của những người tiền nhiệm. Hơn nữa, họ thậm chí còn tập trung sự chú ý của độc giả để chứng minh tính hợp pháp của triều đại mới. Khi đó, biên niên sử được sửa chữa, và các “chỉ dấu ẩn” được phơi bày một cách công khai.
Giáo sư Fedorin đưa ra ví dụ về những “chỉ dấu ẩn” như vậy trong Đại Việt sử ký toàn thư, phần đề cập đến hậu duệ của Lê Lai, vụ tru di tam tộc Nguyễn Trãi, sự lên ngôi của các hoàng đế Lý Thánh Tông và Lê Thái Tông, thời Trịnh Nguyễn phân tranh năm 1648, cũng như cuộc xung đột nội bộ chúa Trịnh trong thập kỷ thứ ba của thế kỷ 17.
Bài viết của ông Maksim Sunnerberg, Phó giáo sư Học viện IAAS trực thuộc trường đại học quốc gia Moskva (MGU), được công bố trong chuyên khảo, là nỗ lực đầu tiên để lấp đầy khoảng trống trong ngành Việt Nam học của Nga.
Trả lời phỏng vấn Sputnik, ông Maksim Sunnerberg cho biết: “Tuy ngành Việt Nam học của Nga có nhiều nghiên cứu trong các lĩnh vực lịch sử chính trị và kinh tế xã hội, tôn giáo và văn hóa của Việt Nam, nhưng không thể tự hào về thành tựu nghiên cứu luật pháp Việt Nam. Trong các tài liệu tham khảo cũng như trong các tài liệu giáo khoa được xuất bản thời Liên Xô và hậu Liên Xô, trên thực tế không có thông tin về hệ thống pháp luật của Việt Nam truyền thống và đương đại. Mục tiêu của tôi là giới thiệu độc giả, ít nhất là ngắn gọn, với lịch sử hình thành pháp luật Việt Nam, trước hết là luật dân sự, bắt đầu từ Bộ luật xuất hiện dưới triều đại Lý Thái Tông năm 1042.”
Cụ thể, tác giả bài viết lưu ý rằng, đối với người Nga, vấn đề khó hiểu nhất trong đặc điểm luật pháp ở Việt Nam là mối tương quan giữa lý và tình, và sự ưu tiên ban đầu được dành cho cái tình. Và các quy định pháp lý trong quan hệ xã hội được coi là biện pháp hỗ trợ bắt buộc.
Nhà khoa học Moskva phân tích các điều chính của Bộ luật Gia Long, ảnh hưởng của Bộ luật Napoléon đối với sự hình thành luật dân sự Việt Nam, hoạt động pháp điển hóa của chính quyền thực dân Pháp và kết thúc bài báo bằng cách so sánh Bộ luật dân sự Bắc Kỳ và An Nam.
Phần dành cho Việt Nam trong tập chuyên khảo xuất bản tại Moskva cũng bao gồm các bài viết về sự phản ánh các sự kiện kháng chiến chống Pháp trong lịch sử Việt Nam, về chủ đề thành phố Hà Nội, về nghệ thuật Việt Nam hiện đại và tiểu thuyết Bướm Trắng của nhà văn Nhất Linh.